Yêu Bản Thân
Kinh doanh thời trang để có thu nhập 200 triệu/ tháng – dễ hay khó?
Kinh nghiệm học trái ngành vẫn có thể kinh doanh thời trang.
Nguyễn Ngọc Mai, hay được mọi người biết đến với tên Sue, tốt nghiệp khoa tiếng Trung nhưng giờ đây đã trở thành cô chủ của thương hiệu Caffeine Studio. Sue còn có một kênh Youtube với 68k subscribers và TikTok với 104k follower để chia sẻ với các bạn trẻ những kinh nghiệm của mình về thời trang và kinh doanh.
Trong số đầu tiên của chuyên mục Money Smart, Chaubuinet đã có dịp trò chuyện cùng Sue chia sẻ những suy nghĩ của Sue về tiền, cách chi tiêu và xây dựng, quản lý cửa hàng kinh doanh của mình.
Chaubuinet hy vọng chuyên mục Money Smart sẽ giúp các bạn có nhiều thông tin hữu ích từ các anh chị đi trước đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình. Còn trong bài phỏng vấn hôm nay, chúng ta cùng trò chuyện với Sue nhé!
Tiền?
Bạn định nghĩa về tiền như thế nào?
Có rất nhiều định nghĩa về tiền khác nhau, nhưng Sue thấy, đối với việc tạo ra thu nhập cho bản thân thì tiền chính là thước đo giá trị. Số tiền bạn đang kiếm được là bao nhiêu đại diện cho những giá trị mà bạn đang tạo ra cho tổ chức, cho tập thể, cho cộng đồng.
Số tiền nhiều nhất bạn từng kiếm được là bao nhiêu?
Số tiền nhiều nhất mình từng kiếm được là hơn 200 triệu/tháng, bao gồm thu nhập từ nhiều công việc khác nhau (Phiên dịch, Influencer, Marketing, Kinh doanh).
Bạn cảm thấy xứng đáng nhất khi chi tiền cho việc gì?
Mình cảm thấy xứng đáng nhất khi chi tiền cho việc đầu tư tri thức cho bản thân. Mỗi tháng mình đều dành 1 số tiền nhất định để mua sách, tài liệu hoặc khóa học… để tìm hiểu thêm các kiến thức phục vụ cho công việc của mình.
Mình thấy đầu tư tri thức cho bản thân là hoàn toàn xứng đáng vì nó sẽ giúp mình phát triển sự nghiệp, tăng thêm thu nhập trong tương lai. Đây là khoản đầu tư mình thấy an toàn và sinh lời tốt nhất.
Bạn quan trọng tiền hơn hay đam mê hơn khi chọn công việc/sự nghiệp?
Nếu không có đam mê thì sẽ không có động lực để làm việc mỗi ngày, còn nếu không có tiền thì sẽ không có đủ điều kiện tối thiểu để mình có thể tiếp tục duy trì cuộc sống. Vì thế khi lựa chọn công việc mình luôn cân bằng 2 yếu tố này.
Tất nhiên, không điều gì tốt hơn là vừa được làm việc mình thích, vừa kiếm được nhiều tiền. Nhưng trong cuộc sống không phải lúc nào cũng được như ý muốn. Nếu mình không được làm công việc thực sự 100% như mình yêu thích mình sẽ tìm ra những góc cạnh, những điểm thú vị mà công việc ấy mang lại để tạo động lực làm việc cho mình.
Tiền sinh tiền
Theo kinh nghiệm của bạn, cần khoảng bao nhiêu vốn để có thể mở một cửa hàng thời trang?
Không có 1 con số cụ thể nào cho mức vốn cần có để mở một cửa hàng thời trang. Điều này phụ thuộc vào: mô hình kinh doanh, vị trí địa lý, sản phẩm, định hướng và tiềm lực có sẵn của mỗi người… Không thể lấy con số của người này để lắp vào người khác được.
