Yêu Bản Thân
Retail Therapy – khi mua sắm là liều thuốc giải sầu
Bạn có phải là người thích shopping mỗi khi stress?
Đứng trước câu hỏi, ‘Bạn làm gì mỗi khi stress?’, câu trả lời của chúng ta sẽ thường là: hoặc không làm gì cả, hoặc tự tạo những trải nghiệm thú vị như xách balo lên và đi, ăn uống hay tụ tập cùng bạn bè… Với nhiều người khác, mua sắm là liều thuốc giải sầu giúp họ vực dậy tinh thần sau chuỗi ngày làm việc mệt mỏi. Dưới góc nhìn tâm lý, hiện tượng này được gọi tên ‘Retail Therapy’. Vậy Retail Therapy là gì? Vì đâu cứ buồn ta lại muốn mua sắm? Cùng Chaubuinet tìm hiểu trong bài viết này nhé!
1. Retail Therapy là gì?
Retail Therapy (n) hay “trị liệu mua sắm”, chỉ hành động mua sắm để làm tâm trạng bản thân tốt hơn. Chẳng hạn, khi bạn không cần bất cứ thứ gì, bạn vẫn muốn la cà trung tâm thương mại hay dành cả tối chốt đơn trên các sàn thương mại điện tử. Đơn giản vì nó sẽ giúp bạn xả stress sau một ngày chẳng mấy vui.
2. Nguồn gốc của Retail Therapy
Khái niệm này được dùng đầu tiên vào những năm 1980, xuất hiện trên tờ Chicago Tribune với bài viết ‘Bấm giờ cho việc mua sắm’. Cụ thể, bài viết chỉ trích việc mà người dân nước Mỹ coi việc mua sắm làm phương thuốc trị những căn bệnh tâm lý và vấn đề của mình. Dù được sử dụng với nghĩa châm biếm và chưa được công nhận như một phương pháp trị liệu đích thực, Retail Therapy cũng có những tác dụng về tâm lý nhất định.
3. Vì đâu cứ buồn là lại muốn mua sắm?
Sự tích cực của việc mua sắm giống như một liều thuốc, xoa dịu mọi nỗi buồn bạn đang có, giảm đi biết bao áp lực, stress đè nặng.
Đơn giản vì, vui!
Não bộ chúng ta thích ưu ái những phần thưởng nhỏ và tức thì, đặc biệt khi không còn nhiều năng lượng. Việc bỏ một món hàng vào giỏ cũng tựa như việc gạch bỏ công việc đã hoàn thành, đều là một cú hích dopamine khiến bạn thấy hưng phấn.
Theo Boldsky, mua sắm như một phần thưởng giúp não bộ sản sinh ra dopamine và oxytocin. Trong khi oxytocin giúp chúng ta gác lại âu lo, dopamine lại là chất dẫn truyền thần kinh giúp chúng ta tận hưởng trọn vẹn sự hạnh phúc ngắn hạn.
Cảm giác được kiểm soát
Khi bạn cảm thấy mọi thứ không theo ý mình, việc đạt được chính xác những gì bạn muốn, đơn giản chỉ cần mua được một vài thứ cũng có thể coi là một thành tựu cá nhân to lớn.
Mua sắm sẽ cho bạn quyền lựa chọn và toàn quyền quyết định việc có sở hữu món hàng đó hay không. Thậm chí, được mua những gì mà mình thích mang lại cho bạn cảm giác kiểm soát hơn đến 40 lần so với việc không được mua sắm (theo một nghiên cứu của Đại học Michigan, năm 2014).
Đánh lạc hướng khỏi lo âu
Theo nhà tâm lý Scott Bea, mùi hương tươi mới, ánh sáng rực rỡ, cách thiết kế hàng hóa hay những giao diện bắt mắt của các app mua sắm,… là tổ hợp của những thủ thuật tâm lý. Nhiệm vụ của chúng là kích thích toàn bộ các giác quan và từ đó khiến ta mê hoặc hơn. Những kích thích này cũng góp phần phân tán sự chú ý của chúng ta ra khỏi những vấn đề hiện tại và thay thế bằng cách hình dung một viễn cảnh tích cực hơn.
