Có Gì Hot?
#HelloIAm Phan Huy: “Thời trang là một cái nhìn duy mỹ rất thực tế, người ta sẽ nhìn vào bộ trang phục và cảm nhận.”
Thủ khoa đồ án tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc với BST lấy cảm hứng từ ký ức về cánh đồng của ngoại.
Những ngày qua cộng đồng mạng đứng ngồi không yên với BST tốt nghiệp “La Moyenne Région” của Phan Huy – sinh viên trường Đại học Kiến Trúc. Nhiều người ví BST này như một sàn diễn Haute Couture vì độ đầu tư hoành tráng với các chi tiết thiết kế tinh xảo. Phan Huy đã vẽ nên một bức tranh Việt Nam thật bình yên và sống động qua những thiết kế của mình.
Mong muốn hiểu hơn về BST ý nghĩa này và nghe Phan Huy chia sẻ câu chuyện của mình, chaubuinet đã có buổi trò chuyện ngắn cùng Phan Huy. Bên cạnh những thông tin về quá trình thực hiện BST, Phan Huy còn bật mí nhiều điều về những dự án trong tương lai. Cùng chaubuinet ủng hộ Phan Huy bằng cách chia sẻ bài phỏng vấn này để nhiều người biết đến nhà thiết kế trẻ tài năng này nhé!
Get to Know Phan Huy!
Dùng ba từ để miêu tả về bạn
Bình tĩnh, hòa đồng, tích cực.
Một người đã truyền cảm hứng đến bạn trong ngành thời trang
Có ba phong cách thiết kế chính mà mình theo đuổi và những phong cách đó được truyền năng lượng từ 3 nhà thiết kế mà mình rất yêu thích. Đầu tiên đó là sự thanh lịch mình ấn tượng ở ông Pierpaolo Piccioli – Giám đốc Sáng tạo của Valentino. Thứ hai là phong cách lãng mạn, mình ảnh hưởng rất nhiều từ bà Maria Grazia Chiuri – Giám đốc Sáng tạo của Dior. Cuối cùng là phong cách glamorous mình lại cảm nhận được từ bà Sarah Burton – Giám đốc Sáng tạo của Alexander McQueen. Đó chính là những người truyền cảm hứng cho mình trong thời trang và giúp mình luôn làm mới bản thân.
Một sở thích khác bên cạnh thời trang
Mình luôn cố gắng làm mới, không đóng khung bản thân dù mình là tuýp người khá an toàn. Mỗi giai đoạn mình sẽ có một sở thích khác nhau, có lúc mình rất thích cắm hoa, khoảng nửa tuần mình lại đi mua hoa về cắm. Những điều nhỏ nhỏ giúp mình có thêm cảm hứng sáng tác. Có những giai đoạn mình lại thích bơi lội và gần đây nhất là tập gym.
Hoạt động bạn thích nhất khi có thời gian cho bản thân
Mặc dù mình là kiểu người hướng ngoại “part – time” nhưng những lúc rảnh rỗi mình vẫn thích ở nhà xem phim hoặc làm điều mình thích một mình. Đó như một nguồn năng lượng cho mình trong những lúc rảnh rỗi.
Nếu chỉ được diện một màu sắc trong một tuần, bạn sẽ chọn màu gì?
Mình sẽ chọn màu be.
Câu hỏi về công việc và sự nghiệp
Giữa muôn vàn bức tranh nghệ thuật, vì sao bạn chọn bức tranh sơn mài La Moyenne Région trở thành nguồn cảm hứng của mình trong đồ án tốt nghiệp “Việt Nam thanh bình”?
Nó bắt nguồn từ 2 yếu tố. Đầu tiên, nội dung của bức tranh vẽ hình ảnh cánh đồng Việt Nam. Vì nội dung đó xuất phát từ ý tưởng mình muốn thực hiện là bức tranh ký ức về cánh đồng của ngoại mà mình nhìn thấy năm 10 tuổi. Lý do thứ hai vì bức tranh có palette màu rất đẹp với 4 tone ánh bạc, vàng, nâu và đen. Cùng với đó là bút pháp thể hiện rất đặc sắc của nghệ thuật sơn mài, khảm, dát lá vàng,…Tất Cả tạo nên một hình ảnh Việt Nam mà mình muốn truyền tải, một Việt Nam sinh động, hào nhoáng, xa hoa, choáng ngợp.
