High & Low
Hoàng Thị Minh Hồng: “Giới trẻ không phải là những người gây ra biến đổi khí hậu, mà lại sẽ phải chịu hậu quả của biến đổi khí hậu trong suốt cuộc đời mình.”
Đừng nghĩ sống xanh là sống khổ!
Châu là người thường xuyên theo dõi tin tức và hoạt động của các tổ chức bảo vệ môi trường. Trong đó, CHANGE là một tổ chức mà Châu rất thích, từ cách truyền tải thông điệp đến các hoạt động mà CHANGE tổ chức đều ấn tượng. Châu may mắn được trò chuyện nhiều hơn cùng chị Hoàng Thị Minh Hồng, một người phụ nữ tràn đầy cảm hứng, người sáng lập tổ chức CHANGE, người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đặt chân lên Nam Cực. Ngoài ra, chị Minh Hồng còn là người Việt đầu tiên đầu tiên giành được học bổng của Quỹ Obama tại Đại học Columbia.
Trong bài phỏng vấn cuối cùng của năm cũ, chị Minh Hồng đã chia sẻ với chaubuinet rất nhiều điều về kỷ niệm trong chuyến đi lên Nam Cực và những cảnh tỉnh về môi trường tự nhiên rất hữu ích cho thế hệ trẻ chúng ta. Cùng tìm hiểu thêm qua cuộc nói chuyện sâu sắc và đáng nhớ này của Châu và chị Hồng nhé!
Get to know chị Hoàng Thị Minh Hồng:
Chị thường làm gì vào những ngày nghỉ?
Nói thì chắc hơi chán, nhưng ngày nghỉ thì nhiều khi mình vẫn làm việc. Một mặt thì vì công việc của mình khá là thú vị, làm cũng vui như chơi (chắc đây là bí quyết để ai đó có thể thích làm việc), mặt khác là không phải làm việc là nhất thiết phải làm các công việc bàn giấy như ở văn phòng, đúng không nào? Mình có thể xem 1 bộ phim tài liệu hay của Netflix để lấy thêm thông tin và nguồn cảm hứng, hoặc xem các quảng cáo ấn tượng của các dự án môi trường xã hội ở các nước để lấy ý tưởng cho các dự án truyền thông của mình. Hôm nào có đám bạn thân cấp 3 rủ cà phê hay ăn uống thì lại tụ tập “tám” nổ trời. Hoặc hôm nào cậu con trai hứng lên thì mình lại làm tài xế chở nó và đám bạn đi xem phim, thả nó vào rạp rồi mình lượn shopping. Nhưng cũng có những hôm thì chỉ nằm dài, chơi với mèo và chụp ảnh hoe hoét trong vườn cả ngày, hoặc nấu 1 món gì đó mà cậu con trai đặt hàng.
Một quyển sách mà chị nghĩ các bạn trẻ nên đọc một lần?
Cuốn Becoming của phu nhân cựu Tổng thống Mỹ, chị Michelle Obama, vì nó rất là truyền cảm hứng. Một phụ nữ da màu từ một gia đình lao động đã vươn lên và được nhận vào học luật tại một trường đại học danh tiếng nơi mà phần lớn mọi người đều là nam giới, và đều có xuất thân gia đình hay màu da khác mình. Khi trở thành phu nhân của một tổng thống Hoa Kỳ quyền lực, chị lại không dựa vào danh tiếng của chồng mà vẫn có con đường riêng của mình. Một người phụ nữ, một người mẹ với đầy đủ những giây phút yếu đuối của riêng mình và không ngần ngại bộc lộ ra những sự yếu đuối đó. Một người da màu lớn lên trong một cộng đồng bị kỳ thị và luôn bằng mọi cách chứng minh sự bình đẳng về màu da và sắc tộc và giúp những người da màu khác có được sự bình đẳng đó. Một trái tim lớn yêu thương trẻ em và những người yếu thế, và cam kết sẽ làm tất cả để bảo vệ những nhóm yếu thế này. Một cái đầu cực kỳ sắc sảo, thông minh, một cách kể chuyện thân thiện, sâu sắc, nhiều khi lại rất hóm hỉnh. Và câu chuyện tình của chị ấy với cựu tổng thống Barack Obama thì cũng thú vị và diễm lệ chẳng kém gì câu chuyện tình của mỗi người trong chúng ta. Đọc becoming có thể làm cho phần lớn các chị em, bạn gái trẻ tự tin hơn vào bản thân mình. Michelle là idol của mình, vì nàng ngọt ngào nhưng cương quyết, nàng đánh thức sự dũng cảm trong mỗi người, để đối diện và vượt qua những thử thách trong cuộc đời, để yêu thương và giúp đỡ người khác, để mình trở nên tốt hơn mỗi ngày, và để xã hội tốt hơn mỗi ngày.
