High & Low
Nguyễn Thị Thanh Nhã: “Con người và sự may mắn là những yếu tố làm nên thành công khi chinh phục đỉnh Everest”
Câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhã được biết đến là Người Phụ Nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest. Hiện đang làm luật sư tại công ty Openasia, chị Thanh Nhã có niềm đam mê với những bộ môn mạo hiểm đặc biệt là leo núi từ nhiều năm nay. Ngày 16/5 vừa qua chị đã thành công chinh phục đỉnh núi Everest – nóc nhà thế giới với độ cao 8848m. Ngoài Everest trước đây chị Thanh Nhã đã từng chinh phục một số ngọn núi nằm trong 7 ngọn núi cao nhất mỗi châu lục.
Hành trình lên đỉn Everest của người phụ nữ can đảm, sống hết mình vì đam mê này có điều gì đặc biệt. Cùng chaubuinet tham gia vào chuyến leo núi có một không hai lên Everest với chị Thanh Nhã trong bài phỏng vấn này nhé!
Get to know chị Thanh Nhã:
Ngoài leo núi chị còn tham gia môn thể thao nào không?
Chị có sở thích đặc biệt với thể thao nên tham gia khá nhiều hoạt động. Chị thích chơi Golf, đi trekking, camping, lặn biển.
Một thói quen mà chị thực hiện mỗi ngày để nâng cao sức khỏe của mình?
Bắt đầu từ 8 giờ sáng chị sẽ tập trung vào công việc nên mỗi ngày chị sẽ dậy lúc 5 giờ để tập thể dục. Đây là một thói quen mà chị thực hiện mỗi ngày.
Với những bạn trẻ yêu thích leo núi chị có một quyển sách hoặc một bộ phim chị cảm thấy nhiều kiến thức hay các bạn nên đọc hoặc xem một lần?
Môn leo núi có một quyển sách được xem như kinh thánh, đó là “Into Thin Air” – Tan Biến. Sách kể về một thảm họa năm 1996 trên Everest, khắc họa được tinh thần và sự khó khăn của môn leo núi.
Chị cũng giới thiệu mọi người xem bộ phim tài liệu trên Netflix có tên “14 peaks – Nothing is impossible”. Nhân vật chính trong phim là một người bạn của chị, anh Nirmal Purja, người gốc Nepal, là lính trong Lực lượng Đặc nhiệm Anh quốc và đã chinh phục hết 14 đỉnh núi cao nhất thế giới trong 7 tháng. Bộ phim có thể giúp các bạn hiểu thêm về leo núi và những thử thách trong bộ môn này.
Câu hỏi về hành trình chinh phục đỉnh Everest:
Chị đã tập những bài tập gì và kéo dài trong bao lâu trước ngày lên đường chinh phục đỉnh Everest?
Chị bắt đầu tập luyện với huấn luyện viên của chị cách đây 5 năm, từ lúc chị có quyết định sẽ đi lên Everest. Chị đầu tư nghiêm túc vào hai điều là thể lực và kỹ năng. Về phần kỹ năng chuyên môn, chị tìm sang nước ngoài học với các thầy, về phần thể lực chị có một huấn luyện viên ở Việt Nam. Mỗi ngày chị sẽ tập với huấn luyện viên trong 1 tiếng, sau đó chị sẽ tiếp tục chạy bộ hoặc leo cầu thang trong 1 tiếng tiếp theo. Cuối cùng, sau buổi tập chị thường xông hơi để kéo dài hiệu quả tập luyện.
Trong vòng 6 tháng trước khi lên đường chinh phục Everest, chị bắt đầu tập luyện liên tục. Trong những ngày không luyện tập tại nhà, chị sẽ đi leo những ngọn núi gần Sài Gòn như núi Bà Đen, núi Chứa Chan để có thêm kinh nghiệm. Chị cứ leo như thế để quen với thực địa vì luyện tập ở nhà là chưa đủ.
Ngoài thể lực chị nghĩ còn yếu tố nào quan trọng để chúng ta bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Everest?
