Home / Cộng Đồng / High & Low / Trần Yên Ly: Nghi thức đã giúp tôi hiểu rằng chúng ta luôn có lựa chọn trong giao tiếp và ứng xử
Icon Icon Icon

High & Low

Trần Yên Ly: Nghi thức đã giúp tôi hiểu rằng chúng ta luôn có lựa chọn trong giao tiếp và ứng xử

Học nghi thức để thấu hiểu hơn về sự khác biệt trong văn hóa

17/07/2023

“Nghi thức” là một bộ môn quan trọng không chỉ trong đời sống hàng ngày mà còn trong cả trong công việc. Dẫu vậy tại Việt Nam, bộ môn “Nghi thức” vẫn chỉ đang được dạy chủ yếu trong môi trường gia đình, và chỉ được coi là một bộ môn chính thức với vai trò quan trọng. “Nghi thức” không chỉ dừng lại ở ‘học ăn, học nói, học gói, học mở’ mà rộng hơn còn là văn hóa giao tiếp, ứng xử trong nhiều hoàn hoàn cảnh ứng với nhiều nền văn hóa khác nhau.

Hôm nay cùng Chaubuinet gặp gỡ chị Trần  Yên Ly – người sáng lập và là giảng viên Học viện nghi thức Quốc tế Etík. Với trải nghiệm văn hóa tại hơn 20 quốc gia trên khắp thế giới, chị Yên Ly có một cái nhìn bao dung và đa chiều với cuộc sống và các nghi thức gắn với các nền văn hóa khác nhau. Hãy cùng lắng nghe cuộc trò chuyện giữa Chaubuinet và chị Yên Ly để hiểu thêm về nghi thức nhé!

Get to know Trần Yên Ly

Công việc đầu tiên của chị Yên Ly trước khi mở học viện Etík Academy là gì? 

Trợ lý cao cấp của Tổng giám đốc của một hệ thống giáo dục lớn 

Một nghi thức quốc tế mà chị thích?

Cách vẫy chào cổ truyền của hoàng gia Anh 

Đâu là nơi chị thích nhất trong những địa điểm, đất nước chị từng đặt chân tới? 

Nauy 

Một câu nói mà chị tâm đắc?

This too shall pass hoặc In the midst of summer, within me I found an invincible summer – Alber Camus 

3 tính từ miêu tả tính cách con người chị? 

Ham học hỏi, nhí nhảnh và sáng tạo 

Cùng tìm hiểu hơn về công việc của chị Trần Yên Ly nhé!

Nghi thức chưa phải là một bộ môn phổ biến tại Việt Nam. Đâu là lý do khiến khi quyết định đến Anh để học về nghi thức?  

Trong lúc làm việc tại một tổ chức giáo dục lớn, tôi nhận ra rằng các bạn trẻ thường tập trung vào những kỹ năng cứng như điểm Tiếng Anh, điểm Văn, Toán… khi chuẩn bị cho hồ sơ du học, nhưng thực tế, cách chúng ta ứng xử ra sao tại buổi phỏng vấn cũng sẽ có sự ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thành công. Ngoài ra, khi đi du học rồi, nếu các bạn không biết cách ứng xử phù hợp với nền văn hóa cụ thể thì cũng có thể gây ra shock văn hoá, hay bị lạc lõng vì “ lệch sóng” giao tiếp …Hậu quả là các bạn sẽ cảm thấy khó hòa nhập và trải nghiệm du học cũng sẽ không được như mong muốn. Nhận ra rằng Nghi thức là bộ môn có thể giúp mọi người tự tin hòa nhập được vào mọi bối cảnh, tôi quyết định sang Anh học để về Việt Nam mở trường, mang bộ môn này đến gần hơn với các bạn trẻ Việt. 

Tại Việt Nam mọi người vẫn hay có một câu nói với nhau “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Chị có nghĩ rằng câu nói này đã thể hiện ý nghĩa của từ “nghi thức”? “Nghi thức” được hiểu đúng như thế nào? 

Câu nói này là một phần rất lớn về Nghi thức. Nghi thức có thể hiểu là nghệ thuật giao tiếp qua nhiều hình thức, qua cách chúng ta đi đứng, ăn nói, ăn uống, trang phục, cử chỉ… nhưng ngoài ra tại học viện Nghi thức Etík, tôi cũng rất muốn lan toả khái niệm Nghi thức cũng là giao tiếp liên văn hoá, vì mọi đất nước và văn hoá đều có Nghi thức riêng của họ. Hiểu biết Nghi thức là biết cách ứng xử phù hợp và thông minh trong từng bối cảnh và văn hóa cụ thể. 

