People in Fashion
NAG Anh Huy Phạm: “Nghề chọn người, nhiếp ảnh đã chọn Huy”
Cái duyên từ một lần “chụp thử”.
Cái tên Anh Huy Phạm là một cái tên vô cùng quen thuộc với giới mộ điệu tại Việt Nam trên cương vị là một nhiếp ảnh gia thời trang. Bất kì fashionista Việt Nam nào đến Paris dường như cũng sẽ nhấc máy và liên hệ với anh – người vốn nổi tiếng với những tấm hình thời trang đường phố đặc biệt là tại Tuần lễ thời trang Paris.
Vừa trở về từ LHP Cannes, Huy Phạm đã có cuộc trò chuyện thân mật cùng Chaubuinet. Bài phỏng vấn là cuộc gọi đường dài được nối máy từ Việt Nam đến Paris, Pháp. Nhiếp ảnh gia Huy Phạm vừa đưa chúng tôi dạo quanh Paris vào một buổi chiều cuối tuần vừa chia sẻ lại hành trình 10 năm thực hành nhiếp ảnh bên trời Âu của mình.
Mời các bạn cùng Chaubuinet lắng nghe và tìm hiểu về hành trình nhiếp ảnh đặc biệt này nhé!
Anh Huy Phạm được công chúng Việt Nam biết tới rất nhiều qua những tấm hình chụp tại Fashion Week. Anh có thể chia sẻ với Chaubuinet về sự kiện đã đưa anh đến với con đường này không?
Đầu năm 2014, anh có một người bạn làm việc cho một tạp chí ở Việt Nam sang Paris dự Fashion Week. Bạn không biết tiếng Pháp và cũng không quen thuộc đường xá nên có nhớ anh dẫn đường. Vậy nên lúc đó anh mới biết là có Fashion Week, chứ trước đó anh có biết gì đâu (cười). Khi ở trong không gian đó rồi, anh thấy mọi thứ cũng hay ho thú vị vậy nên mua máy chụp thử, và dính từ đó cho đến giờ.
“Chụp thử” thôi sao? Hay anh đang khiêm tốn rồi.
Thật đó. Anh nghĩ một phần lý do mọi người biết anh nhiều là vì anh là người đầu tiên đi chụp Fashion Week tại Việt Nam. Năm 2014 ở Việt Nam chưa có những khái niệm fashionista hay fashion photographer nhiều và trào lưu chụp thời trang đường phố cũng chưa nổ rộ. Phải đến năm 2015, phong trào chụp đường phố mới bắt đầu có tại Việt Nam.
Làm thế nào để được chụp ở các sự kiện như Tuần lễ thời trang?
Thực tế thì không có yêu cầu gì đâu. Nếu chụp ở bên ngoài thì là tự do hết.
Với những tấm hình đó, hẳn là anh không chỉ đăng tải trên trang cá nhân?
Thường thì hay gửi cho Elle Thailand/Vogue Thailand vì anh làm việc với họ cũng nhiều năm rồi. Nhiều khi đi chụp anh sẽ gửi các bạn đầu tiên. Cũng có rất nhiều hình anh không gửi cho ai, cũng không đăng tải lên đâu mà chỉ giữ cho mình. Có thể một ngày nào đấy, ví dụ như khi anh không còn làm công việc này nữa biết đâu anh sẽ tổng hợp lại rồi in thành sách ảnh. Như thế anh thấy sẽ có giá trị hơn.
Thực ra chụp các sự kiện như Tuần lễ thời trang chỉ là một cái gì đấy rất là bé trong công việc của anh thôi đúng không? Ngoài những lúc đó ra, công việc chính của anh sẽ như thế nào?
Một năm ở Paris có 4 mùa Fashion week: Xuân, Hạ, Thu, Đông từ Fashion Week dành riêng cho nam, rồi đến những show dành riêng cho các thương hiệu thời trang cao cấp…Bên cạnh đó thì anh cũng chụp các sự kiện khác như LHP Cannes hay các sự kiện thời trang khác.
Trước khi chụp ảnh thì anh cũng thử làm nhiều thứ lắm. Anh cũng đã có một thời gian làm thiết kế, nhưng sau khi thử thì vẫn thấy công việc nhiếp ảnh phù hợp với mình hơn. Ngoài những sự kiện Fashion Week là cái khán giả Việt biết đến anh nhiều nhất thì anh cũng chụp thương mại nhiều, theo các đơn đặt hàng như lookbook, hình cưới hay du lịch…Ai hỏi nghề nghiệp của anh anh vẫn hay đùa là chụp ảnh dạo (cười)
Em cũng biết là trươc khi thực hành nhiếp ảnh, anh đã học thiết kế. Vậy mà công việc mình chọn cuối cùng lại là nhiếp ảnh?
