Điểm Tin Thời Trang
Sinh viên thiết kế thời trang chia sẻ kinh nghiệm làm portfolio du học
Ít người biết rằng, một trong những điều phải cân não cho sinh viên thời trang chính là việc kiểm soát số lượng tác phẩm và chọn lựa sản phẩm phù hợp nhất đưa vào portfolio.
Portfolio (hồ sơ nghệ thuật) là thứ không thể thiếu khi sinh viên muốn nhập học các trường thiết kế, đặc biệt là khi du học các trường quốc tế. Nếu bạn tò mò muốn biết cụ thể quá trình làm portfolio du học ngành thiết kế như thế nào, cùng nghe chia sẻ từ T.L – một sinh viên đã thành công khi nộp hồ sơ du học chuyển tiếp sang London College of Fashion (thuộc UAL – University of the Arts London) nhé!
Quá trình chọn trường và ngành học trước khi đi du học
Mình chọn Portfolio để đánh giá kiến thức, khả năng sáng tạo và tài năng của các sinh viên trước khi phỏng vấn. Nó quyết định tương lai của mỗi sinh viên nên mình đã mất rất nhiều công sức khi chuẩn bị Portfolio du học ngành thời trang
Việc du học đã được mình lên kế hoạch từ năm thứ nhất đại học. Quá trình tìm hiểu các trường đại học tại Anh có lẽ là việc tốn nhiều thời gian nhất nhất. Lựa chọn ngành học nào phù hợp với mình chính là bước đầu tiên. Sau đó, mình tìm hiểu các trường đại học có ngành mà mình yêu thích, các yêu cầu bằng cấp, Portfolio, bài luận giới thiệu bản thân, đầu vào IELTS và cả học phí của mỗi trường.
Mình mất 1 năm đầu để suy nghĩ xem ngành học nào là ngành mình sẽ học lên cao hơn. Sau một quá trình dài tham khảo ý kiến các thầy cô và cả một số bảng xếp hạng, mình quyết định chọn ngành Fashion Marketing của London College of Fashion Anh Quốc.
Lý do là vì mình muốn hiểu sâu hơn quá trình từ thiết kế cho đến quảng bá, đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng . Bản thân mình cảm thấy kiến thức mà mình lĩnh hội được về thiết kế thời trang ở Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội LCDF đã vô cùng vững chắc và giờ mình muốn khám phá một nhánh mới của ngành thời trang đầy rộng lớn này.
Xây dựng Portfolio cho sinh viên thời trang
Để tạo nên một cuốn Portfolio hiệu quả là cả một quá trình, bạn phải dành ít nhất 1 tháng để thu thập lại tất cả các tác phẩm đã hoàn thiện và biên tập chúng lại một cách logic và sáng tạo nhất. Không có một quy chuẩn chung nào cho một cuốn hồ sơ nghệ thuật. Nó là cuốn sách tổng hợp và tóm tắt để nơi bạn nhập học hiểu được bạn có kỹ năng gì và khả năng sáng tạo ra sao.
Khi làm hồ sơ đi du học, bạn bắt buộc phải trình bày Portfolio bằng tiếng Anh chuẩn. Để đảm bảo về mặt ngữ pháp và chính tả, bạn nên đưa cho một người có chuyên môn kiểm tra lại các lỗi dùng từ. Vì mình phải chuẩn bị hồ sơ nghệ thuật song song với việc học trên lớp nên thời gian vô cùng gấp gáp. Để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho cả Portfolio và bài ở trường, mình luôn lên timeline cho từng tuần và bố trí công việc sao cho cụ thể.
Điều khó khăn tiếp theo với mình đó là kiềm chế và kiểm soát. Ở đây là kiềm chế số lượng tác phẩm và kiểm soát những cái cần để đưa vào trong Portfolio. Đôi khi chúng ta quá tham lam và muốn chia sẻ hết các câu chuyện ý nghĩa phía sau tác phẩm trong khi ban tuyển sinh phải nhận cả trăm nghìn cuốn hồ sơ mỗi đợt tuyển sinh. Vì vậy chúng ta cần tóm tắt cô đọng nhất có thể, để họ thấy ấn tượng với Portfolio tuy chỉ xem lướt qua lần đầu tiên.
Ở bước thiết kế Portfolio, mình đã nghiên cứu rất nhiều lần phần yêu cầu, gợi ý và giới hạn Portfolio mỗi trường. Ví dụ như ngành Fashion Marketing của London College of Fashion (LCF) yêu cầu sinh viên thể hiện các kỹ năng về thời trang, kinh doanh, am hiểu về khách hàng và sự đam mê với fashion marketing.
Với mỗi ngành lại có yêu cầu về hồ sơ nghệ thuật khác nhau, nhưng thường thì Portfolio nên có tối đa 30 trang và trong đó có 3 tác phẩm. Vì thế bạn cần lưu ý phân bố số trang phù hợp cho từng tác phẩm. Sau đó, mình biên tập tất cả các phần và tóm tắt lại. Một số cách mà mình dùng để tóm tắt đó là sử dụng nhiều hình ảnh thay cho câu chữ, gạch chân các keywords và sử dụng sơ đồ tư duy (mind map). Bạn có thể tìm hiểu một số cách khác, miễn là thật cô đọng và súc tích.
Sau khi hoàn thiện cuốn Portfolio, các thầy cô đã nhiệt tình góp ý và chỉnh sửa giúp. Các nhân viên phòng tư vấn cũng hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, các giấy tờ, thủ tục cần thiết. Mọi người đã hết sức giúp mình rồi, nên bản thân mình cũng luôn tự nhủ rằng phải tự giác, luôn theo dõi sát sao tiến độ và đọc kỹ tất cả các thông tin, yêu cầu trước khi ấn nút nộp bài.
Cuối cùng, sự chuẩn bị kỹ càng đã giúp mình được nhận vào ngôi trường thiết kế mơ ước London College of Fashion Anh Quốc và hiện chỉ còn chờ xin visa để lên đường. Hi vọng những chia sẻ của mình có thể giúp các bạn thêm tự tin khi làm hồ sơ nghệ thuật du học thiết kế nhé!
Đọc thêm bài viết cùng chủ đề #LCDFFashion.
Có thể bạn cũng thích