Yêu Bản Thân
Series Học Với Hành: Câu chuyện học ngoại ngữ
Ngoại ngữ có “khó nhằn” như bạn nghĩ?
Chaubuinet ra mắt series độc quyền Học Với Hành nhằm chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết học tập và làm việc hữu ích cho cộng đồng các bạn trẻ, thúc đẩy nhận định và thay đổi bản thân trong quá trình phát triển. Các bài viết trong series Học Với Hành sẽ có sự cố vấn đặc biệt từ những gương mặt trẻ sở hữu thành tích nổi bật trong học tập và công việc.
Mở đầu series Học Với Hành là kinh nghiệm học ngoại ngữ của Vừng (Lê Nam Thuận An) – cô sinh viên tài năng trúng tuyển 6 trường Đại học của Mỹ với mức học bổng 70-100%. Vừng đồng thời được biết đến với tài khoản Youtube có 196.000 lượt đăng ký xoay quanh các nội dung học tập và trải nghiệm cuộc sống tuổi trẻ. Hy vọng chia sẻ của Vừng sẽ mang đến những kiến thức hữu ích cho các bạn độc giả!
—
Tiêu chí lựa chọn ngoại ngữ
Khi lựa chọn một ngôn ngữ mới để chinh phục, chắc hẳn đa số mọi người sẽ nghĩ tới tiếng Anh đầu tiên vì tính hữu dụng quốc tế. Mình cảm thấy rằng việc kết nối được về mặt văn hoá và thực sự yêu thích những nét riêng trong lối sống, lịch sử, và những sản phẩm nội dung của những cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó cũng sẽ giúp đỡ rất nhiều khi học ngoại ngữ đấy.
Với bản thân mình khi lựa chọn học một ngôn ngữ mới, mình sẽ quyết định dựa trên tiêu chí tính ứng dụng và sự tò mò về mặt văn hoá. Có một ví dụ rất đáng cảm phục về Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook. Khi còn là sinh viên đại học, ông đã quyết định học tiếng Trung Quốc và đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào việc học ngôn ngữ này. Điều đó đã giúp ông đạt được một số thành công trong việc mở rộng thị trường của Facebook vào Trung Quốc, một điểm nóng của ngành công nghệ hiện tại.
Song ngữ hay đa ngôn ngữ?
Với độ toàn cầu hoá ngày nay, mình thấy khá là dễ dàng để có thể tồn tại và đi du lịch, thăm thú nhiều nơi chỉ với tiếng Anh. Thậm chí với những ứng dụng như với Google translate, hiện tại chúng ta hoàn toàn có thể tải xuống phần dịch của ngôn ngữ chúng ta đang cần và dịch qua hình ảnh (scan images) cũng như thu âm (voice translation), nên về mặt ứng dụng thì không quá cần thiết để học nhiều ngôn ngữ.
Tuy nhiên, việc học thêm một ngôn ngữ mới để có thể kết nối với người bản xứ, tạo nên một tình bạn mới, một góc độ hiểu mới về một nền văn hoá luôn là một trải nghiệm có ý nghĩa với mình. Gần đây mình có thực hiện một chuyến đi 1 tháng tại Trung Đông và có rất nhiều lần mình ước gì mình biết thêm tiếng Ả Rập để có thể trò chuyện cùng những người bản địa và có một trải nghiệm trọn vẹn hơn ở đây!
Tips “chống lười”
Có một người bạn “accountability partner” – người bạn cùng tiến để cùng luyện tập và kiểm tra lẫn nhau. Rất nhiều kỹ năng khi học ngôn ngữ mới sẽ cần việc soi chiếu với người khác, đặc biệt là luyện nói và luyện viết.
Tiếp cận nguồn tư liệu uy tín
Việc tiếp cận nguồn tư liệu uy tín phụ thuộc khá nhiều vào mục tiêu của bạn – học ngôn ngữ cho việc thi chuyển cấp ở Việt Nam, cho kỳ thi quốc tế IELTS, hay học ngoại ngữ để giao tiếp, kinh doanh?
Ví dụ với các kỳ thi khả năng ngoại ngữ, thì tài liệu tham khảo uy tín nhất sẽ là những bộ đề cũ của những năm gần đây. Những bộ đề có thể dễ dàng được tìm thấy trên mạng, và có kèm theo những bảng criteria đánh giá kỹ để chúng ta có thể tự luyện tập và chấm bài, và có một số trường cũng như hội đồng thi sẽ chính thức bán sách tham khảo tổng hợp các bộ đề cũ nữa – ví dụ như Olympic tiếng Anh 30/4.
Với các mục đích chung như để giao tiếp hay kinh doanh thì mình sẽ tìm tới những nhà xuất bản lớn như Oxford, Cambridge cho môn tiếng Anh, và đến một level cao hơn thì chọn lọc những tác phẩm văn học nổi tiếng để trau dồi từ vựng. Nhưng dù tư liệu có chất lượng đến mấy mà thiếu sự kiên trì thì cũng sẽ không ứng dụng được hết công suất của tư liệu đó.
Xác định mục tiêu thích hợp:
- Xác định mục đích và nhu cầu sử dụng ngôn ngữ
- Đánh giá trình độ hiện tại của bản thân qua các loại bài test phổ biến với ngôn ngữ đó
- Xác định thời gian và tài nguyên có sẵn
- Với bất kỳ mục tiêu nào, 20 giờ đầu mà chúng ta dùng để tạo dựng thói quen học kỹ năng đó đều rất quan trọng – dựa trên bài diễn thuyết “The first 20 hours” của Josh Kaufman trên Ted Talks.
Có thể bạn cũng thích