Yêu Bản Thân
Làm sao để Gen Z gần gũi hơn với bố mẹ?
Khoảng cách thế hệ có tác động vô hình lên mối quan hệ trong gia đình. Châu có cách giải quyết cho Gen Z đây!
Bất đồng quan điểm và có những cự cãi với cha mẹ là một vấn đề dường như không thể tránh khỏi khi chúng ta trưởng thành. Châu đã từng trải qua giai đoạn có thể gọi là “thay tính đổi nết” và dễ bực bội khi bố mẹ có suy nghĩ khác với ý mình. Đôi khi còn cảm thấy luôn có một khoảng cách vô hình giữa mình và bố mẹ. Đó chính là cái mà chúng ta hay gọi là khoảng cách thế hệ (generation gap) đấy.
Khoảng cách thế hệ thực sự là gì?
Khoảng cách thế hệ đề cập đến một khoảng cách nhất định ngăn cách suy nghĩ của các thành viên của các thế hệ khác nhau. Cụ thể hơn, sự khác biệt đó có thể thấy được qua hành động, niềm tin, suy nghĩ và ngay cả thị hiếu của thế hệ trẻ so với những thế hệ lớn hơn. Châu có thể lấy một ví dụ rất dễ thấy: có bao giờ bạn đang ngồi coi một MV ca nhạc và bố mẹ bạn bảo rằng: “Nhạc này mà cũng có người nghe” chưa? Chắc chắn là rồi đúng không?
Đây là một trong những lý do thường thấy dẫn đến mối quan hệ mâu thuẫn, căng thẳng giữa những thế hệ khác nhau, nhất là trong cùng một gia đình. Châu nghĩ là khi có bất đồng với bố mẹ và bạn cảm thấy rất tức giận hay buồn bã, cũng là một trải nghiệm gần như ai cũng trải qua. Bạn không nên quá dằn vặt bản thân khi cãi vã với bố mẹ, mà nên tìm hiểu lý do để cải thiện mối quan hệ thì hơn.
Vậy có cách nào để xóa nhòa đi khoảng cách thế hệ này và giúp không khí gia đình hoà thuận, thoải mái hơn?
1. Suy nghĩ cho bố mẹ nhiều hơn
Thay vì mặc nhiên cho rằng bố mẹ đòi hỏi vô lý, không hiểu mình, không thương mình, mọi người nên dành thời gian nhiều hơn để nói chuyện và hiểu được những lo lắng trong lòng của bố mẹ. Thật ra lúc nóng giận, cả mình hay bố mẹ đều muốn chứng minh là mình đúng, thay vì giải quyết được nút thắt. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy việc đó chẳng có lợi gì mà chỉ làm bố mẹ thêm buồn khi nhìn lại.
Việc có thể nói chuyện và tâm sự nhiều hơn thì cả hai sẽ tìm được tiếng nói chung để hạn chế những mâu thuẫn với nhau. Thay đổi suy nghĩ của mình trước, lần đầu mở lời sẽ có những ngại ngùng nhất định nhưng làm gì chả phải có lần đầu đúng không nào?
2. Đừng so sánh
Suy nghĩ “so sánh” sẽ không bao giờ giúp bạn gần gũi với bố mẹ hơn được. Bạn không nên có những suy nghĩ như “ước gì bố mẹ mình như bố mẹ bạn kia thì tốt biết mấy”. Đó chẳng khác gì là những lời chỉ trích gián tiếp mà bạn dành cho chính bố mẹ của mình. Châu thấy rằng mỗi gia đình là mỗi câu chuyện khác nhau và chính mỗi thành viên cũng có tính cách khác nhau nữa. Đừng nên áp đặt những tiêu chuẩn mà bạn muốn lên bố mẹ của mình.
Có một điều Châu chắc chắn, đó là bố mẹ luôn muốn mang đến những gì tốt đẹp nhất mà họ có cho con cái của mình. Có thể cách bố mẹ chọn thể hiện tình yêu thương ở mỗi gia đình là khác nhau, nhưng ghi nhớ được tình thương và sự hi sinh của bố mẹ sẽ giúp chúng ta có bình tĩnh để giải quyết những bất đồng.
