Home / Phong Cách Sống / Yêu Bản Thân / Quaranstream mùa 5 tập 3: Quản lý tài chính cá nhân cùng chị Chi Nguyễn The Present Writer
Icon Icon Icon

Yêu Bản Thân

Quaranstream mùa 5 tập 3: Quản lý tài chính cá nhân cùng chị Chi Nguyễn The Present Writer

Những chia sẻ rất hữu ích từ chị Chi dành cho các bạn trẻ muốn tìm hiểu về độc lập tài chính và mô hình FIRE.

31/03/2022

Quản lý tài chính cá nhân là chủ đề ngày càng được nhiều bạn trẻ quan tâm hơn trong cuộc sống ngày nay. Mỗi người sẽ đều có những mục tiêu tài chính khác nhau nhưng điểm chung là mong muốn đạt được sự “tự do tài chính”. Hiện nay với sự phát triển của xã hội và công nghệ, thế hệ trẻ cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đến lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, Châu tin rằng việc quản lý tài chính cá nhân sẽ luôn gắn liền với hành trình yêu bản thân vì nó giúp bạn quản lý cuộc sống của mình một cách tốt hơn.

Trong tập quaranstream hôm nay, Châu sẽ cùng một khách mời vô cùng đặc biệt là chị Chi Nguyễn, The Present Writer, bàn luận và trả lời những câu hỏi của mọi người về chủ đề này nhé!

Chị Chi bắt đầu quan tâm đến tài chính cá nhân từ khi nào?

Chị Chi: Chính xác thì mình bắt đầu quan tâm tới vấn đề tài chính cá nhân khi bắt đầu sang nước ngoài du học. Lúc trước sống tại Việt Nam cùng ba mẹ thì mọi thứ rất dễ dàng. Rồi đến khi đi du học, mặc dù được học bổng nhưng mình cũng còn rất nhiều khoản khác để lo như tiền ăn, tiền ở,… Đến học kỳ thứ hai thì mình mới bắt đầu đi làm thêm kiếm thêm thu nhập.

Thật sự năm đầu tiên mình gặp rất nhiều vấn đề về tài chính. Có một kỉ niệm là trong khoảng thời gian ban đầu, Chi thường sử dụng thẻ tín dụng mang từ Việt Nam để chi trả cho các chi phí sau học bổng của mình bên Mỹ. Tài khoản này liên kết với tài khoản của mẹ mình và mẹ mình giúp trả một phần chi phí tại ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên hồi đó thì mình còn hơi “ngu ngơ” nên không lập tài khoản số để kiểm tra chi tiêu dễ dàng (hồi đó ở Việt Nam, thẻ tín dụng và tài khoản số còn mới). Vì thế, mình cứ cà thẻ mà không biết là mình đã tiêu bao nhiêu tiền. Lúc đó mình còn bị stress và rất thường xuyên đi shopping như một liều thuốc để giảm stress, khiến tình trạng tài chính tệ hơn nhiều.

Đến khi Chi nhận được học bổng toàn phần tiến sĩ thì được chi trả toàn bộ chi phí học tập, bảo hiểm và một khoảng tiền lương hàng tháng. Từ khi có khoảng lương hằng tháng đó thì mình mới quyết tâm là mình sẽ độc lập tài chính và không cần phải dựa vào gia đình nữa.

Tuy nhiên tiền lương nghiên cứu sinh lúc đấy thì rất là thấp, mình làm được $1200 thì đã phải thuê nhà hết $900 rồi. Số tiền $300 để chi tiêu còn lại Chi cũng sử dụng rất kĩ nên năm đầu mình cũng tiết kiệm được $900. Nhờ đó mà Chi cảm thấy an toàn vì lỡ tháng nào có tiêu quá việc gì đấy, hoặc là mình bị bệnh thì cũng có nguồn tích lũy dự phòng cho tiền nhà. Bắt đầu từ đó thì mình mới quan tâm nhiều hơn về tài chính cá nhân, làm sao kiểm soát được số tiền của mình.

Một giai đoạn bước ngoặt nữa là khi Chi bắt đầu trả nợ khoản vay trước khi mình đi học. Lúc ấy khi học bổng chưa chi trả được hết cho tất cả thì mình phải vay một khoản. Số tiền phải trả đó thực sự lớn hơn rất nhiều so với số tiền mình nhận được từ công việc nghiên cứu sinh nhưng mà mình nghĩ là dù mỗi tháng trả được ít đến bao nhiêu thì mình vẫn quyết tâm phải trả.

Phải đính chính lại một chút là bản thân Chi không phải chuyên gia tài chính. Tuy nhiên, khi dùng những kiến thức trong ngành giáo dục và ngành nghiên cứu của mình vào tài chính thì mình có thể đầu tư tốt hơn, tiết kiệm tốt hơn. Nhờ đó mà hành trình mình học những kiến thức về tài chính cá nhân trở nên hữu dụng hơn rất nhiều.

