High & Low
NAG Thiên Minh: Vẻ đẹp luôn hiện hữu xung quanh từ những điều nhỏ bé
Chúng tôi có hẹn với Thiên Minh đến thăm triển lãm Hoa Mắt vào một chiều tháng Năm. Người nghệ sĩ có mặt từ sớm, vui vẻ đưa chúng tôi đi một vòng triển lãm, kể chúng tôi nghe về một vòng đời, một hành trình phát triển của những xúc cảm qua đôi mắt, về những cái gì đã đi qua đôi mắt mình từ những ngày ngây thơ đến những ngày từng trải và để chúng tôi thực hiện một trong những bài phỏng vấn đặc biệt nhất trên Chaubuinet. Không có kịch bản, cũng chẳng có những câu hỏi được lên kế hoạch trước, bài viết đơn thuần là góp nhặt những tâm tư của người nghệ sĩ đặt trong những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm.
Thông qua những tấm hình chúng ta có thể phần nào hiểu được phong cách và tinh thần người nghệ sĩ. Sẽ thật khó để chúng tôi có thể kể lại chi tiết từng tác phẩm ở đây. Có những cảm xúc, câu chuyện Chaubuinet sẽ dành để các độc giả tự đánh giá, có cảm xúc cho riêng mình.
Bén duyên với nhiếp ảnh đến nay đã hơn 10 năm, Thiên Minh để lại ấn tượng cho khán giả với những tấm hình đơn sắc nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc. Trong một thập kỷ qua, Thiên Minh đã thực hiện biết bao tấm hình, gặp gỡ bao nhân vật, lưu lại những tâm chân dung, ghi lại đủ các trạng thái cảm xúc của cuộc sống. Thế nhưng đến bây giờ Thiên Minh mới chính thức thức ra mắt một triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Hoa Mắt – như một cột mốc quan trọng đánh dấu 10 năm thực hành nhiếp ảnh của mình.
“Thiên Minh nghĩ rằng thời gian 10 năm qua là thời gian mình thai nghén. Tất cả những gì Thiên Minh quan sát, nhìn nhận, học tập, trải nghiệm trong cuộc sống, mình lưu lại, ấp ủ rèn luyện cho nó. Sau quá trình thai nghén đó thì cũng đến lúc mình muốn cho những ý tưởng suy nghĩ của mình được chào đời. Hoa Mắt là một dự án như vậy. Và chắc chắn trong thời gian tới Minh hi vọng sẽ thực hiện mang thêm nhiều dự án khác đến công chúng.”
Những ngày qua, Sài Gòn bước vào mùa hè với những ngày nắng đậm. Dẫu vậy, trước không gian Medium Gallery – nơi triển lãm Hoa Mắt của Thiên Minh đang diễn ra người ta vẫn thấy những hàng người xếp dài đợi để được ngắm nhìn cuộc sống qua ống kính hay chính qua đôi mắt của anh.
Cái tên “Hoa Mắt” Thiên Minh đặt cho triển lãm cá nhân của mình một cái tên rất gợi hình. Trong khi “Hoa” là một đại diện của thiên nhiên thì “Mắt” lại biểu trưng cho con người, còn “Hoa mắt” lại mà một trạng thái mơ hồ. Gặp gỡ người nghệ sĩ trong không gian triển lãm chúng tôi không khỏi tò mò, hỏi anh về ý tưởng khởi nguồn cho dự án đặc biệt này.
“Với triển lãm cá nhân đầu tiên Minh muốn chọn một chủ đề gần gũi, chủ đề mà tất cả mọi người dễ dàng đồng cảm được. Minh nghĩ đến “Hoa”. Hoa sinh ra và đến với cuộc sống với mục đích là làm đẹp, tô điểm cho cuộc sống. Chúng ta nhìn hoa, nhìn vẻ đẹp cuộc sống qua đôi mắt của mình. Mắt là phương tiện, là ống kính. Hai thứ ghép lại với nhau là Hoa Mắt. Đây cũng là một cách chơi chữ, vì khi ghép với nhau thì mình có một trạng thái. Đó là trạng thái khi chúng ta nhìn vào một cái gì đó quá lâu và quá sâu sắc đến mức nhìn thấy được những ảo ảnh. Và chúng ta gọi đó là “Hoa Mắt”.
