Hôm Nay Mặc Gì?
6 thói quen mua sắm thời trang “độc hại” của Gen Z
Đam mê thời trang “độc” nhưng đối mặt với các thói quen mua sắm gây “hại”.
Hiện đại hóa đã làm cho thế giới trở nên “phẳng” hơn, việc truy cập thông tin hay kết bạn bốn phương trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngành công nghiệp thời trang cũng không ngoại lệ. Sự phát triển mua sắm trực tuyến đã thúc đẩy các chiến dịch quảng cáo ra đời trên những nền tảng mạng xã hội, từ đó doanh thu cũng tăng đáng kể. Sự phát triển nhanh chóng gây nên các thói quen mua sắm “độc hại”.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Mintel cho thấy Gen Z tiêu thụ nhiều hơn các thế hệ cũ khi mua sắm thời trang. 64% thanh niên Anh từ 16 đến 19 tuổi thừa nhận đã mua quần áo mà họ chưa bao giờ mặc. Trong bài viết lần này, chaubuitnet sẽ điểm qua 6 thói quen mua sắm “độc hại” của GenZ.
1. Hiệu ứng Diderot
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng rơi vào tình huống mua một món đồ mới và lập tức tìm mua những món đồ khác để đi kèm với nó. Chẳng hạn như bạn vừa mua một chiếc váy và muốn tìm thêm giày và túi xách phù hợp với bộ váy mới. Đây là một trạng thái tâm lý rất phổ biến – Hiệu ứng Diderot.
Việc mua sản phẩm thời trang được cho là hiếm khi vì công dụng của chúng – không phải ta đang tìm kiếm những thứ để che cơ thể. Thay vào đó, những món đồ thời trang là cơ hội để thể hiện bản thân mà thường chỉ là sự hài lòng nhất thời. Chúng ta chẳng mấy khi đi ngược lại với xu hướng tự nhiên của con người – tích lũy, thêm vào, nâng cấp, và tạo dựng.
Hiệu ứng Diderot nói lên sự thật rằng: bất cứ vật sở hữu mới nào đều dễ dàng tạo ra một vòng xoáy tiêu thụ, dẫn đến việc sở hữu nhiều vật dụng mới hơn. Kết quả, chúng ta chi tiêu nhiều quá mức và mua những thứ bản thân không có nhu cầu, chỉ đơn giản để cảm thấy hạnh phúc hay thỏa mãn. Trường hợp tệ hơn, người tiêu dùng có thể rơi vào tình trạng nợ nần, gặp khó khăn tài chính trong việc duy trì cuộc sống hằng ngày.
2. Thói quen mua sắm vượt ngoài khả năng tài chính
Congolese Sapeturs (La Sape) là một ví dụ điển hình cho việc tiêu dùng những sản phẩm thời trang xa xỉ, vượt ngoài tài chính cá nhân. Phần đông La Sape là những người dân với công việc lao động chân tay như tài xế taxi, thợ may, người làm vườn,… Tuy vậy, họ rất chuộng thời trang và coi trọng việc ăn mặc lộng lẫy, xa xỉ. Hầu hết những bộ suit của cộng đồng này đến từ những thương hiệu đắt đỏ bậc nhất Paris.
Bên cạnh La Sape, chaubuinet tin rằng không ít Gen Z cũng bị lôi cuốn bởi những thiết kế xa hoa, đắt đỏ – bề mặt hào nhoáng trong “tảng băng chìm” của ngành công nghiệp thời trang. Có khá nhiều lý do đằng sau thói quen mua sắm độc hại này.
Một trong những lý do có thể kể đến là hệ quả của hiệu ứng đua đòi (snob effect) khi bạn mua món đồ mà người khác không mua để trở nên khác biệt. Nhiều người mong muốn trở thành trung tâm của sự chú ý và việc mua những món đồ xa xỉ là cách tốt nhất để làm tâm điểm của đám đông.
3. Hiệu ứng đoàn tàu
Hiệu ứng đoàn tàu (bandwagon effect) là thuật ngữ để chỉ hiệu ứng ăn theo, trong đó người này làm theo người kia, bỏ qua chính kiến của bản thân. Hiệu ứng này trái ngược với hiệu ứng đua đòi. Nó xảy ra khi một người mua món đồ chỉ vì nó trông thời thượng và tất cả mọi người khác đều có nó. Dù cho món đồ không phù hợp cá tính, họ vẫn lựa chọn chạy theo xu hướng chung.
Một ví dụ điển hình của việc chạy theo xu hướng là sự phổ biến của chiếc áo Fear of God Essentials. Khi được ra mắt, chiếc áo trở nên phổ biến do có độ nhận diện cao, dòng chữ “ESSENTIALS” được người mặc sử dụng như một công cụ “flex” về tính thời thượng của mình.
