Chăm Sóc Da
8 “kim chỉ nam” kiềm dầu cho da đi qua mùa nóng
Bạn vẫn còn tự ti với “chảo dầu” dưới nắng hè rực rỡ?
Mùa nóng đích thị là “kẻ thù” của những ai sở hữu làn da dầu. Thử nghĩ đến việc chống nắng cẩn thận, trang điểm xinh xắn rồi chỉ sau vài giờ đồng hồ ngoài trời, làn da tiết dầu làm trôi các lớp mỹ phẩm, khuôn mặt bóng nhẫy khó chịu? Ngược lại, vì làn da dầu mà cản trở những bức ảnh “sống ảo” dưới nắng hè rực rỡ liệu có đáng? Chaubuinet giúp bạn điểm qua những mẹo nhỏ kiềm dầu cho da để thỏa sức tận hưởng mùa hè.
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng “chảo dầu” vào mùa hè?
Trước khi đi tìm các bí quyết kiềm dầu, tính chất làn da cần được hiểu rõ. Bạn đã biết đằng sau quá trình sản xuất bã nhờn trên bề mặt da? Da được tạo thành từ các lỗ chân lông nhỏ với các tuyến bã nhờn bên dưới. Các tuyến này đảm nhận nhiệm vụ tạo ra bã nhờn (còn gọi là dầu) cần thiết để cấp ẩm và duy trì làn da khỏe mạnh. Thế nên, đừng nhầm lẫn việc chăm sóc da dầu là loại bỏ hết chất dầu trên da.
Thời tiết oi bức, nóng ẩm khiến các tuyến bã nhờn có xu hướng sản xuất “năng suất” hơn như một nỗ lực để giữ nước cho làn da. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như gen di truyền hoặc biến động nội tiết tố cũng là yếu tố làm tăng lượng dầu trên da – một trong những nguyên nhân dẫn đến bít tắc lỗ chân lông gây nổi mụn.
1. Kem dưỡng ẩm mỏng nhẹ
Đừng lầm tưởng có thể bỏ qua bước dưỡng ẩm khi đã có nhiều dầu trên da. Thực tế, vì làn da không đủ ẩm nên tuyến bã nhờn buộc phải hoạt động “mạnh mẽ” hơn so với bình thường. Kem dưỡng ẩm là bước cần thiết để ngăn chặn quá trình sản xuất bã nhờn quá mức, giúp kiềm dầu cho da.
Không chỉ dành riêng cho da dầu, tất cá các loại da nên thay đổi một số sản phẩm trong chu trình dưỡng nhằm phù hợp với tính chất thời tiết. Với mức độ nắng nóng ngày hè, kem dưỡng ẩm dạng gel hoặc có gốc nước là sự lựa chọn lý tưởng cho làn da dầu. Kết cấu kem mỏng nhẹ thay thế cho các dạng kem đặc, dễ dàng thấm sâu vào da mà không gây bết rít, bóng nhờn.
2. Tẩy da chết
Các tế bào chết trên da cần được loại bỏ nhằm tạo độ sạch sẽ và thông thoáng cho lỗ chân lông, hạn chế dầu thừa và bụi bẩn trên da. Bạn có thể áp dụng cách tẩy da chết vật lý hoặc hóa học từ 1-2 lần mỗi tuần trong chu trình dưỡng da kiềm dầu. Tương tự như giấy thấm dầu, đừng lạm dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết quá 2 lần mỗi tuần nếu không muốn tổn thương bề mặt da và kích thích tuyến bã nhờn với làn da thiếu ẩm.
3. Mặt nạ kiềm dầu
Một số thành phần mặt nạ dưỡng da hỗ trợ kiềm dầu bạn có thể thử:
- Đất sét: Mặt nạ có chứa các khoáng chất như smectite hoặc bentonite có thể hấp thụ dầu, làm giảm độ bóng của da không gây kích ứng. Sử dụng tối đa 2 lần/tuần nhằm ngăn da bị khô và thoa kem dưỡng ẩm mỏng nhẹ sau khi đắp.
- Mật ong: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng mật ong có khả năng kháng khuẩn và khử trùng. Đắp mặt nạ mật ong trong 10 – 15 phút có thể làm giảm mụn trứng cá và bã nhờn mà vẫn đảm bảo độ ẩm và tính mềm mại của da.
