Home / Phong Cách Sống / Yêu Bản Thân / Quaranstream mùa 4 tập 4: Định vị thương hiệu trong “biển lớn” cùng CEO DH Foods Nguyễn Trung Dũng!
Icon Icon Icon

Yêu Bản Thân

Quaranstream mùa 4 tập 4: Định vị thương hiệu trong “biển lớn” cùng CEO DH Foods Nguyễn Trung Dũng!

Câu chuyện khởi nghiệp và vươn ra thế giới.

29/12/2021

Hiện nay yếu tố branding ngày càng trở thành một chủ đề được rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp quan tâm. DH Foods có vai trò là một thương hiệu thuần Việt nhưng đang từng bước mang mình ra thế giới. Câu chuyện về hành trình này không chỉ là nguồn cảm hứng cho các thương hiệu Việt mà sẽ còn là một niềm tự hào, một case-study đặc biệt cho những người có giấc mơ khởi nghiệp.

Trong nội dung này, anh Trung Dũng – CEO của công ty DH Foods sẽ chia sẻ về hành trình định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bởi vậy đây sẽ là một buổi livestream phù hợp không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn với các cá nhân, điển hình là các bạn trẻ.

Châu Bùi: Thương hiệu DH Foods đã có chỗ đứng vững vàng trong thị trường Việt Nam nhưng chắn hẳn anh Dũng đã gặp những khó khăn nhất định khi mang sản phẩm gia vị Việt Nam ra nước ngoài. Anh Dũng có thể chia sẻ một số khó khăn trong quá trình này được không?

Anh Dũng: Thực ra khó khăn thì có rất nhiều. Ngày xưa mình ở bên Ba Lan 30 năm, mỗi lần tìm đồ gia vị Việt Nam đều khó lắm. Có khi phải đi xe mấy trăm cây số để mua được chai nước mắm. Siêu thị chỉ có gia vị Thái hay Ấn. Điều này thôi thúc mình khi về Việt Nam là phải đưa được gia vị Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Thời gian đầu mình tập trung vào thị trường nội địa. 5-6 năm trước mình mới bắt đầu xuất khẩu. Mình mất khoảng 2 năm để thuyết phục khách hàng. Thực ra khách hàng nước ngoài rất khó tính. Nhưng không phải do lỗi của họ, mà do họ không biết về các sản phẩm, thương hiệu Việt Nam.

Hồi xưa khi mình bắt đầu nhập khẩu đồ Việt Nam sang Ba Lan, ông giáo sư của mình đã nói Việt Nam làm gì có gì để xuất khẩu? Mình quyết tâm thay đổi điều đó. Giờ đây trên kệ siêu thị ở nước ngoài đã có nhiều sản phẩm Việt Nam hơn, đó là một niềm tự hào.

Đó là điều khó khăn nhất: để thuyết phục khách hàng là hàng Việt Nam cũng rất tốt, rất đáng mua. Mình còn nhớ lần đầu tiên khi xuất khẩu sản phẩm sang Nhật, mình đã tốn rất nhiều chi phí để thương lượng, giới thiệu sản phẩm, in bao bì theo yêu cầu của họ. Cuối cùng họ chỉ đặt một số lượng nhỏ, vì trước đây họ đã làm việc với đối tác Việt Nam nhưng chất lượng không đạt yêu cầu. Biết được như vậy, anh đã ký cam kết đền bù thiệt hại cho họ nếu chất lượng không mong muốn. Thì họ mới tin tưởng làm việc tiếp với mình.

Giờ đây DH Foods đã có nhiều đối tác ở Nhật rồi, nhưng bước đầu dấn thân là khó nhất để thuyết phục họ tin tưởng công ty của mình.

Châu Bùi: Nếu cơ hội đến mà bản thân mình chưa sẵn sàng, anh Dũng có nghĩ các bạn trẻ nên đánh liều mà nắm lấy cơ hội không?

Anh Dũng: Theo kinh nghiệm bản thân, mình nghĩ cơ hội chỉ đến khi mình đã sẵn sàng, đó mới gọi là cơ hội. Nếu mình phải “đánh liều” thì đó không phải là cơ hội mà là đánh bạc. Trong kinh doanh, chúng ta không nên đánh bạc. Vì hôm nay chúng ta chưa làm được thì có thể mai sẽ đạt được. Nhưng nếu đánh bạc thì có thể mãi mãi không còn tiếp cận được kết quả đó nữa. Nên chắc chắn, chậm một chút không sao cả.