Khác với những lần chụp hình được lên kế hoạch chi tiết chụp những gì, như thế nào, cảm hứng nhiếp ảnh của Thiên Minh trong triển lãm Hoa Mắt đến từ những điều nhỏ nhặt bình dị cùng những câu chuyện đời thường. Trong 6 tháng thực hiện với 33 tác phẩm, Thiên Minh luôn mang bên mình chiếc mảy ảnh. Anh đi xung quanh, đến mọi nơi trong vòng 6 tháng, theo dõi sự biến đổi của cảm xúc và lưu giữ lại những cảm xúc đó theo một cách ngẫu nhiên.
“Đến đâu gặp hoa Minh cũng chụp lại, dù đó là những bông hoa còn đang rực rỡ hay đã úa tàn. Bởi giống như con người, sự phát triển của những loài hoa cũng đi theo nhiều giai đoạn, mỗi một giai đoạn lại có một vẻ đẹp riêng. Chúng ta đâu chỉ đẹp ở độ tuổi đôi mươi. Mà đến khi 30 tuổi, 40 tuổi hay 70 tuổi con người vẫn sẽ đẹp. Đó là nét đẹp đi theo thời gian, theo từng lứa tuổi. Minh trân quý tất cả những giai đoạn của con người và mong muốn đặt nó trong sự tương quan với loài hoa.”
Và con đường tìm về những mùa hoa hay hành trình ngắm nhìn vẻ đẹp của cuộc sống qua con ngươi đen láy của chúng tôi tại Hoa Mắt bắt đầu với hai tác phẩm hoa hướng dương, dẫu không mang nắng nhưng vẫn đầy hi vọng.
“Đây là hai bức hình Minh chụp ở Đà Lạt, về một rừng hoa hướng dương đã bị đốn. Hoa hướng dương mang màu của nắng, là tượng trưng cho sự rực rỡ, hi vọng vào ngày mai. Nhưng những bông hoa hướng dương Minh thấy, vì một lý do hay một tác nhân nào đó thì đã bị đốn bỏ. Minh thấy hiếm ai sẽ chụp lại bông hoa hướng dương khi nó đã úa tàn. Như câu chuyện Minh nói trước đó về mỗi tương quan giữa hoa và người. Minh thấy những bông hoa hướng dương này cũng giống như con người, vì một biến cố nào đó khiến họ gục gã, khiến họ bị lãng quên. Nghĩ về điều đó Minh thấy rất là thương. Vậy nên Minh đã cầm bông hoa dựng lên, chụp hai tấm hình, một là bông hoa nằm giữa rừng hoa đã bị đốn, tấm còn lại là bông hoa đứng trên nền tường trắng. Minh cho rằng đó là một điều kì diệu khi một bông hoa đã héo tàn vẫn có thể đứng lên được. Nó tạo cho mình một cảm xúc rằng dẫu cuộc sống có vùi dập, có mang giông tố như thế nào chúng ta vẫn còn cơ hội. Nếu đủ mạnh mẽ mình vẫn sẽ có thể đứng dậy được, dù cho ta mang bao nhiêu trầy xước, bao nhiêu vết tích khi đi ra khỏi cơn giông.
Hai bức hình này khi mọi người nhìn có thể sẽ có cảm giác đượm buồn nhưng đằng sau nó là một câu chuyện tích cực mà Thiên Minh muốn mang đến cho mọi người.”
Thiên Minh đã bắt đầu triển lãm của mình với một câu chuyện về niềm tin và hi vọng đứng dậy sau giông bão. Vậy mà đi thêm vài bước nữa, chúng ta lại tiếp tục có thêm một bông hoa “chết” ở đây?
Các bạn có thể thấy là đây là một bức tường rất lớn, nhưng Minh chỉ để một bức hình ở đây như vậy vì Minh muốn truyền tải thông điệp mọi thứ trong đời đều có sự xoay vòng. Minh hi vọng bông hoa chết ở đó sẽ tái sinh thành một con người ở một đời sống sau.
Mỗi chúng ta đều đã từng là một đứa trẻ và đến khi trưởng thành vẫn sẽ có một đứa trẻ bên trong mình. Ít nhất ai cũng được cưu mang 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ. Thiên Minh nghĩ đó là một giai đoạn tuyệt vời. Từ khoảnh khắc chúng ta được sinh ra, chúng ta sẽ là một cá thể độc lập. Vậy nên Minh thấy thời gian khi ta còn ở trong cơ thể mẹ rất thiêng liêng. Minh muốn lưu lại bức chân dùng đầu tiên của mỗi con người – tấm hình siêu âm trong bụng mẹ. Ý tưởng cho bức hình này là từ đó. Thông qua bức hình Minh muốn mọi người sẽ nhớ về đứa trẻ bên trong mình.
