Home / Phong Cách Sống / Yêu Bản Thân / Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì và cách cùng các bạn trẻ vượt qua
Icon Icon Icon

Yêu Bản Thân

Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì và cách cùng các bạn trẻ vượt qua

Bố mẹ đồng hành cùng các con sẽ giúp giải quyết khủng hoảng này.

04/05/2022

Có thể nói độ tuổi dậy thì là độ tuổi mà mỗi con người có sự thay đổi lớn nhất từ ngoại hình, thể chất cho đến tính cách. Một số bạn có thể sẽ thích nghi được với sự thay đổi nhanh chóng đó. Nhưng ngược lại, sẽ có những bạn cảm thấy bị áp lực, hay thậm chí là khủng hoảng với bản thân và cuộc sống của mình.

Tuy bản thân không gặp quá nhiều khủng hoảng trong giai đoạn dậy thì nhưng Châu cũng hiểu được phần nào đó những tâm tư, suy nghĩ của những bạn đang trong độ tuổi này. Vậy cụ thể thì hiện tượng này là gì và làm sao để gia đình có thể cùng các bạn trẻ vượt qua nó, hãy cùng Châu tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay nhé!

Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là gì?

Đầu tiên, khi xét về mặt sinh học thì đây là độ tuổi chuyển đổi vô cùng khó khăn khi cơ thể sẽ gia tăng mạnh mẽ nội tiết tố sinh dục của nữ và nam. Việc này làm thúc đẩy sự tằng trưởng và tạo ra những sự thay đổi đặc thù của mỗi giới tính.

Dậy thì là một độ tuổi khá nhạy cảm, hầu hết khi trẻ bước vào giai đoạn này để phát triển một cách nhanh chóng về thể chất lẫn tinh thần. Cũng chính vì đó mà nhiều bạn khi không được trang bị kiến thức từ trước sẽ dễ cảm thấy áp lực, hoang mang hay thậm chí xấu hổ với cơ thể của mình.

Ngày nay, còn có nhiều yếu tố khác có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thanh thiếu niên như áp lực học tập, áp lực thi cử,… Dần dần tích tụ, nếu những sự đè nặng đó không được giải tỏa thì lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong tâm lí tuổi dậy thì.

Ảnh – COACH Kids

Những rối loạn trong tâm lý thường gặp ở tuổi dậy thì

  • Rối loạn hành vi và tâm lý: một dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi thanh thiếu niên bước vào độ tuổi này đó là thường sống khép kín, trở nên tự ti và ít chia sẻ hơn. Mất đi sự tự tin, trở nên rụt rè khiến các em gặp khó khăn trong giao tiếp, dễ tự nghi ngờ chính mình và không muốn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình ra bên ngoài. Khi đó, nhiều em thậm chí còn không thể kiểm soát được hành vi, không biết bản thân mình muốn gì.
  • Rối loạn cảm xúc: trở nên nhạy cảm hơn là biểu hiện thường thấy trong độ tuổi này. Luôn thấy bản thân dễ vui buồn bất chợt, tinh thần bất ổn, lúc thì hứng thú trong học tập, lúc thì chản nản không muốn làm gì. Các em có thể sẽ rất nhạy cảm với những lời trêu chọc, chê trách và cũng dễ xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, không lành mạnh hơn.
  • Stress và trầm cảm: những áp lực từ học tập, sự thay đổi của bản thân hay các mối quan hệ với gia đình, bạn bè tại độ tuổi này là lớn hơn bao giờ hết. Nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn cho rằng đó chỉ là do các em cứ hay tưởng tượng ra, “suốt ngày chỉ cần ăn với học mà làm gì phải căng thẳng”. Thế nhưng những áp lực vô hình đó lại không hề đơn giản, có thể sẽ để lại hậu quả khó lường nếu không có sự giúp đỡ và giải tỏa.

Vậy làm sao để vượt qua sự khủng hoảng trong tâm lí này?

