Home / Phong Cách Sống / Top 5 điều kì diệu khi “bén duyên” cùng căn bếp
Icon Icon Icon

Ăn Sạch Uống Xanh

Top 5 điều kì diệu khi “bén duyên” cùng căn bếp

Vào bếp tự nấu một bữa cơm là cách chúng ta học cách nuôi dưỡng tâm hồn và yêu chiều cảm xúc. 

10/02/2023

Khi nhắc tới keyword “vào bếp”, chúng ta dễ dàng vạch ra rất nhiều lợi ích dễ thấy như tiết kiệm chi phí, giảm căng thẳng, thể hiện cá tính bản thân, hay thiết thực nhất là bảo vệ sức khoẻ với nguồn nguyên liệu sạch, giàu dinh dưỡng. Nhưng không chỉ vậy, công việc “dậy mùi” này còn gắn với sự phát triển của tâm trí và cảm xúc tự nhiên. Bài viết này sẽ cho bạn biết, việc “bén duyên” cùng căn bếp mang đến cho của chúng ta nhiều kì diệu hơn bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng. 

1. Bảo vệ sức khoẻ não bộ bằng chế độ dinh dưỡng khoa học 

Vào bếp và có một chế độ ăn uống cân bằng có thể tác động tích cực đến trí nhớ của bạn cũng như hỗ trợ quá trình dẫn truyền thần kinh hoạt động trơn tru. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ không thể duy trì tâm trí lành mạnh bằng các bữa cơm đặt ngoài – thường là thực phẩm chế biến sẵn, thiếu rau xanh và chứa quá nhiều chất phụ gia. 

Vì vậy, nếu bạn đang cảm thấy tinh thần đình trệ dù cho bản thân không gặp quá nhiều áp lực, bạn cần cân nhắc kĩ càng về chế độ dinh dưỡng của mình. Các bạn có thể tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải (Meditteranean diet) – một chế độ tuyệt vời khuyến khích bạn tập trung vào chất béo lành mạnh như dầu ô liu, nhiều trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá và tối thiểu thịt đỏ. 

2. Góp phần hình thành thói quen sinh hoạt tốt 

Sở dĩ nấu nướng có liên quan đến hình thành thói quen sinh hoạt, là bởi ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp đồng hồ sinh học. Khi không có thói quen nấu ăn, chúng ta dễ dàng thoả hiệp hơn với sự tiện lợi của thức ăn đóng gói hay sinh hoạt sai giờ giấc khi gặp phải công việc bận rộn. Trong khi đó, nếu nấu ăn trở thành một thói quen, cảm giác khó chịu, bức bối khi phải chi tiền cho thực phẩm không lành mạnh sẽ thôi thúc chúng ta vào bếp. 

Thói quen có lợi cho não bộ của chúng ta đến nỗi một hình thức trị liệu tâm lý đã được hình thành về vấn đề này. Liệu pháp nhịp điệu giữa các cá nhân và xã hội (Interpersonal and social rhythm therapy – IPSRT) đã phân tích rất rõ vai trò của thói quen cho sự phát triển não bộ.

Liệu pháp này thừa nhận các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống và những thay đổi trong thói quen hàng ngày của một người có thể gây ra những lo ngại về sức khỏe tâm thần — trong trường hợp rối loạn lưỡng cực; các dấu hiệu có thể khởi phát trầm cảm hoặc hưng cảm. 

Ảnh – Unplash

Do vậy, khi tuân theo một thói quen tốt, đảm bảo thời gian cho ăn uống, ngủ nghỉ, nhịp sinh học của chúng ta có thể trở nên cân bằng. Nếu có thể duy trì vào bếp trong tối thiểu 27 ngày liên tiếp, bạn chắc chắn sẽ có được “cảm giác thôi thúc” để khước từ các tác động xấu tới sức khoẻ của bản thân. 

