Yêu Bản Thân
Quaranstream mùa 4, tập 2: Hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp cùng Shark Hưng!
Lắng nghe những chia sẻ và lời khuyên thực tế từ Shark Hưng về con đường khởi nghiệp của những người trẻ!
Shark Hưng là một doanh nhân, một nhân vật truyền cảm hứng đã rất quen thuộc với khán giả của chương trình Shark Tank Việt Nam dưới vai trò nhà đầu tư. Anh cũng là người quan tâm và làm việc cùng nhiều start up và các bạn trẻ khởi nghiệp. Vì vậy Châu đã mời anh Hưng tham gia buổi trò chuyện live với chủ đề Hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp để chia sẻ những lời khuyên hữu ích cho các bạn đang có ước muốn và kế hoạch kiến tạo một doanh nghiệp cho riêng mình nhé!
Khởi nghiệp và thành công khi khởi nghiệp không có công thức nào. Quan trọng chúng ta phải có tinh thần và đam mê, nỗ lực để vượt qua. Chặng đường thiên lý đều bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Bạn phải dũng cảm để bước đầu tiên đã. Tôi không hi vọng sau buổi nói chuyện này hoặc bất cứ buổi nào khác mà các bạn thành công ngay được. Hãy cùng chia sẻ kinh nghiệm, nhưng đừng bắt chước nhé.
Trước khi là doanh nhân, Shark đã có trải nghiệm với những công việc gì?
Trong khi học ở Bách Khoa thì tôi cũng đã đi làm thêm ở xưởng sản xuất, nghiên cứu khoa học, vẽ bản vẽ… Sau khi tốt nghiệp thì tôi đi làm ở viện chuyên nghiên cứu về vật liệu kim loại. Nhưng tôi chỉ làm một năm thì đi học thạc sĩ ở nước ngoài theo diện học bổng. Sau đó tôi về nước làm ở nhà máy sản xuất xe của Toyota, và quay trở lại làm ở Bộ Khoa Học Công Nghệ. Sau 7 năm thì tôi ra ngoài làm tư nhân. Hồi đó thì tâm lý thanh niên vẫn mong muốn làm ở tập đoàn lớn hoặc cơ quan nhà nước để có sự ổn định. Đó là thời thế thôi, giờ thì khác lắm rồi.
Theo Shark Hưng đâu là cơ hội/thách thức của việc nghỉ việc và khởi nghiệp trong thời điểm dịch bệnh còn đang phức tạp? Nếu muốn khởi nghiệp trong thời điểm này thì điều quan trọng nhất cần chuẩn bị những gì?
Cái này phụ thuộc vào lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh bạn định khởi nghiệp là gì. Với một số ngành thì đây là cơ hội vàng để phát triển. Ví dụ như khi bắt đầu giãn cách xã hội, những nhu cầu thiết yếu trở nên quan trọng, trong khi những phân khúc hạng sang như mua sắm, du lịch, ăn chơi… giảm đi rất nhiều. Nếu bạn dấn thân vào những ngành này mà không thay đổi mô hình kinh doanh thì sẽ rất khó khăn.
Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho một thị trường ngách để các bạn tham gia. Một số sản phẩm thay thế hoàn toàn ví dụ như dịch vụ stream phim ảnh, âm nhạc đang tăng số lượng người dùng khủng khiếp. Zoom hay mạng xã hội cũng trở nên phổ biến. Giá trị các công ty truyền thông, công nghệ đều tăng gấp rưỡi, gấp đôi trong năm qua.
Hoặc vì người ta không đi nhà hàng, không đi shopping được nên các sàn thương mại điện tử, mua bán online tăng đột biến. Rồi các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm y tế, đồ dùng gia đình, những buổi sự kiện, hội họp, biểu diễn… giờ đây đều có thể diễn ra online hết.
Như vậy bạn có thể tìm đến những nhóm nhu cầu đang tăng trưởng nhanh để cung cấp. Hoặc bạn tìm đến những nhóm nhu cầu bị hạn chế bởi đại dịch để cung cấp sản phẩm thay thế.
Hãy nhìn vào thực tế: mỗi sản phẩm của chúng ta làm ra đều cần giải quyết nhu cầu gì đó của thị trường. Nhu cầu và cách đáp ứng của thị trường đang thay đổi rất lớn vì đại dịch. Vì vậy chúng ta cần nhìn ra nhu cầu thiết yếu và tìm cách thay đổi cách đáp ứng nó bằng sản phẩm thay thế.
