Điểm Tin Thời Trang
“Vén màn” câu chuyện đằng sau ngôi vị giám đốc sáng tạo của các thương hiệu thời trang cao cấp
Liệu giám đốc sáng tạo có phải người quyết định tất cả?
Sau hai năm đại dịch, làng thời trang thế giới có sự biến động nhất định. Một trong những biểu hiện rõ rệt là sự xáo trộn của những chiếc ghế giám đốc sáng tạo – người được xem là nhân vật nòng cốt của một thương hiệu trong ngành thời trang cạnh tranh liên tục. Giám đốc sáng tạo là ai, làm gì, thay đổi thế nào trong những năm qua sẽ được trình bày trong bài viết này.
Vị trí Giám đốc sáng tạo
Giám đốc sáng tạo là người chịu trách nhiệm xây dựng hình ảnh, văn hóa thương hiệu thông qua các ý tưởng, suy nghĩ hay thiết kế. Ở các nhãn hàng thời trang, giám đốc sáng tạo là vị trí nhà thiết kế cao nhất đảm nhiệm các bản thiết kế trang phục, định hình “cái tôi” của và thiết lập tầm nhìn của mỗi thương hiệu giữa ngành thời trang chuyển biến.
Thành quả công việc của giám đốc sáng tạo là khơi dậy niềm khát khao của giới mộ điệu – “nhiên liệu” cho ngành thời trang vận hành. Các bộ sưu tập trên sàn diễn được ví như cái khuôn “chính hãng” cho những xu hướng hiện hành. Với tài năng và tư duy thẩm mỹ, họ luôn là người được nhắc đến nhiều nhất khi nói về một thương hiệu, tạo nên cuộc cạnh tranh bất tận giữa các ông lớn thời trang.
Các thương hiệu muốn gì ở giám đốc sáng tạo?
Với tốc độ phát triển của ngành thời trang và tính cạnh tranh gia tăng, các thương hiệu thời trang cao cấp yêu cầu nhiều hơn một nhà thiết kế bộ sưu tập đơn thuần. Các giám đốc sáng tạo ở những thương hiệu danh giá hiện nay đảm nhiệm cả chiến dịch quảng cáo, truyền thông cũng như chiến lược kinh doanh trên toàn cầu. Thậm chí, các nhãn hàng còn tìm đến những tài năng trái ngành nhằm mang đến tầm nhìn khác biệt, khai phá tiềm năng mới từ những di sản lâu đời.
“Ngày nay, giám đốc sáng tạo không chỉ là người giỏi tạo ra các bộ sưu tập và sản phẩm,” Valentina Maggi, trưởng bộ phận tuyển dụng thiết kế tại Floriane de Saint-Pierre et Associés, cho biết. “Một giám đốc sáng tạo cần có khả năng áp dụng tầm nhìn của mình vào các công cụ của thương hiệu để giao tiếp với thế giới.”
Công cuộc tìm kiếm ứng viên sáng giá
Một số thương hiệu ưu tiên việc tìm ứng viên cho chiếc ghế giám đốc sáng tạo từ nội bộ. Họ quan niệm việc nắm bắt và thấu hiểu tư tưởng, văn hóa của thương hiệu là điều tất yếu của một giám đốc sáng tạo trong công cuộc tạo dựng hình ảnh toàn diện. Ví như Wes Gordon của Carolina Herrera, chính thức trở thành giám đốc sáng tạo năm 2018 từ vị trí cố vấn – người bên cạnh và đưa lời khuyên cho Herrera khi ra mắt thương hiệu riêng. Hay bước thăng tiến của Alessandro Michele từ nhóm phụ kiện tại Gucci – một quyết định mà nhóm Floriane de Saint-Pierre đã tham khảo ý kiến của Giám đốc điều hành Marco Bizzarri, đưa thương hiệu đến con đường đạt doanh thu hàng năm 10 tỷ euro vào năm 2020.
Tuy nhiên, để thúc đẩy tài năng nội bộ lên vị trí lãnh đạo, thương hiệu cần có hệ thống quản lí phù hợp để thu hút các ứng cử viên phù hợp. Từ những cuộc bàn luận ý tưởng và trình bày quan điểm, chủ thương hiệu cần có tầm nhìn xa để khám phá những nhân tài tiềm năng trong tương lai với cảm quan và kỹ năng thích hợp.