Thế nào được gọi là tự do tài chính?

Chị Chi: Tự do tài chính hay độc lập tài chính sẽ hoàn toàn do con mắt nhìn của mỗi người. Ví dụ, khi bạn đang phụ thuộc vào tài chính của gia đình thì khi bạn độc lập là khi bạn tự lo được cho mình, tự kiếm tiền và chi trả cho cuộc sống của mình.

Bên cạnh đó, tự do tài chính nó cũng có một mức cao hơn. Ví dụ như khi mình dùng số tiền mình kiếm được để đầu tư chứng khoán, đầu tư địa ốc hay kinh doanh để tạo ra được thu nhập thụ động có thể nuôi được mình. Ở mức độ này, bạn có thể hiểu nôm na là tiền đẻ ra tiền dù bạn có đang nghỉ mát thì bạn vẫn có thể kiểm ra được tiền.

Tùy vào mức độ mà bạn đang phụ thuộc thì bạn sẽ có những định nghĩa và mục tiêu cho việc độc lập tài chính khác nhau.

Châu: Sự tự do tài chính có thể giúp bạn đạt được những ước mơ của mình chứ không cần mỗi ngày phải lo lắng mình còn nợ bao nhiêu, từng này việc mình phải làm. Khi bản thân bị đè nặng bởi những áp lực thì thật sự rất khó để một người theo đuổi những ước mơ lớn của mình. Chính sự tự do trong tài chính sẽ cho bạn một con đường ngắn hơn để đạt được giấc mơ đó.

Chị Chi: Mọi người thường nghĩ mục đích của tiền là để mua cái này cái kia. Tuy nhiên, mục đích lớn nhất của tiền đó chính là cho chúng ta sự lựa chọn. Khi không có tiền, lựa chọn của chúng ta sẽ rất hạn chế. Ngược lại, khi có tiềm lực về tài chính thì bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, được chọn đâu là công việc mà bạn thích làm.

Chị Chi có ra quyết định sai lầm nào trong quá trình học cách làm chủ tài chính của mình hay chưa?

Chị Chi: Sai lầm thì rất nhiều, đặc biệt là giai đoạn đầu tiên. Cái hay khi học về tự chủ tài chính là mình sai ở đâu là mình có thể học được ngay. Chi có thể chia sẻ với mọi người một số những hiểu lầm của mình về tài chính hoặc mọi người có thể xem tập podcast trên kênh The Present Writer mà Chi đã từng làm.

Hiểu lầm đầu tiên là Chi nghĩ mình phải có rất nhiều tiền thì mới tìm hiểu về tài chính cá nhân. Mình từng nghĩ tài chính cá nhân là điều gì đó cực kì xa vời. Nhưng thực ra tài chính cá nhân rất đơn giản, chẳng hạn như bạn có sự ghi chép xem đồng tiền của mình vào ra như thế nào, thu chi thế nào. Từ khi hiểu được điều này, mình cảm thấy tự do hơn.

Ví dụ như tháng này đi làm, tiền mua quần áo của mình dành ra là 1 triệu thì khi đó bạn có thể mua bất kỳ món nào trong tầm giá đó mà không cần phải đắn đo. Còn nếu bạn không có sự rõ ràng trong thu chi đó thì dù bạn có mua một chiếc áo có giá năm chục thôi thì bạn cũng thấy tội lỗi.

Sai lầm thứ 2 của mình đó là mình đã không trả nợ ngay lập tức. Lúc đầu Chi nghĩ rằng khi mình ra trường, mình có bằng cấp, có việc làm thì mình sẽ bắt đầu trả nợ. Thế nhưng mà đó là một suy nghĩ rất sai lầm, vì nợ sẽ sinh lãi. Và khi mình quyết tâm trả nợ dù mỗi lần rất ít thì nó lại tạo cho nhiều động lực hơn rất nhiều.

Châu đã từng xem một vlog của chị Chi nói về trào lưu FIRE, tuy nhiên hôm nay ở đây có thể có những bạn trẻ chưa biết về trào lưu này. Chị Chi có thể chia sẻ lại quan điểm của chị đối với trào lưu này và cách chị áp d‌ụng để có được sự tự do tài chính?

Fire là từ viết tắt cho hai vế, một là Financial Independent và vế thứ hai là Retirement Early. Việc độc lập tài chính trong FIRE tiệm cận ở mức độ cao hơn. Nghĩa là bạn không cần phụ thuộc vào người khác và cũng không phụ thuộc vào công việc của mình. Khi tiền đầu tư thụ động của bạn có khả năng chi trả cho chi phi sinh hoạt hằng ngày trong cuộc sống.