Khi còn bé chúng ta nhìn vạn vật xung quanh một cách tích cực, đầy màu sắc dù chúng ta chưa có nhiều kiến thức về cuộc sống. Ngày bé chúng ta muốn lớn thật nhanh và đôi khi trong hành trình trưởng thành với nhiều bộn bề công việc chúng ta quên mất đứa trẻ bên trong mình. Rồi đến khi trưởng thành, mình nhìn mọi thứ một cách rõ ràng hơn thì nhiều khi ta chỉ muốn làm trẻ con trở lại, Bản thân Thiên Minh cũng vậy, cũng có những giai đoạn anh nghĩ ước gì mình là trẻ con. Thiên Minh hi vọng rằng mọi người sẽ luôn tìm lại được đứa trẻ bên trong mình, để nhớ lại hành trình ấm êm, bình an, và đầy yêu thương đó.
Câu chuyện này sẽ được nối tiếp bởi căn phòng có màn chiếu và camera ở đây. Thiên Minh nghĩ con mắt là cái thật lòng nhất sau bộ não mình. Đôi mắt không biết nói dối. Điều Thiên Minh muốn khi mọi người đến với tác phẩm này là mọi người sẽ có sự tĩnh lại. Trong một không gian yên ắng, mọi người ở đây, ngồi xuống, quan sát đôi mắt của chính mình và hồi tưởng lại thời gian trôi qua con mắt. Chúng ta đã thay đổi như thế nào? Những gì đã lướt qua cuộc sống của chúng ta? Con mắt mình có đang in dấu thời gian và ta còn nhìn thấy được đứa trẻ bên trong mình qua đôi mắt ấy?
Thiên Minh dẫn chúng tôi lên cầu thang để đến không gian tầng hai của Hoa Mắt. Cầu thang đưa người xem đi qua 4 tác phẩm màu lớn của triển lãm. Những bức hình là sự ảo ảnh được lấy cảm hứng từ những mơ hồ, không rõ ràng của đôi mắt của những người cận thị. Cuộc sống kỳ diệu ở chỗ mỗi người trong chúng ta đều có một lăng kính của riêng mình. Đôi mắt chúng ta, không ai giống ai. Bởi vậy cách mỗi người nhìn sự sống xung quanh cũng khác nhau. Bốn tác phẩm theo góc nhìn của người nghệ sĩ đó là ngũ quan mơ hồ của một gương mặt. Người nghệ sử dụng những kỹ thuật trong nhiếp ảnh để tìm câu trả lời cho câu hỏi, khi họ không có kính thì họ nhìn những người yêu thương của mình như thế nào.
Có nhà văn từng nói mắt là tạo vật cô đơn nhất của thế gian, nằm đơn độc trong hốc mắt mà không cả biết rằng chỉ cách nó một inch, có một nhân bản giống hệt nó, cũng đang khao khát được níu lại một thế giới đi qua. Nhưng chẳng phải chỉ có hai đồng tử không nhìn được thấy nhau, chúng ta cũng chẳng thể tự nhìn được đôi mắt của chính mình. Thế nhưng sẽ luôn có cách, để ta nhìn vào sâu bên trong đôi mắt và tìm được lại hành trình trưởng thành qua đôi mắt của mình, Trong hành trình trải nghiệm chúng tôi bắt gặp tác phẩm “When you see yourself, I see you too”, là một tấm gương phản chiếu với những đôi mắt được in dấu trong gương. “Khi ta đứng trước gương ta nhìn thấy bản thân mình. Trong sự soi chiếu đó nếu chúng ta tìm được mình, thấy được bản ngã của mình thì những ánh mắt nhìn của người khác sẽ bớt quan trọng đi.” Thiên Minh chia sẻ về tác phẩm.
Trước khi đến với triển lãm, có một căn phòng chúng tôi đã được thấy rất nhiều trên mạng xã hội và không khỏi tò mò về cách người nghệ sĩ bố trí không gian. Đó là một căn phòng được bao quanh bởi rất nhiều đôi mắt, với các kích thước khác nhau, to có, nhỏ có.
Dường như tất cả những đôi mắt ở đây đều lớn hơn mắt của chúng ta?
