Home / Phong Cách Sống / Mua hàng giảm giá có thực sự tiết kiệm? Tips mua sắm hiệu quả trong mùa giảm giá
Icon Icon Icon

Phong Cách Sống

Mua hàng giảm giá có thực sự tiết kiệm? Tips mua sắm hiệu quả trong mùa giảm giá

Tranh thủ săn hàng sale có ích lợi như chúng ta nghĩ không?

20/05/2022

Không thể phủ nhận, đa số chúng ta đều bị thu hút bởi những sản phẩm được gắn mác giảm giá hoặc sale, bởi trong nhận thức chúng ta cho rằng, mua hàng giảm giá sẽ rẻ và tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, quan điểm này có đúng không? Có những mẹo hay nào giúp mua sắm hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết sau nhé!

Chiến lược giá kết thúc bằng số 9

Khi nhắc đến mua hàng giảm giá hay hàng khuyến mãi, chúng ta thường nghe đến con số quen thuộc là 9, 99, hay thậm chí là 999. Trong các chiến lược marketing thì đây được gọi là “giá quyến rũ” bởi vì nó giúp làm cho khách hàng cảm thấy các món đồ có vẻ rẻ hơn thực tế. 

Đồng thời, cùng với thói quen của người tiêu dùng là đọc giá từ trái sang phải thì thường sẽ chú ý đến những con số đầu tiên. Kết hợp hai hiệu ứng này lại với nhau, chúng ta sẽ có cảm giác là 99k sẽ rẻ hơn rất nhiều so với 100k, mặc dù trong thực tế thì hai mức giá này chỉ chênh nhau 1 ngàn đồng.

Chính vì chiến lược giá đánh vào tâm lý người tiêu dùng này, các nhãn hàng thường thành công trong việc thúc đẩy hành vi mua hàng. Trong khi đó thì người tiêu dùng thường bị hấp dẫn và mua nhiều hơn nhu cầu cần thiết chỉ bởi vì có cảm giác giá đang rẻ, đang khuyến mãi nhiều.

Mua hàng giảm giá có thật sự tiết kiệm không? 

Qua phần về chiến lược giá số 9 ở trên có thể thấy, mua hàng giảm giá, hàng khuyến mãi chưa chắc đã tiết kiệm được nhiều tiền như chúng ta tưởng. Trong thực tế thì câu trả lời cho câu hỏi này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của từng người cũng như hành vi mua sắm thực sự của họ.

Ảnh – Reward Price

Mua hàng giảm giá sẽ là tiết kiệm khi:

  • Mua đúng những sản phẩm theo nhu cầu vào thời điểm cần dùng với số lượng vừa đủ.
  • Giá sản phẩm vào thời điểm mua thấp hơn “giá trị thực tế” mà sản phẩm đó mang lại.

Ngược lại, mua hàng giảm giá sẽ không tiết kiệm khi:

  • Bạn chưa thực sự có nhu cầu cần dùng đến sản phẩm: có cũng được, không có cũng không sao.
  • Các chương trình giảm giá, khuyến mãi, săn sale 9.9, … hiện các quảng cáo nhiều sản phẩm giá rẻ và khiến bạn mua hàng. Sau khi mua về thì bạn ít dùng tời hoặc thậm chí không dùng.

Các tips mua sắm trong mùa giảm giá

Làm thế nào để có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của các chương trình khuyến mãi, giảm giá? Có rất nhiều cách khác nhau, dễ thực hiện nhất là lập kế hoạch cũng như cân nhắc, tính toán kỹ trước khi mua.

Lập danh sách chi tiết những món đồ thực sự cần dùng 

Đây là bước quan trọng nhất không chỉ giúp mua sắm hữu ích mà còn giúp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, hãy lên danh sách những món đồ cần thiết cho cuộc sống của mình và đặt thứ tự ưu tiên cũng như ngân sách chi tiêu cho chúng. 