Thực tế thì người Việt cũng rất quan tâm đến các nghi thức. Dẫu vậy rất nhiều người sẽ cho rằng những “nghi thức” đó là điều mình tự học qua sự dạy dỗ của gia đình và quan sát xung quanh. Còn nếu nói đó là một bộ môn và có trường lớp để dạy có vẻ là một điều rất lạ lẫm, thậm chí là “lãng phí” với nhiều người. Chị nghĩ sao về vấn đề này?

Điều này tôi nghĩ rất dễ hiểu thôi, bởi rất nhiều Nghi thức của người Việt Nam thường sẽ được truyền lại từ gia đình hoặc ông bà. Nhưng khi học Nghi thức theo một bộ môn chính thống (mà Nghi thức là bộ môn chính thống thực sự) thì các bạn sẽ có thể hiểu thông tin một cách rõ ràng hơn. Tại học viện Nghi thức Etík các bạn sẽ được tiếp cận:

Hệ thống hoá rõ ràng (hiểu rằng là không có Nghi thức đúng và sai, Nghi thức chỉ là các quy tắc, nghệ thuật là áp dụng nghi thức đúng chỗ đúng lúc vì có lúc mình phải áp dụng Nghi thức sai để thể hiện ý thức đúng)

Các giáo án tập trung giảng dạy Nghi thức Anh quốc và quốc tế, với mong muốn hỗ trợ người Việt Nam hoà nhập vào thị trường quốc tế một cách tự tin.

Được hiểu biết về các Nghi thức văn hoá khác, hiểu sâu về nghệ thuật giao tiếp, giao tiếp liên văn hoá – bao gồm rất nhiều kiến thức, kỹ năng ngoài phạm vi của việc Nghi thức cầm dao và dĩa thế nào, ngồi vào bàn ăn ra sao… 

Chị sáng lập Học viện Etik từ năm 2016 đến nay đã gần 7 năm. Trong quá trình dạy về Nghi thức, chị thấy đâu là những “lầm tưởng” về nghi thức của nhiều người Việt?

Lầm tưởng đầu tiên là bộ môn Nghi thức chỉ dành và được áp dụng trong giới quý tộc –  Bộ môn Nghi thức có bắt nguồn từ giới quý tộc, nhưng kỹ năng giao tiếp liên văn hoá, hiểu biết về Nghi thức trong thời buổi này được sử dụng bởi các CEO, chính trị gia, các bạn chuẩn bị đi du học hoặc bất kỳ ai có nhu cầu hòa nhập vào môi trường quốc tế.

Điều thứ 2 mọi người thường hiểu nhầm đó là học Nghi thức là cách dùng dao dùng dĩa cầm tách trà ra sao…trong khi đó hiểu biết Nghi thức còn đưa cho mọi người những công cụ “giảm nhiệt” như nói gì, hay làm thế nào khi người đối phương đang cáu giận với chúng ta, thể hiện lắng nghe thế nào qua sự im lặng, hay từ chối hay đưa ý kiến trái chiều một cách thông minh và khéo léo thế nào?

Nghi thức là nghệ thuật giao tiếp ra sao để làm người đối diện luôn cảm thấy được tôn trọng và thoải mái – và rõ là có rất nhiều cách để làm như vậy ngoài cách biết cầm cái dao và dĩa thế nào. 

Hiện Etík Academy đang chú trọng những nội dung, hay các khóa học chủ đề nào ? Với chị giá trị cốt lõi của nghi thức là gì?

Giá trị cốt lõi của Etík Academy là hoà nhập nhưng không hoà tan, không phải bạn hòa nhập vào một môi trường mới mà bạn phải mất đi tố chất của mình. Chúng ta nên hòa nhập với văn hoá quốc tế ra sao mà vẫn có thể làm nổi bật những nét văn hoá Việt Nam đặc trưng. 

trần yên ly chuyên gia nghi thức

Lớn lên tại ba châu lục khác nhau và đã đi nhiều nơi, có “nghi thức” đặc biệt nào mà chị thấy rất thú vị không?

Đến giờ phút này tôi vẫn thường mời cơm gia đình, và những người bạn bằng câu mời của người Nhật “itadaki masu”, câu nói có nghĩa là mình biết ơn với bát cơm hay đồ ăn mình được nhận.

 Không chỉ mỗi quốc gia, mà mỗi vùng miền của một đất nước lại có nền văn hóa, phong tục khác nhau, dẫn đến những quy tắc xử sự cũng khác. Việc học nghi thức sẽ mang đến những cơ hội thực tiễn như thế nào? Chị có thể chia sẻ những trường hợp vì không có nghi thức phù hợp mà để lại hậu quả nghiêm trọng?

