Home / Thời Trang / 10 thuật ngữ sinh viên thiết kế thời trang cần biết
Icon Icon Icon

Thời Trang

10 thuật ngữ sinh viên thiết kế thời trang cần biết

Những thuật ngữ thời trang có thể bạn chưa biết!

19/02/2022

Dưới đây là 10 cụm từ phổ biến mà những ai quan tâm hoặc mới bước chân vào tìm hiểu ngành thiết kế thời trang.

  1. Nghiên cứu và phát triển thiết kế (Research & Development)

Nghiên cứu và phát triển thiết kế là công đoạn quyết định trước khi cho ra đời bản thiết kế thời trang. Ý tưởng không tự nhiên xuất hiện trong đầu NTK mà chúng đến từ chính quá trình nghiên cứu sâu.

Khi có những ý định sơ khai cho BST, NTK sẽ tìm tòi, phân tích những bộ sưu tập tương tự, các mẫu thiết kế điển hình, màu sắc đặc trưng, lịch sử ngành thời trang thời kỳ đó để lấy cảm hứng và kết hợp xu hướng thời trang hiện để phát triển BST riêng.

Bảng nghiên cứu xu hướng thời trang của sinh viên LCDF Hà Nội cho thấy các dấu ấn, nhân vật thời trang điển hình những năm 1980.
Tất cả các sinh viên thiết kế đều phải học cách nghiên cứu. Bài tập nghiên cứu lịch sử thiết kế của sinh viên Trần Lâm Anh.
  1. Vẽ phác thảo thời trang (Fashion sketch)

Phác thảo là công đoạn thiết kế nháp, đường nét không cần trau chuốt chỉ cần thể hiện được những điểm cơ bản của thiết kế (như áo cổ tròn hay cổ thuyền, váy phom xòe hay ôm)… Tính kỹ thuật nhiều hơn tính nghệ thuật.

Sau bản vẽ phác thảo nhà thiết kế sẽ tiến tới bản vẽ kỹ thuật (thiết kế phẳng) để thể hiện cụ thể nhất các thông số kỹ thuật, số đo, chi tiết trang trí, đường may, số lượng cúc…. Cả hai loại bản vẽ này đều ra đời trước khi bộ trang phục xuất hiện.

Phác thảo thời trang kèm mẫu vải của Christian Dior cách đây gần 70 năm.
  1. Vẽ minh họa thời trang (Fashion illustration)

Khác với vẽ phác thảo hay vẽ kỹ thuật, bản vẽ minh họa thiên thiên về về tính nghệ thuật và phải đẹp. Nó cho thấy rõ phong cách riêng của nhà thiết kế với những đường nét bay bổng nhiều cảm xúc.

Bản vẽ minh họa có thể ra đời trước hoặc sau khi có thiết kế. Nó là một cách để nhà thiết kế làm rõ hơn ý tưởng hoặc là một nghề riêng biệt (diễn họa thời trang) tái hiện lại các thiết kế đã có sẵn theo một cách mới mẻ (giống như một dạng cover nghệ thuật).

Tranh vẽ minh họa thời trang của NTK Ngô Thu Quỳnh LCDF Hà Nội.
Tác phẩm của NTK Hoàng Dũng, Võ Minh Châu LCDF Hà Nội (từ trái qua).
  1. CAD (Computer Aided Design)

CAD là phần mềm thiết kế trên máy tính giúp NTK  vẽ phác thảo, dựng mô hình 3D, lắp ghép và xuất ra các bản vẽ hoàn chỉnh. Nhờ đó, NTK dễ dàng chỉnh sửa thiết kế mà không cần phải vẽ lại từ đầu trên giấy.

“Với CAD, mình có thể mang theo công việc tới bất cứ đâu mà không cần phải cầm theo một tập tài liệu dày cộp, điều này giúp làm giảm đáng kể lượng chất thải tạo ra trong quá trình thiết kế” – chia sẻ của sinh viên Mai Lê Lan Ý LCDF Hà Nội.

Một bản phác thảo thời trang trên phần mền CAD của sinh viên Bùi Thu Hường.
  1. Bảng tâm trạng (Moodboard)

Moodboard (bảng tâm trạng) là một bức tranh tập hợp nhiều hình ảnh, mẫu vải và các chi tiết nhằm thể hiện tâm trạng, cảm hứng, câu chuyện hoặc màu sắc chính của một bộ sưu tập. Moodboard thường được giới thiệu ở đầu mỗi BST thời trang và thiên về truyền tải cảm xúc.