Shark Hưng có thể chia sẻ về ý tưởng bắt đầu sự nghiệp hiện tại của Shark Hưng không? Đâu là động lực để Shark tiếp tục sự nghiệp của mình mỗi ngày?
Các bạn đừng nghĩ khi khởi nghiệp thì phải có động lực gì quá to tát, vĩ đại. Chỉ cần tập trung vào 1 nhu cầu của thị trường và tìm ra giải pháp để đáp ứng nó.
Ý tưởng khởi nghiệp thực ra phụ thuộc nhiều vào tiềm thức và trải nghiệm của chúng ta. Ví dụ chúng ta lớn lên trong môi trường có ông bà, cha mẹ, bạn bè xung quanh đã kinh doanh thì chúng ta sẽ có ý tưởng kinh doanh trong tiềm thức. Hoặc nếu chúng ta đi nhiều, trải nghiệm nhiều môi trường sống và kinh doanh khác nhau thì chúng ta càng có cơ hội tìm ra được sản phẩm chúng ta thích.
Thứ hai, bạn sẽ cần hiểu rõ năng lực bản thân. Hãy tìm hiểu thử về mô hình IKIGAI, để thấy đâu là điểm mạnh, điểm yếu, đâu là đam mê, đâu là năng lực, và có điểm nào phù hợp với những gì thị trường yêu cầu.
Nếu chúng ta kết hợp được tất cả những yếu tố đó thì khả năng thành công sẽ cao hơn.
Sau khi khởi nghiệp 1 vài năm và bạn có thể sống được với sản phẩm của mình thì tôi nghĩ mới nên nghĩ xa hơn về mục đích hay sứ mệnh. Nếu bạn mới khởi nghiệp lần đầu, chưa thành công lần nào hoặc mới thử sức 1,2,3 lần thì tôi nghĩ chưa cần lo về cái gì đao to búa lớn.
Nhiều bạn khởi nghiệp đến nói chuyện với tôi với rất nhiều ước mơ thay đổi thế giới. Tiếng Anh người ta hay nói câu “think big, act small,” tức là suy nghĩ lớn lao nhưng hành động từ những việc nhỏ, cụ thể, hiệu quả. Hãy sống và trải nghiệm trước đã.
Kể cả khi bạn đã có sẵn tiền, hãy tránh có một mà vay thêm 3,5,10 để khởi nghiệp, sẽ rất khó có đường lùi. Điều này rất nguy hiểm. Các bạn đừng lãng phí thời gian, vì bạn sẽ phải trả giá bằng rất nhiều thứ khác, trong đó có tiền.
Có cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nào mà Shark muốn chia sẻ với mọi người không? Có thể là cột mốc hồi trẻ, khiến cho Shark thay đổi tư duy, định hướng trong sự nghiệp?
Tôi có 2 cột mốc quan trọng. Đầu tiên là khi tôi xin được học bổng đi học MBA ở nước ngoài. Trải nghiệm này đã thay đổi tư duy của tôi, từ việc tích cóp, đi làm công ăn lương, để suy nghĩ về quản trị doanh nghiệp và dùng các sức khác để thành đạt hơn, trong đó có sức tiền để giúp chúng ta tăng trưởng.
Đó cũng là lần đầu tôi tiếp cận mô hình Kim Tứ Đồ trong quyển sách Cha Giàu, Cha nghèo. Có 4 cách làm giàu mà mô hình này đề cập. Thứ 1 là đi làm thuê ra tiền. Thứ 2 là tự làm thuê cho bản thân mình. Thứ 3 là đi thuê người khác làm. Và thứ 4 là đầu tư ra tiền.
Mô hình này thay đổi tư duy của tôi rất nhiều. Tôi hiểu sức mạnh của tiền đầu tư sẽ thu hút người ta làm việc cho mình. Vì vậy từ một người đi làm thuê, tôi trở thành người làm thuê cho chính bản thân mình, đó là lập doanh nghiệp. Lúc đó tôi cũng làm nhiều dự án về trao đổi và tư vấn đầu tư.
Cột mốc thứ 2 là sau 5 năm, có thành công và có cả những lúc chưa được như mong muốn, tôi quyết định merge các công ty nhỏ của tôi vào một công ty lớn, đó chính là tập đoàn Cen Group bây giờ. Đó là bước ngoặt thứ 2 với tôi: chúng ta không ai có mọi thế mạnh cả. Đến trí thông minh còn có 7,8 loại mà. Mỗi chúng ta đều có sở trưởng nhất định. Chúng ta cần biết điểm mạnh của mình là gì và chọn lấy một người cộng sự có thế mạnh khác để bổ trở chúng ta. Tôi hay nói là chọn partner như chọn một đôi giày vậy: phải cùng đẳng cấp, cùng thương hiệu, cùng size, nhưng phải một chiếc trái & một chiếc phải.
