Yêu Bản Thân
Cách giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp tại công sở
Bạn đã bao giờ trải qua thời gian căng thẳng, mâu thuẫn tại văn phòng chưa?
Mâu thuẫn với đồng nghiệp gần như là một việc không thể tránh khỏi tại nơi công sở. Làm việc chung trong một thời gian dài dưới áp lực trong khi mỗi người có một tính cách, quan điểm khác biệt đôi khi sẽ dẫn đến những chung đụng, xích mích. Điều này không chỉ gây ít nhiều phiền toái mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc của bạn hằng ngày.
Vì vậy, nếu không biết cách giải quyết mâu thuẫn thì câu chuyện lâu ngày sẽ đi xa hơn và có khi lại là lý do bạn muốn bỏ dở công việc. Điều đáng mừng là bạn sẽ luôn có cách để cải thiện tình hình nếu bạn thực sự mong muốn điều tốt đẹp cho cả hai!
Không nói xấu đồng nghiệp
Điều tiên quyết nhất bạn cần nhớ đó là dù mối quan hệ giữa cả hai đang ở mức độ căng thẳng thế nào đi nữa thì bạn cũng không nên nói xấu họ. Có thể buông những lời đó ra sẽ giúp bạn hả hê trong lòng, nhưng chính nó cũng sẽ khiến tình hình còn tệ hơn nữa. Ngoài ra, việc nói xấu đồng nghiệp còn khiến bạn dễ bị những đồng nghiệp khác xa lánh và đánh giá. Không ai muốn tiếp xúc với người hay đi kể xấu về người khác như vậy phải không nào?
Luôn giữ sự bình tĩnh
Bạn không nên cố giải quyết mâu thuẫn khi bản thân đang tức giận, thay vào đó hãy chủ động tránh tiếp xúc với người kia trong một thời gian để bản thân có thể bình tĩnh trở lại. Ngoài ra, bạn nên chọn những chỗ riêng tư để trao đổi thay vì cãi vã những nơi công cộng trong văn phòng.
Sau khi cảm thấy bình ổn hơn, bạn có thể chuẩn bị một số kịch bản nói chuyện và gạch đầu dòng những vấn đề cần giải quyết để trao đổi thêm với người đồng nghiệp kia.
Lắng nghe và trò chuyện
Đây là 2 từ yếu tố then chốt trong việc giải quyết mâu thuẫn. Thiếu đi 2 yêu tố này, bạn sẽ khó đạt được kết quả tốt đẹp khi mâu thuẫn với đồng nghiệp. Trước tiên, hãy mở lòng để lắng nghe điều mà đối phương muốn nói với mình. Việc chủ động lắng nghe không chỉ giúp bạn hiểu hơn về những điều bức bối trong lòng họ mà còn cho họ thấy sự tôn trọng của bạn.
Việc lắng nghe sẽ là tiền đề cho một không khí cởi mở, thân thiện hơn cho cuộc nói chuyện. Bạn cũng có thể chia sẻ thẳng thắn hơn về những gì khúc mắc trong lòng. Tuy nhiên, cách này chỉ thật sự hiệu quả khi cả hai nói chuyện một cách chân thành và cùng tôn trọng ý kiến của nhau chứ không phải ai cũng cố chấp để bảo vệ lý lẽ riêng.
Sự can thiệp của bên thứ ba
Đôi lúc, mâu thuẫn không chỉ dừng lại ở mức xung đột cá nhân mà còn có thể là những vấn đề nghiêm trọng hơn. Có trường hợp đồng nghiệp cố tình nói xấu hoặc làm những hành động gây ảnh hưởng đến công việc của bạn. Nếu mãi không thể tìm được tiếng nói chung, thì bạn nên nhờ một người khác để có thêm những ý kiến khách quan. Bộ phận nhân sự hoặc là một đồng nghiệp khác mà cả hai đều tin tưởng là những sự lựa chọn hợp lý cho tình huống này.
Không để mâu thuẫn kéo dài
Để những nỗi bực tức kéo dài trong lòng chỉ khiến bạn và người đồng nghiệp kia cảm thấy mệt mỏi và chán nản mỗi khi chạm mặt nhau tại văn phòng. Vì vậy, nếu được bạn nên chủ động hành động kịp thời trước khi nó trở nên nghiêm trọng. Việc bạn lên tiếng trước không đồng nghĩa với việc bạn yếu thế hơn. Đôi lúc nó sẽ cho đối phương thấy bạn là người chân thành, có chủ đích muốn giải tỏa những mâu thuẫn. Bạn sẽ dễ mở lời hơn rất nhiều khi sớm chủ động thay vì tạm gác qua một thời gian sau.
Hy vọng rằng bạn sẽ luôn có sự bình tĩnh và chuyên nghiệp để giải quyết êm xuôi những mâu thuẫn nơi công sở nhé!
Có thể bạn cũng thích