Tuy không thể nói về 1 con số cụ thể nhưng mình sẽ note ra những hạng mục cơ bản cần có để mở 1 cửa hàng thời trang. Mọi người có thể dựa trên các đầu mục này, áp dụng vào tình hình thực tế của mình để tính mức vốn cần có. Bao gồm:
Mặt bằng cửa hàng trưng bày sản phẩm: tiền sửa chữa mặt bằng, tiền đặt cọc, tiền thuê nhà
Cơ sở sản xuất/kho bãi hoặc văn phòng làm việc: tiền sửa chữa/xây dựng, tiền đặt cọc, tiền thuê nhà
Hàng hóa: tiền mua sản phẩm treo bán và sản phẩm dự trữ trong kho
Dụng cụ, trang thiết bị: giá/kệ treo đồ, bàn thu ngân, máy tính, điều hòa, camera, hệ thống đèn, phần mềm quản lý bán hàng…
Chi phí vận hành, điểm bán, văn phòng (trong vòng 3-6 tháng đầu khởi sự)
Lương nhân sự (trong vòng 3-6 tháng đầu khởi sự)
Chi phí MKT, truyền thông, quảng cáo(trong vòng 3-6 tháng đầu khởi sự)
Theo bạn, bước nào khó nhất trong quá trình chuẩn bị và kinh doanh cửa hàng thời trang?
Theo mình, điều khó nhất trong quá trình chuẩn bị và kinh doanh thời trang chính là bước lên kế hoạch, định hướng cho thương hiệu của mình. Bạn sẽ phải xác định các yếu tố mang tính chất quyết định, xuyên suốt toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu như:
– Khách hàng mục tiêu
– Phân khúc thương hiệu
– Tính cách thương hiệu
– Giá trị cốt lõi
– Sản phẩm chủ đạo…
Nếu xác định không đúng các yếu tố này thì doanh nghiệp của bạn sẽ khó có thể hoạt động ổn định và phát triển lâu dài. Vì thế cần phải trau dồi kiến thức, nghiên cứu thị trường, xem xét, cân nhắc thật kỹ để có hướng đi đúng đắn.
Thời điểm nào bạn tự hào nhất về thương hiệu và business của mình?
Đó là thời điểm thương hiệu Caffeine Studio mới ra mắt. Mình cảm thấy tự hào bởi “đứa con” tinh thần của mình đã được khách hàng đón nhận và yêu mến. Chỉ trong một thời gian ngắn, Caffeine Studio đã có lượng khách ổn định và đặc biệt hơn là sự quay trở lại mua hàng của những khách hàng cũ. Đó là lời khẳng định cho sự cố gắng và nỗ lực của mình trong suốt một thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng.
Trong thời đại 4.0, quảng cáo digital rất quan trọng để một sản phẩm đến được với khách hàng. Bạn cảm thấy những kênh quảng cáo nào hiệu quả nhất cho thương hiệu của mình?
Với Caffeine Studio thì Facebook vẫn là kênh quảng cáo hiệu quả nhất. Bởi khách hàng của Caffeine Studio chủ yếu là các chị, các bạn trong độ tuổi từ 23-35 – những người đã đi làm và Facebook chính là nền tảng xã hội mà họ xuất hiện nhiều nhất. Việc tập trung quảng cáo trên Facebook giúp Caffeine Studio dễ dàng tiếp cận khách hàng và chốt đơn hiệu quả hơn.
Thế nhưng, với sự phát triển của các nền tảng khác và mong muốn mở rộng thị trường tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn thì Caffeine cũng phát triển song song các kênh truyền thông trên 1 số nền tảng mạng xã hội khác như Instagram, Tiktok, Youtube và cả các sàn thương mại điện tử.
Bạn nghĩ có cần phải học trong ngành thời trang mới có thể kinh doanh thời trang?
