
Yêu Bản Thân
Quaranstream mùa 4 tập 2: Nên học đại học trong nước hay nước ngoài cùng Thạch Trang và Phương Nga!
Một chủ đề mà chắc chắn có nhiều bạn trẻ quan tâm!
Các bạn có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong lúc đi du học?
Trang: Để so sánh việc đi du học và học ở Việt Nam thì em không so sánh được vì em chưa từng học Đại học ở trong nước. Nhưng mà ra nước ngoài em thích nhất là trải nghiệm ở bên này. Mình gặp rất nhiều thứ mới, trải nghiệm nền văn hoá mới, và học ngôn ngữ mới (tiếng Đức). Cảm giác học ngôn ngữ mới mang đến cho mình cả một thế giới và cuộc sống khác lạ mà hổi ở Việt Nam em không hề nghĩ đến. Em nghĩ đấy là những trải nghiệm vô giá mình mình không thể có được nếu mình không đi, không thử
Châu: Nhưng mà nó có khó khăn không? Bởi vì có nhiều bạn cảm thấy khi xung quanh mình toàn những người bạn mới, ngôn ngữ mới sẽ bị bỡ ngỡ.
Trang: Đương nhiên là ai mới sang đây thì cũng sẽ gặp những vấn đề như nhau thôi. Nhưng mà em thấy là việc mà mình nghĩ như thế nào về vấn đề đó ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả đến với mình. Ví dụ, lúc mới sang em lo lắng nhất là không có chỗ ở. Nhưng mà mình cứ đối mặt với từng vấn đề một, mình giải quyết từng thứ một, thì mình sẽ trưởng thành hơn. Và ở bên này các anh chị sinh viên qua trước cũng giúp đỡ rất nhiều, thế nên là em không đến mức trơ trọi một mình. Em nghĩ mình chỉ cần đưa tay ra nhờ giúp đỡ thì mọi người sẽ giúp đỡ mình.
Châu: Chị nghĩ là cũng đúng, vì ai mới ra nước ngoài thì cũng sẽ có những bỡ ngỡ nhất định. Các anh chị đã trải qua rồi sẽ không ngại truyền lại kinh nghiệm cho mình. Dù là môi trường nào thì cũng nên có mối quan hệ tốt với mọi người và nhờ mọi người giúp đỡ, thì chị nghĩ là nó cũng không phải vấn đề quá ngại gì. Thế còn Nga thì sao, điểm thích nhất khi em học tại VN là gì?
Nga: Em thấy ở Việt Nam mình học là không phải xa gia đình, bạn bè, và mình không tốn chi phí nhiều như đi du học.
Châu: Ví dụ bỗng nhiên có người bảo là “Nga ơi! Đi du học đi, bên này hấp dẫn lắm, muốn mời Nga đến và trải nghiệm du học” thì em có muốn đi không?
Nga: Với em bây giờ thì em sẽ nhận và đi du học. Còn với em của ngày xưa thì có thể em sẽ không nhận, em chỉ muốn học ở Việt Nam thôi. Bởi vì hồi xưa em cảm giác là khi mình sang một môi trường mới thì mình sẽ không theo được và bị lạc lõng. Nhưng cho mãi đến khi em thi Hoa Hậu Việt Nam xong, thì em có sang Myanmar để thi, thì em cảm thấy rất hợp. Em bắt chuyện với tất cả mọi người, đặc biệt là những bạn Âu Mỹ, với nhiều bạn bè trong đoàn. Em thấy việc đi nước ngoài thật hợp với mình, mà ngày xưa mình lại sợ.
Châu: Chị cũng vậy. Ngày xưa lúc bố bảo chị đi du học đi là chị vẫy vùng trong một nỗi sợ, vì lúc nào cũng sợ không hoà nhập được, và sợ cô đơn. Chị đã học được cách hỏi mọi người nhiều hơn khi đến một môi trường mới, chứ ngày xưa chị bị sợ hỏi, xong còn nghĩ là tự nhiên mình đến đất nước người ta xong mình nhờ vả rất buồn cười. Nhưng nghe Trang nói thì cảm thấy rất bình thường, vì mọi người trong một cộng đồng thì nên giúp đỡ nhau. Bạn nào còn nỗi sợ đó thì có thể nghe Trang nha!