Nếu chọn một nơi trên thế giới để đến sinh sống và làm việc, chị sẽ chọn nơi nào?
Nếu đi du lịch, hoặc sống làm việc ngắn hạn thì mình thích nhiều nơi lắm, như Mỹ chẳng hạn. Nhưng sống và làm việc lâu dài thì mình chỉ thích ở Việt Nam, vì ở đây mình có cảm giác mình có ích hơn, có thể tạo ra các tác động lớn hơn cho cộng đồng. Việt Nam còn nhiều vấn đề trong quá trình phát triển, nên chẳng lúc nào thiếu việc để làm, tính mình thích luôn bận rộn, mình luôn cần có “khủng hoảng” để giải quyết, chứ sống ở môi trường nào êm đềm quá thì lại thấy buồn tẻ. Và tất nhiên, ở Việt Nam có mẹ, và cũng đông bạn bè hơn, tụ tập không phải nói tiếng Anh mỏi mồm, thoải mái hơn nhiều chứ. Đồ ăn ngon nữa!
Trong thời gian gần đây, khoảnh khắc nào trong cuộc sống khiến chị cảm thấy hạnh phúc nhất?
Mỗi khi mình ở cạnh cậu con trai. Cậu ấy 14 tuổi, đã đủ lý luận và khôn ngoan để nói chuyện thú vị, nhưng vẫn còn những cái ngây thơ trẻ con, vẫn còn ở cái tuổi còn yêu mẹ, chưa đến lúc lạnh lùng của tuổi teen (chắc cũng sắp), nên mỗi cuối tuần ở nhà với cậu ấy rất vui. Cậu ấy dạy cho mình nhiều thứ mới hay ho, gu nhạc cũng hay, cậu ấy giúp cho mình không bị tụt hậu với các trend của giới trẻ.
Một câu nói mà chị rất tâm đắc trong cuộc sống?
“It is better to light a candle than to curse the darkness” (Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối).
Câu hỏi về công việc và sự nghiệp
Được biết chị đã 2 lần đến Nam Cực, chị có còn nhớ cảm xúc lúc đó không? Có kỷ niệm nào mà chị đặc biệt nhớ mãi không?
Chuyến đầu mình đi là năm 1997. Chắc chắn là không thể nào quên được cảm xúc khi mình đặt bước chân đầu tiên lên châu lục lạnh giá nhưng đẹp mê hồn đó. Nghe tiếng băng lạo xạo bên dưới chiếc ủng băng nặng trịch, và thầm nghĩ “Trời ơi mình là người Việt Nam đầu tiên tới đây!”. Mình nhớ là cả đoàn mình khi đó, 35 thanh niên 17-24 tuổi từ 25 quốc gia, đã chạy nhảy điên loạn trên băng hò hét vì quá khích. Sự quá khích đó cũng đã dẫn đến vụ mình đã mặc áo dài để chụp ảnh, lạnh cóng nhưng lại có được những bức hình để đời và những kỷ niệm dễ thương khi các bạn tranh nhau mượn áo dài của mình để mặc thử.
