
Điểm Tin Thời Trang
Lịch sử của đôi giày sneaker
Bạn có bao giờ tự hỏi đôi giày sneakers mình đang đi có lịch sử như thế nào không?
Khởi điểm là những đôi giày được thiết kế cho thể thao, hiện nay giày sneaker đã trở thành phụ kiện thời trang không thể thiếu với giới trẻ. Ước tính, thị trường giày sneaker trên thế giới được định giá khoảng 79 tỉ USD trong năm 2020 và sẽ còn tăng đến 120 tỉ USD vào năm 2026.
Từ bao giờ giày sneaker lại có sức hút khó cưỡng đến như vậy? Cùng Châu tìm hiểu về lịch sử phát triển của sneaker và những đôi giày sneaker huyền thoại nhất thế giới nhé!
Những đôi giày thể thao đầu tiên
Có một vài ý kiến khác nhau về việc đôi giày thể thao đầu tiên đã ra đời như thế nào. Năm 1830, Công ty Cao su Liverpool ở Anh đã khám phá ra cách kết dính vải bạt vào đế cao su để trở thành đôi giày người ta thường mang đi biển (sand shoes). Cũng vào thời gian này, ở bên kia đại dương, một nhà khoa học người Mỹ Charles Goodyear phát minh quá trình thêm lưu huỳnh vào cao su đã được nung nóng để tạo ra một chất dẻo, không thấm nước và có thể đúc được. Đây chính là cách người ta tạo ra khuôn giày để sản xuất hàng loạt sau này.
Năm 1917, Converse cho ra mắt đôi giày All Star trứ danh của hãng. Bằng việc ký hợp đồng quảng cáo với huấn luyện viên bóng rổ Chuck Taylor, thiết kế này lập tức được ưa chuộng. Đây là lý do giờ bạn vẫn nhìn thấy tên Chuck Taylor trên logo của đôi Converse All Star.

Nhưng phải nhờ đến Nike và adidas thì chiếc giày sneaker mới có sự nhảy vọt kỳ diệu và trở thành một biểu tượng thời trang của thời trang hiện đại.

adidas được thành lập bởi Adi Dassler tại Germany vào năm 1924 với cái tên “Gebrüder Dassler Schuhfabrik”. Đôi giày thể thao đầu tiên sản xuất bởi adidas là một đôi giày chạy với đế làm bằng da và gắn đinh. Đôi giày này được nhà vô địch điền kinh Jessie Owens sử dụng tại Olympics Berlin năm 1936.
Năm 1964, Bill Bowerman và Phil Knight sáng lập ra hãng Blue Ribbon Sports, sau này chính là Nike. Chiếc giày đầu tiên của Nike là đôi Cortez đã từng xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng Forrest Gump.

Cuộc xâm lược của giày thể thao
Đến những năm 70-80 thì giày thể thao đã trở thành phụ kiện được ưa thích của giới trẻ. Đi giày sneaker trở thành cái gì đó thật cool, thật phong cách. Nike và adidas liên tục có những hợp đồng quảng cáo với các ngôi sao thể thao cũng như người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đưa vị trí của giày sneaker càng trở nên phổ biến hơn. Ngôi sao bóng rổ Kareem Abdul-Jabbar chơi bóng bằng đôi giày của adidas, hay diễn viên Farrah Fawcet đi giày Nike trong phim Charlie’s Angels đều là những khoảnh khắc đáng nhớ của sneaker trong văn hoá đại chúng.
Năm 1985, siêu sao bóng rổ Michael Jordan và Nike hợp tác ra mắt đôi Nike Air Jordan. NBA đã cấm Jordan đi đôi giày này khi thi đấu vì nó vi phạm nội quy đồng phục của NBA. Nike lập tức biến câu chuyện này thành một chiến dịch quảng cáo rầm rộ, và từ đó, giày sneaker trở thành phụ kiện được tất cả mọi người thèm muốn, một thị trường béo bở cho các hãng thời trang.

Vượt ra ngoài giới hạn thể thao
Dần dần, sự phổ biến của giày sneaker vượt ra khỏi giới hạn của những trận đấu thể thao. Giới trượt ván và cộng đồng hip hop nhanh chóng đón đầu xu hướng này. Đặc biệt là cộng đồng người da màu ở Mỹ với những rapper nổi tiếng như LL Cool J hay Run-DMC chính là người đi đầu trong việc đưa văn hoá sneaker đến với đại chúng. Ảnh hưởng của xu hướng này vẫn còn đến tận ngày nay khi Kayne West ra mắt thiết kế adidas Yeezy – một trong những mẫu sneaker bán chạy nhất thế giới.

Giờ đây cộng đồng sneakerhead đã không còn là khái niệm xa lạ. Họ không chỉ mua giày vì mục đích sử dụng hay thời trang. Giày sneaker còn trở thành cái thú sưu tập và trao đổi giữa những sneakerhead. Giá đôi giày resell có thể lên tới 5-6000 USD cho một mẫu giày hiếm.
Với xu hướng athleisure trở nên phổ biến trong những năm gần đây, các hãng thời trang cao cấp cũng không thể làm ngơ với giày sneaker. Càng ngày, đôi giày sneaker càng trở thành phụ kiện quen thuộc trên những sàn diễn thời trang, từ Balenciaga Black Speeder, cho đến Louis Vuitton Archlight hay Gucci Rhyton.

Chưa kể là các nhãn hàng còn ra mắt mẫu giày collab, khởi đầu từ Virgil Abloh của Off-White và Nike. Hiện nay thì cứ vài tháng lại có một bộ sưu tập collab gây xôn xao thị trường, có thể kể đến Dior x Air Jordan, JW Anderson x Converse Chuck Taylor, Prada x adidas Superstar, Reebok x Chanel Instapump Fury…

Giày sneaker hiện nay cũng được sử dụng ở hầu hết các hoàn cảnh và dành cho nhiều phong cách khác nhau. Từng được coi là quá casual, phổ thông, giờ bạn có thể đi giày sneaker đến công sở, đi hẹn hò hay chơi thể thao. Sneaker có thể được phối cùng váy lụa, cùng áo vest, cùng quần shorts cho đến những bộ đồ xu hướng nhất. Có thể chắc chắn rằng, sneaker đã trở thành một phần tất yếu của thời trang và văn hoá đại chúng, hứa hẹn sẽ càng ngày càng trở nên phổ hiến hơn trong tương lai.
Có thể bạn cũng thích