Yêu Bản Thân
Toxic Positivity là gì? Làm sao tránh được?
Tìm hiểu về toxic positivity (tích cực độc hại) khiến Châu cũng phải giật mình đấy!
Dạo gần đây, trên mạng xã hội Châu bắt gặp cụm từ Toxic Positivity ngày một thường xuyên hơn. Vậy Toxic Positivity là gì? Nó gây hại gì cho sức khoẻ tinh thần của chúng ta? Làm sao tránh được hiện tượng này? Cùng tìm hiểu với Châu nhé.
Toxic Positivity là gì?
Đầu tiên, chúng ta phải hiểu được sự khác biệt giữa tích cực (positivity) và tích cực độc hại (toxic positivity). Người tích cực là người có năng lượng tốt, nhìn ra được những điều tích cực khiến cuộc sống của mình và người xung quanh vui vẻ, hạnh phúc hơn. Còn tích cực độc hại thì lại khiến chúng ta chịu đựng một áp lực vô hình phải luôn tỏ ra vui vẻ, phấn chấn dù bản thân đang rất stress hoặc đau buồn. Chính thái độ “fake it until you make it” mà nhiều người trên mạng xã hội đang tuyên truyền hiện nay cũng góp phần khiến xu hướng tích cực độc hại trở nên phổ biến hơn.
Hậu quả của xu hướng tích cực độc hại là khiến bản thân chúng ta lờ đi những cảm xúc tiêu cực và chỉ thể hiện những điều tích cực. Lâu dài, các bác sĩ tâm lý khuyến cáo thói quen này có thể khiến chúng ta trầm cảm vì luôn phải giấu diếm cảm xúc thật, hoặc không còn biết cách thể hiện những nhiều tầng cảm xúc khác nhau nữa.
Chính bản thân Châu khi đọc định nghĩa này cũng cảm thấy giật mình. Vì trên mạng xã hội Châu luôn hướng tới phong cách sống tích cực, vui vẻ, nhiều năng lượng. Nhưng chính điều này có thể cũng ngăn cản Châu lắng nghe bản thân xem mình đang thực sự cảm thấy gì, vấn đề nằm ở đâu, và giải quyết ra sao.
Vậy làm thế nào để tránh được hiện tượng này?
Châu đã tự tìm hiểu thêm thêm các website về tâm lý học và tìm ra được một số thông tin như sau:
- Lắng nghe bản thân và tự đặt câu hỏi
Việc đầu tiên là mình sẽ phải tự hỏi xem bản thân có đang chạy theo xu hướng tích cực độc hại này không. Thay vì liên tục tự nhủ “mọi chuyện đều ổn cả, chỉ cần mình suy nghĩ tích cực là sẽ giải quyết được”, có những lúc chúng ta phải chân thành nhìn nhận cảm xúc của bản thân và người xung quanh.
Khi cảm thấy bản thân đang có xu hướng “gồng” quá, Châu sẽ tập thiền, sau đó tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây:
- Mình đang cảm thấy thế nào? Có ổn không?
- Mình có thoải mái thể hiện những cảm xúc của bản thân không?
- Mình có thoải mái tiếp nhận cảm xúc của những người mình yêu quý, quan tâm không?
- Làm thế nào để mình thể hiện cảm xúc tốt hơn?
- Chú ý về lời nói
Xu hướng tích cực độc hại có thể ảnh hưởng đến chính những người xung quanh bạn nữa. Hãy thử đặt mình vào vị trí của bạn bè, người thân. Khi nghe người khác tâm sự, chúng ta có xu hướng gạt bỏ theo kiểu “ui giời, chuyện bé xé ra to,” hoặc “thôi, bỏ qua, suy nghĩ nhiều làm gì,” hoặc “mày nghĩ thoáng lên cho tao nhờ.”
Châu nghĩ sẽ có ích hơn khi chúng ta nhìn nhận cảm xúc của người khác là có thật, là quan trọng, thay vì những lời động viên sáo rỗng.
- Thay vì nói “Mọi chuyện đều ổn thôi,” hãy nói “Mình rất tiếc vì biết bạn cảm thấy như vậy”
- Thay vì nói “Mày mạnh mẽ mà, cố lên,” hãy nói “Mày thật dũng cảm vì đã chia sẻ chuyện này với tao”
- Thay vì nói “Mọi chuyện xảy ra đều có lý do,” hãy nói “Giờ bọn mình đều chưa biết làm gì cho đúng, nhưng vậy cũng ok mà.”
- Lắng nghe hơn là tìm cách giải quyết ngay lập tức
Khi nghe bạn bè, người thân tâm sự về một vấn đề họ đang gặp phải, hầu hết mọi người sẽ muốn giúp đỡ, tìm ra cách giải quyết. Tuy nhiên, đôi khi tất cả những gì họ cần là người để lắng nghe và cho họ không gian, thời gian để thể hiện những cảm xúc của mình. Vì vậy, gần đây Châu bắt đầu tập thói quen lắng nghe và tự kiềm chế bản thân đánh giá hay đưa ra cách “fix” một vấn đề nào đó của bạn bè.
- Hiểu được cuộc sống sẽ luôn có cảm xúc “tốt” và “xấu”
Tích cực độc hại sẽ tạo ra khuynh hướng trấn áp cảm xúc của mỗi người, khiến chúng ta không động đến những cảm xúc được coi là tiêu cực nữa. Lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc lại trở thành một chiếc mặt nạ, một rào chắn ngăn cản chúng ta kết nối với sức khoẻ tinh thần. Đôi lúc, điều này cũng khiến chúng ta bị hiểu lầm và trở thành một con robot chỉ biết vui, không biết buồn đấy.
Để tránh được hiện tượng này, Châu thấy việc gọi tên cảm xúc là rất quan trọng. Một ngày chúng ta có quyền cảm thấy rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, vui, buồn, giận dữ, thất vọng, hi vọng, chán nản… Không có cảm xúc nào là hoàn toàn “xấu” hay hoàn toàn “tốt”.
Tất cả những cảm xúc đều được quyền hiện hữu và gọi tên, để chúng ta hiểu hơn về bản thân và biết cách kiểm soát và thể hiện cảm xúc tốt hơn.
- Tập trung vào hiện tại
Khi Châu bắt đầu tìm hiểu về thiền tịnh, một trong những bài học đầu tiên là tập trung vào hơi thở và khoảnh khắc hiện tại của bản thân. Điều này giúp chúng ta nhận ra cảm xúc đến và đi theo lẽ tự nhiên, và mình có thể mở lòng đón nhận bất cứ cảm xúc nào.
Một trong những lý do của tích cực độc hại có thể là do bạn đang lo sợ đối mặt với chính cảm xúc của mình. Khi tập trung vào hiện tại, thì nỗi sợ này có thể giảm bớt đi, vì chúng ta nhìn bản chất của vấn đề rõ ràng hơn. Và chúng ta có thể khuyến khích bản thân cũng như những người xung quanh đối mặt với vấn đề như nó vốn có, thay vì chạy trốn hay khuyến khích sáo rỗng.
Sau khi tìm hiểu về tích cực độc hại, bạn có cảm thấy mình đang gặp áp lực để luôn tích cực, vui vẻ, cả trên mạng xã hội và đời thực không? Chia sẻ cùng Châu nhé!
Có thể bạn cũng thích