Phong Cách Sống
“Hawthorne Effect”: Việc thay đổi hành vi khi bị theo dõi cho biết điều gì về tính kỷ luật của con người trong công việc?
Hawthorne Effect đề cập đến xu hướng ở một số cá nhân thay đổi hành vi khi hành động của họ được quan sát.
Hiệu ứng Hawthorne đề cập đến xu hướng ở một số cá nhân thay đổi hành vi khi hành động của họ được quan sát. Hiện tượng này ngụ ý rằng khi mọi người nhận thức được rằng họ là đối tượng trong một thí nghiệm, thì sự chú ý mà họ nhận được từ những người làm thí nghiệm có thể khiến họ thay đổi hành vi của mình.
Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hiệu ứng này trong xã hội. Trong một tiết dự giờ, giáo viên có thể biết rằng hiệu trưởng hoặc ban giám hiệu đang quan sát mình, bởi vậy họ thể hiện năng lực sư phạm và sự quan tâm đến học sinh nhiều hơn bình thường. Đồng thời, sự hiện diện của những người quyền lực (cùng các hình thức kỉ luật) cũng ảnh hưởng đến học sinh, khiến các em trật tự, tập trung vào bài giảng, hợp tác với giáo viên tốt hơn mọi ngày.
Hoặc khi đi phỏng vấn, chúng ta luôn muốn thể hiện con người tốt nhất – thân thiện, chăm chỉ, chuyên nghiệp – thay vì phô ra những mặt xuề xoà thường ngày. Chính áp lực của việc bị quan sát, đánh giá từ người phỏng vấn khiến đối tượng phải thay đổi hành vi của mình.
Nguồn gốc của nghiên cứu Hawthorne
Hiệu ứng Hawthorne bắt nguồn từ nghiên cứu về hành vi làm việc do giáo sư Elton Mayo của Trường Kinh doanh Harvard thực hiện tại nhà máy Western Electric’s Hawthorne Works ở Hawthorne, Illinois, từ năm 1924 đến năm 1932. Sau đó vào năm 1950, nhà nghiên cứu Henry A. Landsberge đã tiếp nối nghên cứu tại Hawthorne và kết luận rằng “năng suất làm việc được cải thiện khi công nhân – đối tượng nghiên cứu – biết rằng họ đang bị quan sát”
Mục tiêu ban đầu của nghiên cứu Hawthorne là tìm ra hiệu suất làm việc của người lao động dựa trên những thay đổi trong các khía cạnh khác nhau của nơi làm việc. Các yếu tố như thời gian nghỉ ngơi và thời lượng ngày làm việc được thay đổi để phục vụ cho việc đo lường năng suất.
Theo phân tích của Landsberger, bất kỳ thay đổi nào, dù tốt hay xấu, đều có thể cải thiện năng suất của đối tượng miễn là nghiên cứu tiếp tục diễn ra. Hay nói cách khác, sau khi thời gian nghiên cứu kết thúc, hiệu suất trở lại mức cũ. Ví dụ như, việc kéo dài thời gian nghỉ giải lao cho người lao động có tác động tích cực đến năng suất tương đương như việc rút ngắn thời gian nghỉ ngơi song cung cấp cho nhân viên biết rằng họ đang được quan sát.
Để nhân viên trở thành những “chú ong chăm chỉ”!
Sự thay đổi trong cách quản lý tạo nên sự thay đổi trong năng suất.
Không chỉ tìm ra cách tăng năng suất của nhân viên, nghiên cứu Hawthorne còn chỉ ra điều quan trọng của tính hiệu quả trong công việc là xem xét mối quan hệ giữa nhu cầu của con người với công việc và môi trường làm việc. Chính những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của nhân viên.
“Quan sát” đầy tinh tế
Chúng ta có thể tin rằng nhân viên cũng “cần” theo dõi từ phía quản lý để tạo động lực làm việc cho bản thân. Và tất nhiên, sự theo dõi không nên được hiểu là giám sát với nhiều luật lệ cứng nhắc hay nhìn chằm chằm vào nhân viên 24/7, mà chính là cách nhà quản lý để tâm tới tiến độ hoàn thành công việc của nhân viên. Đồng thời, chủ động kết nối với nhân viên để nắm bắt nguyện vọng, sẵn sàng tạo điều kiện cho họ và đáp ứng các đề xuất hợp lí cũng là một cách để thể hiện sự khéo léo của các nhà quản lý.
Đúng người, đúng nhóm
Nhân viên có thể phát huy khả năng của bản thân kém hơn nếu bị xếp sai nhóm. Đồng thời, được truyền đạt rõ ràng về cách người khác đang làm việc có thể có tác động tích cực đến sự tham gia của thành viên trong nhóm. Trong cuộc thử nghiệm ở Hawthorne, hai công nhân non trẻ được thay thế bằng hai người mới có nhiều kinh nghiệm hơn, trong đó một người đảm nhận vai trò trưởng nhóm. Các nhà nghiên cứu sau đó đã phát hiện ra rằng sản lượng tăng lên sau khi thay thế, do năng suất của những người mới tốt hơn và có ảnh hưởng quyền lực hơn đối với những công nhân khác.
Nguồn thúc đẩy vô hình
Động lực của con người trong công việc không đơn thuần được thúc đẩy bởi kinh tế, mà là các yếu tố cảm xúc – cụ thể là cảm giác được trân trọng, quan tâm và được khuyến khích tham gia đóng góp cho cộng đồng của mình. Như vậy, điểm mấu chốt của năng suất là các nhà quản lý phải khiến nhân viên cảm nhận rằng cảm nhận của họ được lắng nghe và khuyến khích sự đóng góp của họ với môi trường làm việc.
Có thể bạn cũng thích