Yêu Bản Thân
Cách hình thành một thói quen tốt theo góc độ tâm lý học
Hình thành một thói quen mới liệu có khó đến thế?
Có bao giờ bạn mãi chật vật với việc hình thành một thói quen tốt cho bản thân hay không? Châu biết rằng từ trong suy nghĩ cho đến khi hành động là cả một quá trình dài và đôi khi không phải do chúng ta lười biếng hay chưa đủ thông minh, mà chúng ta chưa chọn đúng cách hình thành thói quen phù hợp cho bản thân. Chính Châu cũng đã từng rất vất vả trong quá trình này. Vì vậy, hôm nay, Châu sẽ cùng mọi người tìm hiểu cách để chúng ta hình thành được một thói quen tốt nhé!
Trước tiên, tại sao thói quen cũ lại khó từ bỏ đến thế, đặc biệt là những thói quen xấu?
1. Thói quen xấu mang đến một sự thoải mái nhất thời: bạn chưa sẵn sàng để thay đổi một thứ đang mang đến cảm giác thoải mái cho cuộc sống của bạn hằng ngày. Trạng thái hiện tại không có tác động lớn lên chất lượng cuộc sống của bạn; vì vậy, bạn cho rằng không có lí do gì bản thân phải thay đổi!
2. Bạn chưa thấy được lợi ích: sự thoải mái như đã nói bên trên sẽ rất dễ che mắt và làm bạn chững lại trong công cuộc thay đổi. Ví dụ như chuyện ngủ dậy sớm. Liệu thói quen này có thực sự làm thay đổi khả năng hoàn thành công việc và cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi người không? Nếu chưa dám chắc thì rất khó để quyết tâm thực hiện thói quen này.
3. Sự nôn nóng muốn đạt được kết quả ngay: việc cơ bản nhất dẫn đến sự thất bại khi hình thành một thói quen mới đó chính là thiếu kiên nhẫn. Bạn sẽ luôn mong thấy được kết quả cuối cùng chứ không quan tâm đến hành trình dẫn đến nó. Việc tập thể dục chính là một ví dụ điển hình cho tâm lý này!
4. Tâm lý “mọi người xung quanh ai cũng thế”: một tâm lý hết đỗi bình thường và cũng là lời bao biện cho sự chần chừ của bản thân. Ví dụ như ăn đêm chẳng hạn, có bao nhiêu người có thói quen ăn đêm đấy thôi? Chính những sự biện minh đó sẽ khiến bạn khó lòng tập được những thói quen tốt cho cuộc sống của mình đấy!
Vậy làm sao để hình thành được một thói quen tốt hay cũng như thay đổi một thói quen xấu?
Bước 1: Xác định mục tiêu cụ thể
Việc xác định được cho mình một cục tiêu cụ thể, thói quen bạn muốn thay đổi chính xác là gì là điều tối quan trọng để bắt đầu. Châu tin chắc rằng nếu bạn chỉ tự nhủ tôi sẽ đi ngủ sớm hơn, ăn uống healthy hơn từ ngày mai,... thì sẽ rất khó để thành công.
Thay vì vậy, chúng ta có mục tiêu cụ thể như giảm mỡ trong thời gian 1 tháng tới, hay đọc 1 quyển sách một tuần, thì sẽ có cơ sở để lên kế hoạch hành động phù hợp để thực hiện mục tiêu này. Điều này cũng tương tự như bạn được giao KPI và phải làm bản kế hoạch để đạt được con số này vậy.
Bước 2: Tạo thói quen mới từ những thói quen có sẵn
Một tips Châu đọc được để tạo thành thói quen mới đó chính là bắt đầu từ những thói quen có sẵn. Nhìn vào lịch trình hàng ngày của mình để xem mình có thể thay đổi hoặc thêm thắt ra sao cho thói quen mới, chứ không nhất thiết phải thay đổi 180 độ ngay lập tức.
Ví dụ với Châu, ngay sau khi ăn nhẹ buổi sáng, Châu sẽ dành thời gian thiền khoảng 10-15 phút một ngày trước khi làm việc khác. Hoặc khi đang xem TV Châu có thể đứng dậy tập squat hoặc bài tập chân để thời gian trôi qua có ích hơn.
Bước 3: Chia nhỏ mục tiêu
Sự thật là bạn không thể rút ngắn quá trình và đẩy nhanh sức chịu đựng của bản thân khi tạo thói quen mới. Việc này phải được lặp đi lặp lại hằng ngày, bắt đầu với thời gian ngắn và sau đó tăng lên đến khi quen dần.
Chẳng hạn như việc đi ngủ sớm hơn như Châu nhắc ở trên. Khi bạn đã quen ngủ lúc 2 giờ sáng thì khi thay đổi bạn nên tập lùi dần, ngủ lúc 1 rưỡi sáng rồi đến 1 giờ,… cứ lùi cho đến khi quen với khung giờ ngủ mà bạn muốn thay đổi. Hình thành thói quen đọc sách như Châu cũng đã nói trong bài viết cũng thế, đọc một ít mỗi ngày rồi cứ thế tăng lên. Mấu chốt của việc này là giúp ta tập xây dựng những thói quen bằng cách lặp đi lặp lại những thay đổi nhỏ trong hoạt động hàng ngày.
Bước 3: Chia sẻ với một ai đó
Người mà bạn chia sẻ về quá trình thay đổi của mình có thể như huấn luyện viên của chúng ta vậy. Họ có thể là động lực hoặc là áp lực tốt cho quá trình thay đổi. Tuy nhiên, người đó cũng phải là người có tư duy tích cực mong muốn chúng ta thay đổi nhé.
Như Châu thì sẽ kể với Hạnh hoặc chị quản lý để mọi người có thể nhắc nhở nghiêm khắc nếu thấy Châu “lơ là”. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho rằng bạn nên chia sẻ với những người mà mình ngưỡng mộ vì bạn sẽ dễ quan tâm hơn tới cách suy nghĩ và cách nhìn nhận của người đó về mình.
Bước 4: Đừng quên phần thưởng cũng như hình phạt cho bản thân
Bạn sẽ xứng đáng được tự tưởng khi đạt được một cột mốc nào đó trong tiến trình đã vạch ra. Đó sẽ là một phần thưởng hiệu quả để tạo động lực tiếp tục.
Ngược lại, bạn cũng nên nghiêm khắc với bản thân nếu sau những nỗ lực lên kế hoạch mà vẫn không thực hiện như mong muốn. Nếu không có hình phạt thì bạn sẽ rất dễ vin vào những lý do như cho phép bản thân được nghỉ ngơi một ngày và rồi sẽ tái phạm nhiều ngày như thế.
Cuối cùng, hình thành một thói quen mới sẽ mất khoảng thời gian bao lâu?
Châu thấy trên mạng thường truyền tai nhau rằng “mất 21 ngày để có thể hình thành một thói quen mới”. Tuy nhiên, với Châu thì mất thời gian bao lâu sẽ phụ thuộc vào hành vi, hoàn cảnh và thói quen bạn muốn hình thành là gì? Độ quyết tâm của các bạn là bao nhiêu? Các bạn có nghiêm tục thực hiện mỗi ngày hay không? Mục tiêu và phần thưởng/hình phạt bạn đặt ra có đủ để bạn cố gắng chưa? Vì vậy, đối với mỗi người sẽ có một khoảng thời gian khác nhau để thay đổi hành vi trong cuộc sống. Sau đó, khi hình thành được rồi thì sẽ đến câu chuyện các bạn duy trì thói quen đó lâu dài ra sao nha!
Có thể bạn cũng thích