Việc chạy theo xu hướng cũng trở nên phản tác dụng sau khi mức độ phủ sóng của sản phẩm lan tỏa mạnh mẽ. Sau một thời gian sử dụng, Gen Z – vốn là những người yêu thích sự độc đáo – cảm thấy bản thân không còn đặc biệt do thiết kế được quá nhiều người mặc. Dần dần, họ có khuynh hướng chuyển dời sự chú ý sang một sản phẩm khác mới mẻ và “trendy” hơn. Từ đó, vòng lặp tuần hoàn của văn hóa tiêu dùng được hình thành.
4. Sắm quá nhiều đồ “si”
Đồ si, hay đồ second-hand là một trong những cách thức theo đuổi thời trang bền vững và kéo dài vòng đời của sản phẩm được nhiều Gen Z ưa chuộng. Nếu kiểm tra sản phẩm một cách cẩn thận khi mua, đồ second-hand sẽ là một lựa chọn hoàn hảo – vừa tiết kiệm chi phí, vừa có tính thẩm mỹ, độc nhất.
Tuy vậy, việc đưa ra một lựa chọn đúng đắn khi mua đồ si chưa bao giờ là dễ dàng. Lý do đầu tiên là bởi những sản phẩm qua sử dụng có giá thành vô cùng rẻ, chính vì vậy, người tiêu dùng dễ mắc phải tâm lý “mua càng nhiều, càng lời”. Thứ hai, một số cửa hàng hoặc chợ bán đồ si không cho khách thử sản phẩm. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng mua những sản phẩm không phù hợp, vừa vặn với cơ thể.
Nếu không biết cách mua đồ đúng đắn mà mải chìm đắm vào những “thrift haul” (đợt bán đồ second-hand), bạn sẽ đối diện với việc tích trữ thêm những món đồ không có giá trị sử dụng. Thay vì “ham” quá nhiều đồ second-hand, hãy đưa ra những quyết định lý trí hơn khi đi “săn đồ”, hoặc để dành tiền cho những món đồ có chất lượng cao hơn nhé!
5. “Bẫy” giảm giá, khuyến mãi
Đây là một trong những lý do phổ biến nhất khiến chúng ta mua những sản phẩm không cần thiết. Các cửa hàng quần áo thường đưa ra khuyến mãi mua 2 tặng 1 hoặc giảm giá 50% trong những dịp đặc biệt. Trong những đợt giảm giá này, người tiêu dùng thường suy nghĩ rằng họ được hời, hoặc nếu không mua, họ sẽ bỏ mất cơ hội sở hữu những sản phẩm này với giá cả phải chăng.
Bạn có nghĩ rằng mua sắm trong đợt giảm giá thể hiện sự tiết kiệm và quyết định khôn ngoan không? Giả sử một đợt khuyến mãi có nội dung: “giảm giá lên đến 70%*”. Con số 70% trông như một món hời, nhưng trong thực tế, đây hoàn toàn có thể là cái bẫy của nhà sản xuất. Dấu hoa thị ở đây thường có nghĩa bạn chỉ được giảm giá 70% khi mua hàng với số lượng hoặc mức tiền tối thiểu trở lên.
Trong hầu hết các trường hợp, khách hàng thường mua nhiều hơn dự tính ban đầu. Nếu gặp một nhân viên tư vấn thuyết phục, bạn có khả năng sẽ mua nhiều hơn nữa.
6. Mua sắm trực tuyến và hệ lụy
Trong thời kỳ hiện đại hóa, thế giới “phẳng” giúp người tiêu dùng trẻ mua hàng chỉ bằng vài cú click chuột. Hiện nay, sử phát triển rộng rãi của những nền tảng mua sắm cũng khiến việc sắm sửa quần áo trở nên tiện dụng hơn rất nhiều.
Những sàn runway chưa bao giờ gần chúng ta đến vậy. Khác hẳn những đợt quảng bá truyền thống khó tiếp cận, các nhà mốt ngày nay tận dụng tối đa chiến dịch quảng cáo trực tuyến. Việc marketing trên những nền tảng mạng xã hội giúp độ nhận diện thương hiệu tăng đáng kể và tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng. Tuy tiện lợi, mua sắm trực tuyến là con dao hai lưỡi dẫn đến tiêu thụ quá mức.
Ngoài ra, với thói quen mua lẻ tẻ, mỗi đơn hàng một món góp phần gây lãng phí bao bì. Hàng được bao bọc trong nhiều lớp giấy và túi nilon, đôi khi chèn thêm màng xốp chống sốc rồi mới đóng gói vào hộp. Điều này gây ra ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề lên môi trường.
Thông qua bài viết, Chaubuinet hy vọng bạn đã có khái niệm về các hành vi mua sắm để điều chỉnh thói quen bản thân sao cho hợp lý, tự tin đối mặt với các “cám dỗ” thời trang.
Có thể bạn cũng thích