Các bạn thấy đi du học có nhược điểm gì không?
Trang: Đối với em thì em không thấy có nhược điểm gì, từ bé em phải chuyển trường rất nhiều nên em không lo ngại về việc hoà nhập, em không sợ đến một môi trường mới, đấy là chuyện bình thường đối với em. Khi sang một môi trường mới, em nghĩ cái quan trọng nhất là mình phải độc lập, mình phải tự lo được cho bản thân, và cảm thấy vui khi mình làm được công việc của mình, thì mình sẽ đỡ phụ thuộc cảm xúc vào gia đình, bạn bè, người thân ở nhà khi mình sang đây. Mình là một người độc lập và tự tin thì mọi người sẽ muốn chơi với mình, chứ không cảm thấy chơi với người này cứ phải dính vào nhau, nhờ này nhờ kia. Cái vibe mình toả ra như thế nào thì mọi mối quan hệ nó sẽ đến với mình rất tự nhiên.
Một khó khăn cho các bạn đi Châu Âu vào mùa đông là bị buồn bởi vì thời tiết. Bên này mùa đông rất ít nắng. 9h sáng mới có mặt trời, đến 3h chiều đã bắt đầu tối rồi, thế nên mọi người cảm thấy buồn bã. Kiểu như mình vừa mới rời xa gia đình sang bên này, đã không có người thân, bè, không có chỗ nào đi chơi rồi, lại còn trời tối om suốt ngày. Đấy là cái đầu tiên thử thách khi mình đi du học?
Trải nghiệm khó khăn nhất mà em gặp phải khi đi du học là gì?
Trang: Khó khăn thì em nghĩ nó vẫn sẽ đến từ ngôn ngữ mới đấy, bởi vì không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Mọi người có biết cảm giác khi mình nói một ngôn ngữ mới là mình sẽ biến thành con người khác không? Tiếng Đức của em không thể giỏi bằng tiếng Anh, vì em mới học tiếng Đức gần đây, nên đôi khi vẫn khó để thể hiện ý muốn bản thân bằng tiếng Đức. Mà ở Đức thì mình không thể nào cứ yêu cầu người ta phải nói Tiếng Anh với mình được. Thế nên là em cảm thấy mình bị thiếu chủ động và thiếu tự tin đi, khi mình thu nhập một thông tin nào đó thì mình phải mất thời gian process lâu hơn người khác sau đó mình mới trả lời được, mình có cảm giác là mình không làm chủ được tình hình.
Châu: Nhưng mà đôi khi nó sẽ là một cái động lực để mình học, vì mình đang chưa tốt ở ngôn ngữ này. Chứ còn nếu em nghe cái gì em cũng hiểu thì lấy đâu ra động lực để em học ngôn ngữ mới đúng không? Chị nghĩ rằng nó không phải là một vấn đề quá lớn đối với Trang đúng không? Nó chỉ là một cái em phải gặp khi mà em đến một môi trường mới, và em sẽ lấy cái đó để em học thêm một ngôn ngữ, cũng như để phát triển ở đất nước đó. Đấy cũng là một suy nghĩ rất tốt để mình phát triển ở một đất nước mới
Thế còn Nga thì sao, khi mình học, và mình đăng quang thì có gì thay đổi trong em không?
Nga: Có 2 điều mà em cảm thấy là khác nhất là:
Thứ nhất đến lớp lúc nào cũng bị hỏi, nghĩa là em hay bị mời lên trả lời câu hỏi, sẽ bị chú ý nhiều hơn, và hôm đấy ví dụ có việc xin nghỉ là rất dễ bị ghim.
