Yêu Bản Thân
#Quaranstream mùa 4, tập 1: Nâng cao năng lực bản thân và mở rộng các mối quan hệ cùng Khánh Vy!
Chào mừng mọi người đã quay lại với mùa 4 của series Quaranstream cùng Châu Bùi và các khách mời!
Dù đã hết giãn cách rồi nhưng Châu nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn về công việc, cuộc sống, các kinh nghiệm phát triển bản thân, xây dựng sự nghiệp… Nên series Quaranstream vẫn sẽ tiếp tục để chúng mình có cơ hội giao lưu và học hỏi nhau nhiều hơn nhé!
Khách mời đầu tiên của Quaranstream mùa 4 chính là “con nhà người ta” Khánh Vy! Sau khi có cơ hội phỏng vấn Khánh Vy cho website chaubui.net, thì Châu chắc chắn Vy chính là hình mẫu Gen Z lý tưởng để có thể trao đổi về chủ đề nâng cao năng lực cho bản thân, mở rộng mối quan hệ có ích cho công việc và cuộc sống của mình.
Châu cảm ơn thương hiệu Curnon đã đồng hành cùng Quaranstream tuần này. Curnon là thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam, được ra đời để mang đến những sản phẩm phụ kiện mang tinh thần “Why not” của thế hệ trẻ Việt. Châu chọn Curnon màu bạc để đeo cho buổi Quanranstream vì phong cách smart-casual rất dễ phối đồ, vừa thanh lịch, trẻ trung mà vẫn đủ chuyên nghiệp, chững chạc cho sự kiện lần này.
Năng lực bản thân là gì và tại sao chúng ta lại cần phát triển năng lực?
Châu: “Năng lực của bạn là gì” là câu hỏi mình rất hay được nhận khi đi phỏng vấn xin việc, hay là tham gia một tổ chức, hoạt động nào đó. Châu thấy có nhiều người nhầm lẫn giữa năng lực và năng khiếu. Năng khiếu là cái mình sinh ra đã có, còn năng lực là cái mình hoàn toàn có thể đi từ con số 0 và phát triển lên. Năng lực sẽ được nâng cao khi song song với quá trình nỗ lực, cố gắng trong học tập và công việc của mỗi người
Nên là hôm nay với chủ đề này, mọi người cùng Châu và Khánh Vy đi tìm hiểu xem là chúng ta có thể nâng cao năng lực bằng cách nào nhé!
Khánh Vy bắt đầu học ngoại ngữ như thế nào, động lực nào khiến bạn bắt đầu và những phương pháp bạn đã áp dụng để có thể thành thạo được nhiều ngôn ngữ và tự học các kỹ năng khác nhau?
Khánh Vy: Em bắt đầu học tiếng Anh từ cấp 1 ở trường như mọi người thôi. Lên đến cấp 2 thì em rất thích xem Disney Channel, em muốn hiểu và nói chuyện như những nhân vật trên kênh này nên đã quyết tâm theo đuổi tiếng Anh.
Em nghĩ khi học một ngôn ngữ thì quan trọng là mình phải thích ngôn ngữ ấy, cả về đất nước, con người và văn hoá. Ví dụ nếu em thích Kpop thì em sẽ học tiếng Hàn nhanh hơn nhiều so với tiếng Pháp chẳng hạn.
Châu: Thế còn hành trình của em đến với VTV thì sao?
Khánh Vy: Hành trình đến với VTV bắt đầu từ khi em đăng video nói 7 thứ tiếng, sau đó có một anh biên tập bên VTV7 gọi điện mời em làm khách mời cho chương trình dạy IELTS. Sau đó từ vị trí khách mời em đã thử sức ở các vai trò khác nhau và hiện nay là MC. Còn chị Châu đã đến với nghề fashionista như thế nào?