Nhiều kỷ niệm nhớ mãi lắm, chọn kể một chuyện thôi vậy. Đấy là trong chuyến lần 2 năm 2009. Một hôm cả đoàn quyết định làm một hành động gì đó để gửi thông điệp về biến đổi khí hậu một cách mạnh mẽ nhất. Rồi kết luận là cả lũ sẽ mặc áo bơi, nhảy từ trên tàu xuống biển Nam Cực, khi trời đang nhiệt độ âm. Nói chung là cũng không hiểu vì sao mà mình sống qua được vụ đó. Cái giây phút mình nhảy xuống mặt biển lềnh bềnh đầy băng rồi chìm xuống, mình vừa quá lạnh vừa quá sợ cũng không quạt nước để nổi lên ngay được, nước lạnh như hàng nghìn cái kim châm vào người. Rồi mình mở mắt ra nhìn, nước biển trong vắt xanh thẳm vô tận, yên tĩnh và đẹp mê hồn; rồi mình nhớ ra là phải nổi lên, thế là quạt tay quạt chân cuống cuồng để ngoi lên. Khi trèo lên lại lên tàu thì người lạnh cóng cứng đờ, run cầm cập. Rồi một ly vodka nóng rực đổ vào họng. Rồi chạy vội vào nhà tắm xối nước nóng, một lúc thì tay chân có cảm giác trở lại. Một cảm giác mạnh không thể nào quên. Nhưng cả đoàn đã làm được một bức ảnh ghép rất ý nghĩa, ghép từ mấy chục bức ảnh của từng thành viên nhảy xuống biển, với thông điệp: “Ngay cả Nam Cực mà còn ấm đến mức phải đi bơi thế này, thì trái đất nóng lên nhiều lắm rồi. Phải hành động khẩn cấp thôi!”.
Sau chuyến đi đó chị đã nhận ra điều gì mà quyết định từ bỏ công việc làm báo ổn định của mình để đứng lên gây dựng các hoạt động bảo vệ môi trường?
Khi ở Nam Cực, những lúc ngồi ngắm cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn, nhận ra mình đã may mắn đến cỡ nào, thì thật sự mình chỉ muốn làm cái gì đó để “trả ơn đời” cho cái cơ hội có một không hai mà mình đã có được. Nhưng sâu xa thì là hơn thế nhiều. Chuyến đi đó đã thật sự thay đổi nhận thức, suy nghĩ của mình về môi trường và trách nhiệm của mỗi người. 35 thành viên trẻ của đoàn được lựa chọn bởi các tất tiêu chí rất khác nhau, đại diện cho các nền tảng giáo dục, nghề nghiệp, địa vị xã hội, màu da, văn hoá, tôn giáo, quan điểm chính trị hoàn toàn khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, chỉ để nói lên một thông điệp: việc bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường là việc chung của tất cả mọi người, chứ không phải cứ nghĩ là chỉ có người giàu, người giỏi … mới bảo vệ môi trường. Và ngoài ra, ông Robert Swan trưởng đoàn mình, người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã từng đi bộ đến cả Nam Cực và Bắc Cực, để đưa thông điệp về các vấn đề khí hậu toàn cầu, là một người cực kỳ truyền cảm hứng. Ông ấy, và một số người hướng dẫn khác trong đoàn, là những nhà thám hiểm chuyên nghiệp, những nhà khoa học, đã cho mình hiểu về tình trạng trái đất nóng lên, mà trước đó mình hoàn toàn không biết gì hết, và cho mình thấy thế nào là niềm đam mê thật sự.
Khi mình đã được thay đổi nhận thức, khi mình đã phát hiện ra niềm đam mê mới, thì kéo theo hành động thôi. Lúc về lại Việt Nam, đi làm từ sáng đến tối rồi cuối tháng nhận lương thấy áy náy quá là mình vẫn chưa “trả nợ đời”, thế là bỏ việc, để đi kiếm các công việc liên quan đến môi trường xã hội mà mình đam mê.
Tổ chức chị thành lập hoạt động mạnh ở hai vấn đề chống biến đổi khí hậu và bảo vệ động vật hoang dã. Có phải chị cho rằng đây là hai vấn đề lớn nhất cần được quan tâm không?
