Home / Cộng Đồng / Nguyễn Phi Vân: “Nếu muốn hành trình ra thế giới của mình “wow” hơn thì cũng cần phải có “vũ khí” mang theo.”
Icon Icon Icon

High & Low

Nguyễn Phi Vân: “Nếu muốn hành trình ra thế giới của mình “wow” hơn thì cũng cần phải có “vũ khí” mang theo.”

Những câu chuyện, kinh nghiệm về hành trình bước ra thế giới gửi đến các bạn trẻ.

18/10/2021

Chị Nguyễn Phi Vân tốt nghiệp MBA tại Úc và đã từng giữ các vị trí cao cấp về quản trị thương hiệu, bán lẻ, nhượng quyền & phát triển kinh doanh cho các tập đoàn lớn tại các khu vực thị trường châu Á, Trung đông, châu Phi & Đông Âu. Chị còn là tác giả nhiều quyển sách tiếng Anh & tiếng Việt, gần đây nhất là Mở cửa tương lai. Có lẽ các bạn đã ít nhiều biết về chị Phi Vân qua những chương trình phỏng vấn doanh nghiệp và phát triển tài năng trẻ trên truyền hình hay qua mạng xã hội.

Chị Phi Vân là một trong những thần tượng của Châu, một người phụ nữ mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, không ngại học hỏi và thử thách. Châu rất may mắn khi có được buổi phỏng vấn cùng chị Phi Vân, nghe chị chia sẻ về con đường sự nghiệp và những bài học quý báu chị đúc kết từ kinh nghiệm bản thân.

Bước ra thế giới, chị nghĩ đâu là điểm mạnh và điểm yếu của giới trẻ Việt Nam?

Tôi nhận thấy các bạn trẻ Việt Nam tinh thần lạc quan, ham học hỏi, thích khám phá, và “không biết sợ” rủi ro hay thử thách. Thật ra để có được một hành trình đầy nắng gió, cực “chất” và hào hứng, rất “fun” thì rất cần bắt đầu từ tâm thế như vậy, bớt “overthink – suy nghĩ quá mức tới mức sợ xanh mặt không dám làm nữa, mà chọn “dấn thân” dù hành trình phía trước có phần bất định.

Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu. Nếu muốn hành trình ra thế giới của mình “wow” hơn thì cũng cần phải có “vũ khí” mang theo. Đây là những thứ mà tôi nghĩ bạn trẻ Việt Nam hay thiếu. Một là kiến thức xã hội (general knowledge). Ngoài chuyện học hành, công việc, chuyên môn thì thứ giúp bạn xây dựng được những quan hệ hay ho, những cuộc đối thoại sâu sắc, những tương tác ý nghĩa chính là việc có khả năng trao đổi, trình bày quan điểm, chính kiến của mình về nhiều vấn đề xã hội không chỉ của Việt nam mà còn của thế giới, cộng đồng ví dụ như các chủ đề về nghệ thuật, âm nhạc, văn học, lịch sử, văn minh nhân loại, vũ trụ, tôn giáo, triết học, văn hoá, chính trị,… Hệ thống giáo dục Việt Nam đưa kiến thức cho học sinh có phần rời rạc, chưa dạy học sinh cách tiếp cận giải quyết vấn đề hiệu quả. Bạn trẻ Việt Nam do vậy mà lâm vào tình trạng “không tham gia được” hay “không biết nói gì” trong những tương tác sâu với bạn bè thế giới. Đây cũng là yếu tố khiến bạn “thiếu tự tin” khi xây dựng quan hệ và tương tác.