Châu Bùi: Anh Dũng có thể chia sẻ khó khăn của việc khởi nghiệp ở độ tuổi U50 không?

Anh Dũng: Đó là khó khăn mà cũng là lợi thế. Ngày còn trẻ, mình có thể làm việc 18-20 tiếng một ngày. Mình kéo mọi người đi rất nhanh, và công ty phát triển cũng nhanh. Nhưng sau đó mình không còn thấy niềm vui trong công việc. Khi không có niềm vui, kết quả thường đi xuống. Đến một ngày mình bán công ty luôn vì mình không còn thấy đam mê nữa.

Khi khởi nghiệp ở tuổi 50, chắc chắn sức khoẻ không còn được như trước. Nhưng ngày nào mình cũng tìm thấy niềm vui khi đi làm. Khó khăn cũng không làm mình nản chí. Ngày xưa, khi gặp khó khăn mình cảm thấy sốt ruột và phải tìm cách giải quyết ngay. Giờ thì không. Hôm nay mình chưa làm được việc này thì ngày mai mình làm tiếp, tháng này chưa được thì ta có tháng sau. Không cần vội vàng. Về lâu dài, niềm vui trong công việc sẽ mang đến quả tốt hơn.

Các bạn trẻ luôn có sức mạnh của tuổi trẻ. Nhưng sự nôn nóng có thể là điểm yếu của bạn.

Châu Bùi: Anh Dũng có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang chịu áp lực khổng lồ từ công việc?

Anh Dũng: Lời khuyên của mình là cần có sự trung hoà cuộc sống và công việc. Kết quả của công việc không phải là đến một cột mốc rồi dừng, mà là cuộc chơi lâu dài. Kể cả việc công ty có bao nhiêu tài sản cũng không quan trọng nhất. Quan trọng nhất là công ty hoạt động tốt, trả được lương cho mọi người, và mình tìm thấy niềm vui trong đó. Như vậy mọi người mới thích đi làm, mới có sự sáng tạo trong công việc.

Châu Bùi: Anh Dũng nghĩ sao về việc cân bằng cuộc sống và công việc khi còn trẻ? 

Anh Dũng: Hồi trẻ mình làm rất là hăng. Mình làm việc 16-18 tiếng/ngày để mong kiếm được nhiều tiền, được đến một vị trí nào đó. Nhưng khi đến được vị trí ấy rồi mình lại thấy nó không còn ý nghĩa nữa. Đến giờ thì mình quan niệm mỗi ngày mình đều nên tìm niềm vui cho bản thân, thì đó mới là cuộc sống có ý nghĩa.

Tất nhiên, ngày xưa mình còn trẻ thì đất nước còn nghèo, nên ai cũng phải làm lụng vất vả để kiếm sống. Giờ các bạn trẻ đã có điều kiện hơn nhiều rồi. Nên lời khuyên của mình là các bạn hãy lựa chọn một cách thông minh.

Châu Bùi: Mục tiêu lớn nhất của anh Dũng khi đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới là gì? Đó có phải là niềm tự hào dân tộc không?

Anh Dũng: Chắc chắn là như vậy. Đồng tiền chỉ là công cụ để mình có cuộc sống tốt hơn. Còn với mình, cảm giác thành công là khi các bạn ở Nhật chụp ảnh sản phẩm DH Foods bày trên kệ ở siêu thị dành cho người Nhật ở Nhật Bản, cùng với những sản phẩm nội địa khác của họ. Đó là lúc mình và công ty cực kỳ tự hào, là lúc khẳng định sản phẩm Việt Nam có chất lượng tốt, được bạn bè thế giới công nhận.

Việt Nam có rất nhiều đặc sản vùng miền, vì vậy chúng ta có lợi thế so với nước khác. Chúng ta chỉ cần làm sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn, dịch vụ chu đáo hơn, để các nước họ có niềm tin vào mình. Khi làm ra được sản phẩm như vậy, đó không phải là thành tựu của riêng mình, mà là của cả đất nước Việt Nam nữa.

Châu Bùi: Anh Dũng có lời khuyên gì cho các bạn trẻ để đi tìm các cơ hội phát triển nghề nghiệp? Khi nắm bắt được cơ hội rồi, đó có gọi là thành công chưa? 