Moodboard bộ sưu tập lấy cảm hứng từ kỹ nữ Nhật Bản và các Samurai của NTK Đàm Tiến Cường.
  1. Thiết kế rập (Pattern making)

Rập là bản vẽ kỹ thuật trên giấy, chính là khuôn mẫu ban đầu của sản phẩm. Sau khi hoàn thành thiết kế rập, nhà thiết kế sẽ ốp lên vải và cắt, ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Thiết kế rập là khâu khó, cần óc tưởng tượng về không gian, ghi nhớ các công thức và tính toán con số chi tiết. Chỉ cần sai một vài thông số, bản rập khi ráp lại có thể khác hẳn như hình vẽ ban đầu.

Thiết kế rập có thể được vẽ tay (với các bộ thước công cụ) hoặc trên máy. (Ảnh: Sewport)
  1. Rập 2D – 3D

Rập 2D (rập phẳng) là phương pháp truyền thống dùng số đo cơ thể người để vẽ rập, tạo ra các mảnh ghép của sản phẩm trên giấy. Ưu điểm khi làm rập 2D là thiết kế vừa vặn với số đo cơ thể nhưng lại không thể tạo ra những mẫu phức tạp.

Rập 3D còn có tên gọi khác là Drapping là phương pháp ốp giấy/ vải lên manocanh, ghim lại, tạo hình chi tiết để được thiết kế mong muốn. Nó có tính nhanh gọn, chính xác và hiệu quả cao, sáng tạo được nhiều thiết kế khó.

Sinh viên thiết kế rập 2D với thước chuyên dụng.
Thiết kế rập 3D tạo được nhiều phom dáng phức tạo hơn hẳn 2D.
  1. Mẫu đầu, mẫu mộc, vải mộc

Mẫu đầu/mẫu mộc là thiết kế đầu tiên của sản phẩm được may bằng vải mộc. Nó giống như một bản may nháp bằng vải giá rẻ để nhà thiết kế kiểm tra lại phom dáng sản phẩm, chỉnh sửa trước khi tiến hành may bằng vải chính.

Vải mộc/ muslin tuy có nhiều dòng nhưng thường là loại vải ít co giãn, chất liệu tự nhiên, co nhẹ sau khi là ủi, độ dày vừa phải, giữ phom khi tạo mẫu phồng, xếp ly, … Ngoài vải mộc, nhà thiết kế còn có thể dùng nhiều loại vải rẻ tiền khác, miễn là có đặc điểm gần giống với vải chính để lên mẫu đầu.

Một số thiết kế sơ mi trắng của SV LCDF Hà Nội với vải mộc.
  1. Xử lý chất liệu (Textile & Texture)

Ngoài phom dáng, chất liệu là cũng là một yếu tố quyết định sự khác biệt của một thiết kế. Trang phục có thể rất đơn giản nhưng chỉ cần dùng chất liệu độc đáo là đã thành một thiết kế mới. Đó là lý do các sinh viên thời trang đều phải tìm tòi nhiều cách sáng tạo chất liệu.

Có rất nhiều cách xử lý chất liệu tạo hiệu ứng nổi như: khâu, đột, chần, rút sợi, mài, nhuộm, đính kết… Đây cũng là môn học đòi hỏi sinh viên Thiết kế thời trang nhiều nhất sự sáng tạo và thực hành thủ công.

Một cuốn hồ sơ dầy nặng tới vài kg lưu lại những nghiên cứu khi sáng tạo chất liệu của sinh viên LCDF Hà Nội.
  1. Hồ sơ nghệ thuật (Portfolio)

Những ai muốn du học tại các trường thiết kế đều bắt buộc phải có portfolio (hồ sơ nghệ thuật. Đây là tập hợp các dự án, thể hiện quá trình nghiên cứu, các kỹ năng, cá tính, kinh nghiệm của nhà thiết kế. Portfolio thiên về sử dụng hình ảnh để truyền tải thông tin, được trình bày một cách logic và sáng tạo chứ không đơn thuần chỉ là gom lại tất cả các thiết kế đã hoàn thiện.

Một trang Portfolio của NTK Tạ thị Hương cho thấy bao quá trình hình thành thiết kế từ lúc lên mẫu đầu tới khi hoàn thiện.

LCDF

Đọc thêm bài viết cùng chủ đề #LCDFFashion.

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!