Home / Phong Cách Sống / Yêu Bản Thân / Muốn làm Marketing giỏi phải biết “bán thân”
Icon Icon Icon

Yêu Bản Thân

Muốn làm Marketing giỏi phải biết “bán thân”

Kinh nghiệm tự học và làm Marketing từ cựu sinh viên Kinh tế đối ngoại trường Ngoại Thương.

19/04/2022

Dương Thị Thanh Ngân là một cô nàng Gen Z tài giỏi và năng động. Thanh Ngân tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại trường Đại học Ngoại Thương nhưng có niềm đam mê với ngành Marketing. Thanh Ngân đã quyết tâm tự trau dồi kiến thức từ sách, các khóa học và các dự án thực tế. Hiện nay, Thanh Ngân đang làm Marketing Manager của ngân hàng số Timo. Đồng thời, Ngân còn là Admin các cộng đồng dành cho gen Z và giới Marketing (Tâm sự Gen Z, Tâm sự Con Sen, Bạn đã có việc làm chưa, CANVA – Thiết kế dễ như chơi, Cùng làm Content tại nhà…).

Có lẽ Marketing vẫn là một ngành không bao giờ hết hot nhất là trong thời đại 4.0 hiện nay. Vì thế chaubuinet đã mời Thanh Ngân cùng chia sẻ về kinh nghiệm học và làm Marketing gửi đến các bạn trẻ yêu thích ngành này. Cùng chaubuinet khám phá bí quyết ngành qua bài phỏng vấn này nhé!

Tiền?
Đối với bạn tiền có ý nghĩa như thế nào?
Với mình, tiền là công cụ để có đủ điều kiện làm và trải nghiệm những điều mình muốn. Tiền không phải là điều mình theo đuổi (vì mình không xem nó là tài sản hay mục tiêu), nhưng trên hành trình theo đuổi giá trị của mình, chắc chắn cần có tiền.

Số tiền đầu tiên bạn kiếm được là bao nhiêu? Cảm giác của bạn lúc đó như thế nào?
Lâu quá nên mình cũng không nhớ rõ lắm. Từ bé thì ba mẹ mình đã tập thói quen làm việc kiếm tiền và quản lý tiền cho chị em mình. Ví dụ ba mẹ sẽ dạy và tập cho mình cách trồng trọt (hồi đó là trồng bí đao thì phải), sau đó là thu hoạch và chở mình vào chợ, bán lại cho các cô hàng rau. Cảm giác thì vừa vui vừa thấy trách nhiệm. Kiểu mình đã kiếm được tiền, mình đã rất cực khổ, chờ rất lâu mới có số tiền ấy, nên mình hiểu giá trị của nó hơn.

Bạn đã từng đầu tư nhiều tiền nhất vào việc gì?
Việc học. Vì mình nghĩ thế này (mà nhiều anh chị cũng bảo thế): Đầu tư cho bản thân là đầu tư không bao giờ lỗ. Cấp 2, cấp 3, mỗi khi đi thi được tiền thưởng hoặc có tiền lì xì là mình đều mua sách nâng cao, truyện tranh, tạp chí và sách để đọc. Gần như mình có bao nhiêu tiền là mình đều dùng cho việc mở rộng tri thức cả. Lên đại học, và cho đến bây giờ, trung bình mỗi năm mình sẽ chi tầm 30-50 triệu cho việc học tập. Nó có thể là tiền học 1 khóa học, tiền mua sách, hoặc là cơ hội tham gia chương trình nào đó.

Một quyết định liên quan đến tiền mà bạn hối hận/ thấy đúng nhất?
Chắc là tiền mua kính. Mình vừa cận vừa loạn, mà hồi xưa tiếc tiền nên mua kính thường ngoài mấy cửa hàng ngã tư. Một thời gian sau thì độ cận tăng lên thêm, vừa do chất lượng kính kém vừa do mình làm việc hơn 12 tiếng/ngày. Mà thực ra với dân Marketing, làm việc laptop nhiều như mình thì đôi mắt có thể xếp vào công cụ kiếm cơm. Mà không đầu tư đúng cho công cụ kiếm cơm thì sao tăng thu nhập được. Thế là mình đi tậu hẳn con kính mới, gần 4 triệu thì phải, chống lóa, chống ánh sáng xanh, … sang xịn mịn. Mà dùng đồ xịn mắt mình nó không tăng độ nữa dù mình vẫn làm việc màn hình khá nhiều.

Có câu nói: “Đừng đuổi theo tiền, hãy để tiền phải chạy theo bạn”, bạn nghĩ sao về câu nói này?
Mình thấy hợp lý. Tiền chỉ là công cụ quy đổi và trao đổi giá trị thôi. Nếu xem tiền là mục tiêu theo đuổi thì cuộc sống của bạn chán lắm. Bạn theo đuổi giá trị của bạn (ví dụ mình thì theo đuổi sự Tự do, Độc lập và Hạnh phúc), trên hành trình đó, bạn sẽ gặt hái được tiền và bạn dùng tiền để tận hưởng cuộc sống, làm bàn đạp tiếp tục theo đuổi các giá trị khác. Chẳng hạn, mình thích ăn ngon, nên làm ra tiền mình sẽ đi ăn sashimi cho đã, chứ bạn làm việc cực khổ để ra tiền rồi lại nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền ra đếm thì cũng hơi bất công với bản thân. (À, trừ khi sở thích của bạn là đếm tiền thì được nha).

