High & Low
Một góc nhìn mới về đèn Trung thu truyền thống: Có đang mai một?
Để Trung thu sẽ mãi được mong chờ và để những chiếc đèn ông sao sáng tỏ mỗi khi thu sang!
Tháng 9 tiết trời sang thu cũng là thời điểm trẻ nhỏ và người lớn khắp cả nước mong ngóng Lễ hội Trung Thu. Từ xưa đến nay Tết đoàn viên luôn là một dịp đặc biệt trong năm, bởi đó là thời điểm ai đi đâu xa cũng sẽ trở về bên những người thân thương, cầu mong cho sự bình an và gắn kết gia đình.
Mong muốn cảm nhận rõ nét không khí của Trung thu này, Chaubuinet đã dạo quanh Hà Nội, trải nghiệm phố Hàng Mã rực đỏ màu đèn lồng, đến Hoàng Thành Thăng Long để tìm về những lễ hội năm xưa.
Từ tháng 9 phố Hàng Mã đã tấp nập nhiều người qua lại, đón Tết trung thu sớm
Khi giá trị cũ hồi sinh trong mùa trăng mới
Một trong những địa điểm thể hiện tinh thần vui chơi Tết Trung thu nhất của người dân Hà Thành chắc hẳn là Hàng Mã phố cổ. Từ đầu tháng 8 âm lịch, những con phố đã tấp nập người qua lại và rực rỡ những món đồ chơi tuổi thơ, gợi về những ký ức khó phai cho thế hệ xưa và mở ra những trải nghiệm tuy cũ mà mới cho trẻ nhỏ ngày nay.
“Nhà chú bắt đầu làm đèn Trung thu từ năm 1994. Mẹ chú trước đó là giáo viên. Gia đình có gian nhà trên phố Hàng Mã nên khi về hưu bà chuyển sang làm nghề thủ công, là làm đèn Trung thu. Về sau chú cũng học để bán phụ bà mỗi khi đến mùa.”
Chú Thành, một nghệ nhân làm đèn Trung Thu trên phố Hàng Mã chia sẻ cơ duyên đưa mình đến với nghề.
Với sự phát triển và hội nhập của cuộc sống hiện đại, trẻ nhỏ ngày càng có nhiều trải nghiệm và được tiếp xúc với đủ món đồ chơi mới. Dẫu vậy những món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi vẫn có cho mình một đời sống riêng. Đời sống ấy mang theo ký ức của thế hệ cha ông, hòa chung nhịp đập với trái tim của thời đại.
“Sau dịch Covid-19 chú cảm giác là mọi người quan tâm đến đèn truyền thống nhiều hơn. Nhiều người hỏi mua lắm chứ không ít đâu. Nhà chú bán cả đèn truyền thống lẫn đồ chơi nhập Trung Quốc nhưng khách hỏi mua đèn là chính. Họ còn hỏi xem có phải đèn nhà mình tự làm nữa không đấy”
Với sự du nhập của nhiều món đồ chơi hiện đại, đèn ông sao vẫn có cho mình một vị trí quan trọng trong đời sống người Việt
Tuổi thơ khó phai, văn hóa đâu dễ mai một
Dọc theo con phố Hàng Mã với hàng trăm cửa hàng đang cùng bán chung một loại hình sản phẩm, chúng tôi không khỏi tò mò “Bao nhiêu đèn thế này sẽ bán cho ai?”. Mong mỏi tìm kiếm câu trả lời, Chaubuinet ghé thăm cửa hàng của cô Hương, nơi có vị trí đắc địa ngay giữa ngã tư Hàng Mã đã bày kín lối đi với những món đồ chơi, đồ trang trí, đèn Trung Thu từ trong ra ngoài. Người ta thường chỉ chơi đèn lồng khi Trung thu. Vậy qua Trung Thu, số phận của những chiếc đèn sẽ ra sao. Đáp lại thắc mắc của chúng tôi, cô Hương thẳng thắn.
“Cô không biết, vì không năm nào là không bán hết cả (cười). Đồ chơi nhập thì có khi còn tồn, chứ đèn trung thu thì năm nào cô cũng bán hết. Cô bán lẻ một phần, còn hay cung cấp cho các trường học, tổ chức này kia, họ hay đặt làm theo lô.”