Đúng là như thế. Hồi đó anh chỉ coi nhiếp ảnh như một sở thích rồi. Mình cứ mang máy ảnh ra đường chụp xung quanh, chụp đường phố, chụp quần áo thời trang…Vì anh rất thích chụp người mẫu, đến khi đi chụp thử ở Fashion Week thì cái công việc nhiếp ảnh của mình nó mới ngày càng rõ ràng. Lúc đầu chỉ vì thấy “hay hay” thôi, ai ngờ mình theo lâu vậy. Là nghề chọn anh chứ anh không chọn nghề (cười)
Có vẻ như anh là một nhiếp ảnh gia “tự học”?
Anh tự mày mò khá nhiều. Anh cũng chỉ tìm đến những công cụ hỗ trợ như google, học hỏi từ người này người kia. Anh hiểu là các thương hiệu bên này muốn tìm nhiếp ảnh gia thì sẽ phải đi qua một agency. Vì vậy anh cũng chịu khó gửi mail đến các bên, cũng nhận rất nhiều lời từ chối. Nhưng thời gian đầu mình không thể đòi hỏi hay kỳ vọng quá cao. Mình sẽ phải kiên trì và tự thân vận động rất nhiều khi mình muốn chụp ảnh để kiếm sống.
Chụp thương mại khác với chụp nghệ thuật cá nhân. Mình phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhiều khi phải đặt sở thích của mình sang một bên. Còn khi em chụp đơn giản vì sở thích, nếu mình chịu khó kiên trì tập luyện, nâng tầm sở thích của mình lên thì đến một ngày mình có thể gọi đó là nghệ thuật cá nhân.
Tại Việt Nam không có quá nhiều trường lớp đào tạo chính quy nghề nhiếp ảnh. Các nhiếp ảnh gia đi lên từ tự học khá là nhiều. Là một nhiếp ảnh gia tự học trong nhiều năm qua, anh thấy đâu là yếu tố quan trọng nhất mà người học cần có?
Tư duy thẩm mỹ. Anh nghĩ vậy. Bản thân nhiếp ảnh cũng có rất nhiều trường phái. Chụp thời trang, chụp đường phố, chụp đồ ăn, chụp sản phẩm… Dù phát triển theo hướng nào anh cũng nghĩ mình nên có tìm hiểu về mỹ thuật chứ không đơn giản là tìm tòi, hay bắt chước y hệt. Anh thấy điều này rất không nên, nó hạn chế sự sáng tạo của mình.
Có một cái anh nghĩ việc tự học ở nước ngoài sẽ thuận lợi hơn một chút ở Việt Nam. Là bởi vì bên này họ rất chú trọng nghệ thuật, có rất nhiều bảo tảng, nhiều triển lãm mở của cho mọi người đến tham quan. Việc tiếp xúc nhiều với tác phẩm hội họa, sản phẩm nghệ thuật đa dạng sẽ phần nào giúp mọi người mở mang được tư duy thẩm mỹ cũng như có những quy chuẩn hơn. Ở Việt Nam mình đang hơi thiếu những điều đó. Vì vậy các bạn buộc phải tự mình tìm tòi khám phá, nhìn thật nhiều, quan sát nhiều. Để phát triển công việc nhiếp ảnh, không nên chỉ tập trung vào kỹ thuật. Tư duy mỹ thuật là cái các bạn cần phát triển cho bản thân mình.
Rồi từ đó mình sẽ xây dựng được phong cách cá nhân?
Mỗi một nhiếp ảnh gia sẽ có những tư duy chụp ảnh riêng, không ai giống ai. Nhưng ai thì cũng nên biết về mỹ thuật, hội họa, về những nhiếp ảnh gia ngày xưa, những người được coi là tượng đài trong giới nhiếp ảnh. Như các bạn ở bên Pháp dù là học nhạc hay học mĩ thuật hiện đại cũng đều phải học về lịch sử nghệ thuật.
Học để biết thông tin là một phần. Nhưng cái quan trọng là mình học phong cách của những người đi trước. Mình đọc, thấm nhuần và phân tích xem ngày xưa họ đã làm như thế nào, nếu áp dụng cách họ học cách họ làm với mình thì có phù hợp không. Hay từ những cái cũ mình sẽ phát triển những cái mới ra sao? Nghệ thuật có một bề dày phát triển mà anh nghĩ là còn rất nhiều cái mình chưa khai thác được hết.
Dẫu thực hành nhiếp ảnh trong nhiều mảng khác nhau, nhưng dường như trọng tâm cũng như sở thích của anh nằm ở nhiếp ảnh đường phố đặc biệt là thời trang đường phố. Chắc hẳn anh đã có nhiều lần bị từ chối, hoặc nhận những ánh nhìn khó chịu từ nhân vật mình chụp?