Một mẹo hiệu quả là đặt câu hỏi “mình có thật sự cần dùng món đồ này trong vòng 6 tháng tới không”. Nếu có thì bạn hãy thể liệt kê vào danh sách, nếu không thì nhanh chóng loại chúng ra khỏi danh sách. Điều này sẽ cực kì hữu ích để khi đối mặt với các món đồ khuyến mãi, chúng ta sẽ không “mua đại” những bộ quần áo hay phụ kiện giá rẻ với tâm lý “bây giờ chưa dùng thì sau này sẽ dùng”.

So sánh giá trị thực sự của món hàng với mức giá đã giảm

Một trong những “bẫy” của các chương trình khuyến mãi đó là mức giá được giảm không thực sự nhiều như chúng ta nghĩ hoặc nhìn qua các con số khuyến mãi. Một số ví dụ điển hình như:

  • Chiến lược giá kết thúc bằng số 9 như đã trình bày ở trên.
  • Nhãn hàng tăng giá lên so với thông thường sau đó áp các mã giảm giá, khiến cho việc giảm giá thực tế không mang lại nhiều giá trị cho người mua.
  • Chất lượng của các sản phẩm giá kém hơn các sản phẩm thông thường hoặc hạn sử dụng còn ngắn ngày, …

Do đó, khi tiếp xúc với các chương trình khuyến mãi hay giảm giá, chúng ta cần tỉnh táo tính toán giá trị sau khi đã giảm và so sánh với mức giá thông thường cũng như chất lượng và hạn dùng của sản phẩm. Sau các bước tính toán này, nếu mức giá đã giảm thực sự thấp hơn thì có thể cân nhắc mua.

Cân nhắc kỹ trước khi bỏ món đồ vào giỏ hàng

Khi được giới thiệu các sản phẩm giảm giá, chúng ta thường bị hấp dẫn ngay lúc đó và quyết định mua vội vàng. Điều này dẫn đến việc có những món đồ không thuộc danh sách ban đầu hoặc những món không thực sự cần nhưng lại đột xuất muốn mua. 

Ảnh – Gemius

Để hạn chế điều này, bạn hãy tự trả lời một số câu hỏi trước khi mua như sau: “Mình thực sự muốn mua món này là vì chất lượng hay chỉ vì nó đang giảm giá?”, “Món đồ này có cần dùng trong 6 tháng tới không?”, “Nếu không có món đồ này thì có ảnh hưởng gì lớn tới cuộc sống hàng ngày của mình không”. 

Sau khi trả lời những câu hỏi trên mà vẫn còn cảm thấy phân vân, hãy tạm thời đừng mua và để đến hôm sau xem mình có thực sự cần món đồ như hôm trước hay không. Khi đó, bạn có thể dễ dàng đánh giá nhu cầu thực sự của mình cũng như quyết định có nên mua món đồ hay không thay vì vội vàng mua vì cảm xúc tức thời.

Nhất định không được vay nợ để mua đồ giảm giá

Hiện nay rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ có thói quen dùng thẻ tín dụng để tiêu dùng. Đặc biệt khi các mùa sale đến thì các khuyến khích hành vi cà thẻ không giới hạn để mua các món đồ giảm giá. 

Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta quên mất rằng, để chi trả cho các khoản nợ tín dụng thì sẽ phải tốn một số tiền không nhỏ bởi mức lãi suất tương đối cao. Điều này có thể khiến cho số tiền giảm giá mà chúng ta nhận được không đủ bù lỗ cho tiền lãi tín dụng. Ngoài ra, khi cậy có thẻ tín dụng với hạn mức cao hoặc không hạn mức trong tay, chúng ta có xu hướng mua sắm nhiều hơn thông thường, từ đó lại khiến tốn thêm một khoản tiền không nhỏ cho các món đồ chưa chắc đã cần thiết. Do đó, dù có bị hấp dẫn bởi các chương trình giảm giá nhưng cũng tuyệt đối đừng vay nợ hay dùng thẻ tín dụng để “săn sale” nhé!

Có thể thấy rằng để kích thích hành vi mua sắm của người tiêu dùng, các nhãn hàng cũng đã có những chiến lược giá đánh vào tâm lý. Do đó, là người tiêu dùng thông minh bạn rất cần có kế hoạch mua sắm hiệu quả để không chi quá nhiều tiền cho các khoản không quá cần thiết.

Đọc thêm những bài viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân tại đây.

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!