Yêu Bản Thân
Những phong tục truyền thống cho năm mới may mắn
Những tập tục cho một năm mới tốt đẹp!
Năm mới Tết đến rồi, liệu bạn có biết được tại Việt Nam chúng ta có những phong tục gì để mong một năm mới an lành, hạnh phúc không? Bất kể vùng miền thì những phong tục này được áp dụng hầu hết mọi nơi. Ông bà thường hay bảo rằng có kiêng có lành nên hôm nay mọi người cùng Châu tìm hiểu những phong tục này là gì nhé!
1. Tục xông đất
Người Việt Nam có quan niệm người đầu tiên đến nhà sau giao thừa hay sáng mùng một Tết sẽ quyết định vạn sự cả năm. Những người được chủ nhà mới đến xông đất thường là người hợp tuổi, khỏe mạnh, thành đạt, tốt tính, với mong ước họ sẽ đem lại may mắn cho cả gia đình. Người xông đất sẽ đến chúc tết gia đình trong ngày đầu xuân. Năm nay gia đình bạn đã chọn được ai là người xông đất chưa nào!
2. Mua muối
Theo như tập tục lâu đời của người Việt, muối có tác dụng trừ tà, xua đuổi những luồng không khí xấu vào nhà ở. Hơn nữa, vị mặn của muối cũng tượng trưng cho tình cảm khăng khít, nồng ấm của các thành viên trong gia đình. Vì vậy mà ngay sau đêm giao thừa nhiều người sễ mua muối như một lời nguyện cầu cho năm mới nhiều điều bình an, các thành viên trong gia đình sum họp.
3. Hái lộc đầu năm
Người Việt dường như không thể thiếu việc hái lộc mỗi khi Tết đến vì họ quan niệm rằng hái lộc sẽ mang về những điều may mắn, “Tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Lộc ở đây không chỉ riêng là tài lộc, còn là may mắn bình an, sinh trưởng dồi dào, tượng trưng cho những gì tươi mới được hình thành dù có khó khăn, khắc nghiệt đến thế nào.
4. Mua vàng đầu năm
Ngoài mua muối thì một số gia đình còn mua vàng đầu năm để cầu mong sự thịnh vượng. Đặc biệt là vào mùng 10 tháng Giêng, ngày vía Thần Tài trong những năm gần đây người dân đều nô nức kéo nhau đi mua vàng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tục lệ dân gian được nhiều người Việt Nam hưởng ứng chứ không phải là một điều bắt buộc để nhận được sự may mắn mọi người nhé!
5. Bày mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là phong tục qua quen thuộc với người Việt Nam trong dịp tết. “Ngũ” là số 5, con số biểu trưng của sự sống như ngũ hành, ngũ vị, ngũ sắc, ngũ tạng… Quả (trái cây) thể hiện sự sung túc, dồi dào, ra hoa kết trái. Mỗi miền, mỗi vùng có một cách bày ngũ quả khác nhau, nhưng đều chọn các loại quả có ý nghĩa đặc biệt.
Người miền Nam thường bày các loại quả chính là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đọc chệch thành “cầu vừa đủ xài” với mong muốn có một năm mới nhiều tài lộc và thêm quả sung tượng trưng cho sự sung mãn về sức khỏe, tiền bạc.
Mâm ngũ quả của miền Bắc không thể thiếu nải chuối xanh, tượng trưng cho mùa xuân, hành mộc và có ý nghĩa như bàn tay che chở. Quả phật thủ hay quả bưởi là hành thổ, cầu mong phúc lộc đầy nhà. Kèm theo các loại quả đỏ như cam, quýt, hồng thể hiện hành hỏa, quả trắng như roi, đào là hành kim và quả đen như mận, hồng xiêm, nho tượng trưng cho hành thủy.
6. Xuất hành đầu năm
Không phải gia đình nào cũng chú ý đến tập tục này nhưng đây cũng là một quan niệm khá phổ biến trong truyền thống nước ta. Ngày mồng một, người Việt Nam thường chọn giờ đẹp, hướng đẹp để xuất hành, hi vọng có năm mới may mắn mỗi khi bước chân ra khỏi nhà. Trong quan niệm của người xưa, lúc xuất hành phải đi vào giờ Hoàng đạo, nếu hợp với tuổi của người xuất hành thì càng tốt, không khắc.
7. Chúc tết, mừng tuổi
Tết đến con nít thì háo hức được nhận lì xì và ngược lại thì người trẻ sẽ chúc tết, mừng tuổi cho những người lớn hơn. Người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè trong những ngày Tết. Thường trong sáng mồng một Tết, con cháu sẽ tới chúc thọ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ mình. Việc chúc Tết với mong muốn mọi người thân của chúng ta sẽ có một năm mới thật bình an và mọi sự như ý.
Có thể bạn cũng thích