Home / Cộng Đồng / People in Fashion / NTK Ngô Hoàng Kha: Thời trang bền vững – Những bước đi chậm mà chắc
Icon Icon Icon

People in Fashion

NTK Ngô Hoàng Kha: Thời trang bền vững – Những bước đi chậm mà chắc

Chậm lại để bảo vệ sự bền vững của thời trang

24/07/2023

Là một trong những gương mặt nhà thiết kế trẻ tài năng tại Việt Nam hiện nay, NTK Ngô Hoàng Kha tạo nên dấu ấn của riêng mình với câu chuyện “bền vững” trong thời trang. Hành trình theo đuổi thời trang bền vững tại Việt Nam không phải là một hành trình dễ dàng, thế nhưng từ ngày bước ra từ cuộc thi Vietnam NewGen Fashion Award 2020 hay Vietnam Design Week, Ngô Hoàng Kha đã luôn kiên định với lựa chọn của mình.

Chia sẻ với Chaubuinet, nhà thiết kế khẳng định: Kiên trì, kiên định và kiên nhẫn chính là chìa khóa để anh kiến tạo con đường của riêng mình và phát triển thương hiệu thời trang mang tên anh: KHAAR.

Cùng Chaubuinet trò chuyện với NTK Ngô Hoàng Kha – Founder thương hiệu thời trang bền vững KHAAR!

KHAAR được thành lập vào năm 2022. Nhìn lại hành trình 1 năm phát triển của KHAAR, Kha có cảm xúc như thế nào?

Một năm không phải là một thời gian dài, KHAAR vẫn đang là một đứa bé có những bước đi đầu tiên, những trải nghiệm đầu tiên. Nhưng Kha vẫn cảm thấy rất tự hào vì những gì mà đội ngũ của mình đã cùng nhau làm được. Tất cả mọi người đã có những nỗ lực rất lớn và bền bỉ không ngừng nghỉ để lần lượt biến những ý tưởng trở thành hiện thực, trau chuốt nó nhằm đạt được chất lượng tốt nhất có thể. Việc xây dựng một tổ chức mới từ con số 0 là không hề dễ dàng, Kha vẫn gặp phải những khó khăn trong việc quản lý tài chính, nhân sự…cùng lúc với việc phải duy trì hướng đi và DNA trong từng sản phẩm cũng như trong từng lần xuất hiện của KHAAR.

Là một NTK theo đuổi trường phái bền vững, một thiết kế tốt đối với Kha phải đảm bảo được những yếu tố gì?

Một thiết kế tốt, theo Kha, nó cần có “căn nguyên”, hay kể lên được một “nguồn gốc”. Có thể đó là vùng đất nơi sản sinh ra nó, là nơi nuôi trồng, dệt hoặc tạo tác nên chất liệu của nó, là nền văn hóa mà nhà thiết kế hoặc người tạo ra nó được nuôi lớn, là cậu chuyện về lịch sử, hay truyền thống gia đình…Bất kể là gì, thì nó phải khiến cho khách hàng hoặc người sử dụng/ thưởng thức tin tưởng vào việc nó đã được tạo ra “tại nơi này”, “bởi người này”…Đó là giá trị lớn nhất và cốt lõi nhất.

Ngoài ra, có thể kế đến những yếu tố khác như chất liệu thân thiện với môi trường. Trong quy trình sản xuất sẽ có những yếu tố giúp làm giảm tác động của thành phẩm thiết kế vào môi trường, bản thân vật liệu cũng có thể phân hủy sinh học khi bị vứt bỏ hoặc thay thế, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Xa hơn nữa là khả năng tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng – xã hội bằng chính sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh – sản xuất.

Có một điểm rất thú vị trong cách Kha đặt tên cho các thiết kế của mình “Áo Blazer Ban Mai”, “Áo thác nước”…từ đâu Kha lại có ý tưởng về cách đặt tên này? Đâu là nguồn cảm hứng lớn nhất trong các thiết kế của Kha.