Với kết quả thủ khoa đồ án tốt nghiệp của trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM, BST được đánh giá là một thành phẩm có độ chuyên nghiệp nhất định. Vậy bạn lấy kinh nghiệm từ đâu trong quãng thời gian sinh viên để ứng dụng vào đồ án tốt nghiệp này?
Để thực hiện được BST là cả quá trình học tập và rèn luyện. Đối với học tập, mình may mắn khi ở trường Đại học Kiến Trúc thầy cô và khoa luôn chú trọng đào tạo, giảng dạy về tính học thuật, chuyên môn. Thứ hai là kỹ năng nghề nghiệp như cắt, may, vẽ sketch, tư duy thiết kế,… Mình lại may mắn khi từ năm nhất, năm hai đã cố gắng xin vào những công ty, cơ sở thiết kế thời trang và được làm việc cùng một số nhà thiết kế ở Việt Nam. Từ đó, mình tích lũy rất nhiều kinh nghiệm để làm giàu hiểu biết của mình và kỹ năng để thực hiện hóa sản phẩm mình mong muốn truyền tải đến người xem. Nhờ hai điều trên mà mình đã hoàn thành được BST tốt nghiệp khá chỉnh chu.
Bạn đã hoàn thành BST này trong bao lâu từ lúc có ý tưởng thiết kế? Đâu là thiết kế tâm đắc nhất của bạn trong BST?
BST này được thực hiện vào khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 3 năm nay, nhưng về ý tưởng mình đã ấp ủ cách đây hơn 1 năm.
Mỗi thiết kế đều có một đồ kỳ công khác nhau, thiết kế kỳ công nhất có lẽ là thiết kế cuối cùng trong BST. Còn về thiết kế thách thức mình nhất là thiết kế ánh bạc. Vì thiết kế này có độ trong suốt nhất định, nó đòi hỏi mình phải kiểm soát bố cục chặt chẽ. Cùng trên bộ đồ này có rất nhiều cách xử lý khác nhau như tạo các khối núi 3D từ vải, ép chất liệu để tạo một chất liệu mới, đánh nổi khối những cánh chim, con thuyền,… Mình vừa làm bộ này vừa hoang mang tìm cách làm thế nào để hoàn thành nó tốt nhất có thể. Vì thế đây là thiết kế mình tâm đắc nhất.
Trong quá trình hoàn thành BST, bạn cảm thấy khó khăn nhất ở công đoạn nào? Vì sao?
Nói về tổng thể BST có 3 điều khó khăn với mình. Điều đầu tiên là thời gian, 4 tháng không quá ngắn nhưng mình còn phải dành thời gian để nghiên cứu và còn vào thời điểm Tết, mọi người đều bận rộn, ít nhập nguyên liệu mới và mình phải về quê nữa. Thứ hai là chi phí, toàn bộ chi phí thực hiện đồ án tốt nghiệp là số tiền mình để dành trong 2 năm đi làm và một chút hỗ trợ từ gia đình. Số tiền này không quá nhiều nên mình phải sử dụng trong mức kiểm soát của bản thân chứ không như mọi người đồn đoán chi phí lên đến 1 tỷ đâu. Thứ ba là về nguồn nhân lực, làm những bộ trang phục này khá cầu kỳ và có nhiều bước đan xen. Nhưng quy trình của mình không được khép kín như các NTK mà mỗi người ở một nơi nên mình phải hệ thống và kiểm soát công việc từ xa. Đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với mình.
Về các công đoạn thực hiện có 2 bước mình thấy khó nhất, đó là bước chọn ý tưởng và khâu hiện thực hóa 4 mẫu trong BST. Các bước khác đối với mình cũng quan trong nhưng thời trang là một cái nhìn duy mỹ rất thực tế, người ta sẽ nhìn vào bộ trang phục và cảm nhận. Nên việc hoàn chỉnh được BST với những mẫu thật là quan trọng nhất. Đây là bước mình dành nhiều sự tâm huyết, kỹ lưỡng và chỉnh chu nhất.