Thực ra thì môi trường thì nhiều vấn đề cần được quan tâm lắm, nhưng với tổ chức CHANGE mà mình sáng lập thì mình chỉ tập trung vào 3 vấn đề mà mình cho là cấp bách nhất, là Biến đổi khí hậu, Động vật hoang dã, và Ô nhiễm (bao gồm ô nhiễm rác nhựa và ô nhiễm không khí). Minh nói cấp bách, vì Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu; nhiều thành phố lớn của mình nằm trong số những thành phố có chất lượng không khí kém nhất khu vực; nước mình cũng đứng thứ 4 thải nhiều rác nhựa ra đại dương nhất thế giới; và đồng thời cũng là một trong những thị trường buôn bán tiêu thụ vận chuyển động vật hoang dã lớn nhất thế giới. Toàn là những cái “nhất” mà không ai tự hào cả. Mình chọn 3 vấn đề này, một phần là vì mình đã có nhiều năm làm việc cho các tổ chức quốc tế hoạt động mạnh trong những lĩnh vực này nên mình cũng đã được đào tạo, và cũng đã xây dựng được mạng lưới những người ủng hộ và các tình nguyện viên. Nhưng một phần lớn hơn thì đây là những vấn đề mà tuy trông có vẻ vĩ mô, nhưng đều có thể được giải quyết thông qua việc thay đổi nhận thức hành vi của mỗi người dân. Sở dĩ như vậy là vì chính mình cũng là đã từng là người không hiểu gì về các vấn đề môi trường hết, nên mình hiểu được cái sức mạnh của sự thay đổi khi nhận thức được thay đổi.
Chị cảm thấy điều gì khó khăn nhất khi thực hiện các hoạt động, chiến dịch bảo vệ môi trường?
Có lẽ vẫn luôn là cái nhận thức. Một trong số đó là cái suy nghĩ là con người là chúa tể muôn loài, nên tự cho mình cái quyền giết các loài vật khác để lấy cái sừng hay bộ xương để làm thuốc chữa bệnh hay lấy cái ngà làm đồ trang sức, hay phá đi một cánh rừng để khai thác gỗ hay nuôi trồng thực phẩm cho mình. Một suy nghĩ khác nữa là “Vì sao tôi lại phải bảo vệ môi trường trong khi tôi còn đang tỉ việc khác phải lo (công việc, gia đình, làm kinh tế, các cơ hội phát triển v.v.)?”. Mọi người không nhìn thấy cái mối liên hệ chặt chẽ giữa thiên nhiên và con người, nên cứ nghĩ bảo vệ môi trường chỉ là bảo vệ con voi, hay cái cây, hay dòng sông… là những thứ chả liên quan gì đến họ, mà không thấy được rằng, nếu dòng sông, hay đại dương, hay không khí bị ô nhiễm thì chính sức khoẻ và cơ hội làm kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng; không thấy được rằng chính là do con người cứ phát triển kinh tế lấy được, nên hiện nay 9 trên 10 người trên thế giới đang phải hít thở không khí bị ô nhiễm, không thấy được rằng do con người cứ xài đồ nhựa dùng 1 lần vô tội vạ nên hiện nay 90% muối ăn trên toàn cầu đã nhiễm vi nhựa, không thấy được rằng cứ tiêu thụ buôn bán động vật hoang dã và lấn chiếm các sinh cảnh hoang dã đã dẫn đến việc lây lan các dịch bệnh từ động vật hoang dã sang người, mà cả thế giới đã phải trả giá quá nặng trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Hoặc một cái nhận thức rất khó thay đổi nữa là: “Nước mình còn nghèo thì bảo vệ môi trường làm gì? Các nước giàu kia họ sống sung sướng đầy đủ hết rồi thì mới muốn sống xanh cho có vẻ cool thôi chứ”. Do vậy, các chương trình của mình chủ yếu để thay đổi những nhận thức này, vì chỉ khi nhận thức ra thì họ mới tự động thay đổi.