Anh Dũng: Mình luôn khuyên các bạn trẻ nên chọn ngành nghề nào mà bạn có thế mạnh. Thế mạnh ở đây là năng lực của bạn, kiến thức hay vốn liếng của bạn. Cái gì bạn có lợi thế hơn người khác thì bạn nên tận dụng, chứ không nên nhìn người khác làm gì mình cũng làm theo. Mình hãy đi con đường của mình, mình làm về ngành mình hiểu nhất, thì mình sẽ tìm thấy thành công.

Thành công không có nghĩa là bạn làm ra trăm, ngàn tỷ. Thành công là làm ra được sản phẩm được công nhận.

Châu Bùi: Thực ra em đồng ý với anh Dũng về điểm này, vì khi em đi làm lúc 18 tuổi, nhiều người còn chưa hiểu được ngành em theo đuổi, bố mẹ em cũng rất lo lắng. Nhưng vì đây là cái mình thích, mình đam mê nên chắc vì vậy mới có ngày hôm nay, được ngồi đây phỏng vấn anh Dũng đấy! Theo đuổi cái gì mình thực sự thích và tin mình làm được sẽ luôn tốt hơn.

Châu Bùi: Đâu là dấu mốc quan trọng nhất trong hành trình xây dựng thương hiệu của DH Foods? Và anh định vị giá trị thương hiệu của mình như thế nào?

Anh Dũng: Thực ra cũng có nhiều dấu mốc quan trọng. Cột mốc đầu tiên có lẽ là khi sản phẩm của DH Foods được vào siêu thị đầu tiên. Vì khi đã vào được một siêu thị thì sẽ dễ dàng hơn để làm việc với các đối tác khác. Chứ ban đầu mình chưa có sự tin tưởng, chất lượng chưa được kiểm định, mình nhận nhiều lời từ chối từ người mua lắm. Nhưng mình không nản. Mình quay lại và tiếp tục cố gắng.

Cột mốc thứ 2 là khi mình vào được thị trường Nhật. Đây là một trong những thị trường khó tính nhất. Khi vào được Nhật thì mình tin là sản phẩm của mình sẽ chinh phục được những thị trường khác như Châu Âu, Châu Mỹ, Úc. Và đúng là chuyện đã xảy ra như vậy.

Cột mốc thứ 3 chính là năm nay. Đầu năm 2021 thì mình có lên chương trình Shark Tank Việt Nam và được nhiều người biết đến hơn. Sau đó mình đã họp các bạn lại để mở rộng thêm hoạt động trên mạng xã hội. Mới đầu các bạn cũng ngại, nên mình đã mở chính trang cá nhân của mình ra và chia sẻ những câu chuyện hay, những sự thật trong kinh doanh, hoặc từ chính cuộc đời mình.

Năm nay, tuy ảnh hưởng vì dịch nhưng mình cũng gọi được vốn đầu tư. Nhờ vậy công ty vẫn phát triển tốt trong mùa dịch.

Về giá trị thương hiệu, mình nghĩ là đó chính là lời hứa của doanh nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng. Khi mình vào được thị trường Nhật, mình đã định vị thương hiệu của mình là sản phẩm tốt, giá trị cao, chứ không phải sản phẩm giá rẻ. Vì vậy có những thị trường yêu cầu làm giảm chất lượng đi để giảm giá thành, thì họ sẽ mua rất nhiều. Nhưng mình từ chối. Chất lượng sản phẩm dù nội địa hay xuất khẩu vẫn là như nhau. Mình chọn cách làm sản phẩm tốt để vào được những thị trường khó tính trên thế giới.

Châu Bùi: “Giá trị thương hiệu” doanh nghiệp lẫn cá nhân được xây dựng dựa trên những giá trị nào? Đâu là giá trị quan trọng nhất? Muốn ra quốc tế, mình có cần “là ai” trong nước không? Tìm kiếm những cơ hội ra quốc tế ở đâu? (năng lực cá nhân, network…)

Anh Dũng: Để ra được quốc tế thì mình cần có chỗ đứng vững chắc trong thị trường trong nước. Khách hàng quốc tế có thể đặt một đơn hàng trong nửa năm hay một năm, nhưng nhà xưởng, nhân viên mình vẫn cần hoạt động. Ngoài ra, mình có thể xử lý rất nhanh các vấn đề cho thị trường nội địa vì mình nắm rõ, tuy nhiên với thị trường nước ngoài thì mình không nắm hết được.