Tiền sinh tiền

Được biết ngành học ban đầu của bạn không phải là marketing. Bạn đã làm thế nào để chuyển sang theo đuổi được ngành nghề bạn yêu thích?
Thật ra mình đã chọn marketing từ khi còn học lớp 11 cơ. Nhưng mình vẫn quyết định thi vào ngành Kinh tế đối ngoại của Ngoại Thương chứ không phải ngành Marketing của Đại học nào khác. Vì thời điểm đó, mình quan điểm là: Không quan trọng bạn có học đúng chuyên ngành hay không (vì ra trường đi làm thì cũng rất khác so với những gì học trên trường), mà quan trọng là bạn gặp ai. Thì Đại học Ngoại thương có thể nói là trường top đầu về kinh tế ở Sài Gòn, điểm đầu vào cao ngất ngưỡng nên các bạn đậu vào đa số là trường chuyên, học rất giỏi hoặc có tư duy rất khác, chăm chỉ và may mắn nữa. Nên mình quyết định thi vào trường thôi. Trước đó mình cũng đã liên hệ các anh chị khóa trên để hỏi về việc anh chị học và theo đuổi Marketing (trái ngành) thế nào thì anh chị bảo vẫn ổn. Thế là mình chọn thôi. Còn năm 11 mình đã dành thời gian tìm hiểu về bản thân, về ngành này rồi, mình thấy phù hợp nên lựa chọn.

Bạn làm thế nào để cân bằng chi tiêu và tiết kiệm được một khoản để tự học thêm về marketing?

Mình phân bổ ra nguồn học và kế hoạch tài chính. Để học được kiến thức, kinh nghiệm của 1 ngành nào đó, không phải chỉ học ở trường hay khóa học là đủ. Nó sẽ bao gồm:

  • Học kiến thức nền tảng => học qua trường lớp, khóa học hoặc sách.
  • Học từ các case study, va chạm thực tế => cuộc thi marketing, câu lạc bộ, các tổ chức cho sinh viên, bài phỏng vấn người đi trước.
  • Xây dựng mối quan hệ trong ngành => đi workshop, các webinar, coffee talk.
  • Tích lũy kinh nghiệm thực tế => đi làm.

Với mỗi thứ cần phải học, mình có kế hoạch tài chính riêng. Ví dụ kiến thức thì cái nào mình có thể tự học, học online khóa học miễn phí, đọc sách được thì mình tự học cho tiết kiệm; một số kiến thức bắt buộc phải đi học thì mình lên kế hoạch tiết kiệm. Tham gia cuộc thi marketing và đi làm thì được học nhưng không tốn tiền mà còn được trả tiền nữa. Workshop hay webinar thì giá không đắt, mỗi tháng để ra một quỹ có tên là Network tầm 500k – 1 triệu là quá đủ rồi. Chủ yếu mình quản lý chi tiêu bằng phương pháp chia quỹ, mỗi việc quan trọng đều có quỹ tiền riêng, và gói ghém trong khoản đó là được.

Bạn cảm thấy số tiền mình đầu tư vào việc học marketing có xứng đáng không?
Có. Nhưng thực ra mình học có 1, 2 khóa học về Marketing thôi. Chủ yếu mình học từ công việc và dự án thực tế.

Khi bắt đầu làm công việc marketing, kỹ năng gì là quan trọng nhất để ra tiền?
Kỹ năng bán hàng, mình hay đùa là bán thân. Nếu xem bản thân là một sản phẩm, thì bạn sẽ mô tả sản phẩm này có những tính năng nổi bật gì, khác biệt gì so với các sản phẩm khác trên thị trường, bạn bán thân cho đối tượng khách hàng nào (làm freelancer thì phải nhìn được tệp mình phục vụ là ai, làm in-house phải biết nhà tuyển dụng muốn gì…), vì sao họ nên mua sản phẩm là bạn…

Mình hay bảo học viên của mình, bản thân còn chưa bán được, thì sao bán được hàng, sao kiếm được tiền.


