Home / Phong Cách Sống / #Quaranstream tập 1: Cách chăm sóc sức khoẻ tinh thần!
Icon Icon Icon

Yêu Bản Thân

#Quaranstream tập 1: Cách chăm sóc sức khoẻ tinh thần!

Cân bằng sức khoẻ tinh thần và tâm lý cũng quan trọng không kém tập thể dục giảm cân đâu các bạn nhé!

07/06/2021

Đầu tiên, xin cảm ơn mọi người đã tham gia livestream đầu tiên trong series #Quaranstream của Châu vào cuối tuần vừa rồi. Đây là series mà Châu và team đã gấp rút chuẩn bị và xây dựng nội dung với mong muốn chia sẻ những trải nghiệm, kiến thức để chăm sóc bản thân, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội này. Rất mong mọi người sẽ tiếp tục ủng hộ Châu trong những #Quaranstream tiếp theo nha!

Chủ đề đầu tiên, Sức khoẻ Tinh thần, thu hút được nhiều sự quan tâm và câu hỏi của các bạn, nên Châu xin tổng hợp lại những nội dung chính tại bài viết này để các bạn có thể tìm đọc lại khi cần. Bạn cũng có thể xem video tổng hợp buổi livestream dưới đây:

Đầu tiên, sức khoẻ tinh thần được định nghĩa thế nào? 

Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), đinh nghĩa sức khoẻ tinh thần là: “Một trạng thái hạnh phúc trong đó cá nhân nhận ra khả năng của chính mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường của cuộc sống, có thể làm việc với năng suất ổn định và hiệu quả, và có thể đóng góp cho cộng đồng”. Sức khoẻ tinh thần phải được duy trì ở trạng thái lành mạnh thì cơ thể mới vận hành hiệu quả và gánh vác được những cơn stress nhè nhẹ của môi trường tác động lên mình.

Dễ hiểu hơn, khi sức khoẻ tinh thần của bạn tốt, thì bạn sẽ có sự tích cực trong suy nghĩ, cách kiểm soát cảm xúc và ứng xử.

Làm sao để nhận biết mình hoặc những người xung quanh đang có vấn đề trong sức khoẻ tinh thần?

Theo Health Direct Community Châu Á, 8 dấu hiệu cho thấy mình có vấn đề sức khoẻ tinh thần rồi bao gồm: 

  1. Cảm giác bất an, lo lắng luôn hiện diện 
  2. Chán nản, trống rỗng, không vui vẻ và năng lượng là những trạng thái thường gặp 
  3. Cảm xúc không ổn định, dễ bộc phát vui buồn hoặc nóng giận quá độ
  4. Các vấn đề về giấc ngủ, ngủ nhiều quá hoặc ít quá hoặc mất ngủ thời gian dài 
  5. Thường im lặng và bàng quan trước các vấn đề (Dù có liên quan đến lợi ích cá nhân hay không)
  6. Dễ nhận thấy mình là người làm sai, người có lỗi, có tội trong mọi tình huống 
  7. Tăng giảm cân nặng thất thường 
  8. Thay đổi hành vi hoặc cảm xúc đối với những người thân thiết hay thói quen lâu năm.

Hãy luôn để ý, lắng nghe bản thân và gia đình, bạn bè xung quanh để có hành động kịp thời nếu có những dấu hiệu trên nhé!

Sau đây là những câu hỏi Châu nhận được nhiều nhất về chủ đề Sức khoẻ Tinh thần!

Q: Làm sao để biết tinh thần mình có đang khoẻ hay không Châu nhỉ?

Tinh thần tốt thể hiện rõ ràng là mình thấy yêu đời, đối diện các khó khăn của mỗi ngày với thái độ tích cực và giải quyết, không có quá nhiều những lo lắng, ăn thấy ngon miệng, ngủ ngon, ngủ đều.

Theo tìm hiểu thì Châu biết người không có sức khoẻ tinh thần ổn định thường có các dấu hiệu sau: 

  • Dễ bị tác động và thay đổi tâm trạng 
  • Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều liên tiếp không kiểm soát)
  • Cảm nhận việc khó giao tiếp và tự cô lập bản thân 
  • Thường xuyên có cảm giác trống rỗng 

Q: Sao ở gần mọi người xung quanh em luôn vui vẻ tích cực, về nhà 1 mình em lại cạn kiệt năng lượng, chả thấy khoẻ tí nào ạ?

Nhiều bạn hướng ngoại hay có cảm giác này, nên bạn không nên lo lắng quá. Châu thường hay dùng thời gian ở nhà để chăm sóc bản thân hoặc lên kế hoạch cho các dự án sắp tới. Châu cũng học cách tự tạo niềm vui cá nhân nữa nhé. Một bài nhạc nhẹ dễ chịu hay hoặc học nấu món ăn mới là những việc Châu sẽ làm khi tâm trạng hơi không khoẻ. 