- Yến mạch: Mặt nạ chứa yến mạch giúp làm sạch sâu. Yến mạch chứa saponin giúp làm sạch, chất chống oxy hóa và các hợp chất chống viêm có thể làm dịu da bị kích ứng.
4. Xông hơi mặt
Tuy không được nhắc đến và áp dụng nhiều, xông hơi mặt là một trong những phương pháp thải độc da hiệu quả nên bổ sung vào chu trình dưỡng da. Khi tiếp xúc với sức nóng của hơi nước, các lỗ chân lông sẽ giãn nở và loại bỏ hầu hết bụi bẩn và chất độc. Ngoài ra, đây cũng là cách để da hấp thu nước trực tiếp, giúp ích cho quá trình kiềm dầu. Chanh – sả, cam thảo – bạc hà và lá trà xanh – tía tô là các công thức xông hơi đơn giản, hiệu quả. Một lưu ý nhỏ sau khi xông, bạn nên rửa mặt bằng nước lạnh hoặc chườm đá lạnh để thu nhỏ lỗ chân lông sau quá trình giãn nở.
5. Nước micelle “thần kỳ”
Một số người giữ thói quen rửa mặt thường xuyên để loại bỏ lớp dầu trên mặt. Thế nhưng, rửa mặt với tần suất cao không phải là giải pháp lý tưởng cho các làn da dầu. Cách này khiến da bị khô vì mất đi lượng dầu cần thiết trên mặt, đồng thời “tiếp tay” cho các tác nhân gây hại từ môi trường dễ dàng xâm nhập vào lỗ chân lông.
Nước micelle (micellar water) là phát minh đáng ghi nhận của ngành công nghiệp mỹ phẩm. Bạn có thể dùng nước micelle thay thế nước tẩy trang để loại bỏ lớp trang điểm mà không cần rửa lại. Sản phẩm này giúp bạn tiết kiệm thời gian tẩy trang, hạn chế rửa mặt thường xuyên và đặc biệt rất tiện dụng để mang theo khi đi du lịch.
6. Giấy thấm dầu “bất ly thân”
Giấy thấm dầu nên là món đồ cố định trong túi của bạn khi xuống phố. Sản phẩm này không can thiệp vào quá trình sản xuất bã nhờn trên da. Giấy thấm dầu được sử dụng để loại bỏ dầu thừa trên bề mặt da, giúp giảm độ bóng nhờn và tạo cảm giác khô thoáng, thoải mái.
Tuy “bất ly thân” nhưng giấy thấm không được coi là “kim chỉ nam” cho việc kiềm dầu. Lạm dụng giấy thấm sẽ gây tác dụng ngược khi hút sạch lượng dầu cần thiết trên da, kích thích tuyến bã nhờn sản xuất nhiều hơn.
7. Phấn phủ kiềm dầu
Phấn phủ dạng bột được khuyên dùng cho những tín đồ trang điểm sở hữu loại da dầu hoặc hỗn hợp thiên dầu. So với dạng nén, phấn phủ dạng bột với những hạt phấn li ti sẽ tránh được tình trạng bí da, giữ lớp trang điểm ổn định qua nhiều giờ.
8. Chế độ ăn uống phù hợp
Bên cạnh các yếu tố ngoài da, việc ăn uống mùa hè cũng nên được cân nhắc trong chu trình dưỡng da kiềm dầu. Dựa trên tính chất thời tiết nóng bức, chế độ ăn uống nên cắt giảm các thức ăn nhiều dầu mỡ như đồ chiên. Thay thế các loại đồ ăn vặt bằng rau củ, trái cây. Đặc biệt, hạn chế các thức uống có cồn và đồ ngọt để giảm nguy cơ nổi mụn. Tất nhiên, việc uống đủ nước phải được đảm bảo để da luôn ẩm và căng mọng, mịn màng.
Mặt khác, thư giãn là yếu tố quan trọng không kém chế độ ăn uống. Căng thẳng và áp lực là một trong những nguyên nhân gây rối loạn hormone, kích thích tuyến bã nhờn sản sinh mạnh trên da. Hãy cân bằng công việc và thư giãn hợp lý để duy trì làn da cũng như sức khỏe tốt nhất xuyên suốt mùa hè nhé!
Có thể bạn cũng thích