Và kể cả khi đã có nhận thức, thì từ đó tới thay đổi thói quen, cũng là một bước dài nữa. Mình đang sống trong 1 xã hội tiêu thụ, cạnh tranh bằng giá rẻ, bằng những thứ miễn phí. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng thật là khó vì đồ nhựa dùng một lần thì quá tiện dụng và miễn phí (như túi ni lông, ống hút, cốc nhựa, hộp xốp …), và vì cạnh tranh nên người bán hàng chẳng ai muốn charge tiền những cái này vì sợ mất khách hàng. Tính tiện dụng của đồ nhựa dùng 1 lần có lẽ là cái khó vượt qua nhất, vì đúng là cứ đi tay không ra chợ mua thức ăn rồi tới hàng nào cũng có cái túi ni lông xách về, thì rõ là tiện hơn hẳn so với việc phải lỉnh kỉnh xách làn xách giỏ, hộp đựng thịt hộp đựng cá; đi mua cà phê hay gói xôi ăn sáng thì lấy ly nhựa hay cái hộp xốp sẽ dễ dàng hơn hẳn so với việc lúc nào cũng phải nhớ để xách theo cái bình cà phê của mình, cái hộp của mình, ăn xong thì quăng luôn đỡ phải đi rửa, đặc biệt là trong thời buổi ai cũng bận rộn thế này.
Theo kinh nghiệm và những gì chị nhận thấy được trong quá trình làm việc, có sự thật nào về môi trường mà nhiều người vẫn đang hiểu lầm và thực hiện sai không?
Nhiều lắm, một ví dụ điển hình là khi bạn đi ngoài đường, thấy người ta bán những con rùa, con chim đẹp, hay đi công tác ở tỉnh ở những vùng rừng thấy họ bán con voọc hay con cầy, thấy thương quá sợ nó bị ăn thịt nên lại bỏ tiền ra mua về để cứu. Như vậy thì vừa vi phạm pháp luật, vì ngay việc mua động vật hoang dã cũng đã là vi phạm rồi chứ không phải chỉ người bán, mà lại vừa làm “kích cầu”, làm cho những kẻ săn trộm và buôn bán trái phép lại tiếp tục đi săn bắt tiếp để tiếp tục bán. Việc bạn cần làm là báo cho cảnh sát môi trường, kiểm lâm địa phương, hay các đường dây nóng để các tổ chức và cơ quan chức năng đến xử lý.
Chị có thể chia sẻ về “lối sống xanh” của bản thân chị và cách thực hiện nó để các bạn đọc chaubuinet có thể dễ dàng tiếp cận và thực hành không?
Mình muốn các bạn đọc của chaubui.net không nghĩ là sống xanh là sống khổ, là phải hy sinh những thú vui ở đời, là không được uống trà sữa hay ăn thịt nữa, phải đạp xe dưới trời nắng, phải tắt máy lạnh, phải nhặt rác, phải đi đâu cũng lỉnh kỉnh làn giỏ hộp nhựa …, sao thấy khổ quá. Cái “lối sống xanh” nó không nên chỉ là một danh sách các việc cần làm và mọi người phải học thuộc một cách máy móc, mà nó nên là thay đổi cái mindset, cái thái độ của mình với môi trường xung quanh. Hãy nhớ 1 điều là mình làm bất cứ việc gì cũng để lại tác động lên môi trường, từ uống ly cà phê buổi sáng cho tới lên mạng đặt mua cái áo thun. Chỉ cần bạn có ý thức để mình giảm tác động từ các việc mình làm mỗi ngày, bằng cách chọn những lựa chọn ít tác động hơn, ví dụ: mua cái sản phẩm điện tử gia dụng thì chọn mua cái tiết kiệm điện hơn, mua thực phẩm thì chọn mua những sản phẩm của địa phương, hoặc trái cây ăn theo mùa (để giảm phát thải do phải vận chuyển hoặc trữ lạnh), thịt bò nhiều tác động hơn trong tất cả các loại thịt thì hãy ăn nhiều gà hơn; hãy nghĩ kỹ hơn mỗi khi mua thêm 1 cái áo hay cái túi chỉ vì đang đợt giảm giá (chứ không phải vì mình cần). Và nên nhớ là sống xanh mới là sành điệu, là đẳng cấp, ví dụ nếu bạn đi mua trà sữa mà xách theo 1 cái ly sang chảnh của Keepcup, hay nếu bạn đi 1 đôi giày thể thao làm từ rác nhựa đại dương, hay dùng bàn chải đánh răng bằng tre, thỏi son hữu cơ và những miếng tẩy trang bằng vải xinh đẹp giặt đi giặt lại được, những chiếc giỏ đi chợ bằng cói thêu tay cực kỳ điệu đàng, hay chiếc cốc nguyệt san Freedom Cups … thì mọi người mới trầm trồ đấy.
