Phong Cách Sống
Làng nghề truyền thống Trung thu và những đốm lửa nghề bền bỉ
Tìm về nơi lưu giữ hồn Việt giữa thời đại đổi mới.
Mỗi năm, mùa Trung thu đến mang lại niềm nô nức cho trẻ nhỏ, đồng thời là sự hoài niệm tuổi thơ của những người trưởng thành. Buổi phá cỗ của những đứa trẻ 8x, 9x gồm các “mảnh ghép” truyền thống không thể thiếu như lồng đèn, đầu lân, bánh trung thu,… Tất cả những món đồ đậm vị thời gian ấy được tạo ra bởi những làng nghề truyền thống Trung thu tồn tại lâu đời trên đất Việt. Chính bàn tay tài hoa của những nghệ nhân và lòng kiên trì theo nghề qua năm tháng đã giữ vững nét nguyên bản của lễ hội Trung thu hàng năm cho đến tận bây giờ.
1. Làng nghề đồ chơi
Được mệnh danh là “thủ phủ” của đồ chơi Trung Thu truyền thống, làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đang hối hả làm các mặt nạ giấy bồi, trống, … để kịp mùa Trung Thu. Tất cả các món đồ chơi đều được làm từ các nguyên liệu đơn giản, gần gũi với làng quê Việt Nam như tre, nứa, bìa carton hoặc đôi khi là cả giấy phế liệu,…
Ngày trước, hầu hết các nhà trong làng đều theo nghề làm đồ chơi. Tuy nhiên, như một sự thích ứng với những thay đổi của thời đại, hiện nay cả làng chỉ còn lại khoảng 10 hộ kiên trì giữ nghề truyền thống này. Ông Vũ Duy Đông với thâm niên 40 năm trong nghề chia sẻ: “Tôi theo nghề do cha ông truyền lại, giờ thì còn mỗi tôi và vợ cùng cậu con trai theo nghề”.
Tuy vậy, sự đổi mới cũng có phần giúp đỡ làng nghề phát triển hơn trước. Trước kia, đa số đồ chơi tại làng Ông Hảo đều được làm thủ công với kỹ thuật thủ công cao, yêu cầu các người thợ lành nghề và tâm huyết trong làng. Ngày nay, nhờ có sự hỗ trợ của các máy móc hiện đại, nguyên liệu được tiết kiệm và năng suất tăng nhanh, giúp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trên mọi miền đất nước vào dịp Trung Thu hàng năm.
2. Làng nghề lồng đèn
Lồng đèn là một trong những biểu tượng tạo nên thương hiệu cho phố cổ Hội An, mang đến vẻ đẹp riêng biệt. Ít ai biết Hội An chính là làng nghề truyền thống làm lồng đèn hơn 400 năm tuổi, được vinh danh là 1 trong 9 làng nghề truyền thống tiêu biểu của Việt Nam.
Từ nhiều thế kỉ qua, việc chế tạo những chiếc lồng đèn sặc sỡ, đa dạng hình dáng và kích thước là công việc chính của các nghệ nhân ở phố Hội. Để hoàn thiện một chiếc lồng đèn cần 2 khâu chính: làm khung được phân chia cho nam giới và bọc vải được chia cho nữ giới. Tất cả các công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo và kỳ công từ người thợ.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đèn lồng Hội An có rất nhiều kích cỡ, hình dạng, màu sắc và mẫu mã khác nhau. Hình tròn, hình lục giác, bát giác,… đến những mẫu mã có phần phức tạp hơn như lồng đèn kéo quân, 12 con giáp,… đều được bày bán. Giá cả dao động từ vài chục nghìn đồng cho đến hàng triệu đồng một chiếc.
3. Làng nghề bánh trung thu
Nhắc đến bánh trung thu, cái tên Xuân Đỉnh chắc hẳn sẽ quen thuộc với khá nhiều người. Làng nghề truyền thống Xuân Đỉnh được xem là cái nôi của nghề làm bánh trung thu nước ta. Xấp xỉ 200 năm trôi qua, hương vị truyền thống nguyên vẹn của bánh trung thu Xuân Đỉnh là điều người ta tìm đến mỗi độ Trung Thu về, hoặc ví như đôi khi chỉ là một cơn thèm những mùi vị trong ký ức.
Cứ vào độ nửa tháng trước ngày rằm tháng tám âm lịch, cửa hàng kiêm xưởng bánh trung thu Bình Chung nằm ngay trên con đường Xuân Đỉnh bắt đầu nhộn nhịp, nô nức những hàng dài khách chờ mua. Mức độ đông đúc của khách hàng vào mùa Trung Thu ở các xưởng bánh gia truyền làng Xuân Đỉnh không khỏi khiến người ta thốt lên “làm một vụ ăn cả năm”.
4. Làng nghề đầu lân
Làng Gạo, xã Thành Lợi, Vụ Bản, Nam Định là nơi hiếm hoi còn lưu giữ nghề làm đầu Lân truyền thống. Nghề làm đầu lân của làng có từ thời bao cấp, khi đó Nhà nước cung cấp giấy, báo cũ, tre, nứa, phẩm màu… cho hợp tác xã, sau đó thu về đầu lân sản phẩm và chỉ có cửa hàng quốc doanh mới có để bán.
Ngày nay, cả làng nghề chỉ còn 3 gia đình làm theo nghề. Họ vẫn giữ cách làm đầu Lân với những phương pháp truyền thống. Đầu lân được làm hoàn toàn thủ công, bồi giấy bằng tay, dựng khung, tô màu, vẽ trang trí họa tiết. Đầu lân cỡ lớn của làng Gạo vẫn luôn là mặt hàng bán chạy mỗi dịp Tết Trung thu.
Tuy ngày nay đồ chơi hiện đại không thiếu nhưng xu hướng tìm đến những sản phẩm truyền thống thân thiện vẫn đang lan truyền mạnh mẽ. Các gia đình ngày càng tích cực giới thiệu cho con trẻ các món đồ đậm chất Việt như đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi,… góp phần gìn giữ và lưu truyền văn hóa lâu đời của cha ông. Và cũng chính vì thế, các làng nghề truyền thống có thêm động lực, quyết tâm giữ lửa nghề, kế thừa phát huy nét đẹp dân tộc.
Hiện nay minigame “Đuổi hình phá cỗ” đang diễn ra tại IG @chaubuinet và Fan Club Teamchouchou. Nhanh tay tham gia để có cơ hội nhận bộ cờ tỷ phú handmade cao cấp Hanoiopoly từ Maztermind nào!!!
Có thể bạn cũng thích