Yêu Bản Thân
The Gray Man: Đơn giản hóa thành đơn điệu
The Gray Man liệu có gây được ấn tượng khi chào sân với khán giả đại chúng?
Dàn diễn viên chất lượng, bộ đôi đạo diễn đứng sau những bom tấn nổi tiếng và được ông lớn Netflix mạnh tay chi tiền nhưng vì sao The Gray Man vẫn thất bại khi chào sân với khán giả đại chúng? Cùng Chaubuinet đi tìm hiểu nhé!
1. Hình ảnh chất lượng, kỹ xảo mãn nhãn
Nổi tiếng là những con người đứng sau sự thành công của hai bom tấn siêu anh hùng Avengers như Infinity War (2018) và End Game (2019), anh em nhà Russo được mong đợi sẽ mang những gì tinh túy nhất từ hai bộ phim trên trở lại dự án lần này.
Và đúng như kì vọng, anh em nhà Russo đã chiều lòng khán giả khi mang đến một The Gray Man với những pha hành động, cháy nổ mãn nhãn. Tiềm lực từ gã khổng lồ Netflix đã cho phép bộ đôi đạo diễn thỏa sức sáng tạo, kết quả là những phân cảnh chiến đấu chân thật và đã mắt lần lượt được phô diễn, mang đến cho khán giả sự thỏa mãn nhất định.
Phần hình ảnh giá trị đã tạo nên dấu ấn đầu tiên của phim trong mắt khán giả. Nhưng với một dự án được đầu tư khủng như The Gray Man,như vậy là chưa đủ. Sau cùng một trải nghiệm điện ảnh chất lượng là khi khán giả không chỉ thỏa mãn về mặt hình ảnh, những gì đọng lại sau khi xem phim cũng rất quan trọng. Đáng tiếc thay, bộ phim lần này của anh em nhà Russo lại không làm được như vậy
2. Kịch bản nhẵn mặt và thiếu sáng tạo
Đặc vụ siêu việt tham gia những chương trình tối mật của chính phủ, quay lại trả thù sau khi bị tổ chức phản bội là mô típ đã nhẵn mặt với khán giả xuyên suốt một khoảng thời gian rất dài. Việc lựa chọn một chất liệu đã dần cạn kiệt ý tưởng khai thác như thế đòi hỏi những yếu tố khác ở phim phải đạt được sự đột phá lớn hơn nếu muốn thu hút khán giả.
Đáng buồn thay, kịch bản của The Gray Man lại đơn giản đến khó tin khi xuyên suốt 2 tiếng đồng hồ có rất ít nút thắt hay tình huống then chốt được đưa ra khiến phim trở thành một tổng thể đơn điệu, thiếu điểm nhấn.
3. Tuyến nhân vật xây dựng thiếu hợp lý
Chris Evans, Ryan Gosling hay Ana de Armas đều là những gương mặt hứa hẹn tạo nên sự bùng nổ cho dự án bom tấn lần này của Netflix sau những vai diễn ấn tượng họ từng đảm nhận. Ryan Gosling mang đến một hình tượng điệp viên với sắc thái căng thẳng cùng khả năng đưa ra những quyết định hướng thiện vào thời khắc then chốt. Nhân vật Lloyd Hansen của “Đội trưởng Mỹ” Chris Evans được mô tả là một kẻ đánh thuê tàn bạo, điên rồ và biến thái. Hai nhân vật đều là những hình mẫu giàu tiềm năng khai thác, nhưng quyết định sau cùng của đoàn làm phim lại chọn cho hai diễn viên cách tiếp cận nhân vật có phần thiên nhiều về châm biếm, hài hước. Điều này vô tình tạo nên sự lệch nhịp đáng tiếc khi mô tả nhân vật đi một hướng nhưng khi lên màn ảnh lại đi một hướng ngược lại.
Điểm sáng hiếm hoi đến từ Ana de Armas khi may mắn thay nhân vật của cô không phải chịu chung số phận với hai đồng nghiệp. Đặc vụ CIA Dani Miranda của cô cho khán giả thấy được sự điêu luyện trong kĩ năng chiến đấu, nét quyến rũ đặc biệt và quan trọng là không hề vướng vào lưới tình của cánh đàn ông trên phim.
Tổng kết lại, đối với những khán giả đòi hỏi cao ở một trải nghiệm điện ảnh, The Gray Man vẫn tồn đọng rất nhiều vấn đề dẫu cho nhận được sự chống lưng của Netflix. Nhưng nếu mục đích của bạn chỉ đơn giản là sự thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, The Gray Man vẫn là lựa chọn đáng thử với sự mãn nhãn nhất định đến từ phần hình ảnh.
Có thể bạn cũng thích