Vậy là năm 2008 tôi cùng các cộng sự đã kết hợp nên tập đoàn Cen Group. Hiện nay Cen Group có khoảng 4-50 công ty thành viên, hoạt động khắp Việt Nam và trên 4 châu lục.
Quyết định hợp nhất đó rất quan trọng và đã làm thay đổi cả sự nghiệp của tôi. Đến giờ tôi vẫn thấy đó là một quyết định vừa là cái duyên, vừa là đúng đắn.
Trong hành trình phát triển con đường sự nghiệp đó, theo đánh giá và những trải nghiệm của Shark Hưng, đâu là điều khiến cho một người/ một công ty của ai đó trở nên đặc biệt và có cơ hội thành công?
Yếu tố thứ 1 là ý tưởng sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh của mình có phù hợp thị trường hay không. Các bạn nên đặc biệt chú ý về mô hình kinh doanh của mình. Mô hình kinh doanh có thể được hiểu đơn giản là vị trí của bạn trong chuỗi giá trị. Ví dụ nếu bạn muốn sản xuất ô tô, thì bạn là người thiết kế, làm branding, hay sản xuất phụ kiện? Hoặc bạn muốn sản xuất ô tô thường hay ô tô điện? Đừng trở thành Kodak khi máy ảnh phim 35mm bị thay thế hoàn toàn bằng máy ảnh số. Kéo theo đó là sự thay thế của các sản phẩm đi cùng, ví dụ như cửa hàng rửa ảnh bị thay thế bởi công nghệ lưu trữ ảnh số hay phần mềm chỉnh ảnh.
Yếu tố thứ 2 là mô hình kinh doanh. Như Tesla, mô hình kinh doanh của họ thực tế là kiếm tiền từ việc cung cấp chứng chỉ phát thải. Và khi sản xuất xe điện thì họ cũng phải quan tâm đến vấn đề trạm sạc. Ở Châu Âu trạm sạc đã có ở khắp mọi nơi và có người còn mua trạm sạc để trong garage tại nhà. Như vậy bạn phải nghĩ xem mô hình kinh doanh của mình là gì để tổ chức kết cấu doanh nghiệp cho phù hợp.
Yếu tố thứ 3 chính là yếu tố con người. Tố chất của người lãnh đạo theo tôi là rất quan trọng: vừa phải có tầm nhìn, vừa phải có năng lực hành động.
Tôi nghĩ nhiều bạn trẻ mới chỉ có ước mơ làm giàu và thành công chứ chưa có đủ đam mê để sẵn sàng đánh đổi, hi sinh những thú vui, sở thích. Nhiều bạn hỏi tôi làm thế nào để cân bằng, nhưng tôi nghĩ chẳng có gì là cân bằng cả. Chúng ta muốn thành công, muốn nhiều tiền thì phải bớt tiêu tiền đi, bớt sử dụng thời gian vô bổ đi. Dành thời gian để làm, để đi, để đọc, để nói chuyện, giao lưu trao đổi, thì mới thành công được.
Ngoài ra bạn cũng phải rèn luyện những kỹ năng cơ bản như giao tiếp, bán hàng, đối xử với khách hàng, nhân viên, quản lý thời gian, công việc…
Cuối cùng, để chiến thắng được nỗi sợ, độ ì, sự lười nhác trong con người mình, đó chính là cái khó nhất để vượt qua. Nếu chúng ta vượt qua được bản thân, mở lòng và lấy được sự tin tưởng của khách hàng, đối tác, nhân viên… thì không có gì không thể làm được. Sản phẩm có thể sửa, mô hình kinh doanh có thể sửa, nhưng nếu ta không sửa chính bản thân mình thì rất khó để thành công.
Shark Hưng sẽ chọn công việc mình thích nhưng lương thấp, hay một công việc lương cao nhưng mỗi ngày đi làm đều cảm thấy mệt mỏi?
Tôi sẽ chọn công việc lương cao và mệt mỏi. Vì tất nhiên lương cao thì sẽ nhiều áp lực. Nhưng mệt mỏi ở đây tôi nghĩ các bạn ý là môi trường cạnh tranh, độc hại.
Tuy nhiên cũng phải nói rõ rằng các bạn mệt mỏi là vì các bạn không thích ứng. Tại sao các bạn không nghĩ ngược lại là các bạn hoà đồng với nó để đỡ mệt mỏi? Chẳng có công việc nào lương cao mà lại dễ dàng cả. Chắc chỉ có làm thuê cho bố mẹ là việc nhẹ lương cao thôi.
