
Yêu Bản Thân
Top 5 phương pháp quản lý tài chính cá nhân tốt nhất, có thể bạn chưa biết? – Phần 1
Phương pháp 50/30/20 hoặc JARS là hai trong nhiều cách đơn giản để các bạn trẻ bắt đầu tập quản lý tài chính cá nhân.
Trong cuộc sống hiện đại, việc quản lý tài chính cá nhân là vấn đề quan trọng để có tiềm lực tài chính bền vững. Nhiều người, dù có nguồn thu nhập cao nhưng vẫn phải loay hoay do chi tiêu quá mức, gặp vấn đề với các khoản nợ,… Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo ngay top các phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả dưới đây.
Phương pháp 1: Quy tắc 50/20/30
Để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, yêu cầu mỗi người cần có kế hoạch cụ thể. Phương pháp 50/20/30 là cách quản lý tài chính cá nhân kinh điển, được phát triển bởi Elizabeth Warren. Áp dụng công thức này giúp nhiều người quản lý, sử dụng tiền một cách thông minh và lên kế hoạch tài chính rõ ràng.

Bạn sẽ chia tổng thu nhập hàng tháng thành 3 nhóm chính, với:
- Nhóm chi tiêu thiết yếu – 50%: Nhóm chung cho hầu hết tất cả mọi người, phục vụ nhu cầu cần thiết, duy trì cuộc sống. Khoản chi tiêu cụ thể như: Tiền nhà, mua thực phẩm, điện – nước – internet phục vụ cho sinh hoạt, chi phí di chuyển xăng xe… Để tiết kiệm, bạn có thể thực hiện các biện pháp như: Nấu ăn tại nhà, di chuyển bằng xe bus, xe đạp, chọn nhà thuê chung để ở…
- Nhóm linh hoạt/ chi tiêu cá nhân – 30%: Khoản chi phí trong nhóm này dành cho nhu cầu cá nhân của mỗi người liên quan đến nhu cầu giải trí, du lịch, mua sắm quần áo, điện thoại, sở thích cá nhân hay cho các mối quan hệ. Với cuộc sống hiện đại, mỗi người sẽ có nhiều vấn đề cần quan tâm, mối quan hệ cần kết nối, nên những khoản chi tiêu này sẽ cần thiết. Bạn có thể cắt giảm chi phí ở nhóm này để chuyển sang nhóm thứ 3.
- Nhóm tích lũy và đầu tư – 20%: Khoản chi quan trọng mà ít người trẻ hiện nay chú ý đến, lập kế hoạch để chuẩn bị tài chính cho tương lai. Hàng tháng hãy dành 20% tổng thu nhập để tiết kiệm dự phòng và sử dụng để đầu tư, khiến đồng tiền sinh lời hoặc bạn có thể đầu tư cho kiến thức/ kỹ năng để nâng cao thu nhập. Tích lũy và đầu tư càng nhiều, cuộc sống tương lai của bạn sẽ ổn định, an toàn hơn trước những biến cố, rủi ro.
Quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc JARS
Phương pháp quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc JARS khá phổ biến, được nhiều cá nhân, gia đình áp dụng. Quy tắc JARS hay công thức 6 hũ tài chính, cho phép mỗi người áp dụng linh hoạt khoản thu nhập của mình, chia thành 6 phần tương ứng 6 hũ:

- Hũ 1 cho nhu cầu thiết yếu, chiếm 55%: Phần quan trọng cần đặt lên hàng đầu trong tất cả các kế hoạch tài chính, quản lý tiền. Số tiền ở hũ này được sử dụng cho: Nhà ở, ăn uống, đi lại, sinh hoạt hàng ngày… giúp cuộc sống ổn định, đảm bảo chất lượng.
- Hũ 2 cho mục đích giáo dục, chiếm 10%: Mỗi người cần phát triển bản thân, nâng cao kỹ năng để cải thiện thu nhập.
- Hũ 3 cho nhu cầu hưởng thụ, chiếm 10%: Bất cứ ai cũng có những sở thích cá nhân cần được thoả mãn. Khoản tài chính dành cho giải trí, du lịch, mua sắm… giúp tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn, tái tạo năng lượng làm việc.
- Hũ 4 cho đầu tư sinh lời, chiếm 10%: Khoản tiền được dùng đầu tư sinh lời, giúp bạn gia tăng thu nhập và nhanh chóng đạt được tự do tài chính.
- Hũ 5 cho tiết kiệm dài hạn, chiếm 10%: Khoản tiết kiệm dự phòng cho tương lai luôn cần thiết, để đảm bảo cuộc sống an toàn, trước nguy cơ khủng hoảng, dịch bệnh. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng khoản tiết kiệm này phục vụ kế hoạch nghỉ hưu sớm.
- Hũ 6 dành giúp đỡ mọi người, chiếm 5%: Khoản tiền được sử dụng để giúp đỡ người thân, bạn bè, người yếu thế hơn… Giúp bạn có niềm vui nhỏ trong cuộc sống.
Trên đây là phần 1 của các phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, được áp dụng phổ biến nhất mà bạn có thể tham khảo. Việc ứng dụng linh hoạt tùy theo khả năng, nguồn thu nhập của mỗi người để giải quyết các vấn đề khủng hoảng tài chính đang gặp phải.
Đọc thêm những bài viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân tại đây.
Có thể bạn cũng thích