Điều thứ hai tôi nhận thấy sẽ gây khó khăn cho các bạn, là social etiquettes – phép xã giao khi tương tác với bạn bè thế giới. Chúng ta cần hiểu rằng, cách chúng ta được nuôi dạy và hành xử tại Việt nam “rất khác” so với những quy ước xã hội của các quốc gia, nền văn hoá khác và vì vậy bản thân cần phải tìm hiểu, học hỏi, trang bị cho mình những kiến thức này trước khi bước ra. Ví dụ cụ thể và đời nhất có thể là xếp hàng, quy tắc hành xử tại bàn ăn, giúp đỡ và nhường chỗ cho người già, trẻ em, giữ im lặng tại nơi công cộng như trên tàu, nói cám ơn, xin lỗi,…. Dù là những yếu tố siêu nhỏ nhưng nó chứng tỏ sự văn minh của một con người và làm người khác tôn trọng mình hơn.

Điều thứ ba là khoảng cách về tư duy. Khi bước ra thế giới, người khác sẽ tôn trọng bạn hơn khi bạn thể hiện được “chất” tư duy cá nhân, nghĩa là bạn là người có tư duy phản biện, có chính kiến, có quan điểm rõ ràng, biết trình bày và bảo vệ quan điểm cá nhân của mình chứ không chỉ chung chung, mơ hồ, gió chiều nào ngả theo chiều đó.

Được biết chị có nhiều dự án, sân chơi giúp các bạn trẻ phát triển về kỹ năng, tư duy, lẫn chuẩn bị cho con đường nghề nghiệp, điều gì đã thôi thúc chị đầu tư vào lớp trẻ Việt Nam?

Tôi đã từng là một người trẻ bước ra khẳng định mình trên sân chơi thế giới một cách rất “thiếu hiểu biết”, hơn kiểu mò mẫm tới đâu hay tới đó, không ai hướng dẫn hay hỗ trợ. Vì vậy mà thật ra tôi đã mắc rất nhiều sai lầm, trải qua rất nhiều khó khăn, thậm chí có một thời gian còn bị rơi vào tình trạng hoang mang, khủng hoảng vì không hòa nhập được vào một thế giới lạ lẫm, khác biệt, phát triển xa hơn tầm hiểu biết của bản thân.

Dù vậy, tôi đã “trả giá” để có được vị thế của một công dân toàn cầu, một doanh nhân và nhà hoạt động xã hội toàn cầu được bạn bè thế giới ghi nhận như hôm nay. Tôi nghĩ, nếu bản thân mình ngày xưa mà được hướng dẫn tốt hơn thì chắc giờ mình còn lên tới đâu nữa chứ không phải chỉ dừng lại ở đây. Đó cũng là động lực thúc đẩy tôi tạo ra những kênh, sân chơi, khóa học miễn phí trên blog cho các bạn trẻ để chia sẻ những điều mà trường học không chia sẻ, để trao cho các bạn những “vũ khí” mà các bạn đang thiếu để bước ra và khẳng định được bản thân mình trên trường quốc tế. Chì như thế thì bạn mới có một hành trình sống đã đời, vui vẻ, hạnh phúc và cả thành công nữa. Tôi cũng chọn cách tiếp cận kiến thức và kỹ năng theo hướng “đời” hơn, thực tế và đơn giản hơn chứ không thích chút nào cách “dạy” của Việt Nam theo kiểu tiếp thu thụ động.

Trong 1 bài phỏng vấn chị đã chia sẻ chị chọn bỏ đi cái tôi của mình để thành công hơn. Vậy đâu là khoảnh khắc chị nhận ra chị cần bỏ đi cái tôi đó? Ở thời điểm hiện tại, câu trả lời này có thay đổi không?

