Yêu Bản Thân
Hội chứng Zeigarnik – Nỗi ảm ảnh đến từ những công việc chưa hoàn thành
Cảm giác lo lắng, nôn nao vì chưa hoàn thành công việc.
Đã có bao giờ bạn đang nghỉ ngơi nhưng trong lòng vẫn ăn không ngon, ngủ không yên bởi những việc còn đang dang dở không? Lúc chuẩn bị ngủ thì cảm thấy nôn nao vì chưa nộp báo cáo, ngược lại, lúc đi làm thì lại nhớ đến việc nhà cửa chưa được dọn sạch sẽ.
Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Zeigarnik, một tình trạng khá phổ biến trong cuộc sống bận rộn ngày nay. Tuy nhiên, nếu biết kiểm soát thì hiệu ứng này có thể hữu ích để thúc đẩy bạn hoàn thành tốt công việc đấy!
Hiệu ứng Zeigarnik thực sự là gì?
Khi bản thân đang phải chịu tác động bởi hiệu ứng Zeigarnik, bạn sẽ cảm thấy tâm trí luôn bị nhắc nhớ đến những việc mà mình chưa hoàn thành. Thậm chí dù đang làm việc khác cũng quan trọng không kém nhưng đầu óc thì vẫn cứ liên tục gợi nhớ bạn tới hành động trước đó và thôi thúc bạn phải hoàn thành cho xong.
Một cảm giác nôn nao, sốt ruột có lẽ là cách giải thích dễ hiểu và chính xác nhất về hiệu ứng Zeigarnik. Nếu để tình trạng này kéo dài lâu ngày sẽ khiến bạn bị căng thẳng triền miên và rất khó chấm dứt sự sốt ruột này, vì có bao giờ danh sách công việc cần làm kết thúc đâu, đúng không nào?
Tại sao lại có hiệu ứng Zeigarnik
Mỗi con người sẽ có 3 loại trí nhớ: trí nhớ tạm thời, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Khi bạn nhận một công việc A đòi hỏi phải xong trước một thời hạn đã đặt ra, công việc đó sẽ được lưu lại trong trí nhớ tạm thời. Sau đó, khi sự chú ý của bạn dành cho công việc A nhiều hơn và bạn muốn lưu trữ các thông tin về nó thì lúc đó, các thông tin này sẽ được chuyển sang trí nhớ ngắn hạn.
Tại đây, nếu bạn cứ liên tục tự tạo ra những áp lực lên bản thân thì những thông tin về công việc A đó sẽ hiện lên trong trí nhớ ngắn hạn của bạn một cách thường xuyên. Chính lúc đó, hiệu ứng Zeigarnik sẽ khiến bạn luôn bị ám ảnh phải hoàn thành thật nhanh dù deadline thì vẫn còn xa.
Làm sao để tận dụng hiệu quả hiệu ứng Zeigarnik?
Khi đã hiểu rõ về cơ chế của hiệu ứng Zeigarnik, bạn sẽ có cơ hội để biến những nhược điểm của hiện tượng này thành ưu điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của mình. Việc khắc phục những tác động của tình trạng này giúp bạn không bị rơi vào trạng thái hoang mang, áp lực hay căng thẳng kéo dài.
Cải thiện trí nhớ
Bạn có tin rằng hiệu ứng Zeigarnik sẽ giúp bạn cải thiện trí nhớ của mình tốt hơn không? Một lần nữa, Châu muốn giới thiệu với mọi người phương pháp làm việc Pomodoro, làm 25 phút nghỉ 5 phút để có thể chia nhỏ khảng thời gian làm việc của mình. Những điều bạn cần nhớ sẽ lặp đi lặp lại trong tâm trí mỗi khi nghỉ ngơi hoặc làm một việc khác. Điều đó không chỉ giúp bạn nhớ kĩ hơn mà còn giúp đầu óc thông suốt hơn khi trở lại làm việc.
Ví dụ đối với Châu, khi cần học thuộc một kịch bản quay, Châu sẽ chia thành từng đoạn nhỏ để đọc đi đọc lại nhiều lần thay vì cố gắng nhồi nhét cả một lượng thông tin lớn vào đêm trước ngày quay. Châu thấy rằng học từng phần nhỏ giúp Châu nhớ được lâu hơn mà vẫn có khả năng kết nối các đoạn nhỏ đó thành một kịch bản hoàn chỉnh.
Khắc phục sự trì hoãn
Hiệu ứng Zeigarnik rất tốt để bạn thoát khỏi sự trì hoãn của bản thân trong công việc. Hiệu ứng này sẽ như một động lực vô hình thúc đẩy bạn mỗi ngày, lôi kéo bạn ra khỏi vũng lầy của sự gián đoạn, trì hoãn trong công việc.
Bạn có thể tự tạo ra cho mình cảm giác này bằng cách bắt tay thực hiện ngay bước đầu tiên của những việc cần làm. Khi đó, tâm trí bạn có khả năng sẽ cảm thấy nôn nao hơn để thôi thúc bạn hoàn thành công việc và nhận thành quả.
Có một cách rất hay mà bạn có thể thử để kiểm soát hiệu ứng này, đó là thành lập to-do-list. Danh sách những việc cần làm mỗi ngày sẽ là một động lực vừa đủ để bạn muốn chinh phục và tick hết các đầu việc đã đề ra. Viết ra những điều cần làm cũng là cách mình ưu tiên việc quan trọng để hoàn thiện trước và giúp não bộ nhớ được nhiều chi tiết hơn trong một ngày. Cuối cùng, chính hành động viết to-do list là cách để mình bình tâm, bình tĩnh hơn khi đầu óc đang rối ren, căng thẳng vì bận rộn.
Hiệu ứng Zeigarnik đôi khi thật khó chịu vì không lúc nào để đầu óc chúng ta được yên bởi những công việc dang dở. Tuy nhiên, hãy biến cách để biến những áp lực đó thành một động lực tốt để cải thiện năng suất làm việc của mình nhé!
Có thể bạn cũng thích