Xuất phát điểm của mình là trái ngành trái nghề, mình không hề học ngành thời trang trước khi bước chân vào công việc này nhưng vẫn có thể xây dựng và phát triển thương hiệu riêng. Và mình nghĩ, nếu mình làm được, thì tất cả những bạn khác có niềm đam mê với thời trang cũng có thể làm được. Tất nhiên, trong quá trình phát triển đó mình cũng đã phải tìm tòi và học hỏi rất nhiều kiến thức về thời trang và kinh doanh. Thế nên không cứ phải học trong ngành thời trang mới có thể kinh doanh thời trang được, chỉ cần mọi người có đam mê và thực sự nghiêm túc với nghề.
Làm thế nào để quản lý nguồn vốn và chi tiêu hợp lý khi kinh doanh cửa hàng thời trang?
Mình đã từng chia sẻ về vấn đề này trong bộ tài liệu “Khởi sự kinh doanh thời trang” do chính mình biên soạn thì kinh doanh là bài toán khó, mà trong đó người kinh doanh bắt buộc phải biết tính toán và lên kế hoạch. Để có thể nắm bắt và điều hành được doanh nghiệp, làm chủ được nguồn vốn, trước tiên bạn phải là người biết và hiểu về quản trị kinh doanh, kế toán. Nếu muốn đi đường dài thì mọi người vẫn cần phải học nhiều hơn, trang bị nhiều kiến thức chuyên môn hơn bằng cách học thêm kiến thức về: kế toán, quản trị tài chính, quản trị dòng tiền…
Một sự thật về kinh doanh thời trang mà nhiều bạn trẻ không biết trước khi bắt đầu?
Rất nhiều bạn chia sẻ với mình là đi làm mệt mỏi và gò bó quá, muốn về nhà tự kinh doanh cho nhẹ đầu. Sự thật là kinh doanh thời trang không nhàn và nhẹ đầu như nhiều người nghĩ.
Khi kinh doanh thời trang hay bất cứ ngành nghề nào bạn sẽ phải làm rất nhiều việc và suy nghĩ rất nhiều. Đi làm thuê còn có ngày nghỉ, hết giờ hoặc hết việc bạn có thể nghỉ ngơi rồi. Công việc dù áp lực tới đâu nhưng cũng sẽ có đồng nghiệp cùng san sẻ, hoặc sếp của bạn sẽ là người giúp bạn hoàn thành công việc còn thiếu sót.
Nhưng nếu làm chủ, trong khoảng thời gian đầu khởi sự, bạn sẽ phải làm việc liên tục nhiều tiếng 1 ngày, thậm chí cuối tuần cũng phải làm việc như ngày thường. Bạn không chỉ phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm mà còn phải chịu trách nhiệm những việc mình không làm. Nếu bán được hàng còn vui, chứ nếu không bán được hàng thì lại phải chịu áp lực về tiền: Lấy tiền đâu để trả tiền thuê nhà, tiền đâu để trả lương nhân viên, rồi tiền điện, tiền nước, tiền internet, phí ngân hàng, tiền đóng các loại thuế… Chỉ riêng việc nhìn số hàng tồn trong kho cũng đủ khiến bạn cảm thấy đau đầu vô cùng. Đó là chưa kể đến những lúc phát sinh vấn đề, bạn sẽ phải là người giải quyết, không thể nào trốn tránh hay đùn đẩy cho ai. Thế nên nếu nghĩ kinh doanh cho nhẹ đầu thì mọi người nên cân nhắc lại nha.
Bạn có kế hoạch tương lai nào cho business của mình? Bạn muốn mở rộng sang những ngành khác hay tiếp tục theo đuổi thời trang?
Hiện tại mình đang trong quá trình hoàn thiện từng khâu, từng quy trình bài bản cho hệ thống online và cửa hàng vật lý để chuẩn bị hướng tới mở rộng Caffeine Studio ra nhiều tỉnh thành, phát triển Caffeine Studio trở thành chuỗi cửa hàng thời trang với phong cách dành riêng cho những cô gái yêu thích sự cá tính, hiện đại và thời thượng.
Cảm ơn Sue đã tham gia phỏng vấn cùng chaubuinet. Chúc Sue thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp của mình.
Có thể bạn cũng thích