Ai trong đời sinh ra cũng có cái tôi hẹp hòi, nhỏ nhen, ích kỷ, không có tự do, và có khi còn ác nữa. Thật ra chuyện đó không phải là lỗi lầm của ai cả. Mình vừa sinh ra là đã bị thế giới bên ngoài “enter” một series những quy định, yêu cầu, đòi hỏi đã có sẵn từ bao đời về cách mình “phải” sống, “phải” hành xử, “phải” cảm nhận, “phải” tất tần tật mà bản thân không hề được lựa chọn. Xã hội, gia đình, trường học,… đều có những quy định bắt mình phải ép vào khuôn khổ, biến mình thành từng viên gạch xếp hàng y chang như nhau ở trên tường. Rồi trong cái “kho dữ liệu” mà người ta “enter” vào đó có cả những trải nghiệm cá nhân từ lúc bạn sinh ra đến hôm nay. Trong đó có cả nỗi sợ hãi, sự uất ức vì “phải” đủ thứ, sự “chán nản” vì phải sống cuộc đời theo mong cầu người khác,…. Tất cả kho dữ liệu đó tạo thành “cái tôi” mà bạn ngỡ là mình, nhưng thật ra nó chỉ là mớ dữ liệu nhập vào một cách tự động, không hề tôn trọng quyền cá nhân của bạn. Và chúng ta bị mắc kẹt trong “cái tôi” giả tạo đó, phản ứng bằng cảm xúc và hành vi bị dẫn dắt bởi cái “tôi” do xã hội tạo ra đó, và tệ nhất là hành hạ mình bằng cách thể hiện hết sức giả trân “cái tôi” không thuộc về mình đó.

Khi rơi vào khủng hoảng cá nhân những năm 30 khi bắt đầu hành trình làm việc quốc tế, tôi nhận ra mình đã sống giả 30 năm, chưa một ngày hạnh phúc vì không được lựa chọn nghĩ những thứ mình nghĩ, làm những thứ mình muốn làm, hay thể hiện cảm xúc thật của bản thân một cách tự nhiên. Đó cũng là lúc tôi chọn bỏ đi “cái tôi” giả tạo và bắt đầu hành trình đầy ánh sáng của chính mình.

Đến giờ, nhiều người vẫn nghĩ tôi “không bình thường” vì lúc nào cũng cười, lúc nào cũng thấy vui vẻ và hạnh phúc, lúc nào cũng đầy năng lượng, lúc nào cũng làm mấy ngàn thứ cùng một lúc mà không hề mệt mỏi hay tụt mood. Để có được trạng thái này thì phải trải qua cả một cuộc chiến với bản thân, bỏ “cái tôi” nghiệt ngã xuống chứ đâu phải dễ, kể hoài cũng không hết chuyện bi hài trong quá trình này để có được hôm nay. Nên nhiều khi ai nghĩ mình “không bình thường” thì mình cười thôi chứ không giải thích.

Trong suốt hơn 20 năm lăn lộn thương trường với nhiều vị trí, dự án khác nhau, đâu là thời điểm chị cảm thấy niềm tin chị lung lay nhất về con đường chị đã chọn? Điều gì đã khiến chị vững tin và tiếp tục?

Nói thì nghe rất vô lý nhưng tôi sợ nhất là khi được giao cho quản lý 3 khu vực thị trường đang phát triển của thế giới bao gồm châu Á, Trung đông & châu Phi, và Đông Âu với gần 70 quốc gia khác nhau. Dù lúc đó đã bước chân sang đi học và bắt đầu hành trình sự nghiệp quốc tế ở Sydney, nhưng như chia sẻ với các bạn trong câu hỏi thứ nhất, tôi cực kỳ thiếu kiến thức xã hội về thế giới. Điều đó làm cho bản thân cảm thấy “tự ti” khi phải đối diện với những đối tác là doanh nhân đẳng cấp tại các thị trường quốc tế. Nói thiệt là lúc đó sợ muốn trầm cảm, không ngủ được, muốn trốn luôn nhưng nghĩ “trời ơi mấy ai được cái cơ hội xịn sò như vậy mà mình sao có thể bỏ đi”. Nghĩ vậy và đặt ra cho bản thân một cột mốc trong vòng 6 tháng phải học phụ đạo, phát triển bản thân cấp tốc để còn đối diện được với bạn bè quốc tế. Vậy là cắm đầu vào học, đọc, nghiên cứu tìm hiểu tất tần tật mọi thứ từ âm nhạc, nghệ thuật, văn hoá, văn học, lịch sử, chính trị, quy tắc giao tiếp xã hội,… về các quốc gia và các khu vực thế giới mà mình phải chịu trách nhiệm quản lý.