Châu: Ban đầu chị là người mẫu chụp ảnh. Hồi đó những người xung quanh và chính chị cũng không nghĩ mình làm người mẫu được, vì chị thấp và không biết tạo dáng. Khi chụp ảnh chị chỉ biết cười thôi. Nhưng chị rất thích thời trang nên dần dần đã phát triển những kỹ năng cần thiết để có ngày hôm nay. Vậy nên chị nghĩ năng lực bản thân sẽ đến từ cái gì mình thích và quan tâm trước, rồi sau đó mình mới học các kỹ năng cần thiết để phát triển năng lực.
Yếu tố quan trọng nhất trong việc tự học hay việc tự phát triển bản thân?
Khánh Vy: Em nghĩ là yếu tố đầu tiên đó là kỹ năng đưa ra quyết định (decision making). Mỗi ngày mình có rất nhiều quyết định cần đưa ra trong cuộc sống, công việc, nên đây sẽ là kỹ năng mình cần dùng hàng ngày.
Thứ 2, em nghĩ mình cần hiểu bản thân, mình giỏi cái gì, chưa giỏi cái gì, cần học thêm gì.
Thứ 3, đó là kỹ năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ. Không ai có thể thành công khi đi một mình cả.
Thứ 4, sự thấu hiểu cũng là kỹ năng quan trọng để mình xây dựng được sự nghiệp thành công hơn.
Thứ 5, đó là sự chăm chỉ. Em follow chị từ những năm 2017, lúc đó là chị Châu mới chỉ có 20 tuổi thôi nhưng ngày nào em cũng thấy chị Châu đi quay chụp ngoài nắng rất vất vả. Khi đó em cũng bắt đầu đi quay và chính chị Châu là nguồn cảm hứng truyền năng lượng cho em, vì em nghĩ người khác làm được thì mình cũng làm được.
Châu: Với chị, sự chăm chỉ cũng là yếu tố tiên quyết. Việc càng khó lại càng phải chăm chỉ hơn vì mình sẽ cần dành nhiều thời gian, công sức cho nó hơn để vượt qua được.
Bên cạnh đó chị nghĩ việc đặt mục tiêu cho bản thân cũng là điều cần làm. Khi chị mới bắt đầu sự nghiệp, danh sách những việc chị làm chưa tốt, chưa giỏi nó dài lắm ấy. Chị nhìn xong sợ lắm vì không biết bắt đầu từ đâu cả. Chị nghĩ điều này ai cũng từng trải qua khi mới bắt đầu đi làm, càng nhiều thứ mình không biết thì mình càng hoang mang không biết học gì trước. Nếu chị đặt ra mục tiêu hàng ngày, mỗi ngày phải học cái gì, đạt được điều gì. Dần dần mình sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.
Chị đoán là Vy cũng phải học ngoại ngữ một cách từ từ chứ đâu thể 1 ngày mà học được 7 thứ tiếng một lúc đúng không?
Khánh Vy: Vâng, với em thì việc mình bắt đầu học một cái gì đó chưa hoàn hảo và dần dần tiến bộ hơn nó sẽ hiệu quả hơn là ép bản thân phải hoàn hảo ngay từ đầu.
Châu: Đúng đấy! Tất nhiên chị cũng là người mong muốn đạt được sự hoàn hảo ngay từ đầu. Nhưng việc đặt mục tiêu cho bản thân từng bước một sẽ giúp mình có động lực hơn khi thấy mục tiêu được hoàn thành. Nếu không mình sẽ rất dễ nản chí, mất năng lượng.
Động lực nào khiến hai người cố gắng hoàn thiện và phát triển năng lực của bản thân?
Châu: Chị cũng gặp nhiều bạn khi đạt được thành công nhất định thì cảm thấy đã đủ rồi và không cần cố gắng hơn nữa. Nên chị nghĩ việc mà chúng ta luôn cố gắng để bản thân tốt hơn là một điều rất trân quý.