Q: Bố mẹ em không hiểu về sức khoẻ tinh thần và tâm lý. Làm sao để nói cho bố mẹ hiểu?

Đây là vấn đề chung, bạn đừng nghĩ tiêu cực cho bố mẹ nhé, vì ở thời của bố mẹ mình còn phải lo cơm, áo, gạo tiền, nên sức khoẻ tinh thần thường không được quan tâm đúng. Lâu dần đây trở thành thói quen. Bố mẹ chúng ta thực ra cũng rất thiệt thòi. Bạn có thể bắt đầu bằng cách chia sẻ một số bài viết, video về chủ đề này cho bố mẹ xem, dành thời gian nói chuyện để bố mẹ hiểu hơn và luôn nói ra những điều bạn cảm thấy để bố mẹ biết cách giúp đỡ hoặc tìm người giúp bạn. 

Q: Châu ơi, em hay bắt gặp bản thân mình stress hoặc down mood sau khi đi gặp các bạn bè hay các cuộc hội họp về, em không biết cảm xúc này có bình thường không ạ?

Châu nghĩ trường hợp của bạn trong tâm lí gọi là peer pressure – áp lực đồng trang lứa – tức là bạn cảm thấy bị áp lực với những thành công, trạng thái của những người xung quanh đúng không nào? Châu rất đồng cảm với bạn, ở giai đoạn nào trong cuộc sống mình đều dễ dàng cảm thấy nỗi áp lực này cả. Nhưng mình nên nhớ mỗi người đều có 1 cuộc sống riêng, 1 timeline riêng, không nên đặt tiêu chuẩn cuộc sống của người khác lên cuộc sống của mình, tập trung vào cuộc sống và những gì quan trọng với bản thân trước đã nhé. 

Q: Em nhạy cảm, giàu cảm xúc nên rất dễ tổn thương, dễ stress. Em có thể làm gì để cãi thiện ạ?

Theo Châu tìm hiểu các bạn nhạy cảm, dễ tổn thương và chịu tác động từ những lời nhận xét/ hành động của mọi người xung quanh được xét vào 1 xu hướng biểu thị tâm lý là “Highly Sensitive Person.” 

Châu nghĩ đầu tiên mình phải nhìn nhận được đúng về bản chất của lời nhận xét và của người nhận xét. Lời nói đó có thực sự nhắm đến việc gây tổn thương mình, hay là mang yếu tố xây dựng nhưng câu từ thiếu nhạy cảm? Người nhận xét có phải là một người quan trọng với mình, một người mình kính trọng hay quan tâm không? Từ đó mình sẽ suy nghĩ được logic hơn và biết làm gì với lời nhận xét đó, thay vì cảm thấy stress.

Xây dựng sự tự tin cho bản thân, yêu bản thân cũng sẽ giúp bạn vững vàng hơn trước những lời nhận xét của người ngoài. 

Q: Em thuộc dạng hay giấu cảm xúc của mình nên khi em tức giận hoặc thể hiện điều gì đó, thường sẽ rất bùng nổ và mọi người xung quanh thường không đón nhận được thái độ em lúc đó. Em nên làm gì để kiểm soát lại cảm xúc của mình ạ? 

Cảm xúc là điều tự nhiên, ai cũng có, Châu nghĩ cách tốt nhất để kiểm soát cảm xúc là học cách bộc lộ nó, chứ không phải giấu nó đi. Nhưng đặc biệt với loại cảm xúc tiêu cực như tức giận thì mình nên học cách bộc lộ ít gây tổn thương nhất. Ví dụ khi có mâu thuẫn xảy ra làm bạn cảm thấy tức tối, bạn hãy cố gắng giải quyết từ gốc rễ của vấn đề, đừng im lặng và giấu đi, tránh trường hợp mình ôm một quả bom nổ chậm cho mình và người đối diện nha.

Q: Châu ơi em đang vừa học và vừa làm, em thường hay bỏ quên sức khoẻ cơ thể lẫn tinh thần để có thể đảm bảo việc học và việc làm tối ưu, nhưng lâu dần em cảm thấy rất đuối. Châu làm sao để cân bằng được sức khoẻ với lịch trình công việc dày đặc ạ? 

Thường thì Châu sẽ luôn cố gắng tạo thời gian cho riêng mình, làm điều mình thích hoặc nghỉ ngơi, tập tành để cải thiện sức khoẻ. Ngoài ra, bây giờ có rất nhiều hình thức tập thể dục tốn ít thời gian, không cần đi gym, nhưng vẫn mang lại hiệu quả. Ví dụ như bạn có thể tập yoga, vừa có lợi cho sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Như Châu thì Châu thích nhảy, vì nhảy vừa là môn cardio, giúp mình toát mồ hôi, lại khiến tinh thần vui vẻ.