Các bạn biết không, cuối cùng những cuộc tương tác “ngoài công việc” mới là những thứ cứu tôi làm tốt vị trí công việc của mình. Những thứ chúng tôi trao đổi không có toán lý hoá sinh gì ở trong đó hết, toàn là kiểu hiểu biết về rượu vang, xì gà, phô mai, nhạc giao hưởng, opera, triết học, thơ ca, tôn giáo,…. những thứ mà khi lớn lên tôi chưa được tiếp cận.

Càng tìm hiểu, càng thấy ôi thế giới thật là thú vị, có quá nhiều thứ hay ho mà mình không biết, và điều làm cho tôi giữ vững được niềm tin là sự tử tế của bạn bè thế giới. Không biết thì mình nói không biết. Không hiểu thì mình bày tỏ sự quan tâm, thích thú. Thế là họ không ngần ngại dạy cho khi thấy mình chân thật, quan tâm, thật lòng muốn học hỏi và trải nghiệm.

Thành tựu hoặc khoảnh khắc chị tự hào nhất trong sự nghiệp?

Hồi xưa ra thế giới khi đi dự hội nghị hội thảo lớn mình chỉ là kẻ tham gia, ngồi nghe. Nhìn những diễn giả quốc tế đứng trên những sân khấu cả ngàn người chả bao giờ thấy người Việt Nam, toàn châu Mỹ, châu Âu, và châu Á nếu có thì Singapore, Ấn độ, thỉnh thoảng có thêm Malaysia…. Mình nghĩ, ủa sao người Việt mình ở trong nước ăn to nói lớn lắm mà ra thế giới không thấy bóng dáng vậy.

Từ đó, mình đặt ra cho bản thân mục tiêu phải trở thành diễn giả đứng được trên những sân khấu cả quốc tế có khán giả là ngàn doanh nhân, lãnh đạo, chính khách như vậy. Tự hào nhất là khi lần đầu tiên làm được chuyện đó, và bắt đầu buổi chia sẻ của mình bằng câu chào “Xin chào!”, và bắt tất cả khán giả học nói “xin chào” trước khi bắt đầu chương trình.

Hơn một năm vừa qua, nền kinh tế cũng như cuộc sống của mọi người đều ít nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID. Cuộc sống, công việc của chị có thay đổi gì trong thời gian này? Cơ hội và thử thách nào chờ đợi các bạn trẻ sau dịch?

Work-from-home thì tôi đã làm mười mấy năm nay rồi, hay nói đúng hơn tôi đã là digital nomad – kẻ lang thang số vừa travel từ nước này sang nước khác vừa vẫn làm việc bình thường bằng các công cụ số. Do đó, khi Covid xảy ra, công việc của tôi không bị ảnh hưởng mấy. Có chăng là việc phát triển kinh doanh cho các công ty mà tôi đầu tư vào có phần chậm lại so với kế hoạch, nhưng nhờ tư duy làm việc linh hoạt, sáng tạo nên ảnh hưởng cũng không quá nặng.

Ảnh hưởng lớn nhất đối với cá nhân tôi là sức khoẻ tinh thần. Bạn nghĩ đi, với một người mỗi tuần ở một thành phố hay quốc gia khác nhau, và đã lang thang 120/179 quốc gia và vùng lãnh thổ thì chuyện bị cột chân trong nhà là cơn ác mộng khủng khiếp nhất mọi thời đại. Tôi cũng thuộc tuýp người sáng tạo, học hỏi, và nuôi dưỡng cảm xúc khi di chuyển. Do đó, thời gian qua cũng hơi khó khăn để giữ cho bản thân luôn tích cực.