Nếu bạn đang làm một công việc mình thích nhưng mức lương chưa xứng đáng với trình độ của bạn, thì bạn hoàn toàn có khả năng tìm công việc khác có mức lương tốt hơn. Còn nếu bạn thực sự không thích bản chất công việc hiện đang có, thì bạn có thể tìm công việc và môi trường mà mình thích nhưng cần nâng cao năng lực để có mức lương tốt.
Ai cũng cần bán một cái gì đó. Bạn phải biết giá trị của mình ở đâu để định giá đúng. Ví dụ bán thời gian như làm lễ tân, bảo vệ, bán hàng, bán sức như là bốc vác, nâng hàng… thì tiền lương sẽ thấp. Còn nếu chúng ta có thêm phần trí tuệ, như sáng tạo, đồ hoạ, thiết kế, lập trình thì lương cũng cao hơn.
Nếu bạn có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm, năng lực tích luỹ cộng cả kỹ năng lãnh đạo, quản lý đội nhóm, giao tiếp đàm phán, thì giá còn cao hơn nữa. Quan trọng bạn biết mình có gì để bán, và tìm được người trân trọng những kỹ năng, giá trị mình bán, thì bạn sẽ có thu nhập cao.
Các bạn rất dễ nghĩ ra những ý tưởng mới, thậm chí là rất nhiều ý tưởng sáng tạo, độc đáo. Nhưng cứ hễ làm được một thời gian thì lại nản chí và muốn chuyển sang làm một dự án khác. Anh có thể đưa ra đôi lời khuyên để giúp các bạn vượt qua giai đoạn nản chí đó không?
Tất cả những gì chúng ta mong muốn: hạnh phúc, thành công… đều nằm ở bên kia bờ vực của sự sợ hãi, sự nản chí ấy. Chúng ta cần bước qua bờ vực ấy.
Khi chúng ta chán nản sau nhiều thất bại, đừng lảng tránh nó mà hãy đối mặt và tự hỏi tại sao chúng ta lại thất bại. Bạn có thể chia sẻ, hỏi những người xung quanh, những người thầy, những người truyền cảm hứng cho bạn. Khi chúng ta nói được ra vấn đề tức là chúng ta đã nhận ra nó. Hãy đối mặt với những chỉ trích và chê bai cay đắng đó.
Bạn cũng có thể tìm cách thay đổi. Dù là bạn đang thành công nhưng chưa được như ý muốn, hay thậm chí thất bại, hãy suy nghĩ xem có cách nào để thay đổi tình trạng này.
Cuối cùng, nếu đây chỉ là trạng thái tâm lý chán nản nhất thời, tôi khuyên các bạn nên mở lòng, gặp những người thành công, những người có năng lượng tích cực để chia sẻ. Với tôi khi cảm thấy như vậy tôi thường hay đi, thậm chí đi 1 mình để vừa đi vừa suy nghĩ, hoặc đi với những nhóm bạn tích cực để có được sự hỗ trợ khi chính bản thân ta không thể nỗ lực được nữa.
Bên cạnh đó, nếu chúng ta cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thì có thể rời bỏ tình trạng đó bằng cách hoạt động thể chất: leo núi, đi bộ, chơi thể thao… Ngoài ra nếu bạn có sở thích cá nhân như nấu ăn hay chơi nhạc thì nên dành thời gian để làm những việc ấy, để não hay tư duy của chúng ta có thể nghỉ ngơi. Sau đó chúng ta sẽ hưng phấn hơn khi làm việc.
Một trong những thành công quan trọng của người trưởng thành nói chung và người thành công nói riêng, đó là biết cách kiểm soát bản thân, cụ thể ở đây là kiểm soát cảm xúc. Không để những buồn chán, bực bội, xâm lấn tư duy của mình, bằng cách chuyển ngay sang làm điều gì đó mà chúng ta thích và khiến chúng ta có động lực hơn.
Một vài lời khuyên khác Shark Hưng muốn chia sẻ với các bạn trẻ để có thể “hiện thực hóa” ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Đầu tiên bạn sẽ cần có mong muốn để khởi nghiệp. Bạn đã cảm thấy có đủ ý chí, đủ năng lực, kinh nghiệm và kể cả tiền bạc để khởi nghiệp chưa? Tôi thì nghĩ là các bạn vẫn nên có một vài năm đi làm công ăn lương để rèn luyện kỹ năng quản lý công việc, quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp và giữ được một chút tiền. Đây cũng là thời gian bạn có thể phát triển ý tưởng để khởi nghiệp.