Chị nghĩ chuẩn bị về thể lực là điều tất yếu. Ngoài ra còn rất nhiều thứ khác cần chuẩn bị, vì leo núi là một môn khoa học tổng hợp chứ không chỉ ra thực địa leo là được, cần có chiến lược cụ thể và hiệu quả.
Trước hết, chị chuẩn bị nghiên cứu kiến thức về môn này: Trang thiết bị, quần áo, dụng cụ. Nó phải là những thứ phù hợp, mình sử dụng quen, thoải mái. Chị cũng phải đọc và nghiên cứu rất nhiều về trang thiết bị trên Internet để tìm ra những thứ phù hợp với mình.
Tiếp theo, chị sẽ đọc những thông tin về ngọn núi mình sẽ đến. Ví dụ, với Everest, chị sẽ phải nghiên cứu về khu base camp, các cung đường lên đỉnh, ghi nhớ và kết hợp với chương trình tập luyện của mình thì đến đó mình sẽ biết mình cần đi quãng đường nào và tốn bao nhiêu thời gian so với những người đi trước. Đối chiếu với sức khỏe, kỹ năng của mình để dự đoán phần trăm đạt được thành công là bao nhiêu, từ đó đưa ra một chu trình chi tiết. Các huấn luyện viên và thành viên trong đoàn sẽ cùng chị tính toán những điều này.
Đây là những thứ mình có thể chuẩn bị được về mặt con người, còn khi ra thực địa sẽ có nhiều sự thay đổi, cụ thể như thời tiết. Mình có thể xem dự báo nhưng không thể chính xác chắc chắn 100%. Ở trên đó, cứ mỗi 5 phút thời tiết sẽ có thể thay đổi. Vì trên núi có một hệ thống thời tiết riêng không giống dưới mặt đất. Đặc biệt là Everest với hệ thời tiết riêng trên đỉnh, có thể thay đổi bất ngờ nên chúng ta không thể dự đoán được điều gì. Vậy nên yếu tố về mặt con người và cả sự may mắn là những yếu tố làm nên thành công.
Trong hành trình của mình, thử thách nào gây bất ngờ cho chị nhất?
Trên Everest có một nơi gọi là thác băng Khumbu, nó là một dòng sông băng mỗi ngày sẽ di chuyển từ 1m – 1,5m. Chị phải vượt qua dòng sông băng này mới đến được Camp 1. Nó có hàng trăm khe nứt trên băng, phải bắt thang nhôm để đi qua. Mỗi ngày, băng đều di chuyển nên chiếc thang có thể bị co lại hoặc giãn ra gây nguy hiểm. Chị đã nghiên cứu nên chị có sự chuẩn bị về việc băng qua những thang nhôm.
Tuy nhiên có một thứ chị không chuẩn bị, đó là với những cái khe nhỏ mình không cần đi qua bằng thang nhôm mà có thể nhảy qua. Tất nhiên là chị đã có dây an toàn đeo vào người để đảm bảo. Các nhà leo núi phương Tây thường rất cao nên việc nhảy qua một cái hố rộng trên dưới 1m không là vấn đề với họ. Nhưng nó có thể là vấn đề với chị, đặc biệt mình là con gái nữa.
Một lần, sau khi leo qua thang rất mệt, chị nhảy qua khe nứt nhưng chân chị lại với không tới. Chị chỉ còn nửa bàn chân ở mép ngoài của bờ vực và chị bị ngã ra sau. Khi té xuống, chị còn treo trên sợi dây an toàn nhưng chị vẫn cảm thấy sợ. Chị phải treo lơ lửng ở dưới hố băng khoảng 20 phút mới được kéo lên. Nhờ có tinh thần lạc quan nên sau sự cố đó chị vẫn tiếp tục vượt qua khoảng 20 khe nứt như thế để đến nơi. Chị vẫn phải tiếp tục hành trình của mình chứ không thể dừng lại.