3. Hãy thật lòng
Các bạn có đồng ý với Châu là mình sẽ rất khó gần gũi với một người nếu mình đã từng nói dối họ về việc gì đó không? Đối với bố mẹ cũng vậy, sẽ có những lúc chúng ta sợ, sợ phải nói thật khi thất bại, sợ khi phạm sai lầm, sợ khiến bố mẹ thất vọng… Tuy nhiên, sẽ là một kết quả khác nếu mọi người thành thật chia sẻ với gia đình thay vì né tránh. Khi nói ra sự thật thì đầu tiên Châu vẫn bị mắng như thường chứ, nhưng sau đó bố mẹ sẽ luôn động viên và chia sẻ để cùng giải quyết vấn đề.
Bản thân Châu nhận thấy khi mình thành thật với bố mẹ thì cuộc trò chuyện sẽ trở nên cởi mở hơn. Dần dần, bạn sẽ nhận ra một điều rằng dù bạn có ra sao, thì bố mẹ luôn là người chào đón bạn và sẽ là người bạn luôn tin tưởng để tâm sự bất cứ chuyện gì.
4. Đưa cho bố mẹ giải pháp
Bạn hoàn toàn có thể là người chủ động tìm cách giải quyết cho những mâu thuẫn đang gặp phải với bố mẹ. Hồi xưa khi bố mẹ không cho Châu chuyển vào Sài Gòn vì sợ con gái ở một mình nguy hiểm, Châu trình bày với bố mẹ là Châu sẽ có Hạnh, có team bên cạnh chứ không phải một mình. Hoặc bố mẹ lo lắng khi Châu đi đóng phim về muộn, lịch làm việc dày đặc, Châu cũng trình bày là Châu đang tập trung phát triển sự nghiệp, và Châu vẫn cố gắng tập thể dục, ăn uống lành mạnh, chăm sóc bản thân. Rồi chính hành động của Châu khi sắp xếp công việc và cuộc sống khi ở Sài Gòn cũng giúp bố mẹ tin tưởng mình hơn để mình làm những gì mình muốn.
Từ đó, khi bố mẹ có gì không vừa lòng với Châu, Châu thường suy nghĩ thật kĩ xem việc đó nên được giải quyết thế nào để làm mình và cả bố mẹ được thoải mái, vui vẻ nhất. Chắc chắn sẽ có những lúc hai bên phải nhún nhường cho nhau nhưng đó là sự nhường nhịn khi đã nói chuyện và hiểu nhau. Khác hoàn toàn với sự chịu đựng, bực tức khi im lặng đấy mọi người.
Là một người trưởng thành, nếu bạn muốn được sống và làm như cách mình mong muốn thì hãy mạnh dạn đưa ra giải pháp để bàn luận với bố mẹ nhé!
5. Lưạ lời mà nói cho vừa lòng nhau
Đôi khi để giúp không khí gia đình vui vẻ, nhẹ nhàng hơn, bọn mình phải bán hàng lươn chút các bác nhỉ? Châu nghĩ là các bạn hoàn toàn có thể trở nên linh hoạt hơn trong cách ứng xử với bố mẹ mình ở những tình huống khác nhau. Ví dụ hôm nào bố mẹ vui vẻ, tinh thần phấn chấn thì lựa lời nhõng nhẽo xin xỏ một chút. Chứ hôm nào trời nóng 50 độ còn mất điện, tự nhiên lại lôi chuyện ra trách sao bố mẹ không hiểu con thì đúng là cãi nhau to!
Không có lí do gì mà không thể nhường nhịn bố mẹ mình một chút phải không mọi người? Sự linh hoạt đó cũng sẽ tạo ra những cơ hội để bản thân và bố mẹ được gắn kết hơn qua các cuộc nói chuyện. Hãy mềm dẻo những lúc cần thiết và cứng rắn đúng lúc để giảm sự căng thẳng trong gia đình nhé!
Châu hy vọng các bạn gen Z có thể áp dụng được các cách trên để trở nên thân thiết hơn với mama và papa của mình nha!
Có thể bạn cũng thích