Khi đã đạt được mức độ đấy thì việc đi làm hay không đi làm hoàn toàn do bạn lựa chọn. Bạn có thể lựa chọn chỉ làm công việc mình thích hoặc sẽ nghỉ hưu hoàn toàn. Khi ấy nó sẽ chuyển sang vế thứ hai là Retirement Early.

Vậy làm sao để đạt được mức độ độc lập tài chính như thế thì nó có một công thức cụ thể mang tên công thức 40%. Có nghĩa là khi các bạn đầu tư đến một mức độ mà số tiền đầu tư của bạn lớn hơn 25 lần chi phí chi tiêu khi bạn không đi làm là bạn đã đạt được độc lập tài chính. Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn về công thức tính của công thức này thì bạn có thể nghiên cứu kĩ tại blog The Present Writer của chị Chi.

Về Fire thì có 2 điểm lớn nhất bạn cần có để có thể đạt được. Cái thứ nhất là tiết kiệm, vì khi bạn tiết kiệm thì con số bạn chi tiêu hàng tháng/hàng năm nó sẽ thấp hơn. Từ đó, con số nhân với 25 mà bạn cần phải đầu tư cũng sẽ nhỏ hơn. Điều thứ 2 là đầu tư, bạn đầu tư ra những nguồn có lãi suất ổn định thì bạn sẽ dễ đạt được Fire hơn.

Vậy có những bước cụ thể nào để có thể quản lý tài chính cá nhân một cách tốt hơn?

Chi nghĩ điều đầu tiên cần thiết là mình cần phải có một tư duy đúng. Vì nhiều khi quá tập trung vào thực hiện các bước thì mình có thể quên mất lí do vì sao mình bắt đầu.

Chi sẽ mượn mô hình 7 bước để đạt tự do tài chính của Dave Ramsey:

1. Tiết kiệm: tiết kiệm tầm khoảng $1000 cho tài khoản khẩn cấp. Khoản tiền này sẽ dành cho những tình huống khẩn cấp, bất đắc dĩ mà bạn nhất định phải chi.

2. Trả tất cả các khoản nợ: một số khoản nợ như khoản nợ tín dụng, khoản nợ người thân hay các khoản nợ tiêu dùng khác thì bạn rất nên trả hết. Vì nợ sinh lãi hằng ngày và nó rất dễ kéo mình xuống.

3. Tiết kiệm từ 3 đến 6 tháng tiêu dùng cho khoản tiết kiệm khẩn cấp: khi bạn tiết kiệm được khoản này thì như đợt dịch vừa rồi, nếu có trục trặc gì về việc làm trong khoảng thời gian dài thì bạn vẫn có đủ sức để trang trải.

4. Đầu tư 15% thu nhập: mỗi tháng bạn có thể đầu tư ít nhất 15% còn nếu bạn muốn đạt được mức độ FIRE nhanh thì bạn có thể nâng con số này lên.

5. Tiết kiệm tiền đi học cho con cái: việc tiết kiệm quỹ cho con cái đi học từ sớm không những giảm áp lực cho con mà còn giúp ích cho bạn rất nhiều trong khoảng thời gian sau.

6. Trả hết tiền trả góp: việc trả góp xong xuôi cho những món đồ mà bạn đã từng mua sẽ tạo ra một sự ổn định rất lớn vì khi đó nó chính là tài sản của bạn.

7. Xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh: bạn sẽ tiếp tục đầu tư và tăng cái khoảng 15% hàng tháng lên và quan trọng hơn là có khả năng giúp đỡ người khác.

Chị Chi có lời khuyên nào để các bạn có thể vững vàng theo kế hoạch tài chính của mình đến cùng không?

Điều quan trọng nhất có lẽ là bạn phải tách được khoản tiền tiết kiệm khẩn cấp ra khỏi chi tiêu hằng ngày. Điểm thứ 2 bạn có thể tìm hiểu về bảo hiểm để có thể bảo vệ bản thân mình, hiện nay có rất nhiều loại bảo hiểm khác nhau cho mọi người lựa chọn.

Có nhiều quan điểm cho rằng, các bạn nhỏ thì chưa cần quan tâm đến tài chính cá nhân, chị Chi nghĩ thế nào?

Tuy các bạn nhỏ luôn được ba mẹ chu cấp tiền học, tiền ăn ở và cả tiền tiêu vặt nhưng Chi nghĩ các bạn cũng cần để ý đến chủ đề tài chính cá nhân này. Khi còn trẻ, các bạn đọc nhiều, học từ những người đi trước thì sẽ xây dựng được tư duy tốt hơn.

Đối với những bạn chưa thể đầu tư được thì Chi nghĩ rằng đầu tư cho chính bản thân mình là xứng đáng nhất. Trau dồi kĩ năng, kiến thức để sau này các bạn có thể áp dụng vào thực tế một cách dễ dàng hơn.

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!