Cái đó chắc chắn là có, anh nghĩ nhiếp ảnh gia đường phố nào cũng sẽ gặp phải thôi, vì mình bắt những khoảnh khắc tự nhiên của cuộc sống mà. Nhưng vì mình chụp quen rồi nên anh đối mặt với những điều đó một cách rất bình thường. Họ khó chịu thì mình không chụp nữa. Nhiều khi mình giơ máy ảnh lên rồi, nhưng họ không thoải mái và sẽ ra hiệu bằng tay, anh thấy thì anh sẽ hạ máy xuống. Cái này sẽ rất khác với việc chụp paparazzi. Chụp đường phố em sẽ phải quan sát cả không gian lẫn trang phục của nhân vật, cái này mọi người có thể thấy rất rõ ở các Tuần lễ thời trang. Còn chụp paparazzi nhiều khi mình không quan tâm đẹp xấu mà là tốc độ, phải nhanh, cái gì có chút yếu tố drama trong đó thì càng tốt.
Nhiều khi chụp những sự kiện quan trọng cũng sẽ hơi hướng paparazzi một chút anh nhỉ. Ví dụ như những tấm hình anh chụp Black Pink, em nghĩ chắc mình cũng chỉ có khoảng 30s từ lúc họ xuất hiện đến khi họ vào xe thôi?
Những tấm hình đó là phải chen vào chụp bằng được chứ không có thời gian nghĩ ngợi nhiều đâu (cười)
Cơ bản anh đã quen với địa hình ở bên này rồi, anh biết được là các ngôi sao sẽ xuất hiện ở đâu, đi ra từ chỗ nào để mình tính đường đi của mình, đón đầu họ luôn thì mới có thể săn được ảnh. Nếu không phải là một người đi quen tuần lễ thời trang bên này hay trải nghiệm đi chụp rất nhiều show rồi thì sẽ rất khó. Em biết đấy, các show diễn nhiều khi còn thay đổi địa điểm liên tục mà.
Anh thấy vai trò của nhiếp ảnh gia trong thời trang như thế nào?
Khá là quan trọng đấy. Sự kiện không có hình ảnh thì đưa tin như nào. Các ngôi sao không có hình thì lấy đâu ra nội dung cho mọi người làm nay làm kia. Trong giới thời trang nghệ thuật nói chung thì vị trí nào cũng sẽ quan trọng như vậy. Không chỉ có các nhiếp ảnh gia mà còn có cả các bạn stylist, nghệ sĩ trang điểm, những người chuyên làm casting người mẫu…Ví dụ như riêng trong một show diễn thời trang đã có rất nhiều công đoạn rồi, ai sẽ đảm nhiệm khâu tổ chức, ai quản lý người mẫu, ai phụ trách sân khấu, ai sắp xếp thứ tự xuất hiện của các người mẫu, ai chụp hình quay phim…Để một show diễn thời trang trọn vẹn thì cần có đủ các yếu đố, không nên thiếu bất cứ một vị trí nào cả. Trong thời trang chung cũng vậy. Vị trí nào cũng rất quan trọng.
Một chia sẻ anh muốn gửi đến các bạn trẻ, những người có mong muốn thực hành nhiếp ảnh nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào?
Đầu tiên là phải xác định chụp ảnh để làm gì. Nếu là chụp thương mại thì sẽ phải đầu tư thiết bị trong khả năng có thể. Vì mình đang kiếm tiền, đang bán sản phẩm đến cho khách hàng vậy nên phải đảm bảo được chất lượng đầu ra cũng như đề bài mà khách hàng đặt ra. Với những bạn trẻ chưa nhiều tài chính thì anh nghĩ mình cứ từ từ thôi, cái gì trong khả năng mình làm được thì mình làm.
Còn nếu chụp vì sở thích hoặc để phát triển nghệ thuật cá nhân, thì cái mình quan tâm trước thiết bị là tư duy thẩm mỹ. Các bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với một chiếc điện thoại, hoặc máy phim hay những thiết bị không quá đắt đỏ. Sản phẩm ra như thế nào sẽ chỉ có một mình em là người đánh giá và phát triển nó.
Tại mỗi thời điểm, mình cứ tập trung cố gắng trong khả năng cho phép của mình. Kiên trì rồi mình sẽ phát triển dần dần lên thôi?
Đúng rồi. Đặc biệt với một nhiếp ảnh gia tự do như anh, đôi khi mình sẽ phải tự làm hết một thứ như một chủ doanh nghiệp vậy. Cứ xác định rõ mục tiêu, rồi đến những việc mình cần làm, chịu khó tự thân vận động và kiên trì là được.
Chaubuinet cảm ơn anh Huy về cuộc trò chuyện này. Chúc anh sẽ gặt hái thêm nhiều thành trong trong công việc nhiếp ảnh gia của mình.
Có thể bạn cũng thích