Đó là ý kiến cá nhân mình: phát triển nội địa trước, xuất khẩu sau. Phải xây dựng thương hiệu tốt vì sự cạnh tranh trong nước ngày càng lớn.

Trở lại câu chuyện giá trị thương hiệu, mình nghĩ xây dựng dựa trên niềm tin. Khi họ tin tưởng mình thì mình bán gì cũng được. Khi mất niềm tin thì lấy lại rất khó. Xây dựng niềm tin cũng là một quá trình. Đôi khi nhà sản xuất có thể muốn giảm chất lượng để giảm giá thành. Với DH Foods thì nếu không thể sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, bọn mình có thể bỏ hẳn sản phẩm đó đi. Đó là cam kết của cá nhân, của công ty để tạo dựng niềm tin ấy.

Để tìm được cơ hội qua quốc tế, hiện nay có rất nhiều công cụ như Google, Facebook, triển lãm, siêu thị… để tìm kiếm khách hàng. Trang web cũng nên làm thật đẹp, cập nhật thông tin thường xuyên. Có những khách hàng nếu họ vào trang web mà thấy thông tin đã từ cách đây 2-3 năm, họ sẽ đi ra. Nên hãy chăm chút Facebook, website… để khách hàng có cảm tình và liên lạc với bạn.

Châu Bùi: Bản thân Châu là một người đã có quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân, Châu cũng đồng ý là mình cần chú trọng thị trường trong nước trước, vì đó là những khán giả gần gũi và mình hiểu được tốt nhất. Còn trên các kênh mạng xã hội thì Châu luôn để song ngữ Việt – Anh để có thể khách hàng nước ngoài, nhãn hàng, thị trường mới… sẽ kết nối với mình trong tương lai.

Một yếu tố quan trọng nữa Châu nghĩ là năng lực bản thân. Hãy trau dồi kiến thức và tự tin để có thể nắm bắt cơ hội được tốt hơn.

Anh Dũng: Đúng vậy, trên website của DH Foods có rất nhiều thứ tiếng như Việt, Anh, Hàn, Nhật… Việc tạo ra nội dung ở các ngôn ngữ khác nhau thực ra không mất nhiều chi phí, nhưng lại tạo được cảm tình với khách hàng nói ngôn ngữ đó. Nên nếu bạn nhắm đến thị trường nào thì nên có nội dung dịch ra ngôn ngữ đó, như lời tri ân cho khách hàng ở nước đó.

Châu Bùi: Là chủ doanh nghiệp anh Dũng có thể chia sẻ suy nghĩ của mình là anh đánh giá một nhân viên tốt dựa trên những yếu tố nào? Giữa thái độ và trình độ đâu là điều quan trọng hơn?

Anh Dũng: Thái độ chắc chắn quan trọng hơn trình độ. Nhưng một người nhân viên cũng nên có sự nhạy bén, thông minh để tiếp thu kiến thức, như vậy mình có thể dạy thêm bạn được. Nếu bạn có trình độ tốt mà thái độ không tốt thì có thể đơn giản là bạn không hợp với văn hoá công ty. Hãy chọn nhân viên phù hợp với văn hoá công ty của mình, và văn hoá đó do chính bạn xây dựng nên.

Châu Bùi: Anh Dũng có lời khuyên nào dành cho bạn trẻ muốn vươn tầm ra thế giới?

Anh Dũng: Các bạn nên chọn việc gì mình thích và có thế mạnh. Và hãy tính toán về tài chính để bạn có thể tồn tại trong 3-4 năm. Việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm ra thế giới là quá trình khó khăn. Nếu bạn không có đam mê và niềm vui, có thể một ngày nào đó bạn sẽ đầu hàng, buông bỏ. Có những yếu tố này thì bạn có thể đi chậm, nhưng vẫn đi xa. Niềm vui không ở đích, mà sẽ là ở con đường bạn đi.

Châu xin cảm ơn anh Dũng và DH Foods đã đồng hành cùng Châu trong tập Quaranstream lần này! Hi vọng mọi người đã tìm được những lời khuyên, thông tin bổ ích về chủ đề xây dựng thương hiệu để khẳng định chỗ đứng trên thị trường thế giới. 

Xem thêm các tập trong series Quaranstream cùng Châu Bùi tại đây nhé! 

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!