Căn phòng này Thiên Minh làm mang một ý nghĩa là ai cũng có hai đôi mắt để nhìn đời, để đánh giá mọi thứ mình yêu ghét. Đôi khi con người ta sẽ cho rằng đôi mắt của mình rất lớn và sự đánh giá dành cho vạn vật của nó rất là quan trọng. Nhưng khi chúng ta bước vào căn phòng này, các bạn sẽ chỉ có một mình và rất nhiều ánh mắt đổ vô người bạn, thậm chí những đôi mắt đó còn to bằng nửa cơ thể bạn và được đặt ở những vị trí cao hơn, thì bỗng nhiên trong cái giây phút này chúng ta có thể sẽ thấy những đánh giá phán xét của mình nó nhỏ đi.
Ý tưởng khi Minh làm căn phòng này đến từ việc Minh là một người rất thích nhạc Trịnh Công Sơn. Nhạc Trịnh có một bài nhạc rất hay mà không nhiều người biết là Những con mắt trần gian. Ca khúc đó bắt đầu bằng một câu là “những con mắt tình nhân nuôi ta biết nồng nàn, những con mắt thù hận cho ta đời lạnh câm”, có ý nghĩa là con mắt chúng ta nhìn đời như thế nào thì cuộc đời sẽ quay ngược trở lại, nhìn chúng ta giống như vậy. Nên nếu mình nhìn nhận cuộc đời tươi đẹp, không phán xét thì mình sẽ nhận lại những điều tươi đẹp khác trong cuộc sống.
Được trưng bày một cách khiêm nhường trong một góc hành lang là tác phẩm “I’m waiting for my husband” với hai tấm hình đơn sắc. Tác phẩm này chắc hẳn cũng có một câu chuyện đặc biệt, khi mang trong nó là cả dáng người và bóng hoa?
Có một câu chuyện tình yêu thú vị đằng sau tấm hình này. Lý do Thiên Minh đặt tấm hình ở đây vì nó được chụp từ đúng góc nhìn như vậy. Như Minh có chia sẻ quá trình thực hiện Hoa Mắt là một quá trình Minh quan sát, ghi lại và thu gom những chất liệu xung quanh cuộc sống. Có một hôm Minh bắt gặp một cô cỡ gần 70 tuổi đang quay mặt về phía bờ sông, trên tay cầm một cái bông. Khi bắt gặp hình ảnh đó Minh mới lùi lại để ngắm để nhìn và rồi chụp lại. Thấy thú vị nên Minh có đến gần và hỏi: “Cô ơi cô đứng đây làm gì vậy cô?” và nhận được câu trả lời là “Cô đang đợi chồng mình.” Sau đó cô kể cho Minh nghe câu chuyện chồng cô bị tai biến. Chú đã vượt qua được căn bệnh nhưng đôi chân đi lại vẫn rất khó khăn. Minh nghĩ rằng chú tuổi cũng gần 70 rồi, nhưng trong chú vẫn có một ý chí rất mạnh mẽ, độc lập. Chú không muốn ai dìu, ai đỡ mà muốn có thể tự mình đi đến công viên. Và chú còn có một người vợ sẵn sàng đợi chú. Cô chú mỗi ngày đều đi bộ đến công viên, chú đi chậm thì cô đợi chú.
Minh nghĩ rằng khi ngoài 30, nhiều người bắt đầu muốn cuộc sống của mình sẽ có những cái đơn giản, bình an hơn thì họ sẽ thấy quanh mình đều là những câu chuyện lãng mạn và đáng để được gìn giữ. Với Minh đây là một câu chuyện cực kỳ lãng mạn. Dẫu cô chú đang ở trong một tình trạng không thật sự khỏe mạnh nhưng cái tinh thần lạc quan trong cuộc sống của cô chú, tập luyện để bình phục, cố gắng hướng đến điều tốt đẹp hơn là điều Minh rất trân quý. Thêm nữa là có lẽ dù mình đôi mươi, hay 70,80 thì chúng ta vẫn sẽ cần một tình yêu, vẫn hạnh phúc khi biết có một người sẵn sàng chờ đợi mình. Dù thời gian có trôi, trong chúng ta vẫn luôn có một tâm hồn tươi trẻ bên trong. Trên tay cầm bông hoa, trong lòng đợi người thương. Minh nghĩ không quan trọng tuổi bao nhiêu, chúng ta ai cũng sẽ cần những điều mà Minh nói trên.
