Home / Phong Cách Sống / Người trẻ và thói quen sợ đặt câu hỏi
Chau Bui
Icon Icon Icon

Yêu Bản Thân

Người trẻ và thói quen sợ đặt câu hỏi

Tâm lý sợ đặt câu hỏi cho người khác sẽ là một trở ngại rất lớn cho bất kỳ ai nhưng bạn hoàn toàn có thể cải thiện điều này.

05/06/2021

Có một đợt Châu để ý rằng mình khá lúng túng khi có người hỏi “Em còn gì thắc mắc muốn hỏi không?”. Ngay lúc đấy, Châu hay có xu hướng mỉm cười lắc đầu cho qua. Tuy nhiên khi về đến nhà, Châu lại phát hiện mình thật sự có rất nhiều thắc mắc mà đáng ra lúc nãy nên hỏi. Từ đó, Châu cảm thấy mình cần phải cải thiện và vượt qua nỗi sợ này và không muốn nó trở thành một rào cản lớn cho sự phát triển của bản thân.

NỖI SỢ VÔ HÌNH

Ảnh hưởng văn hóa

Văn hóa Á Đông thường đề cao giá trị cộng đồng và đặt nặng thứ vị trên dưới, nên đôi khi rất khó để mở lời. Luôn để ý đến cảm xúc và phản ứng của người khác là điều mà Châu được dạy rất nhiều từ khi còn bé, nhưng lại ít ai chỉ Châu biết làm sao để hỏi về lợi ích của bản thân mình, hoặc thể hiện chính kiến cá nhân. Vì vậy, đôi lúc bạn sẽ rất đắn đo suy nghĩ xem liệu mình có đang làm phiền người khác khi đặt câu hỏi cho họ không? Liệu họ có bực mình vì mình hỏi nhiều không? Lỡ họ không thích câu hỏi và ý kiến cá nhân của mình?

Ngoài ra, người Việt Nam thường rất quan tâm đến sự tế nhị khi đưa ra câu hỏi, đặc biệt là với người lớn tuổi. Chính Châu cũng vì ngại mà không dám nêu lên thắc mắc của mình.

Trở ngại về mặt tâm lý

Chúng ta không đổ thừa nhưng cũng không phủ nhận rằng quá trình phát triển từ nhỏ cho đến lớn ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề này. Khi bé bố mẹ bảo làm gì thì làm đấy, chứ tự mình không dám hỏi lại vì sợ làm sai sẽ bị mắng. Đi học thì lúc không hiểu bài cũng không dám hỏi vì sợ cô giáo chẳng có thời gian giảng lại cho mình. Những đứa trẻ làm theo đúng lời người lớn bảo sẽ được xem là những đứa trẻ ngoan và biết vâng lời. Cứ như thế, chúng ta dường như không được luyện tập, hướng dẫn cách phản xạ để chất vấn các vấn đề xung quanh ngay từ nhỏ.

Bạn không biết hỏi gì

Đúng vậy, sẽ có những trường hợp bạn chẳng phải do ngại ngùng hay e sợ mà không đặt câu hỏi nhưng chỉ đơn giản là vì bạn chẳng có gì để hỏi cả. Tuy nhiên, cũng cần phải chia ra hai trường hợp đối với tình huống này. Một là bạn đã tin tưởng tuyệt đối vào đối phương và những thông tin họ chia sẻ mà không còn điều gì cần phải thắc mắc, hoài nghi nữa. Trường hợp thứ hai phải kể đến đó là khi bạn chưa dành sự quan tâm đủ mức cần thiết để lật lại vấn đề hoặc hỏi thêm cho rõ. Khi chính bạn còn mơ hồ, bạn dễ cho rằng mình đã hiều rõ và không cần hỏi thêm nữa.

PHƯƠNG PHÁP KHẮC PHỤC

Luyện tập sự tự tin

Đầu tiên, Châu sẽ tập với chính mình. Có thể tập trước gương khi ở nhà, có thể tập trong lúc nấu ăn hoặc chơi với San Bí Tuyết. Nỗi sợ “đặt câu hỏi” có một chút tương đồng với nỗi sợ nói trước đám đông. Châu nhận thấy khá có ích khi tự mình nhìn vào trong gương, thư giãn, định thần bản thân rồi dõng dạc phát biểu một cách rành mạch. Phong thái tự tin sẽ là mấu chốt giúp bạn bớt sợ và không bị ấp úng mỗi khi phải đặt câu hỏi nữa.

Đừng sợ sai

Chúng ta thường sợ người khác đánh giá về bản thân mình. Do đó, thời điểm mà Châu thực sự muốn khắc phục tình trạng này, Châu đã bắt bản thân mình khi gặp điều gì khúc mắc là phải hỏi ngay và không được suy nghĩ nữa. Ban đầu nếu ngại thì có thể đi hỏi riêng người mà Châu biết chắc chắn sẽ có câu trả lời cho mình. Dần dần, Châu thấy việc phải hỏi không còn là một nổi áp lực to lớn nữa. Đó chỉ đơn thuần là cách mình đi tìm câu trả lời cho những gì mình thắc mắc mà thôi!

Tìm hiểu vấn đề thật kĩ

Đương nhiên rằng để có thể hỏi được thì chúng ta phải hiểu rõ về chủ đề đang được đề cập. Sự tự tin là điều kiện cần nhưng đây mới là điều kiện đủ. Nếu chính bạn còn chưa nắm tường tận được các thông tin chi tiết của sự việc thì sẽ cực kì khó xác định bạn đang gặp khúc mắc ở đâu để hỏi cho tường tận và rõ ràng. Tệ nhất là khi muốn hỏi mà lại không có thông tin chắc chắn, khiến câu hỏi vòng vo và người được hỏi cũng không biết trả lời sao.

Vì vậy, Châu tập cho mình một thói quen là luôn dành thời gian để xem qua các nội dung, đồng thời lưu ý lại những chỗ cần hỏi trước lúc thảo luận công việc hay bàn bạc về một chủ đề nào đó. Ngược lại, nếu trong tình huống bất ngờ thì bạn hoàn toàn có thể trả lời là mình cần thêm thời gian để tìm hiểu và sẽ hỏi lại nếu có thắc mắc gì.

Tập đặt câu hỏi

Hỏi để người nghe hiểu được trọng tâm câu hỏi ở đâu và trả lời được đúng ý mình đang cần là những yếu tố rất quan trọng. Châu nhận thấy là nếu biết cách đặt ra câu hỏi hiệu quả và thông minh thì hiệu suất công việc cũng như trình độ của bạn cũng sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó, tập đặt câu hỏi sẽ rèn luyện cho bạn một quá trình từ cách nhìn nhận vấn đề ở các khía cạnh khác nhau, cho đến việc chọn, sắp xếp từ ngữ và cuối cùng là cách truyền tải tới người nghe.

Hy vọng rằng ai đang có nỗi sợ này sẽ vượt qua được nhanh chóng, Châu tin rằng khi đó mọi người sẽ là một phiên bản tốt hơn cho chính bản thân mình!

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!