Trước khi hoàn thành đồ án, bạn có từng nghĩ đến “độ hot” của BST khi ra mắt không?
Chưa bao giờ mình nghĩ nó sẽ nổi đến vậy. Vì mình nghĩ nếu mình làm hết sức hết tâm để BST của mình có ảnh hưởng đến một cộng đồng nhất định như các bạn sinh viên trong ngành hay những anh chị trong giới stylist thôi mình cũng rất vui rồi. Nhưng khi BST được mọi người đón nhận, mình mới nhận ra là con người Việt Nam rất yêu cái đẹp và quan tâm đến thời trang. Mình có một quan niệm là thời trang cũng giống như một ngành nghệ thuật, nó phải truyền tải được cảm xúc đến mọi người. Vô tình cảm xúc của mình từ cảm hứng miền quê lại chạm đến cảm xúc của mọi người vì ai cũng có những cánh đồng tuổi thơ cho riêng mình. Vậy nên việc chạm được đến cảm xúc của mọi người khiến mình rất vui và hạnh phúc.
Bạn có dự định đưa BST này ra thị trường sau khi tốt nghiệp không?
Mình luôn mong muốn phát triển thương hiệu cá nhân và rất mong muốn đưa BST của mình đến với mọi người. Mình cũng rất vui khi có một vài mẫu thiết kế đã được đặt mua độc quyền để sưu tập.
Sau đồ án tốt nghiệp này, bạn đã có định hướng cho những BST sắp tới của mình chưa?
Mình mong sẽ sớm trình làng một BST chỉnh chu và nhiều mẫu hơn để những ai yêu thích phong cách thiết kế của mình có thể xem được nhiều thiết kế mới.
Chaubuinet được biết bạn từng làm việc với NTK Công Trí và NTK Lê Thanh Hòa. Bạn có thể chia sẻ một vài kỷ niệm trong thời gian làm việc cùng hai NTK này không?
Mình từng làm thực tập sinh ở team anh Công Trí Khoảng 2-3 tháng, còn ở team anh Lê Thanh Hòa thì mình làm trợ lý thiết kế. Thật sự mình phải gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các anh vì đã tạo cơ hội cho mình có một môi trường làm việc quá tốt.
Lúc làm việc với anh Trí vào năm nhất và anh Hòa vào năm 3 mình chưa có kinh nghiệm gì. Nhưng may mắn khi vào công ty này mình được tiếp xúc với những mặt hàng thời trang cao cấp mà trước đó chưa bao giờ mình được chạm vào. Thêm vào đó, mình được chính tay tạo ra và hiểu quy trình để làm ra các BST. Đó là những kinh nghiệm quý báu giúp mình ngày càng phát triển tư duy thiết kế và đặc biệt là những kỹ năng nghề nghiệp. Có những giai đoạn mình bị sốc vì công việc quá khó nhưng cũng chính nhờ điều đó cùng sự cầu toàn của các anh, dần dần làm cho yêu cầu của mình về chính các sản phẩm mình tạo ra cao hơn và ngày càng hoàn thiện hơn. Đây là tiền đề giúp cho mình phát triển tốt hơn các sản phẩm của mình sau này.
BST nào bạn nhớ nhất trong thời gian làm việc cùng NTK Lê Thanh Hòa?
Mình đã làm cùng anh Hòa 2 năm và trải qua 3-4 BST, mình nghĩ đó là BST đầu tiên và BST cuối cùng mình được góp sức một phần nhỏ để hoàn thiện BST của anh Hòa. Đầu tiên là BST Poison lấy cảm hứng từ các loài hoa và cuối cùng là BST Sa Vũ với khối lượng đồ nhiều, hoành tráng. Sa Vũ là một BST thử thách mình về việc quản lý thời gian cũng như khối lượng công việc rất lớn. Nhưng nhờ những áp lực đó giúp cho mình nâng cao kỹ năng của bản thân.
Đâu là những cốt lõi thẩm mỹ mà bạn muốn theo đuổi lâu dài?
