Yêu Bản Thân
Vì sao bạn vẫn buồn ngủ dù ngủ rất nhiều?
Không phải ngủ càng nhiều thì càng khoẻ hơn sao?
Trong nhịp sống bận rộn hiện tại, đa số chúng ta đều mong một ngày có nhiều hơn 24 giờ để vừa có thể hoàn thành công việc vừa có thêm thời gian để ngủ đủ giấc. Chúng ta ao ước về một giấc ngủ dài sảng khoái, thức dậy với trạng thái tỉnh táo và đầy phấn khởi. Tuy nhiên, khi có thời gian để ngủ thoả thích chúng ta vẫn buồn ngủ dù ngủ rất nhiều. Không phải ngủ càng nhiều thì càng khoẻ hơn sao, nguyên nhân là vì sao nhỉ?
Sự thay đổi của cơ thể
Khi chúng ta lớn lên, cơ thể chúng ta xảy ra rất nhiều thay đổi, từ vóc dáng đến quá trình trao đổi chất bên trong. Khi vừa sinh ra, chúng ta ngủ đến 18 – 20 giờ trong ngày, lớn dần lên thời gian ngủ dần ngắn lại. Chúng ta thường quy ước rằng 8 giờ là khoảng thời gian ngủ khoa học nhất.
Tuy nhiên có một giai đoạn khá đặc biệt là tuổi dậy thì, cơ thể chúng ta đòi hỏi những giấc ngủ dài hơn khoảng thời gian ấy, cụ thể là từ 9 -10 giờ để có thể tỉnh táo. Sự thay đổi hoocmon và nhu cầu sử dụng năng lượng cao khiến cơ thể chúng ta đòi hỏi nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, đó là lí do vì sao chúng ta thường mệt mỏi vào buổi sáng thức dậy dù đã ngủ rất nhiều.
Nhịp sinh học
Mỗi người có một nhịp sinh học khác nhau, có người sẽ làm việc hiệu quả vào buổi sáng sớm (hay còn gọi là early bird), có người sẽ làm việc hiệu quả hơn vào tối muộn (hay còn gọi là night owl). Tuy nhiên, chúng ta vẫn hay bảo nhau nên ngủ đủ 8 giờ hoặc nên đi ngủ vào lúc 10 giờ và thức dậy vào lúc 6 giờ.
Việc tất cả mọi người đều làm theo quy ước này khiến cho giấc ngủ trở nên kém chất lượng, dù bạn có ngủ nhiều vẫn cảm thấy mệt mỏi. Ví dụ như bạn yêu cầu owl night đi ngủ sớm và thức dậy vào lúc bình minh thì dù cho có ngủ đủ 8 giờ thì người này vẫn buồn ngủ bởi vì nhịp sinh học của họ hoạt động mạnh vào tối muộn khiến giấc ngủ bị trằn trọc nên khi thức dậy họ không thể tỉnh táo để làm việc tốt được.
Sức khoẻ tinh thần
Giấc ngủ và sức khoẻ tinh thần có mối quan hệ mật thiết với nhau. Một giấc ngủ chất lượng giúp chúng ta cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo vào hôm sau. Ngược lại, tinh thần thoải mái giúp chúng ta chìm vào giấc ngủ không mụ mị.
Khi vẫn còn bộn bề những suy nghĩ hoặc lo âu trước khi ngủ hoặc bạn dùng giấc ngủ để né tránh vấn đề thì dù có ngủ thật nhiều thì bạn vẫn sẽ buồn ngủ và mệt mỏi. Vì vậy hãy viết nhật ký hoặc ngồi thiền trước khi ngủ để đặt xuống hết những căng thẳng để giấc ngủ được bình yên hơn.
Thiết bị điện tử
Ngày nay, chúng ta không thể sống các thiết bị điện tử như laptop hay điện thoại vì nó giúp chúng ta làm việc và giải trí. Tuy nhiên, đối mặt với màn hình trong thời gian dài khiến cho thần kinh chúng ta dễ bị căng thẳng. Việc lướt mạng xã hội trước khi ngủ hẳn là thói quen của nhiều người trong số chúng ta, nhưng đây là một thói quen khiến cho giấc ngủ bị ảnh hưởng.
Bởi lẽ ánh sáng từ màn hình, những drama hay tin tức giật gân trên mạng xã hội khiến tâm lý chúng ta trở nên nhạy cảm hơn. Trong khi đó, thần kinh của chúng ta cần được làm dịu lại để có thể thư giãn và ngủ sâu. Dần dần loại bỏ thiết bị điện tử trước giờ ngủ sẽ mang đến cho bạn những giấc ngủ sâu hơn, lúc này bạn chỉ cần ngủ đủ là có thể tỉnh táo vào hôm sau.
Thấu hiểu được nguyên nhân vì sao bạn vẫn buồn ngủ dù ngủ rất nhiều giúp bạn có cách chăm sóc giấc ngủ của bản thân tốt hơn. Giấc ngủ rất quan trọng và thể hiện rất rõ trạng thái sức khoẻ và tinh thần của chúng ta.
Những ngày được ngủ sâu, làn da của chúng ta sẽ trở nên sáng hơn và tinh thần cũng trở nên dễ chịu hơn. Đừng ước một ngày có nhiều hơn 24 giờ để làm việc nhiều hơn nữa mà hãy sắp xếp thời gian và quan tâm đến việc ngủ đúng cách để hiệu suất công việc được tăng lên nhé.
Có thể bạn cũng thích