Mọi người cần hiểu rằng là mỗi văn hóa có tiêu chuẩn về giao tiếp hay định nghĩa “lịch sự” khác nhau, không phải ở Việt Nam mình dùng tay ăn chân gà là sai, hay ăn gì cũng phải dùng dao và dĩa mới là đúng. Mình cần hiểu biết về văn hoá địa phương, ngôn ngữ và tiêu chuẩn địa phương thì chúng ta sẽ bớt phán xét hơn, giao tiếp với sự cảm thông nhiều hơn và từ đó xây dựng được những mối quan hệ bền vững hơn. Hậu quả lớn nhất khi không hiểu biết về Nghi thức đó sự bất đồng trong giao tiếp – như là phán xét người Nhật ăn mì húp sùm sụp tức là bất lịch sự, trong khi đó với văn hóa Nhật đây mới là cách thể hiện sự tôn trọng tới đầu bếp. Nhưng rõ ràng mình không thể nào làm điều tương tự với bát mỳ Ý spaghetti được. 

Theo chị, nghi thức thể hiện điều gì bên trong một người? Chúng ta có thể đánh giá một người thông qua nghi thức họ thể hiện không?

Tôi nghĩ người nào có Nghi thức tốt sẽ luôn biết nghĩ đến người khác, họ có sự quan sát tốt, sự khiêm tốn rõ ràng, nhưng ngược lại sẽ thể hiện “đẳng cấp” của mình một cách “kín đáo” nhưng mạnh mẽ hơn – họ có sự tự tin rất lắng ngầm, nhưng chắc chắn, luôn linh hoạt và linh động thông minh ứng xử trong mọi trường hợp. 

Tôi không nghĩ mình có thể “hoàn toàn” đánh giá bất kỳ ai qua bất kỳ điều gì. Bởi mọi thứ đều được đặt trong những bối cảnh khác nhau, mình không nên tùy ý đánh giá nếu không biết câu chuyện phía sau. Nhưng rõ ràng người nào mà có nghi thức tốt thì họ sẽ luôn được coi là người lịch sự và duyên dáng trong mắt những người xung quanh.

trần yên ly x chaubuinet

Chị từng chia sẻ rằng một trong những điều quan trọng của nghi thức là khiến cho mọi người xung quanh thoải mái, và bản thân mình cũng thoải mái. Có khi nào, để hòa vào đám đông chị phải chấp nhận gạt bỏ nghi thức đúng sang một bên? Vậy việc học nghi thức có ý nghĩa như thế nào trong những trường hợp này?

Tôi nghĩ Nghi thức đã giúp tôi hiểu rằng chúng ta luôn có lựa chọn trong giao tiếp và ứng xử. Giao tiếp tốt và thông minh không có nghĩa là mình không được nói lên ý kiến trái chiều hay sự phàn nàn của mình, mà nghệ thuật giao tiếp nằm ở cách mình vẫn thể hiện quan điểm của mình mà người khác không bị phụ lòng. Học Nghi thức cũng chưa bao giờ là để lúc nào cũng bắt buộc làm theo Nghi thức đúng. 

Thực tế cũng không có Nghi thức đúng và sai rõ ràng như mọi người tưởng, chỉ có đúng vào sai dựa vào bối cảnh mà thôi. Do vậy nếu tôi cần gạt bỏ Nghi thức, hay có nghi thức sai để thể hiện ý thức đúng thì đấy cũng là lựa chọn của tôi trong bối cảnh đó một cách có chủ đích với mục tiêu làm người đối diện hay nhóm đông thoải mái, và khi mình ứng xử sử dụng sai Nghi thức với mục tiêu (cố tình sai) thay vì sai Nghi thức vì mình không hiểu biết và hoang mang, thì rõ là những hành động làm với mục tiêu thì mình có thể thoải mái và tự tin làm sai mà. 

Dường như việc học nghi thức là một điều cần thiết để trở thành công dân toàn cầu. Đâu là những nghi thức cần thiết cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn thuộc thế hệ Gen Z hiện nay? 

Bí quyết lớn nhất để trở thành công dân toàn cầu là giao tiếp với sự không phán xét, hiểu rằng không phải ai cũng có cách ứng xử hay tiêu chuẩn/ngôn ngữ giống mình, do vậy thái độ ham học hỏi rất cần thiết, để ham học hỏi thì mình cần phải có lòng khiêm tốn và tò mò đã. Còn Nghi thức cụ thể để trở thành công dân toàn cầu thì nhiều lắm, tôi không thể gói gọn trong một vài quy tắc được. Có lẽ hãy luôn biết nói làm ơn (please) and cám ơn (thank you) ..trong mọi ngôn ngữ.

trần yên ly phỏng vấn

Chaubuinet cảm ơn chị đã dành thời gian phỏng vấn cùng team! 

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!