Yêu Bản Thân
Gen Z hỏi: “Làm thế nào để thân thiết hơn với ba mẹ?”
Giao tiếp tích cực sẽ kéo gần khoảng cách tình cảm giữa ba mẹ và con cái.
Có những người mặc dù không biết cách bày tỏ tình cảm, nhưng họ luôn muốn ba mẹ biết “Con yêu ba mẹ rất nhiều”. Có những người mặc dù thường xuyên tranh cãi với ba mẹ, nhưng họ luôn ao ước có thể thân thiết với ba mẹ hơn. Có những người đã trải qua tuổi thơ đầy tổn thương, nhưng họ vẫn mong mối quan hệ ba mẹ và con cái được hàn gắn.
Những mong ước này có lẽ đã đôi lần dằn xé tâm trí chúng ta. Những đứa con bao giờ cũng mong được sống trong tình yêu thương và chấp nhận của ba mẹ. Đó có thể là điều quan trọng nhất làm nên nền tảng của sự an yên. Chúng ta biết rằng bão rồi sẽ dừng sau cánh cửa, có ba mẹ chở che thì lòng dạ cũng vững càng hơn khi đối mặt với khó khăn.
Chúng ta thường tiếc nuối phải chi ba mẹ nuôi dạy chúng ta theo cách khác thì giờ mối quan hệ gia đình đã êm ấm hơn, nhưng mong người khác thay đổi để phù hợp với bản thân vốn là một chuyện khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng trong việc cải thiện mối quan hệ với ba mẹ, đó là thay vì mong ba mẹ thay đổi, chúng ta hãy là người chủ động thay đổi. Khi chủ động giao tiếp tích cực với ba mẹ, mối quan hệ giữa ba mẹ và chúng ta sẽ dần trở nên hòa thuận hơn. Mời bạn cùng Chaubuinet thực hành một số cách giao tiếp tích cực với ba mẹ nhé.
Chấp nhận ba mẹ
Ba mẹ có quan điểm riêng, tính cách riêng và lớn lên trong môi trường rất khác với bạn. Đó chính là khoảng cách thế hệ. Ba mẹ làm những điều mà họ cho là tốt nhất đối với gia đình và con cái. Có thể ở thời của ba mẹ bạn, ông bà đã nuôi dạy con cháu trưởng thành theo cách đó, nên ba mẹ bạn cũng làm tương tự. Còn với bạn, bạn xem đó là những quan điểm cũ kỹ.
Mỗi người đứng ở góc nhìn khác nhau nên khi trò chuyện sẽ dễ bất đồng quan điểm. Nhưng thật ra cũng không có ai hoàn toàn vô lí, bạn là người trẻ cập nhật kiến thức nhanh chóng và có điều kiện sử dụng công nghệ tân tiến, còn ba mẹ bạn lại dày dạn kinh nghiệm sống. Cả hai có thể chấp nhận góc nhìn của nhau và bổ khuyết cho nhau, hỗ trợ nhau sống tốt hơn. Bạn có thể thử hướng dẫn ba mẹ sử dụng những nền tảng mạng xã hội hay thiết bị điện tử. Bạn cũng có thể hỏi xin kinh nghiệm của phụ huynh về cách nhìn người và đối nhân xử thế. Thông qua cách giao tiếp như thế này, ba mẹ sẽ hiểu rằng bạn biết lắng nghe và không chê ba mẹ lạc hậu. Phòng vệ giữa ba mẹ và bạn cũng sẽ dần mất đi.
Thấu hiểu ba mẹ
Khi bạn còn trách móc ba mẹ, bạn sẽ rất khó giao tiếp với ba mẹ bằng ngôn ngữ yêu thương. Có thể ba mẹ ít khi dành thời gian cho bạn là vì đang bận rộn kiếm tiền, có thể ba mẹ ít khi nói yêu bạn vì cách họ thể hiện tình yêu là qua hành động. Ba mẹ không đồng ý với nghề nghiệp mà bạn chọn vì lo bạn sẽ vất vả trong tương lai hay ba mẹ ngăn cản tình yêu của bạn vì thấy người ấy không tốt. Bạn hãy tìm hiểu và lắng nghe suy nghĩ của ba mẹ thay vì phản bác lại ngay lập tức khi đôi bên có suy nghĩ khác biệt nhau.
Thay đổi cách trò chuyện
Nếu như trước đây bạn và ba mẹ thường xuyên cãi vã, hiểu lầm nhau hoặc thậm chí là không nói chuyện mà chỉ suy đoán suy nghĩ của đối phương, thì bây giờ bạn nên tập giao tiếp với ba mẹ theo cách khác. Hãy trò chuyện qua lại cho đến khi đôi bên hiểu rõ ý nhau. Bạn hãy nói rõ ràng, thẳng thắn góc nhìn của mình, kiên nhẫn giải thích lí do vì sao bạn làm như vậy với ba mẹ. Và bạn hãy nhớ là không làm bất cứ ai bị tổn thương nhé, thẳng thắn khác với tấn công.
Bạn có thể dừng lại một chút để chọn lựa câu từ phù hợp để nói chuyện với ba mẹ, thay vì đáp trả ngay lập tức. Làm nhiều thành quen, khi bạn bình tĩnh thì ba mẹ cũng không có lí do gì để tức giận phản bác bạn phải không nào?
Ba mẹ không hoàn hảo
Ba mẹ cũng đang cố gắng làm tốt nhất vai trò của mình nên vẫn sẽ có những thiếu sót, có lúc vô tình làm bạn tổn thương. Nhưng bên cạnh những khoảnh khắc căng thẳng, ba mẹ cũng đã làm cho bạn rất nhiều điều. Thay vì chỉ nhớ tới những lúc không vui, bạn hãy nhớ cả lúc bạn hạnh phúc như thế nào khi có ba mẹ ở bên cạnh. Khi trò chuyện với ba mẹ, bạn có thể nói với họ rằng “Con biết ba mẹ rất yêu con và con hiểu ba mẹ đang lo lắng như thế nào. Con cũng đã suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa ra quyết định, con nghĩ đây là điều phù hợp nhất với con bây giờ. Mong ba mẹ sẽ ủng hộ con.”
Hầu hết mọi người đều mong rằng mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái sẽ luôn hòa thuận. Nhưng trong bất kì mối quan hệ nào cũng sẽ đôi lúc cãi vã và giận hờn nhau, quan trọng là cả hai bên đều biết rằng đây chỉ là những khoảnh khắc nhất thời. Khi đã trò chuyện và thấu hiểu cho nhau thì tình cảm gia đình lại trở nên thân thiết và bền chặt hơn.
Bạn và ba mẹ giao tiếp với nhau như thế nào? Hy vọng những mẹo giao tiếp ở trên có thể giúp bạn gần gũi với ba mẹ hơn.
Có thể bạn cũng thích