Home / Thời Trang / Điểm Tin Thời Trang / Thời trang tuần hoàn là gì?
Icon Icon Icon

Điểm Tin Thời Trang

Thời trang tuần hoàn là gì?

Trở thành những người tiêu dùng có trách nhiệm hơn với circular fashion.

25/09/2021

Rác thải thời trang thời gian gần đây đã không còn quá mới mẻ và là một trong những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc này là do thói quen của người tiêu dùng, cụ thể hơn là chính chúng ta.

Hôm nay Châu và LCDF sẽ cùng mọi người tìm hiểu về thời trang tuần hoàn để mỗi chúng ta trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm. Có rất nhiều cách khác nhau để tăng vòng đời của một món đồ và hạn chế việc biến chúng trở thành rác thải.

1. Thời trang tuần hoàn là gì?

Thời trang bền vững, thời trang xanh, thời trang không rác thải hay thời trang tuần hoàn đều là những khái niệm hướng tới một môi trường sống hạn chế rác thải bởi dệt may.

Hiện tại, hầu hết các sản phẩm thời trang đều đi theo hướng tuyến tính: sản xuất – sử dụng – vất bỏ khiến lượng rác thải tăng chóng mặt. (Ảnh Việt hóa: LCDF)

Thời trang tuần hoàn (circular fashion) được hiểu là quy trình nhằm giảm thiểu chất thải, ô nhiễm, giữ cho sản phẩm thời trang có vòng đời sử dụng lâu nhất.

Cụ thể, các sản phẩm sẽ được chú trọng ngay từ khâu thiết kế, chọn nguyên liệu để sau đó nó có thể tái sử dụng càng lâu càng tốt (như sửa chữa, mua đi bán lại) hoặc nếu không còn có thể tái sử dụng. Chúng sẽ được dùng làm nguyên liệu thô thay vì bị vất bỏ thành một thứ rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Nếu đi theo hướng thời trang tuần hoàn, phần rác thải sẽ bị loại bỏ. (Ảnh Việt hóa: LCDF)

2. Có những cách nào để đi theo thời trang tuần hoàn?

– Thiết kế có chủ đích: Ngay từ bước đầu, để giúp cho sản phẩm có vòng đời lâu nhất, nhà thiết kế sẽ phải tính toán sao cho sản phẩm có độ bền cao, có thể dễ kết hợp, thêm nhiều tính năng, chọn lựa chất vải dễ tái chế, phương pháp ra rập hạn chế vải thừa hoặc ra rập giúp trang phục dễ được bóc tách, tháo rời khi tái sử dụng.

Châu Bùi từng hưởng ứng chiến dịch kêu gọi bảo vệ môi trường bằng cách diện thiết kế đa chức năng. Đây vừa là áo vừa là túi xách để có thể thay thế cho túi nilon khi mua đồ, khuyến khích mọi người ngưng sử dụng nhựa một lần.

– Chọn nguyên liệu thô: những nguyên liệu thô, tự nhiên sẽ được ưu tiên nhằm giúp cho sản phẩm ngay cả khi không thể sửa chữa, trao đổi sẽ được quay về trở thành một nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm khác.

– Xử lý vải an toàn: các phương pháp nhuộm vải an toàn, nhuộm màu tự nhiên sẽ được ưu tiên nhằm hạn chế chất thải độc hại trong quá trình nhuộm vải. Việc kết hợp thêm sợi vải nhân tạo (ví dụ như sợi nilon) sẽ được hạn chế để khâu tái chế được dễ dàng nhất.

–  Các dịch vụ tăng tuổi thọ quần áo: sửa chữa, tái chế, mua đi bán lại, cho thuê, kinh doanh đồ cũ..

Tin vui là trên thế giới, càng ngày càng có nhiều hãng thời trang cam kết đi theo mô hình Thời trang Tuần hoàn. Đơn cử như For Days – một thương hiệu tại Mỹ dẫn đầu về tính bền vững. Nếu áo quần đã cũ, hỏng, người mua có thể đổi chúng lấy món đồ mới, còn món đồ cũ kia sẽ được hãng “hô biến” thành sản phẩm khác. ReCircled là doanh nghiệp trung gian giúp các thương hiệu thời trang không phải vất bỏ sản phẩm. Công ty này nhận nhiệm vụ xử lý những lô hàng, sản phẩm của hãng đã bị trả lại, hư hỏng, biến chúng thành một sản phẩm mới.

Tại Việt Nam, có thể kể tới rất nhiều thương hiệu thời trang đi theo dòng thời trang bền vững, thời trang tuần hoàn sử dụng nguyên liệu cũ hoặc nguyên liệu thân thiện tự nhiên như Km109 (NTK Vũ Thảo), Xavan (NTK Lê Ngọc Hà Thu – Quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững hàng đầu thế giới 2020 Redress), Môi Điên,….

Nhiều thiết kế của thương hiệu thời trang bền vững Xavan được làm từ những chiếc áo Kimono. Mỗi chiếc áo đều là độc nhất. Ảnh: Xavan.

Cùng với đó là hàng loạt shop kinh doanh đồ si, những dịch vụ cho thuê quần áo như Drobebox, Rentzy, Min.de, DressUp, hay Sue.dressie hay các đơn vị nhận ký gửi mua bán đồ cũ như Give Away, Give Away Premium, The Next, LABB, Coco Dressing Room,…

DIY (đồ tự chế) đã lên một đẳng cấp mới khi ngày càng nhiều người tái chế đồ hiệu thành những sản phẩm độc đáo như chiếc áo làm từ giày thể thao này. Ảnh: Pinterest.

Bạn có thể làm gì để ủng hộ thời trang tuần hoàn?

  • Hãy giữ gìn khi giặt, ủi để quần áo cho bền hơn. Nếu quần áo bị hỏng khóa, rách hoặc rộng, chật, đừng vội nghĩ tới việc bỏ đi mà thử xem có cách nào để sửa không đã nhé.
  • Mua những trang phục có độ bền, dễ mix, không dễ lỗi mốt.  Một chiếc áo cơ bản hẳn sẽ bám trụ rất lâu trong tủ đồ của bạn.
  • Mua đồ second hand. Trào lưu đồ si trong giới trẻ Việt đang đang lên một đẳng cấp mới cho bạn tha hồ chọn lựa và sáng tạo.
  • Thuê những trang phục ít mặc như đồ dạ hội, đồ cưới, thậm chí là đồ bầu. Hiện đã có khá nhiều nền tảng cho thuê đồ ở Việt Nam rồi đó!
  • Trao đổi đồ với bạn bè, sử dụng tủ đồ chung cùng bạn bè.
  • Mua trang phục có chất liệu bền vững, đường may chắc chắn. Hãy cân nhắc khi mua sắm, một chiếc áo tốt, đắt tiền một chút sẽ có giá trị hơn nhiều những món đồ rẻ tiền, theo mốt với chất liệu và finish cẩu thả.
Châu Bùi cũng là một trong những đại sứ của chương trình Tắt đèn bật ý tưởng 2021 chủ đề ‘Thẩm mỹ xanh – Yêu lành mạnh’ với thông điệp ‘Thời trang bền vững – Trái đất bền lâu’. Chiến dịch khuyến khích cộng đồng yêu áo quần của mình hơn nhằm giảm thiểu rác thải thời trang. Ảnh: Boo.

LCDF

Đọc thêm bài viết cùng chủ đề #LCDFFashion.

*Ảnh bìa: Vogue

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!