Khánh Vy: Với em thì em nghĩ những điều mình đạt được là một hành trình chứ không phải là đích đến. Trong hành trình này thì những va vấp hay những thành công đều là kinh nghiệm để mình học hỏi và để bản thân tiến bộ hơn. Em hay nghĩ hành trình này của mình là một hình chữ U vậy. Đôi khi em thấy mình đang ở đáy chữ U, nhưng điều đó cũng có nghĩa là mình đã đi được 1/2 chặng đường rồi và sau đó mình sẽ đi lên thôi.
Em nghĩ kiến thức thì rộng lớn vô hạn lắm, những gì mình học được chỉ là hữu hạn thôi. Sẽ luôn có người giỏi hơn mình, thông minh hơn mình, mặt khác thì mình của ngày hôm nay cũng đã giỏi hơn ngày hôm qua rồi. Em thích câu hát của Rose: “Everything I need is on the ground,” nên em muốn hai chân mình luôn chạm đất để học hỏi được nhiều hơn.
Châu: Với chị thì chị luôn chọn lọc các nội dung chị đọc và xem hàng ngày để học từ những người giỏi hơn mình, tài năng hơn. Khi ấy chị sẽ cảm thấy mình còn nhỏ nhoi lắm so với những người giỏi như vậy, nên mình còn cần cố gắng hơn nữa. Chính việc Vy làm những video chia sẻ kinh nghiệm học tiếng của mình, chị thấy hay lắm. Vì làm video không hề dễ dàng chút nào. Những video của em chắc chắn đã truyền cảm hứng cho các bạn học tiếng Anh tốt hơn.
Bên cạnh đó, chị tìm được động lực lớn từ chính những lời chê bai, chỉ trích trên mạng xã hội. Khi gặp những người không thích mình hay chê bai gì đó, chị gọi team để họp và nghĩ ý tưởng sao cho lần sau mình làm tốt hơn nữa. Tìm động lực từ áp lực là một cách chị tìm thấy niềm vui trong hành trình phát triển năng lực của mình.
Khánh Vy: Một điều nữa em để ý là chị Châu cũng có đam mê với công việc của mình, vì vậy việc biến áp lực thành động lực cũng dễ dàng hơn nữa.
Khánh Vy và Châu Bùi bắt đầu xây dựng các mối quan hệ từ khi nào?
Khánh Vy: Em quan niệm là những mối quan hệ mình cần xây dựng đầu tiên chính là từ gia đình, người thân, bạn bè mình. Mình đối tốt với gia đình mình trước thì mình mới có thể bước ra xã hội được. Em may mắn lớn lên trong một môi trường luôn dạy em rằng nếu mình muốn lấy trái tim của người khác, thì mình cần chia sẻ chính trái tim của mình trước. Bố mẹ em luôn dạy em vậy.
Sau đó khi vào năm 1 đại học thì em mới nhận ra tầm quan trọng của mạng lưới chuyên nghiệp (professional network), không chỉ trong ngành của mình mà còn các mối quan hệ liên quan công việc khác nữa. Nếu mình xây dựng được mạng lưới tốt thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, công sức sau này. Và việc xây dựng mối quan hệ công việc thì cũng cần thời gian và công sức, khó như mình đi làm vậy.
Châu: Từ nhỏ bố chị dạy chị rất kỹ là nếu gặp ai đó mình không thích, mình cũng không nên tỏ thái độ. Vì việc mình tỏ thái độ nó không hẳn có nghĩa là mình sống thẳng. Có thể chỉ là do mình chưa hiểu được tính cách hay câu chuyện của người kia thôi. Được dạy từ bé thế nên chị cũng không tỏ thái độ ghét bỏ gì với ai trong công việc hay cuộc sống cả. Chị sợ bố chị tẩn chị lắm (cười.)