Khi chưa có khuôn khổ phù hợp cho việc thăng cấp nội bộ thì tuyển dụng là phương án tốt nhất. Việc tuyển chọn “người lạ” vào giữ vị trí lãnh đạo cần sàng lọc nhiều điều kiện để đảm bảo được con đường phát triển tiếp theo của thương hiệu. Các ứng viên sẽ được yêu cầu phác thảo tầm nhìn của mình dành cho thương hiệu, từ việc các giao diện cửa hàng sẽ trông như thế nào, cho đến sản phẩm may sẵn bán chạy nhất của bộ sưu tập kế tiếp có thể là gì,… Bài kiểm tra này giúp cho thương hiệu và ứng viên nắm bắt được họ có phù hợp với vị trí giám đốc sáng tạo không.
Khi Louis Vuitton bổ nhiệm NTK Virgil Abloh của Off-White làm giám đốc nghệ thuật thời trang nam vào năm 2018, tin tức ngay lập tức tập trung vào nền tảng thiết kế kiến trúc của anh ấy cũng như nhiệm kỳ của anh ấy tại Off-White. LVMH nhận ra năng lực tiếp thị và xây dựng thương hiệu của Abloh khi họ thuê anh ấy – một động thái đã được chứng minh là thành công cho đến nay: Giám đốc điều hành Louis Vuitton Michael Burke nói với WWD rằng bộ sưu tập Abloh’s Vuitton đã bán được hơn 30% trong 48 giờ đầu tiên so với bộ sưu tập hợp tác của thương hiệu với Supreme năm trước đó.
Những “cuộc chia tay” chấn động làng thời trang thế giới
Những năm gần đây, sự xáo trộn vị trí giám đốc sáng tạo trong ngành thời trang cũng khiến các thương hiệu “chóng mặt”. Với nhiều nguyên nhân có thể kể đến như bất đồng với cách quản lí, mong muốn phát triển thương hiệu cá nhân, không thể tìm tiếng nói chung trong tư tưởng thời trang,… nhiều giám đốc sáng tạo quyết định ra đi sau thời gian dài gắn bó.
Mới đây nhất là cuộc chia tay giữa Alessandro Michele và Gucci tạo nên làn gió chấn động làng mốt. Hơn 20 năm gắn bó và 7 năm đảm nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo, Michele quyết định rời khỏi ngôi nhà. Trước đó, các giám đốc sáng tạo tiền nhiệm Frida Giannini và CEO Patrizio di Marco cũng rời đi khi mức độ tăng trưởng của thương hiệu chững lại. Các chuyên gia phân tích Gucci cần mở ra một chương mới, và cách nhanh nhất là thay đổi giám đốc sáng tạo.
BST Burberry Xuân – Hè 2023 là lời tạm biệt của giám đốc sáng tạo Ricardo Tisci sau 5 năm gắn bó. Trong quãng thời gian đồng hành, Tisci đã mở ra một thế hệ khách hàng mới cho nhà mốt qua việc tái định vị và nâng tầm sản phẩm. Daniel Lee là người kế nhiệm vị trí trong nhà mốt thời gian tiếp theo.
Sau khi Daniel Lee rời Bottega Veneta để đến với ngôi nhà mới, Matthieu Blazy thay anh trở thành người kế nhiệm. Thăng chức từ vị trí nhà thiết kế thuộc ekip của Bottega Veneta, Matthieu Blazy được hy vọng sẽ tạo nên kỳ tích cho thương hiệu với kinh nghiệm ở hàng loạt cái tên đã hợp tác trước đây như Raf Simons, Maison Martin Margiela, Céline, …
Khi vai trò giám đốc sáng tạo đòi hỏi một bộ kỹ năng ngày càng vững chắc, ưu tiên hàng đầu trong việc tuyển dụng là tìm kiếm những tài năng có thể gây ấn tượng lâu dài với một thương hiệu. Các chuyên gia kỳ vọng quá trình xáo trộn nhanh chóng các giám đốc sáng tạo trong những năm gần đây sẽ chậm lại.
Có thể bạn cũng thích