Còn một câu chuyện nữa chị muốn chia sẻ với mọi người. Trên Everest, độ cao từ 8.000m trở đi gọi là Death Zone. Đây là vùng không khí loãng và khi con người bước vào thì gần như không sống được quá 24 giờ. Khi đi từ dưới lên trên đến 6.000m cơ thể mình sẽ thích ứng dần với độ cao, còn từ 8.000m trở lên cơ thể không thích ứng được, các tế bào sẽ chết dần. Nội tạng sẽ dần dần không hoạt động. Nếu quá thời gian cho phép, cơ thể sẽ chết. Thời gian qua Death Zone là quãng đường từ Camp 4 lên đến đỉnh (khoảng 800m cuối cùng). Bình thường nếu mình đang ở mặt đất và lên đó bằng trực thăng, thả mình trên đỉnh Everest, mình sẽ chết trong vòng 1 phút. Vì phải tập cho cơ thể làm quen từ từ với độ cao, nên thời gian leo Everest rất lâu lên đến 2 tháng.
Khắc nghiệt như vậy nên trong khu Death Zone có rất nhiều người chết. Trước khi đi, chị đã đọc, biết trước ở khu vực gần đến đỉnh sẽ xuất hiện những cái xác ở giữa đường và đã chuẩn bị tinh thần. Nhưng lúc gặp thật ở ngoài chị vẫn sợ và có những đoạn gần như phải bước qua họ vì không có đường để đi. Trải nghiệm này đối với chị khá kinh khủng, mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng chị vẫn khá hoảng khi gặp thực tế.
Khoảnh khắc tuyệt đẹp trên đỉnh Everest mà chị nhớ mãi?
Như chị vừa kể, thác băng Khumbu là chỗ đáng sợ, băng di chuyển gây nguy hiểm trong quá trình vượt qua. Tuy nhiên nó lại mang một vẻ đẹp kỳ ảo, một vẻ đẹp gần như không có ở hành tinh này. Chị đã đến nhiều nơi đặc biệt trên thế giới nhưng chưa nơi nào có cảnh sắc như vậy. Chị từng tới Nam Cực và leo ngọn núi Vinson Massif – ngọn núi cao nhất Nam Cực. Vẻ đẹp ở đó cũng siêu thực lắm nhưng vẻ đẹp ở Everest nó rất khác, nó hùng vĩ, huyền bí và trông nó tàn ác nhưng quyến rũ vô cùng.
Một khoảnh khắc mà chị nhớ mãi là ngày chị lên đến đỉnh Everest, nhìn khung cảnh xung quanh chị rất xúc động. Đó là điểm cao nhất của hành tinh, nhìn ra xa sẽ thấy phía dưới là Tây Tạng, Nepal và nhiều nơi khác nhưng không bị che khuất tầm nhìn bởi chị đang đứng ở điểm cao nhất. Cảm giác đó thú vị và hay lắm. Đặc biệt, khi bình minh lên chị nhìn thấy bóng của Everest in hình kim tự tháp lên bầu trời. Có lẽ trên hành tinh này cũng không nhiều người có điều kiện để nhìn thấy cảnh này nên chị vui và xúc động lắm.
Trong khoảnh khắc chinh phục thành công đỉnh Everest chị đã nghĩ đến điều gì?
Thật sự khi chị leo lên đến nơi, người chị gần như đơ luôn và trên đó khá nguy hiểm nên mọi người thường chỉ chụp hình xong là xuống ngay, ai ở lại lâu lắm 10 – 15 phút thôi. Leo núi có một điều rất quan trọng thời tiết có lạnh đến âm độ mình vẫn có thể dùng trang thiết bị bảo hộ để kiểm soát được. Nhưng gió chỉ cần thổi lên một tí là khác hẳn, mình có thể bị bỏng lạnh tay chân, hoặc gặp bão tuyết rất nhanh.
Tuy nhiên ngày chị lên núi thời tiết quá tốt, có thể nói đây là một trong những ngày thời tiết tốt nhất trong lịch sử trên Everest, gió chỉ thổi 5km/ giờ. Chị là người lên đỉnh đầu tiên trong ngày, chị vượt hết các nhà leo núi châu Âu và đến đó lúc 3 giờ 30 phút sáng. Khi đó trời còn rất tối, mà chị thì cần chụp hình rất kỹ các cột mốc về làm bằng chứng để hội du lịch của Nepal cấp giấy chứng nhận. Do vậy, chị đã ở lại đến 1 tiếng trên đỉnh, chị gần như là người ở lại trên đỉnh Everest lâu nhất lịch sử. Mọi thứ hoà hợp trong đúng khoảnh khắc đó nên chị mới có thể ngồi trên đó lâu như vậy.