Tuy nhiên, tôi học cách chấp nhận sự thật và thực trạng. Nên thay vì để cho bản thân sa vào vũng lầy cảm xúc thì tự nghĩ nếu đây là cơ hội để làm được những thứ mình chưa từng làm tốt hay chưa có thời gian làm thì mình sẽ làm gì. Đó cũng là lý do tôi bắt đầu viết blog về đề tài phát triển bản thân, làm podcast, xây dựng 9 khoá học về kỹ năng mà nhà trường không dạy như Quản trị bản thân, EI – Trí tuệ cảm xúc, Developing relationships – Kỹ năng xây dựng quan hệ,… để giúp các bạn trẻ Việt Nam vừa học được kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21, vừa giữ cho mình tích cực khi bị nhốt trong nhà, vừa chuẩn bị cho bản thân lên level khi quay trở lại với việc học và làm sau lockdown.

Tôi nghĩ dịch Covid là một phép thử, là một cái filter – bộ lọc, là chiếc gương soi rọi chân thật và rõ ràng nhất về bản chất, hiện thực dù có phần nghiệt ngã đi chăng nữa cho mỗi con người về hành trình họ vừa đi qua. Nó là rủi ro lớn của nhân loại nhưng lại là cơ hội cho mỗi cá nhân để có thể reset – tái lập lại, bắt đầu lại, quay về để khởi hành lại, chọn lại hành trình mới “người” hơn – bớt robot, thật hơn – bớt giả trân, là chính mình hơn – bớt diễn vai người khác, làm việc mình yêu thích đam mê hơn – bớt đổ thừa cho cơm áo gạo tiền…. Nếu thế, thì hậu Covid đối với một số người sẽ là một hành trình mới đầy tích cực, đầy nắng gió, đầu hào hứng, là cơ hội mới để nhấn nút F5 tái tạo lại bản thân. Còn đối với những ai không học được cách chấp nhận và tìm thấy cơ trong nguy thì có lẽ sẽ bị sa vào vũng lầy cảm xúc và loay hoay trong đó một thời gian dài sau dịch.

Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ ở độ tuổi 20-30 muốn tiến xa trong sự nghiệp không?

Đơn giản mà khó làm nha:
Học quản trị bản thân cho tốt. Bản thân mình còn không quản trị được thì không làm gì thành công được trong đời này đâu.
Hiểu và vận dụng nguyên tắc này: “​​​​​​Cơ bản thì công ty, tổ chức chỉ là một network – hệ thống khổng lồ của những quan hệ. Nếu bạn không xây dựng được quan hệ thì khả năng thành công của bạn rất thấp.” Cho nên, hãy master – luyện tới level sư phụ về trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EI) và kỹ năng xây dựng quan hệ.


Hiểu về tương lai. Chúng ta đang trải qua một thời đoạn lịch sử trong sự phát triển của văn minh nhân loại với 3 chuyển động cực lớn là toàn cầu hoá, cách mạng 4.0 và rủi ro cấp hành tinh. Vì vậy, tương lai cực kỳ bất định và kỹ năng hội nhập tương lai sẽ là những thứ cực khác những gì mà trường học đang dạy. Bạn sẽ cần hiểu về tương lai bằng cách tự mình cập nhật kiến thức mới về khoa học công nghệ, tìm hiểu ngành nghề mới của tương lai (ví dụ khoa học dữ liệu, thiết kế trải nghiệm), và rèn luyện các kỹ năng dò đường như kỹ năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, tư duy linh hoạt,…. Đường vào tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào chính lựa chọn và nỗ lực của mỗi người, đừng đổ thừa cho ai không chỉ dạy mình sớm. Chỉ có bản thân mỗi người cứu được mình trong sự chuyển động đầy bất định ở phía trước mà thôi.

Cảm ơn chị Phi Vân đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn với những chia sẻ rất thực tế cho các bạn trẻ. Chúc chị có thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon
... ...

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!