Cách Kha đặt tên các món đồ sẽ đi theo nguồn cảm hứng chung trong BST lớn mà nó thuộc về. Là hình tượng lớn đó, phảng phất trong dáng dấp và chi tiết của món đồ, nhưng mỗi món là một góc nhìn khác nhau, có thể là một thời khắc trong ngày , khi Mái Tóc – Làn Tơ ánh lên trong nắng sớm mai, hoặc cũng chính là suối tóc đó, đổ xuống trong đêm như thác nước….

Nguồn cảm hứng của Kha rộng khắp, len lỏi từ mọi ngóc ngách, nhưng vẫn “sống” trong bâu không khí và văn hóa Việt Nam. Nó phải vừa đẹp, lãng mạn, lại vừa bình dị, đời thường. Chọn một thứ mà công chúng dễ cảm, dễ gợi nhớ, nhưng khiến nó trở nên thú vị và mang dấu ấn cá nhân là điều Kha muốn hướng tới.

Ngay từ những ngày đầu học và làm thời trang, Kha đã xác định là mình sẽ phát triển thời trang bền vững chưa? Hay đã có sự kiện, cột mốc nào giúp cho Kha định hướng rõ hơn về con đường mình sẽ đi?

Thời trang bền vững và quyết định theo đuổi hướng đi này chỉ đến với Kha từ năm 2020. Đó là khi Kha tham dự và chiến thắng cuộc thi Vietnam NewGen Fashion Award do Harper’s Bazaar tổ chức, chủ đề Sustainability. Những trăn trở, thể nghiệm và nỗ lực trong quá trình làm bài thi, rồi sau đêm thi chung kết được gặp gỡ và trò chuyện với ban giảm khảo, đặc biệt là chị Vũ Thảo (Founder của Kilomet109) đã mang đến cho Kha nhiều suy nghĩ, mở mang, niềm tin và cả sự cổ vũ để tiếp tục đi theo hướng đi này. Cũng nói thêm thì 2020 là thời điểm Kha đã làm việc được 1 năm trong 1 tập đoàn đa quốc gia về thời trang và may mặc, hiểu rõ về bộ máy sản xuất và vận hành của thời trang nhanh cùng chuỗi cung ứng của nó tại Việt Nam, để có thể nhìn ra những tác động tiêu cực của nó đến môi trường và tương lai của cả nền công nghiệp thời trang như thế nào.

Được biết định hướng phát triển KHAAR của Kha được dựa trên 3 yếu tố: Cảm hứng Việt Nam, Thu nhặt & Tái chế, Thiết kế Ảo 3D. Trong khi yếu tố Việt Nam là những giá trị thuộc về truyền thống thì công nghệ ảo lại hướng đến tương lai. Phải chăng sự bền vững mà Kha hướng tới chính là mối liên kết bền chặt giữa quá khứ – tương lai?

KHAAR là mong mỏi của chính Kha trong quá trình làm nghề. Điều này thể hiện qua người nghệ nhân tỉ mẩn gìn giữ và đánh thức những kỹ thuật thủ công truyền thống hoặc những chắt lọc từ văn hoá bản địa, thu nhặt và chắp nối từng mảnh vải vụn và thành những “bức tranh” hoàn chỉnh.

Nhà thiết kế thì bổ trợ vào công việc hiện thực hóa những tưởng tượng của mình nhờ vào sự trợ giúp đắc lực của công nghệ. Công nghệ, một mặt thêm vào những xúc tác hoặc gia vị mang cảm hứng tương lai, thì cũng đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mới lạ và độc đáo hơn khi thưởng thức những sản phẩm phảng phát “hồn xưa cũ”.

Sự bền vững còn được nuôi dưỡng và phát huy qua phân bổ nguồn lực lao động, tạo thêm công việc làm và quản lý tốt những tác nhân gây lãng phí.