Những nguồn thu nhập chính của bạn đến từ công việc marketing là gì? Bạn có làm thêm công việc trái ngành nào không?
Mình hiện đang làm Marketing Manager tại Ngân hàng số Timo. Ngoài ra, mình có 2 lớp học nhỏ về Content Marketing, Bán hàng online. Một vài kênh truyền thông mình xây dựng và sở hữu cũng mang lại thu nhập cho mình và team (dịch vụ booking và làm content quảng cáo cho nhãn hàng).
Trái ngành thì mình từng làm nhiều lắm. PG, phục vụ bàn, gia sư, tarot reader chuyên nghiệp… Chủ yếu các công việc này mình làm là để thêm trải nghiệm và rèn tính cách, kỹ năng cho bản thân; vẫn là để hỗ trợ cho công việc chính – làm Marketing của mình.
2 năm gần đây thì mình bắt đầu đầu tư tài chính như: chứng khoán, crypto và chứng chỉ quỹ.

Ngành marketing có phải là một ngành lương cao, sang chảnh như nhiều bạn trẻ nghĩ?
Không nha, nghèo lắm bạn ơi. Sang chảnh thì tùy vào môi trường bạn làm. Nếu bạn làm ở tập đoàn lớn, global agency thì sẽ sang chảnh thôi, đi làm bắn tiếng Anh như gió, văn phòng to đùng chẳng hạn. Còn lương bao nhiêu phụ thuộc vào năng lực, thành tựu thực tế của bạn trong công việc đã làm và khả năng đầu tư cho Marketing của doanh nghiệp đó nữa. Ví dụ có những ngành hàng Marketing không quan trọng lắm với doanh nghiệp, thì bạn vào đó làm cho dù có giỏi lương cũng không cao.
Nhưng giỏi Marketing thì thu nhập sẽ ổn đó. Vì lúc này nó quay lại cách bạn áp dụng kiến thức Marketing vào cuộc sống thế nào. Như mình nói ở trên: Bán thân. Bạn bán năng lực bản thân cho ai, với giá bao nhiêu, bạn có lợi thế cạnh tranh gì không là những câu hỏi quan trọng cần được trả lời.

Công việc hiện tại có thoả mãn nhu cầu tài chính của bạn không?
Có. Thu nhập mình thì cũng bình thường. Ngoài khoản ăn nhiều và thích ăn ngon ra thì mình cũng rất ít chi tiêu nên cũng có dư. Một phần do làm Marketing và khá khó tính trong việc mua hàng nên mình tâm bất biến giữa các cơn bão sale rồi.

Được biết bạn là người sáng lập ra nhóm “Tâm sự gen Z”. Bạn có thể chia sẻ thêm về lý do mình thành lập lên nhóm này không?
Mục đích thì đơn giản lắm: Mình có lớp học Truyền nghề Content, nên mình lập nhóm ra để cho các bạn học trò có môi trường luyện tập làm content và học cách xây cộng đồng, các bạn ấy hiện đang là mod.
Mục tiêu thứ 2 là mục tiêu lớn nhất, cũng là sứ mệnh mà cộng đồng Tâm sự Gen Z theo đuổi là: Tạo ra 1 sân chơi, nơi mà các bạn trẻ (cấp 3, Đại học và mới ra trường đi làm) có thể vào tâm sự những vấn đề về phát triển bản thân, học hành, công việc và được các anh chị đi trước, có chuyên môn và trải nghiệm tư vấn cho. Ngày xưa lúc mà mình mới vào đời, mình phải tự bơi, mình không có nơi để hỏi, để an ủi và dựa dẫm mỗi khi vấp ngã, nên mình muốn giúp các bạn khác.

“Tâm sự gen Z” có phải là một món đầu tư sinh lợi của bạn?
Có tuy về tiền thì lỗ. Tính chi phí booking để kéo member, tiền làm minigame, sắp tới sẽ là offline group quy mô lớn thì lỗ là cái chắc. Chưa kể tâm tư, thời gian, tình cảm và công sức của cả đội ngũ hơn 20 người vận hành group. Thật sự làm cộng đồng rất mệt và tốn kém. Nhưng mình vẫn làm vì có lợi. Mình và các bạn mod vui vì có thể giúp đỡ nhiều bạn trẻ như bọn mình hơn, tạo được nhiều giá trị cho cộng đồng, mấy lúc đọc comment, tâm sự, chia sẻ chuyên môn của các bạn member mà vui lắm. Ngoài ra, bọn mình có thêm bạn bè, nhiều anh chị lớn sẵn sàng giúp đỡ trong việc xây dựng group, lẫn ngoài đời sống hằng ngày. Lời lớn nhất chính là mối quan hệ.


Nếu được đi học thêm về một kỹ năng, kiến thức nào đó bạn sẽ chọn học gì? Bạn nghĩ số tiền mình sẽ chấp nhận bỏ ra cho việc học đó là bao nhiêu?
Học làm bánh. Học làm bánh thì mình thấy vui, như một trải nghiệm mới, nó giúp ích cho việc sáng tạo của mình, và cả cái bụng của mình nữa. Mình nghĩ đâu đó tầm 3 – 7 triệu/lớp ngắn hạn là ổn.

Cảm ơn Thanh Ngân đã dành thời gian tham gia phỏng vấn cùng chaubuinet. Chúc Thanh Ngân ngày càng thành công trên con đường sự nghiệp của mình.

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!