3. Kết nối với xã hội

Nghiên cứu về vai trò của nấu nướng với sự gắn kết xã hội đã được công bố trong tạp chí Tạp chí Giáo dục Sức khoẻ và Hành vi (Health Education & Behavior Journal) vào năm 2017, chỉ ra rằng nấu ăn là một liệu pháp trị liệu và phục hồi chức năng cảm xúc đối với các cá nhân bị mất kết nối với những người xung quanh. 

“Mùi thơm” của món ăn giống như một chất xúc tác để bạn và người thân cùng chia sẻ câu chuyện bếp núc và dần dần mở ra những chủ đề khác ngoài cuộc sống. Khi bạn đã bắt đầu quen dần với những đoạn hội thoại gần gũi này, bạn có thể bắt nhịp lại với thế giới rộng lớn bên ngoài. 

Ảnh – Havard Health

Nếu còn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chủ đề, bạn có thể bắt đầu cuộc hội thoại với một số câu hỏi sau: 

  • Hỏi về món ăn mà họ thích (để điền vào trong thực đơn cho bữa ăn) và bắt đầu “tò mò” vì sao họ lại thích thưởng thức món đó? 
  • Nếu món họ thích mang ý nghĩa đặc đặc biệt, thử hỏi xem kỉ niệm nào khiến họ nhớ món ăn đó nhất? (gắn với thời thơ ấu, gia đình, chiến tranh,…)
  • Họ biết ai nấu món này giỏi? Nếu người trả lời chính là “ngôi sao” làm món ăn đó, hãy hỏi xin họ thêm “tips” gia truyền để nấu giỏi như họ
  • Thậm chí, bạn có thể nâng cao chủ đề của mình bằng việc hỏi những người phụ nữ/đàn ông trong gia đình có sở trường nấu nướng ngon như thế nào? 

Chắc chắn rằng, nấu nướng không nên chỉ được soi chiếu bằng góc nhìn hạn hẹp – một “đặc quyền” hay “nghĩa vụ” của người phụ nữ để phục vụ chồng con. Bởi hơn cả vậy, ai cũng có thể vào bếp, trước hết để tìm niềm vui trong cuộc sống, xa hơn nữa là thắt chặt mối nối giữa bản thân với những người thân thương và học cách yêu thương họ. 

4. Rèn luyện sự kiên nhẫn

Nấu nướng chính là nghệ thuật của sự bền bỉ hết sức tính tế. Bạn nhẫn nại đợi chờ giây phút được lật miếng nem mà không làm chúng nứt vỡ hoặc cháy xém, bạn kiên trì cắt từng miếng hành nhỏ, thậm chí dành cả tiếng đồng hồ chỉ để tạo hình trang trí cho món ăn.  

Bài học rèn luyện về sự kiên nhẫn trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thật cần thiết – khi chúng ta cần nhiều sự nhẫn nại hơn để có thể để nhận ra sự tốt đẹp của mỗi người, bao dung chính mình và những người xung quanh.

5. Với căn bếp, sự sáng tạo là vô bờ 

Không có một thực đơn nào là hoàn hảo! Ngay cả khi bạn học công thức của Gordon Ramsay, có khả năng một thành viên trong gia đình của bạn sẽ không cảm thấy hợp khẩu vị, hoặc có ai đó lại đặt ra một yêu cầu hoàn toàn trái ngược với công thức sẵn có. 

Ảnh – livekindly.com

Ẩm thực luôn cần sự biến chuyển! Bạn học cách thêm mắm, bỏ đường, nêm muối, cảm nhận sự thay đổi tinh tế trong ẩm thực, phối hợp với “yêu sách” của người thưởng thức,… các hành động được lặp đi lặp lại cho đến khi bạn tìm ra chân lý cho thức ăn của mình. 

Nấu ăn tại nhà cho bạn cơ hội thử nghiệm trong bếp và khám phá vai trò của từng thành phần trong món ăn. Ngay cả khi đang làm theo một công thức sẵn có, bạn hoàn toàn có thể thử nghiệm các nguyên liệu mới cho phù hợp với mong muốn của gia đình, hay phong tục ăn uống nơi quê nhà. 

Bài viết được thực hiện bởi bạn Phương Linh trong chương trình “Sáng tạo content cùng Chaubuinet”!

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!