Giữa một ngành công nghiệp thời trang đang phát triển với nhiều xu hướng thời trang nhanh – chậm, hành trình theo đuổi thời trang bền vững của Kha có gặp khó khăn gì không? Kha đã vượt qua như thế nào?

Bản thân việc theo đuổi thời trang bền vững tại Việt Nam đã là khó khăn vì thị trường còn non trẻ và chưa đủ chuyên nghiệp để có thể hỗ trợ các nhà thiết kế đem những sáng tạo và thử nghiệm bền vững và mới lạ của mình đến khách hàng, và các đối tác trong chuỗi cung ứng – sản xuất, giúp họ hiểu những lý do vì sao sản phẩm mang giá trị cao và cần được tạo ra. Sự cân bằng giữa thời gian và chi phí sản xuất, đến giá thành và những trải nghiệm của khách hàng là một bài toán đau đầu. Muốn bền vững, hẳn nhiên ra sẽ có ít lựa chọn hơn, mọi thứ từ nguồn nguyên vật liệu, nguồn lực, thị trường…đều thu hẹp lại, khiến sự nghiên cứu phải sâu hơn, các quyết định phải cân nhắc và có chọn lọc hơn.

Nhưng cũng chính vì vậy, cách giải quyết hiệu quả nhất là điều chỉnh để tự mình “chậm lại”, và giải quyết những vấn đề đang hiện hữu từng chút một, giống như việc dọn dẹp một căn phòng bề bộn, được chừng nào thì tốt chừng nấy.

Mới đây KHAAR đã ra mắt Sự kiện Pop-up Dệt Mùa Hè Tại Extraordinary Saigon, Kha có thể chia sẻ thêm quá trình mình lên ý tưởng và thực hiện “Dệt Mùa Hè”. Tại sao lại là “Dệt Mùa Hè” mà không phải cái tên nào khác?

Pop Up “Dệt Mùa Hè” vừa rồi cũng đơn giản là một lần nữa KHAAR xuất hiện và mang đến những thiết kế của mình (cả cũ lẫn mới) đến với khách hàng và giới mộ điệu thời trang. Hẳn nhiên việc ra mắt những sản phẩm mới cho mini-collection mùa hè là một trong những nội dung chính, nhưng hình thức pop-up event là cách làm hiện tại mà KHAAR chú trọng nhất. Bởi do chưa có kế hoạch xây dựng cửa hàng quá sớm, nên những dịp thế này rất quan trọng để KHAAR tăng độ nhận diện, kể được câu chuyện của mình và giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm, được xem tận mắt, sờ chạm và cảm nhận những chất liệu tái chế hoặc thân thiện mới môi trường mà KHAAR đã dày công tạo ra hoặc lựa chọn. Ở chiều ngược lại, từng vị khách hàng trân quý bỏ thời gian và công sức đến với pop-up, lắng nghe Kha nói, và mua sản phẩm cũng giúp Kha định hình rõ ràng hơn nữa về tệp khách hàng rất đặc thù mà mình nên hướng tới.

Lý do là “Dệt Mùa Hè” là bởi KHAAR mong muốn tiếp tục đẩy mạnh thế mạnh, dấu ấn của mình trong concept tái chế vải vụn, đặc biệt là trong kỹ thuật dệt thủ công trên khung tapestry hoặc đan móc. Rác thải may mặc bị vứt bỏ được Kha thu nhặt, chọn lọc, rã ra thành từng sợi và tái kết hợp chúng lại trong những xử lý chất liệu rất riêng, với gam màu nồng ấm hay tươi sáng của mùa Hè. Những ngày giờ dùng từng sợi vải vụn dệt nên vải trong studio đã đem đến cho Kha cảm hứng đó.

Một trong những dấu ấn đặc trưng của bạn là ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế. Kha có thể chia sẻ rõ hơn với các độc giả, Kha đã ứng dụng công nghệ 3D như thế nào trong các thiết kế?