Sau một thời gian, nếu bạn thấy thị trường cần sản phẩm của mình, còn mình có năng lực và sở thích để cung cấp, thì chúng ta hãy xây dựng kế hoạch kinh doanh chi tiết, bao gồm cả những rủi ro nữa.
Bạn có thể tham khảo ý kiến của mọi người. Đừng sợ rằng bạn chia sẻ thì sẽ có người ăn cắp ý tưởng của mình. Tôi thấy là những người càng thành công, càng có nhiều kinh nghiệm, họ càng có nhiều ý tưởng sẵn rồi, chẳng qua họ không có thời gian và nguồn lực để hiện thực hoá thôi.
Khi bắt tay vào khởi nghiệp, thì hãy bắt đầu từ những bước nhỏ, hãy bán sản phẩm cho ngay những người xung quanh mình. Nhiều người nói được bán hàng cho người thân, tôi không đồng ý với chuyện đó. Tôi nghĩ nếu bạn tự tin vào sản phẩm của mình, và có trách nhiệm với sản phẩm của mình thì chẳng sao cả. Nếu họ không hài lòng mình cần có trách nhiệm làm cho họ hài lòng. Nếu bạn còn sự tin yêu của khách hàng thì bạn vẫn có cơ hội thành công.
Hãy dự trù một khoản tiền bù lỗ vì trong thời gian đầu sẽ có sản phẩm hư hỏng, hoàn trả, sản phẩm dùng thử… Trong thời gian đầu, bạn cũng không nên đổ tiền vào quảng cáo, đó là lời khuyên của tôi. Tiền quảng cáo là khoản đầu tư một đi không trở lại. Và quan trọng hơn là không có gì giết một sản phẩm tồi nhanh hơn là một chiến dịch quảng cáo tốt. Nên hãy cho mọi người dùng thử và nâng cao chất lượng sản phẩm thì hơn. Trừ khi bạn làm thương mại và đã có sản phẩm, thị trường mục tiêu rồi. Chiến lược dội bom quảng cáo chỉ phù hợp khi bạn đang mở rộng quy mô, cần chiếm lĩnh khách hàng và tiêu diệt đối thủ.
Có nhiều bạn thì kêu là em có ý tưởng hay và khách hàng thích mà em không có vốn. Tôi nghĩ nếu chưa có vốn tức là ý tưởng chưa đủ hay và khách hàng chưa đủ thích. Các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng lao vào bạn. Bạn cứ thành công ở quy mô nhỏ thì mới có thể kêu gọi vốn. Khách hàng cũng là nguồn vốn để chúng ta mở rộng thị trường.
Cuối cùng, hãy tìm được những đội ngũ hợp tác với mình, những người có thể bù đắp và hỗ trợ cho chúng ta, cộng hưởng và kết hợp với chúng ta trong nhiều lĩnh vực. Họ có thể góp bằng vốn, bằng công sức, mỗi người sẽ có vai trò khác nhau.
Những mặt trái nào của việc “làm chủ” mà có thể nhiều người còn chưa nhìn ra?
Khi các bạn quyết định khởi nghiệp, gần như bạn sẽ phải đặt hết thời gian, công sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp của mình. Nếu các bạn chưa thành công thì các bạn có thể mất đi chi phí cơ hội.
Phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang rất mạnh. Tới khoảng 25% các bạn trẻ tốt nghiệp ĐH và dưới 30 tuổi mong muốn khởi nghiệp. Như vậy chi phí cơ hội là các bạn sẽ không trở thành chuyên gia hoặc một nhân vật nào đó chăng.
Còn tôi không nghĩ là có những mặt trái của khởi nghiệp. Ví dụ như thất bại, mất tiền, trầm cảm, thậm chí là lao lí, chỉ là những rủi ro mà bất cứ ngành nghề nào cũng có thể gặp phải. Không làm gì mới là thất bại lớn nhất. Đừng chỉ vì hào quang của thành công mà chạy theo con đường khởi nghiệp, mà không hiểu những người thành công họ đã phải đánh đổi những gì.
Nói chung tôi không hô hào ai cũng nên khởi nghiệp. Bạn khởi nghiệp khi bạn đủ tự tin về năng lực và sản phẩm của mình, và sự tự tin này cũng nên được kiểm chứng bởi thị trường, bởi những người có kinh nghiệm.
Mọi người có thể xem lại những tập Quaranstream trong series tại đây trên website chaubui.net!
Có thể bạn cũng thích