Có những bạn sẽ có thể tự cân bằng suy nghĩ, cảm xúc của mình và trải qua giai đoạn này tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, sẽ cũng có những trường hợp cần sự giúp đỡ của người lớn hơn. Nếu bạn là anh chị, hoặc bố mẹ đang có con em trong độ tuổi này thì có thể tham khảo một số cách sau đây nhé:

1. Lắng nghe và tâm sự

Tâm sự, trò chuyện có vẽ là một trong những chìa khóa để giúp các em vượt qua tình trạng này. Như Châu đã nhắc để ở trên rằng trong độ tuổi này, chúng ta rất hay thu mình lại, sống khép kín và xa cách hơn với bố mẹ. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên có sự chủ động hơn một chút để chủ động bắt chuyện và chia sẻ với các em.

Châu trước đây ở độ tuổi này cũng đã có rất nhiều lần ngỡ ngàng với sự thay đồi của cơ thể mình. Khi đó, internet cũng chưa phổ biến như hiện nay, mình không có nhiều nguồn để tự tìm hiểu hay tâm sự với ai. Nhưng rất may khi đó mẹ Lan luôn là người sẵn sàng lắng nghe và giải thích và hướng dẫn mình cách đối mặt với những thay đổi này.

Ảnh – Verywell Family

2. Dành sự riêng tư cho các bạn

Quan tâm giúp đỡ nhưng không phải là quản lý cuộc sống của các bạn. Hầu hết ở độ tuổi này các bạn đểu có tâm lý chung rằng không muốn ba mẹ quá khắt khe hay can thiệp vào sinh hoạt của mình. Vì vậy, phụ huynh hoặc anh chị cũng nên tôn trọng những sở thích, thói quen của các bạn và để cho các bạn sự tự do phát triển và được làm những điều mình thích.

Tuy nhiên, độ tuổi này cũng là độ tuổi dễ bị dụ dỗ hoặc sa lầy vào những cám dỗ bởi môi trường xung quanh. Thế nên gia đình cũng sẽ cần có những biện pháp quan tâm đến các bạn trẻ một cách tinh tế và nhẹ nhàng!

3. Cùng nhau giải quyết các vấn đề

Khi mọi người chịu lắng nghe thì đến một lúc, các bạn trẻ cũng sẽ cảm thấy tin tưởng và dám tâm sự với các bạn những khó khăn thầm kín mà các bạn không biết nói với ai ngoài người thân. Những lúc ấy, thay vì lập tức trách móc hay la mắng thì các bậc phụ huynh hãy thử làm bạn với con mình để có thể cùng nhau giải quyết vấn đề.

Chẳng hạn nếu như các bạn trẻ tự ti về ngoại hình, phụ huynh có thể hoạt động thể thao, xây dựng chế độ dinh dưỡng hay hướng dẫn các bạn cách chăm sóc ngoại hình của mình. Những áp lực học tập cũng sẽ cần được phụ huynh thấu hiểu và tạo động lực cho con một cách tích cực chứ không phải chỉ là la mắng mỗi khi có kết quả không tốt.

Trong khi đó, một số vấn đề riêng tư hơn như chuyện tình cảm thì đôi khi phụ huynh chỉ cần đóng vai một người bạn biết lắng nghe sẽ tốt hơn là cố gắng làm gì đó.

4. Cho các bạn tham gia các lớp kỹ năng

Để các bạn tham gia những lớp kỹ năng hay hội nhóm sinh hoạt theo sở thích của có thể sẽ giúp các bạn trẻ mạnh dạn hơn trong giao tiếp và hòa đồng hơn. Hiện nay có rất nhiều lựa chọn cho mọi người tùy thuộc vào mục đích mà bạn muốn trẻ được rèn luyện kỹ năng gì.

Ngoài ra, các lớp học này còn có rất nhiều bạn bè đồng trang lứa, điều này sẽ giúp các bạn trẻ cảm thấy thoải mái hơn cũng như tăng tính kết nối với mọi người xung quanh.

Ảnh – Grey Journal

Sự phát triển về mặt tâm lí trong độ tuổi dậy thì là yếu tố rất quan trọng để hình thành tính cách, con người của các bạn trẻ trong tương lai. Vì vậy, hy vọng gia đình sẽ luôn là một điểm tựa có thể thấu hiểu và đồng hành cùng các bạn trẻ vượt qua giai đoạn này nhé!

CHIA SẺ BÀI VIẾT!

Icon Icon Icon

Có thể bạn cũng thích

BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nội dung bình luận *

Tên của bạn *

Địa chỉ email *

...
               
Đăng ký email để nhận tài liệu "7 Thói Quen Của Người Thành Công"!