Điểm Tin Thời Trang
Giải mã lý do Paris, Milan, London và New York trở thành tứ đại kinh đô thời trang thế giới
Ngược dòng thời gian về những Tuần lễ Thời trang đầu tiên trên thế giới.
Tứ đại kinh đô thời trang có tầm ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp nói chung và các xu hướng thẩm mỹ trên toàn cầu. New York, London, Milan và Paris là nơi nuôi dưỡng những NTK danh giá, các tạp chí thời trang tầm cỡ và những Tuần lễ Thời trang đẳng cấp bậc nhất thế giới. 4 thành phố được ví như điểm đến cuối cùng của các biểu tượng thời trang.
New York
Tuần lễ thời trang New York đầu tiên diễn ra vào năm 1943 bởi Eleanor Lambert – giám đốc báo chí của tổ chức quảng cáo đầu tiên trong ngành thời trang Mỹ, Viện trang phục New York. Sự kiện được tạo ra nhằm thu hút sự chú ý của giới mộ điệu vào thời trang Mỹ thay vì thời trang Pháp trong Thế chiến II. Các buổi trình diễn đương thời được gọi là “diễu hành thời trang” (fashion parade) vì người mẫu chỉ đơn giản xếp hàng dọc để trình diễn BST của các NTK.
Thành phố New York là trung tâm thời trang lớn nhất Bắc Mỹ. Đây là nơi nhiều NTK tên tuổi lựa chọn đặt trụ sở chính như Kate Spade, Marc Jacobs, Ralph Lauren,… New York là thành phố sở hữu nhiều phòng trưng bày thời trang nhất thế giới với số lượng 5000 phòng, tổ chức hơn 75 chương trình thương mại thời trang và Tuần lễ Thời trang hàng năm. Thị trường người mẫu ở New York đa dạng từ giới tính, độ tuổi, kích cỡ và là nguồn lực dồi dào cho ngành thời trang cao cấp.
London
Tuần lễ Thời trang London được tổ chức bởi Hội đồng Thời trang Anh (BFC) lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1983. Dù phong cách thời trang cổ kính của London đã nổi danh từ thế kỷ 16, thành phố này vẫn giữ vững vị thế khi đến nay vẫn được xem là một trong 4 trung tâm thời trang đẳng cấp bậc nhất thế giới.
London là nơi làm việc của rất nhiều hãng thiết kế danh tiếng như Stella McCartney, Burberry, Temperley, Vivienne Westwood và Alexander McQueen. Người ta ước tính ngành công nghiệp thời trang của Anh hỗ trợ gần 800.000 việc làm, trong đó bao gồm rất nhiều hợp đồng biểu diễn thời trang cao cấp trên sàn catwalk cho cả người mẫu nam và nữ.
Milan
Thành phố Milan của Ý là quê hương của nhiều thương hiệu thời trang danh tiếng. Vào thời trung cổ, Milan là một nhà máy chuyên sản xuất các mặt hàng cao cấp bao gồm giày dép, trang phục và đồ trang sức. Từ đó, Milan được mệnh danh là “thủ phủ” của những đế chế thời trang.
Hiện nay, kinh đô thời trang Milan sở hữu hơn 12.000 công ty thời trang, 800 phòng trưng bày và 6000 cửa hàng bao gồm các thương hiệu hàng đầu như Armani, Prada, Valentino và Versace. Đối với thị trường người mẫu, Milan được đánh giá là nơi có độ cạnh tranh khá khốc liệt nhưng vẫn là mục tiêu danh giá của vô số người mẫu toàn cầu.
Paris
Tuần lễ thời trang Paris đầu tiên diễn ra vào ngày 28 tháng 11 năm 1973 và được giám sát bởi người sáng lập Tuần lễ thời trang New York, Eleanor Lambert. Đây là lần đầu tiên các BST thời trang cao cấp (haute couture), may sẵn (ready-to-wear) và quần áo nam được giới thiệu cùng nhau tại Paris.
Sự kiện được khai mạc bởi một buổi trình diễn thay đổi lịch sử thời trang mãi mãi, được biết đến với tên gọi “Trận chiến Versailles”. Các NTK người Pháp và NTK người Mỹ đã trình bày BST của họ trong một cuộc gây quỹ để trùng tu Cung điện Versailles, từ đó làm nổi bật sự cạnh tranh rõ rệt giữa thời trang Mỹ và Pháp thời bấy giờ.
Ngày nay, Paris là điểm đến cuối cùng của các “cơn lốc” Tuần lễ Thời trang mỗi mùa với nhiều “ông lớn” như CHANEL, LV, Hermès, Christian Dior và YSL. Bên cạnh ngành công nghiệp thời trang cao cấp, kinh đô thời trang Paris cũng là nơi sở hữu các hợp đồng quảng cáo đắt giá trên tạp chí hay truyền hình mà các người mẫu hướng đến.
Có thể bạn cũng thích