Điểm Tin Thời Trang
Những điều có thể bạn chưa biết về thời trang Metaverse (P1)
Khi công nghệ “va chạm” thời trang.
Thời gian gần đây, bạn đã từng nghe qua các khái niệm thời trang Metaverse chưa? Liệu bạn đã hiểu Metaverse Fashion – thời trang ảo mặc như thế nào, giá cả ra sao, tại sao lại thịnh hành? Trong bài viết hôm này, cùng Chaubuinet cập nhật hiểu biết về trend này nhé!
1. Thời trang Metaverse là gì?
Metaverse có thể hiểu là một không gian ảo, con người có mặt và tương tác trong đó dưới hình hài cụ thể (tương tự game nhập vai). Thời trang Metaverse chính là thời trang ảo dùng cho thế giới ảo này. Thời trang Metaverse đã có từ khá lâu (trước cả khi được đặt tên) với hình hài là những “skin” (trang phục trong game 3D). Theo Forbes Việt Nam, doanh thu từ thời trang ảo chỉ tính riêng trong game ước tính mỗi năm đã thu về 40 tỉ USD.
Trang phục ảo Balenciaga thiết kế cho game Fornite.
Tuy nhiên, con người giờ đây không chỉ gặp nhau trên game 3D. Giám đốc marketing của Gucci Robert Triefus chia sẻ: “Sẽ ngày càng có nhiều ‘thế giới thứ hai’, nơi chúng ta thể hiện bản thân bằng sản phẩm ảo, nhân cách ảo”. Đó là những hoạt động trực tuyến như: họp mặt, học tập, show diễn, sự kiện ra mắt sản phẩm… Và khi nhu cầu cho những bộ trang phục ảo tăng lên, thời kỳ bùng nổ của thời trang Metaverse bắt đầu.
2. Thời trang Metaverse trên thế giới đang thịnh hành ra sao?
Xu hướng tìm kiếm từ khóa Metaverse fashion bắt đầu tăng cao từ năm 2021 (Nguồn: Google Trend)
Sự sáng tạo vô hạn, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, xu hướng trực tuyến hóa mọi hoạt động chính là lý do khiến thời trang Metaverse trở thành mỏ vàng tiềm năng. Danh sách các nhà mốt lớn theo đuổi thời trang Metaverse ngày càng dài với: Ralph Lauren, Gucci, Burberry, Balenciaga, Rebecca Minkoff, Clinique, Adidas, Armani, Calvin Klein, Dolce & Gabbana, DKNY, Tommy Hilfiger…
Một vài sự kiện đáng kể như màn kết hợp tiêu biểu giữa Louis Vuitton với game Liên minh huyền thoại, Balenciaga với game Fornite hay thương vụ Nike mua lại một startup thời trang ảo RTFKT và xây dựng thế giới Nikeland trong game Roblox.
Loạt hàng hiệu Nike trong game Roblox.
Chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 3 vừa qua đã diễn ra một sự kiện đánh dấu thời kỳ trỗi dậy hoành tráng của Metaverse Fashion – Tuần lễ thời trang Metaverse (MTFW) trên nền tảng ảo Decentraland – tụ hội hơn 70 thương hiệu, 500 thiết kế.
Street style tại tuần thời trang ảo là đây.
3. Ở Việt Nam có những NTK nào, đơn vị nào đang ứng dụng thời trang Metaverse?
Thời trang Metaverse là thuật ngữ đang còn rất mới ở Việt Nam. Nhắc tới mảng này, hiện có thể kể tên 2 nhà thiết kế trẻ là Huân Lei và Trần Quỳnh Nhi.
Huân Lei hiện là nghệ sĩ minh họa 3D cho một số nhà thiết kế, nghệ sĩ và các bộ ảnh. Anh chia sẻ: “Chưa dám nhận mình là fashion designer, nhưng với niềm hứng thú với thời trang, mình luôn cố gắng dùng 3D như một công cụ để hiện thực hoá những ý tưởng mà thời trang vật lý sẽ gặp khó khăn khi thi công”.
Châu Bùi và NTK 3D Huân Lei đã có khá nhiều lần kết hợp trong các dự án 3D.
Trần Quỳnh Nhi vốn là nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp tốt nghiệp Học viện Thiết kế & Thời trang London Hà Nội LCDF – nơi cho ra đời hàng loạt local brand lớn như Wephobia, Uptoseconds, Lâm Gia Khang, Lobbster… Quỳnh Nhi chọn con đường trở thành nhà thiết kế thời trang 3D đúng nghĩa với các thiết kế hiệu 143Dress đang bày bán trên các trang quốc tế. Ca sĩ Bích Phương cũng từng gây chú ý khi diện bộ váy 3D của NTK Trần Quỳnh Nhi.
Là thương hiệu gắn liền với giới trẻ và sự thức thời, Boo hiện là thương hiệu Việt nổ phát súng đầu tiên cho trào lưu thời trang ảo khi đầu năm nay tuyên bố hãng đang kết hợp với VerseHub (startup tại Anh) số hóa các sản phẩm của hãng để khách hàng có trải nghiệm mua sắm mới.
4. Mặc thời trang metaverse như thế nào?
NTK 3D Huân Lei cho biết có rất nhiều cách để “mặc” một bộ quần áo 3D. Trong thế giới digital, họ có thể mặc chúng như một bộ quần áo thực sự bằng CGI (Computer-Generated Imagery – Công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), hay đơn giản là photoshop… Hãy tưởng tượng, những bộ cánh Metaverse giống như những filter trên Tiktok, Instagram…. Bạn sẽ bỏ tiền ra mua quyền sở hữu chúng để “ốp” lên một bức ảnh phù hợp.
Để dễ hình dung hơn, hãy thử tải DressX – một ứng dụng mua sắm thời trang digital đình đám nhất hiện tại. Ở đây, thay vì ngắm người mẫu mặc trang phục, mỗi khi bạn quẹt một món đồ nào đó, bạn sẽ được thấy chính mình đang diện nó.
Khi chọn đồ trên DressX bạn sẽ thấy mình được ướm thử nó. Khi mua hàng (một photolook) bạn sẽ nhận lại hình ảnh mặc sản phẩm đã được căn chỉnh chân thực nhất.
Bạn có thể tham khảo clip Youtube đạt hơn 4 triệu lượt xem có tên “I wore digital clothes for a week” để hiểu hơn về trải nghiệm khi mua sắm đồ ảo trên mạng.
Vậy còn giá cả của thời trang Metaverse như thế nào? Việc thiết kế chúng khác gì thời trang vật lý? Tại sao người ta lại hay nhắc Metaverse fashion và NFT cùng nhau… Cùng xem tiếp ở phần 2 tại đây nhé!
(Còn tiếp)
Ảnh và bài thuộc bản quyền của LCDF Hanoi. Đọc thêm bài viết cùng chủ đề tại #LCDFFashion.
Có thể bạn cũng thích