Nhờ có thói quen từ nhỏ nên chị gặp gỡ và xây dựng mối quan hệ với nhiều người khi lớn lên. Khi gặp ai đó, chị luôn cười với họ trước, kể cả trước đó có nghe nói những điều chưa hay lắm về họ. Vì biết đâu người kể với mình chuyện đó họ cũng có vấn đề gì thì sao? Nên chị cứ tốt, cứ vui vẻ với mọi người đã, để xem họ đối xử với mình ra sao. Sau này chị mới biết có rất nhiều câu chuyện sai lệch về bạn bè mình, may mà chị bỏ qua những chuyện đó để gặp được những bạn tốt như hôm nay.
Và nếu mình không đối xử tốt với ai thì những lời đó cũng đi rất xa, rất nhanh nữa. Cho nên mình không nên nghĩ là mình chỉ đối xử tốt với ai có lợi cho mình. Mình cứ tốt với tất cả mọi người, chị nghĩ điều đó không bao giờ sai cả.
Khánh Vy: Quan điểm này hai chị em mình chia sẻ hệ giá trị luôn ấy. Em cũng là con út trong nhà, em có chị gái, và mỗi lần đọc thư của bố chị Châu gửi cho chị, em thấy như bố mình dạy luôn vậy.
Cách hai người chọn lọc, duy trì và xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và có ích cho sự phát triển của bản thân?
Khánh Vy: Em nghĩ điều tiên mình mình phải “biết mình biết ta.” Mình biết rõ giá trị cốt lõi của bản thân thì khi có bất kỳ mối quan hệ đi ngược lại giá trị này, mình sẽ phải giao tiếp và nói chuyện thẳng thắn. Chứ không cứ giấu giếm, tích tụ trong lòng thì đến một thời điểm sẽ không thể giải quyết được vấn đề.
Em cũng tâm niệm rằng bất kể ai đã, đang và sẽ xuất hiện trong cuộc đời mình đều biết một điều mình chưa biết. Có thể là từ trải nghiệm hay cuộc sống của họ mà mình học hỏi được. Và bất kỳ ai mình gặp cũng có ý nghĩa gì đó, có thể mình chưa nhận ra ngay nhưng rồi sẽ hiểu được. Nếu họ mang đến cho mình niềm vui thì điều đó sẽ thành kỷ niệm. Nếu họ mang cho mình bài học, thì đó là trải nghiệm.
Dần dần mình nhận ra mỗi người chúng ta đều khác nhau. Không phải ai cũng có những hệ giá trị giống nhau. Miễn là mình làm theo đúng lương tâm của mình, mình hết lòng đem lại giá trị cho mọi người trước khi nghĩ đến họ mang được gì cho mình, thì mình sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.
Châu: Đúng vậy, khi mình ở trong những mối quan hệ khác nhau thì càng ngày mình càng gặp những tính cách khác nhau, quan điểm sống khác nhau. Mình không nên mong chờ ai cũng giống mình. Sẽ không tránh được sự tranh cãi hoặc tiêu cực. Lúc đó là mình cần “bộ lọc”.
Ví dụ nếu bạn chị có thói quen hay kể những chuyện của người khác và chị muốn tránh đi, chị sẽ nói sang chuyện khác như phim ảnh, âm nhạc, bất cứ chủ đề gì mà bạn ấy thích. Hoặc trong team chị cũng vậy, mỗi người có tính cách khác nhau, người thì thích gọi điện, người thích nhắn tin thật dài, người chỉ làm việc thôi không thích nói chuyện, vân vân.
Càng gặp nhiều người thì mình sẽ càng dễ thấu hiểu người đối diện hơn và tìm ra phương pháp, công cụ để giao tiếp với họ hiệu quả nhất.
Cảm ơn Khánh Vy đã đồng hành cùng Châu trong tập 1 mùa 4 Quaranstream! Mọi người theo dõi những bài viết trước đây trong series Quaranstream trên website và Youtube của Châu nhé.
Có thể bạn cũng thích