Bình thường lên đến đỉnh núi sẽ không có cảm giác vui sướng vỡ òa ngay đâu, lên đến đó mệt lắm. Chị lên đó chị cũng mệt nhưng sau khi bình tâm được khoảng 5 – 10 phút thì cảm giác sung sướng nó đến, thật sự vui vô cùng. Chị ngồi trên đó nhắn tin cho về cho mẹ và bạn bè bằng điện thoại vệ tinh.
Sắp tới chị có mục tiêu gì muốn chinh phục, chị có dự định chinh phục ngọn núi nào khác trên thế giới không?
Chị có nhiều mục tiêu lắm, mục tiêu trong sự nghiệp, trong cuộc sống cá nhân và cả leo núi nữa. Về leo núi trong năm nay chị sẽ không leo tiếp vì chuyến đi Everest trong 2 tháng đã tốn khá nhiều thời gian nên chị phải quay lại tập trung cho công việc. Nhưng năm sau chị sẽ leo ngọn núi Denali nằm ở Alaska và nó là ngọn núi đại diện cho Bắc Mĩ. Denali là một trong 7 điểm cao nhất của thế giới, chị chỉ cần hoàn thành ngọn núi thứ 7 này chị sẽ trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên 7 ngọn núi cao nhất của mỗi châu lục. Đó là mục tiêu tiếp theo của chị.
Chuyến đi sắp tới này sẽ rất cực, chị phải tự vác balo, mang những vật dụng cho chuyến đi dùng trong 21 ngày nặng khoảng 70 – 80kg. Đối với con gái phải mang hành lý nặng như thế suốt 21 ngày là một điều khó khăn. Nên sau khi về Việt Nam nghỉ ngơi 1 tháng chị sẽ bắt đầu tập luyện lại để chuẩn bị cho hành trình leo núi năm sau.
Môn leo núi có nhiều khó khăn vậy điều gì đã cho chị động lực để chị có thể theo đuổi môn này đến bây giờ?
Chị nghĩ, trong một số môn thể thao khác, adrenaline tiết ra trong một khoảng thời gian rất ngắn. Còn leo núi nó gần như diễn ra trong cả quá trình leo từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc, kéo dài rất lâu. Là người yêu phiêu lưu, mạo hiểm và thử thách, chị thích môn này ở điểm đó. Nó còn tạo cho mình sự kiên trì, nhẫn nại, không bỏ cuộc. Khi bị đưa ra khỏi môi trường quen thuộc hàng ngày, khỏi vùng an toàn của bản thân đến một môi trường mà mình phải đương đầu với mọi thử thách thiên nhiên mang tới, chị thích điều này vô cùng. Nó giúp mình trở thành một người cân bằng và giỏi giang để khi mình gặp bất kỳ khó khăn nào, mình cũng có thể đương đầu và vượt qua được.
Chị có thể chia sẻ một lời khuyên đến các bạn trẻ để các bạn vững bước thực hiện đam mê của mình không?
Chị nghĩ nếu mình muốn sống một cuộc sống vui vẻ với đam mê thì mình phải biết đam mê của mình là gì. Nhiều bạn và cả chị ở giai đoạn mới lớn cũng chưa biết ước mơ của mình ở đâu, mình phải làm gì. Những lúc như thế, chị nghĩ mình phải thử, phải cố gắng, dấn thân vào, khám phá và tìm hiểu thì mới biết mình hợp với công việc gì, mình đam mê cái gì khi đó mới có thể cống hiến hết sức cho nó.
Cảm ơn chị Nhã vì đã dành thời gian tham gia phỏng vấn cùng chaubuinet. Chúc chị sẽ thực hiện được những mục tiêu của mình trong tương lai.
Có thể bạn cũng thích