Mình tin thời trang sẽ mang lại cảm xúc, nó cũng như một tác phẩm nghệ thuật. Nên điều mình mong muốn nhất đó là khách hàng, những người yêu cái đẹp nhìn thấy thiết kế của mình sẽ có một cảm xúc gì đó được thổi lên.Thêm một ý nữa tôn chỉ thiết kế của mình theo trường phái thuần khiết. Mình luôn mong muốn đưa sự thuần khiết vào những thiết kế của mình. Nó là sự thuần khiết về vẻ đẹp của ý tưởng, chất liệu, hình ảnh,… đây là cái mà mình luôn ghi nhớ và đi theo mình lâu dài.
Được biết bạn đã có sự chuẩn bị cho thương hiệu riêng. Bạn có thể bật mí thêm với chaubuinet về dự định sắp tới của mình với thương hiệu này không?
Thương hiệu mang tên mình Phan Huy sẽ tập trung chủ yếu dành cho đối tượng khách hàng nữ, nhưng trong tương lai mình cũng sẽ ra mắt những thiết kế dành cho nam. Từ đầm dạ hội, đi tiệc đến thời trang công sở, đồng thời mình cũng ấp ủ sẽ có những thiết kế áo cưới. Mình sẽ cố gắng ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm để gửi đến khách hàng yêu thích và trân quý sản phẩm từ thương hiệu mình.
Có thể nói các local brand Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bạn nghĩ mình sẽ mang đến điều gì khác biệt khi bước chân vào “sân chơi” này?
Với nền thời trang Việt Nam hiện tại, mình thấy các anh chị đi trước và cả các bạn trẻ đều làm cho thời trang Việt Nam phát triển rực rỡ. Vì thế mình cũng muốn mang tinh thần đưa nghệ thuật vào thời trang để thương hiệu của mình có tính nghệ thuật nhất định. Từ đó giúp thương hiệu mình có độ nhận diện và những người yêu thích sẽ nhận ra. Đó là điều mà mình luôn trăn trở, cố gắng để thực hiện cho thương hiệu mình sau này.
Trước khi học thời trang bạn từng chia sẻ về suy nghĩ “Thời trang là một cái gì đó rất xa xỉ” vậy bây giờ bạn còn suy nghĩ đó không?
Bây giờ thì không, khi vào ngành thời trang mình lại thấy nó rất hay. Ngày xưa mình nghĩ học ngành này chỉ ra làm được NTK thời trang và mình đọc rất nhiều review thấy các anh chị nói rằng học thời trang vừa phải có tiền, vừa phải có mối quan hệ,… Nhưng bây giờ mình thấy ngành thiết kế thời trang ra trường còn có thể làm stylist, viết về thời trang, thiết kế cho các local brand,… Đây là những công việc rất thực tế chứ không hề xa hoa phù phiếm. Như mình từ Quảng Trị vào đây, không hề có mối quan hệ nào trong ngành thời trang nhưng mình vẫn được thử sức mình trong các môi trường tốt nhờ vào những cơ duyên. Đó sẽ là cơ hội phát triển cho tất cả mọi người chứ không của riêng ai.
Qua hành trình cá nhân để đến được thành công của ngày hôm nay, bạn hãy gửi đôi lời nhắn nhủ đến các bạn học sinh, sinh viên đam mê thời trang nhé!
Mình thấy các bạn đang làm quá tốt, mình thường bị choáng ngợp qua mỗi đợt đồ án vì các bạn rất giỏi. Vậy nên mình sẽ giành vài lời nhắn nhủ cho bản thân cũng như các bạn đó là chúng ta hãy tiếp tục cố gắng và phát triển để ngành thời trang Việt Nam ngày càng rực rỡ. Chúng ta hãy cùng nhau làm thời trang bằng tất cả tình yêu và tâm huyết nhé!
Cảm ơn Phan Huy đã tham gia phỏng vấn cùng chaubuinet. Chúc Phan Huy sẽ thật thành công với thương hiệu của mình cũng như đưa những BST ý nghĩa đến với mọi người.
Có thể bạn cũng thích