3. Retail Therapy có cùng định nghĩa với Shopaholic?
Retail Therapy có một vài điểm tương đồng với nghiện mua sắm.
Bên cạnh những niềm vui có thật mà Retail Therapy mang lại, liệu pháp này sẽ trở nên phản tác dụng nếu bạn sa đà vào chủ nghĩa tiêu dùng, mua sắm bốc đồng và không kiểm soát được hành vi nuông chiều bản thân.
Một số biểu hiện bao gồm:
- Luôn bận tâm và khó cưỡng lại việc mua sắm
- Không kiểm soát chi tiêu và tài chính
- Dành nhiều thời gian mong mỏi hoặc mua sắm những món đồ không cần thiết.
Ai cũng muốn đảm bảo rằng mình không mua sắm quá mức. Tuy nhiên, não bộ chúng ta rất dễ bị phụ thuộc vào lối mòn ‘chỉ mua sắm mới đem lại niềm vui’. Không ít người đã hình thành thói quen mua sắm thiếu kiểm soát ngay cả khi tâm trạng bình thường. Và ở góc độ đa chiều hơn, ‘trị liệu mua sắm’ chỉ có thể giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn tạm thời chứ không thể giải quyết những vấn đề gốc rễ.
Retail Therapy chỉ thực sự cho bạn một cảm giác kiểm soát khi mua sắm những thứ bạn mong muốn, thay vì cảm giác kiểm soát được túi tiền hay thời gian của mình. Vì vậy, như hầu hết những thứ đem lại cảm giác thỏa mãn khác, thì điều quan trọng cần ghi nhớ, đó là sử dụng hợp lý và có chừng mực.
4. Tận dụng Retail Therapy sao cho đúng?
Để có thể tận hưởng niềm vui mua sắm đúng nghĩa, bạn có thể thử một số cách sau:
- Lập quỹ cho việc ‘mua sắm để vui vẻ’: Dành ra một số tiền cố định cho mỗi tháng, sau đó luôn chi tiêu đúng mực trong mức giới hạn đó.
- Mua sắm có mục đích: Hãy cân nhắc trước khi mua bất cứ món đồ nào và chỉ mua những thứ bạn thực sự cần, có tính ứng dụng cao thay vì mua theo cảm hứng.
- Thường xuyên soạn lại và dọn dẹp đồ cũ: Thỉnh thoảng khi dọn nhà, bạn có thể phát hiện ra những món đồ không nhớ đã mua ở đâu, khi nào và với mục đích gì. Việc chú ý hơn vào những món đồ này sẽ giúp bạn nhận ra tác hại của việc mua sắm cho “thỏa mãn” hiện tại, từ đó suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định mua thêm món nào khác. Và thứ mới mà bạn nhận được là một không gian gọn gàng hơn. Đây cũng là một cách để thúc đẩy tâm trạng.
- Tìm kiếm niềm vui từ những điều đơn giản: Thiền, thực hành chánh niệm, dành thời gian bên bạn bè, người thân hoặc đi dạo quanh công viên đều là các cách hữu hiệu giúp bạn quên sầu sau những ngày làm việc mệt mỏi.
Vậy nên thay vì để bản thân luẩn quẩn trong vòng lặp giải sầu bằng vung tiền cho mua sắm, hãy cùng Chaubuinet cân bằng và tìm lại những cách thư giãn tinh thần lành mạnh nha! Chúc các bạn vượt qua được những khoảnh khắc căng thẳng, mệt mỏi và tìm được lý do hạnh phúc cho riêng mình!
Bài viết được thực hiện bởi bạn Ha Chun trong chương trình “Sáng tạo content cùng Chaubuinet”!
Có thể bạn cũng thích