Một vài lời chị muốn chia sẻ với các bạn trẻ để tiếp thêm động lực và năng lượng cho các bạn ấy tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường?
Giới trẻ không phải là những người gây ra biến đổi khí hậu, mà lại sẽ phải chịu hậu quả của biến đổi khí hậu trong suốt cuộc đời mình. Nhưng mình tin chính các bạn mới là những người có khả năng tạo nên sự thay đổi, vì các bạn có đam mê và lý tưởng, nhưng cũng đồng thời thông minh, hiểu vấn đề, các bạn có internet, có cộng đồng để có thể truyền cảm hứng cho nhau, và liên kết với nhau cùng hành động. Hiện nay các phong trào môi trường khí hậu của Việt Nam và thế giới đều do giới trẻ làm thủ lĩnh, và chính các phong trào đầy ảnh hưởng tích cực này đã gây một áp lực đáng kể lên các doanh nghiệp và lên chính phủ để họ thay đổi, cải thiện, hay hành động quyết liệt hơn. Các bạn đang có những ngày tháng nhiều năng lượng nhất trong cuộc đời, rất mong các bạn hãy sống hết mình, theo đuổi đam mê của mình, đừng ngần ngại thể hiện bản thân, và đóng góp sức mình giải quyết các thử thách của xã hội. Hãy tự hỏi mình câu hỏi “If not me, then who? If not now, then when?” (Nếu không phải là mình, thì là ai? Nếu không phải bây giờ, thì là khi nào?)
Năm mới này, chị có mục tiêu lớn gì cho bản thân và cho CHANGE, WildAid và các chiến dịch, hoạt động mà chị tham gia?
Theo Liên Hiệp Quốc, nhân loại chỉ còn 9 năm nữa để ngăn chặn những hậu quả không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu. Trong khi các chính phủ, các tổ chức Liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ quốc tế đang nỗ lực với những thay đổi vĩ mô để xoay chuyển tình thế của cuộc khủng hoảng khí hậu, mình tin rằng, các cá nhân cũng có thể đóng góp vào cuộc dịch chuyển vĩ đại này. Trong năm 2022, bọn mình sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình iChange Climate (tạm dịch, Tôi thay đổi vì Khí hậu), là sáng kiến của CHANGE với mục tiêu vận động hàng triệu người Việt Nam nỗ lực giảm tác động lên khí hậu, bằng những thói quen sống xanh sành điệu, để chúng ta sống được lâu hơn trên hành tinh này. Có rất nhiều thứ bạn có thể làm, từ những việc đơn giản như hạn chế lãng phí đồ ăn, giảm mua sắm thời trang nhanh, giảm ăn thịt đỏ, tiết kiệm điện, cho đến những việc khó hơn xíu như đi xe đạp và đi bộ nhiều hơn, trồng cây, cho đến lắp năng lượng mặt trời cho nhà của mình… Các chiến dịch giảm ô nhiễm rác nhựa và ô nhiễm không khí cũng sẽ được triển khai cùng nhiều tổ chức đối tác. Và tất nhiên, bọn mình cũng sẽ tiếp tục các chiến dịch động vật hoang dã mà bọn mình đã tiến hành nhiều năm qua để bảo vệ voi, tê giác, tê tê …, cũng như kêu gọi không ăn thịt thú rừng để bảo vệ đa dạng sinh học và ngăn ngừa các nguy cơ dịch bệnh. Bật mí nhỏ là năm nay tình cờ nhân dịp năm Hổ, bọn mình sẽ ra mắt thêm một chiến dịch mới bảo vệ hổ, loài vật uy dũng của thiên nhiên hoang dã đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Cảm ơn chị Minh Hồng nhiều vì đã dành thời gian tham gia phỏng vấn cùng chaubuinet. Chúc chị nhiều sức khỏe và thành công với những dự án của CHANGE trong trong năm mới Nhâm Dần!
Có thể bạn cũng thích