Câu chuyện bình dị mà Thiên Minh tái hiện phần nào thể hiện rất rõ tinh thần cũng như con người của nhiếp ảnh gia – một người luôn kiếm tìm và trân quý những chất liệu gần gũi trong cuộc sống. Nhiều khi sự lãng mạn của cuộc sống chẳng phải những câu chuyện cổ tích ở trong mơ hay một điều gì đó cần sự hy sinh quá lớn. Cuộc sống đặc biệt bởi những ngày bình thường, những tình yêu bình thường, những hạnh phúc bình thường. Sau hành trình của những điều đẹp đẽ bình dị đó, Thiên Minh đưa chúng tôi đến một căn phòng đỏ rực, nơi chất chứa rất nhiều tâm tư của người nghệ sĩ trong 10 năm thực hành nhiếp ảnh.
“The Frozen Eyes”, tại sao căn phòng đỏ này lại mang tên là “Con mắt bị đóng băng?”
Xét về mặt vật lý những cái gì mình muốn dùng lâu mình sẽ cất nó trong tủ lạnh, lâu hơn nữa thì chúng ta sẽ đóng băng nó để sau này bỏ ra dùng sau. Xuyên suốt cái hành trình từ nãy giờ mọi người đi với Minh mọi người cũng đã nhìn thấy được những tác phẩm, những câu chuyện. Minh muốn mọi người có thể đóng băng tất cả những con mắt mà mọi người thấy lại. Đó có thể là một kỉ niệm, một điều đẹp đã mọi người thấy trong những câu chuyện. Đóng băng lại càng lâu càng tốt và đến một ngày nào đấy khi cần mình mang nó ra, để nó tan ra từ từ trong nước. Đó là cái ý nghĩa sâu xa của căn phòng này.
Còn xét về ý nghĩa mang tính cá nhân hơn, đây là căn phòng Minh làm cho chính mình, dành riêng cho những kỉ niệm của Minh đối với nhiếp ảnh. Ai học nhiếp ảnh, đặc biệt là ảnh phim thì đều rất quen thuộc với những căn phòng đỏ – vẫn hay được gọi là redroom để tráng phim. Đối với Minh, quãng thời gian Minh học nhiếp ảnh ở bên Mỹ là khoảng thời gian cực kỳ đẹp mà anh muốn “đóng băng”, để tái hiện, để Minh được ngắm nhìn lại.
Nãy giờ Thiên Minh đã đưa mình đi xem rất nhiều con mắt. Nhưng con mắt này dường như có phần đặc biệt hơn khi được đặt ở một vị trí đặc biệt?
Đây là con mắt của một người bạn rất thân của Minh và là một người đang đồng hành với Minh trong vòng 15 năm rồi. Người bạn đó chứng kiến cái hành trình đi qua hạnh phúc và đau khổ của mình để lớn lên, để có một Thiên Minh hôm nay đứng ở đây. Chúng ta không thể nào trực tiếp nhìn đôi mắt của chính mình. Bây giờ giả sử bạn là người bạn 15 năm của Minh, bạn nhìn Minh, Minh nhìn lại bạn. Hôm nay bạn đang quan sát Minh, và bạn đã làm điều đó trong suốt 15 năm qua. Vậy nên khi Minh muốn tưởng tượng lại hành trình của mình, Minh sẽ mượn lại đôi mắt của bạn.
Và ngày hôm nay Chaubuinet cũng đã mượn đôi mắt của Thiên Minh, để nhìn vào những điều bình dị mà ý nghĩa trong cuộc sống, để thấy rằng chúng ta đều có thể tìm đến được hạnh phúc qua những điều bình thường. Có rất nhiều tác phẩm, câu chuyện khác chúng tôi chưa đưa vào bài viết này mà để các bạn độc giả tự có cách hiểu của riêng mình.
Hành trình thai nghén 10 năm của Thiên Minh sẽ không chỉ dừng lại ở “Hoa Mắt” mà còn tiếp tục được kể, được mang đến công chúng thông qua nhiều dự án, dáng hình khác. Cảm ơn Thiên Minh vì đã dành thời gian chia sẻ với Chaubuinet về một hành trình đặc biệt với nhiếp ảnh trong một thập kỷ qua. Chúc Thiên Minh sẽ trở lại với những dự án tiếp theo.
Có thể bạn cũng thích