Q: Có sự liên kết nào giữa sức khoẻ của cơ thể và sức khoẻ tâm lý không ạ?

Hoàn toàn có và đã được khoa học chứng minh nha. Ví dụ như khi bạn vận động, tập thể dục hoặc nhảy múa, cơ thể sẽ sản sinh ra chất endorphin, hay còn gọi là hormone hạnh phúc, là chất khiến cơ thể mình vui vẻ. Hay khi tâm trạng bạn không tốt, bạn có thể thấy nó hiện ngay trên thần thái, sắc mặt của mình, hoặc khiến mình mất ngủ, đau đầu, đau bụng, đủ cả luôn ấy. 

Q: Châu ơi làm sao để em luôn cảm thấy vui vẻ và giữ mood trong 1 ngày ạ? Em thường có rất nhiều cảm xúc trong một ngày nhưng em cảm thấy việc mood cứ như “tàu lượn” như thế khiến em không thể tập trung học và làm được ạ. 

Cảm xúc là cái rất tự nhiên và cá nhân nên Châu không nghĩ chuyện kiềm nén cảm xúc là tốt, bạn sẽ bị ức chế và ảnh hưởng tâm lý nếu ép bản thân. Cách ổn định cảm xúc tốt đối với Châu là gọi tên cảm xúc ấy ra, dù là hạnh phúc, nóng giận, tức tối, buồn bã, sau đó hít thở thật sâu và và giải quyết lí do vì sao có cảm xúc đó. 

Để ổn định cảm xúc tốt hơn bạn có thể nghe những bài nhạc trị liệu, nhạc không lời dành cho thời gian học và làm việc, âm thanh trắng. Châu thấy khi mình có kế hoạch bận rộn mỗi ngày thì cũng bớt suy nghĩ linh tinh, mood cũng bớt tụt hơn đó! 

Q: Theo chị, social media có phải là 1 trong những yếu tố khiến tâm lý của mình bị tác động không ạ? 

Cũng như tất cả những “công cụ” hay hoạt động khác trong cuộc sống, cái gì quá nhiều cũng không tốt cả. Vì vậy, khi bắt đầu cảm thấy áp lực hoặc buồn chán lúc dành thời gian trên mạng xã hội, bạn phải lắng nghe được bản thân và biết lúc nào để dừng lại. 

Q: Khi chị muốn thư giãn khỏi công việc, chị thường tìm tới điều gì ạ? 

Rất may mắn là nhà Châu có rất nhiều “nguồn vui”. Nhà Châu có 3 chú chó nè, mỗi lần ôm tụi nó là Châu thấy như được nạp lại năng lượng. Chị cũng tập nhảy và nấu ăn nữa. Làm những việc đơn giản hằng ngày khiến mình thấy vui cũng là một cách để thư giãn và tạm quên căng thẳng trong cuộc sống.

Q: Châu có phải là dạng người suy nghĩ nhiều không? Châu dùng cách nào để bản thân dừng những suy nghĩ linh tinh?

Lúc trước Châu có suy nghĩ nhiều nha! Nhưng sau này đã cải thiện, để bản thân không suy nghĩ linh tinh, Châu sẽ tạm thời bỏ qua vấn đề đó và tập trung vào các mục tiêu, kế hoạch mình đã đề ra. Chờ khi cảm xúc của mình lắng lại, mình mới lật lại vấn đề và tìm cách giải quyết tỉnh táo, logic hơn. Châu cũng hay thiền, hít thở sâu, để giữ cho cơ thể và cảm xúc được cân bằng hơn.

Nếu các bạn còn câu hỏi gì dành cho Châu trong chủ đề Sức khoẻ Tinh thần, hãy comment phía dưới để Châu trả lời tiếp nhé! Hẹn gặp mọi người trong #Quaranstream tiếp theo!

Xem thêm series #Quaranstream tại đây.

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
Vương Minh Trang
Jun 08, 2021 10:23
Cô ơi, thật sự bài viết này giúp ích cho con nhiều! Con mong muốn cô sẽ làm thêm 1 video về thú cưng trên youtube ạ Yêu cô nhiều
Phản hồi
Chau Bui
Jun 08, 2021 16:57
Cảm ơn Trang nhiều! Con nhớ theo dõi cô trên Youtube thường xuyên nha. Và follow cả @yeu.oi.la.yeu ở Instagram nữa nhé, cô hay chụp San Bí Tuyết Trâu và update trên đó ấy.
Phản hồi
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!