Câu trả lời của cô khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Hóa ra những món đồ tuổi thơ lại có sức sống mạnh mẽ đến như thế. Nếu tìm kiếm từ khóa đèn ông sao, tò he hay mặt nạ giấy trên các công cụ tìm kiếm trong những năm qua, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy các từ được gắn mác theo, thường là “mai một”, “nghệ nhân cuối cùng”. Không thể phủ nhận khi xã hội ngày càng hội nhập, chúng ta lại càng gặp nhiều thách thức trong việc gìn giữ những câu chuyện văn hóa. Tuy nhiên sự nhận thức rằng những món đồ chơi truyền thống đang được nhiều người tiêu dùng đón nhận, dù chỉ riêng tại một khu vực nào đó sẽ tạo ra một động lực trong cộng đồng trong việc tìm cách để khai thác và kết nối những giá trị cũ cho những lớp người mới.
Rất nhiều gia đình đã đưa con nhỏ đến phố Hàng Mã để đón Tết Trung thu
Trong tuần lễ Trung thu trên cả nước tổ chức nhiều Lễ hội. Những lễ hội ngày nay đã không đơn thuần là tạo ra một sân chơi cho trẻ nhỏ, hay một nơi xinh đẹp để các bạn trẻ check-in đơn thuần mà không mảy may suy nghĩ về những giá trị phía sau đó. Những bài học truyền thống, những thông tin về lịch sử phát triển và hình thành cùng tinh hoa của nghệ nhân làm nghề theo nhiều cách đã được truyền tải đến công chúng.
Mô hình Đèn ông sao được trưng bày tại Hoàng Thành Thăng Long
Tại Hoàng Thành Thăng Long, chuỗi sự kiện đón Trung thu được tổ chức trong nhiều ngày. Các loại đèn trung thu cổ thất truyền đã được nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa ở phố cổ (Hà Nội), Thanh Oai (Hà Nội), Báo Đáp (Nam Định), Đông Hồ (Bắc Ninh)… phục dựng từ những nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán. Múa lân trống hội cũng được biểu diễn hai lần một ngày cùng các trò chơi dân gian, những buổi gặp gỡ nghệ nhân vào cuối tuần hay đêm lung linh trong các ngày 27,28,29 tháng 9. Sự kiện đặc biệt thu hút sự tham gia của rất nhiều trường học trong khu vực Hà Nội.
Chuỗi sự kiện Trung thu tại Hoàng Thành Thăng Long thu hút được rất nhiều sự tham dự của các sinh viên, học sinh tại Hà Nội
Từ Cấp 1 đến Cấp 3 các em được mang đến rất nhiều điểm chạm với quá khứ. Tiêu biểu có thể kể đến chuỗi trải nghiệm của các em trường Tiểu học Trần Nhật Duật diễn ra cùng ngày mà Chaubuinet ghé thăm Hoàng Thành Thăng Long.
“Nhiều người hay nói trẻ nhỏ bây giờ ham vui, chỉ thích cắm đầu vào điện thoại nhưng mình không nghĩ vậy. Khi nhà trường thông báo có ngày thực tế đến Hoàng Thành Thăng Long các bé rất hứng thú, hôm nay cũng có mặt rất đông đủ và rất vui vẻ trải nghiệm. Các em còn nhỏ, chính người lớn chúng ta sẽ là người mang đến cho các em những trải nghiệm đầu tiên trong cuộc sống và cho các em những lựa chọn. Không thể đổ lỗi cho các em ham chơi trò chơi điện tử hay mấy chương trình trên Youtube nếu đó là lựa chọn duy nhất mà người lớn dành cho các em. Những sự kiện như thế này cần có nhiều hơn để cho các em được tiếp xúc từ đó hiểu và gắn bó hơn với những giá trị truyền thông”
Cô Mai Linh giáo viên trong trường chia sẻ
Các em học sinh trường Tiểu học Trần Nhật Duật thích thú tham dự sự kiện tại
Hoàng Thành Thăng Long
Ai sẽ thắp sáng đèn ông sao những mùa thu sau?