Một điều khác nữa là em đã có thể tự đóng tiền học cho mình, vì em học hoàn toàn là chương trình tiếng Anh của trường, nên là học phí cao hơn những khoa bình thường. Nếu phải xin bố mẹ tiền, rất là ngại. Nên là bây giờ mình đã có thể đóng tiền học được rồi, nên là đó là điều em cảm thấy khác nhất
Có phải là cần tài chính mạnh mới có thể đi du học không?
Trang: Em nghĩ là không cần. Mọi người cứ nghĩ là phải nhà giàu thì mới đi du học được, nhưng mà không phải, giống như em là một minh chứng. Em đi Đức là vì Đức miễn phí học phí, điều này đỡ cho mình một khoản chi phí lớn. Có khi em đi học ở Đức em không phải trả nhiều tiền học phí bằng chị Nga học ở Việt Nam. Em chỉ phải lo trả tiền ăn, tiền ở, và tiền sinh hoạt thôi. Có rất nhiều trường ở Châu Âu có chính sách này nhưng nổi tiếng nhất là Đức, và các nước khác nó cũng rẻ thôi chứ không bằng Mỹ hay Anh. Mọi người chỉ cần tìm ra nước nào mình thích, và cũng như chi phí phù hợp với điều kiện gia đình thì có thể đi được thôi.
Châu: Không biết là có đúng không, nhưng mà khi đi du học thì mình phải siết chặt về mặt tài chính, và mình phải học cách quản lý tài chính tốt hơn đúng không?
Trang: Em sang đây em sốc nhất là không có hàng quán vỉa hè, một là đi vào nhà hàng thì đắt, không thì phải nấu tại nhà, không có tầm giữa giữa.
Châu: Có đúng là đi du học, như bạn chị kể là phải ăn mì suốt không?
Trang: Cũng không đến mức thế, em đi du học thì bên Đức người ta sẽ đóng một khoản vào ngân hàng của mình để đảm bảo là mỗi tháng mình có đủ tiền để tiêu.
Nga: Nhưng đấy có phải là lý do mọi người chuẩn bị đồ ăn trưa không chị, bởi vì chi phí bên đấy đắt?
Trang: Thật ra ở bên này sinh viên được rất nhiều ưu đãi thế nên mình đi vào căng-tin của trường thì giá cũng rất rẻ. Cái gì giá dành cho sinh viên đều rất rẻ, mình đi đâu, mua gì mình bảo là sinh viên cũng đều được giảm giá, thế nên là cuộc sống cũng suôn sẻ.
Học đại học ở Việt Nam hay đi du học thì sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn?
Châu: Mọi người thường quan tâm đến việc học xong thì phải làm gì và phải chọn công việc như thế nào. Đâu là tiêu chí chọn trường đại học của 2 em, và mình phải thực tập như thế nào để theo được công việc tương lai mong muốn?
Trang: Em nghĩ là lương bây giờ trả theo trình độ và kĩ năng của mình chứ không có phải mình đi du học về thì mình lương cao hơn mọi người. Quan trọng là mình biết làm gì trong lúc người ta phỏng vấn mình. Em học ngành Truyền Thông nên đó là lí do vì sao em làm Youtube. Vì em sang Đức thì mọi người đều nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức rồi, mà em học ngành truyền thông thì em phải nói rất nhiều, nói rất giỏi. Em biết được là em không thể bằng được người ta về mặt ngôn ngữ, nên em đã nghĩ ra một thứ để khiến mình nổi bật, nên em làm video và content để sau mình đi xin việc dễ hơn.
Châu: Còn Nga thì sao? Trước khi làm Á Hậu thì em có nghĩ đến công việc nào khác không?
Nga: Em thì trước giờ không có ước mơ nào cụ thể, em là một người phụ thuộc vào trải nghiệm lúc đấy của mình và những điều mình đã trải qua để biết bản thân mình phù hợp với điều gì đó.
Cảm ơn Trang và Nga đã dành thời gian trò chuyện cùng Châu trong buổi Quaranstream lần này nhé! Mọi người có thể xem lại những tập Quaranstream trong series tại đây trên website chaubui.net!
Có thể bạn cũng thích