Bên cạnh việc khiến những sản phẩm 3D Ảo hiện hữu bằng hình ảnh render, và animation, tạo ra những look-book, catalogue sản phẩm ảo, những shoot chụp editorial ảo…thì công nghệ 3D đã can thiệp vào quy trình sáng tạo và dựng mẫu của KHAAR từ những món đồ đầu tiên.

Sự can thiệp này rất linh hoạt, và được ứng dụng rộng khắp, trong toàn bộ quá trình hay chỉ một vài công đoạn: từ việc trực quan hóa ý tưởng rập ban đầu, thay đổi kết cấu, chỉnh sửa độ dài ngắn, tỉ lệ, kiểu dáng chi tiết…của mẫu thử đầu tiên, đến mẫu thử thứ “N” trên màn hình máy tính trước khi chính thức may ra bản mẫu cuối cùng dùng để biểu diễn hoặc treo trên sảo để khách hang trải nghiệm vật lý. Thậm chí những mẫu thiết kế có yếu tố đồ họa, color-block, hay họa tiết, sự trực quan hóa bằng 3D cũng kết nối trực tiếp với bản vải sau cùng, chính xác từ khổ vải cho đến việc giác sơ đồ cho khớp với họa tiết trên từng mảnh rập, v..v…

Có thể nói, gần 60% của khối lượng công việc truyền thống, hay của những hao tổn về thời gian, nhân lực và nguyên vật liệu đã được giảm thiểu và tiết kiệm.

Đã bao giờ Kha nghĩ nếu mình không làm NTK thì mình sẽ làm công việc gì?

Thiết kế là một lĩnh vực rất rộng khắp, các nhà thiết kế là những người suy nghĩ để giải quyết vấn đề chứ không đơn thuần là sáng tạo ra cái Đẹp. Kha không suy nghĩ về việc mình sẽ thay đổi hoặc sẽ không làm công việc thiết kế nữa, mà ngược lại Kha không ngừng suy nghĩ để tìm ra các cơ hội để có thể làm việc và sáng tạo liên ngành, đó cũng là một xu thế không thể tránh khỏi trong tương lai, khi metaverse và AI tạo ra những cuộc cách mạng mới. Khi đó một NTK cần làm việc và kiêm nhiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau là điều cần thiết.

Là một nhà thiết kể trẻ, Kha có lời khuyên gì dành cho các nhà thiết kế trẻ khác?

Thế hệ cùng lứa với Kha thì Kha đều thấy họ là những người tốt, có nhiều người còn có những thành tựu lớn hơn Kha nhiều nên Kha sẽ chỉ bày tỏ lòng tôn trọng đến họ.

Còn với thế hệ tiếp sau, đúc kết từ bản thân Kha thì lời khuyên sẽ là kiên trì, kiên định và kiên nhẫn. Những gì “riêng” nhất của một NTK hay một thương hiệu không thể được xây dựng hay đạt được một cách nông nổi hay một sớm một chiều. Đừng phung phí những nguồn lực mình đang có bởi thế giới đã đi quá nhanh trong một thời gian dài, và điều này đã tạo ra nhiều hệ lụy. Tiết kiệm, chăm sóc và tái tạo là điều mà tương lai cần đến.

Kha có thể gợi ý cho Chaubuinet 3 cái tên phù hợp cho chuyên mục People in Fashion không?
Là những người mà Kha rất ngưỡng mộ và yêu quý trong chặng đường làm thời trang bền vững: NTK Vũ Thảo (Founder của thương hiệu Kilomet109), NTK Vũ Tá Linh.

Người bạn của Kha, NTK – Stylist Trần Nhật Anh (Joey Trần) cũng là một nhân vật thú vị.

Cảm ơn Kha đã dành thời gian trò chuyện cùng Chaubuinet!

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!