Đúng như nghệ nhân Thành chia sẻ, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tìm về cội nguồn và hiểu thêm về những giá trị cổ truyền có sự gia tăng đặc biệt là trong lớp người trẻ. Có lẽ chính cuộc sống hiện đại vội vã đã khiến cho những giá trị cơ bản bình yên trở nên quan trọng. Đứng trước một thực tế lớp trẻ đã có sự quan tâm hơn với những câu chuyện nghề cổ truyền nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với một thực tế, ai sẽ là người trực tiếp tham gia vào tiến trình tạo ra sản phẩm truyền thống? Ai sẽ thắp sáng đèn ông sao những mùa thu sau?
Tại phố Hàng Mã chúng ta có thể thấy những dòng người tấp nập đi chơi Trung thu, những gương mặt gái trai, lớn nhỏ đều đủ cả thế nhưng khi lắng lại, nhìn sâu qua hàng đèn lồng được treo kín ta sẽ thấy rõ những gương mặt mang dấu ấn thời gian, đang tỉ mẩn làm đèn. Khi được hỏi con cháu trong gia đình có ai biết làm đèn trung thu không, ông Thành chia sẻ:
“Cũng khó lắm. Các bạn cũng ra ngoài có công việc ổn định. Mà công việc cũng bận rộn, cũng không có thời gian để học làm. Nhà chú chắc chỉ làm hết đời chú rồi thôi”
Câu chuyện của nghệ nhân Thành là đại diện cho rất nhiều gia đình làm nghề truyền thống khác trên cả nước: Không thể truyền lại nghề cho ai.
Suy cho cùng, quá khứ luôn mang hy vọng về tương lai, tương lai cũng có dấu ấn của quá khứ, văn hóa được sinh ra trong quá trình sinh hoạt của con người và sự biến chuyển của thời thế. Giống như một dòng chảy, có những giá trị cũ sẽ bị bỏ lại, cũng sẽ có những giá trị mới được sinh ra. Sự quan tâm đến những giá trị văn hóa cùng mong muốn lưu giữ những mảnh ký ức từ thế hệ đi trước trong lớp người trẻ là có thật. Thế nhưng làm thế nào để sự quan tâm đó tạo ra động lực để những giá trị ấy được tiếp nối thêm nhiều thập kỷ vẫn luôn là bài toán khó. Để những món đồ chơi tuổi thơ trở thành một mạch ngầm chảy trong đời sống người Việt, song hành cùng sự phát triển của đất nước là một sự nỗ lực mang tính bền bỉ và liên tục với có sự tham gia của rất nhiều người chứ không chỉ đợi chờ mỗi dịp lễ tết một năm một lần.
Một bạn trẻ đang chia sẻ với em gái về các loại đèn Trung Thu tại Hoàng Thành Thăng Long
Những chiếc đèn ông sao giá trị dăm ba chục ngàn nhưng lại cần rất nhiều công dán ghép tỉ mỉ, ấy vậy những nghệ nhân tuổi xế chiều vẫn mong chờ ngày Trung thu để được làm, được mang đèn ông sao đến cho các cháu nhỏ. Đây vốn chẳng phải một món làm ăn béo bở, mà là một nỗ lực giao tiếp giữa các thế hệ, là khát khao được kể cho con cháu của mình nghe tuổi thơ thời mình của những thế hệ cha ông. Khi người lớn học cách sử dụng công nghệ để hòa nhập với cuộc sống thời đại mới, có phải chúng ta cũng nên nhìn về quá khứ lắng nghe câu chuyện lịch sử để trân trọng những giá trị xưa?
Những giá trị truyền thống chính là điểm kết nối giữa nhiều thế hệ
Đọc để biết, trải nghiệm để hiểu và lắng nghe để kết nối. Điểm kết nối văn hóa bền chặt là nhờ sự nỗ lực của nhiều thế hệ. Mùa trăng mới, cùng Chaubuinet lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp, để Trung thu sẽ mãi được mong chờ và để những chiếc đèn ông sao sáng tỏ mỗi khi thu sang.
Có thể bạn cũng thích