
Yêu Bản Thân
Gen Z đầu tư chứng khoán: Những cú sốc đầu đời trên thị trường xanh đỏ!
Những nhà đầu tư Gen Z thường mắc lỗi gì khi bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán?
Năm 2021 – 2022 là thời điểm thế hệ thuộc Gen Z bắt đầu chuẩn bị cho sự nghiệp. Việc đầu tư – tích lũy từ tuổi đôi mươi để hưởng trái ngọt lúc trung niên đã và đang được thực hiện, họ tập tành tham gia những kênh đầu tư tài chính tiêu biểu như chứng khoán. Tuy nhiên, sự thật không phải ai cũng trụ được trên thị trường này, Gen Z đã phải chịu nhiều cú sốc khó quên.
Bắt đầu với số vốn eo hẹp
Những người sinh từ năm 1997 đến 2012 đều thuộc thế hệ gen Z (theo nghiên cứu của trung tâm PEW). Và cho đến thời điểm này, họ chủ yếu tầm khoảng 24-25 tuổi đổ lại, vừa mới đi làm được vài năm. Chính vì thế nguồn vốn sử dụng để chơi chứng khoán khá eo hẹp.
Cũng bởi vì vốn đầu tư thấp, cơ hội để sở hữu những cổ phiếu tốt trên thị trường không cao. Ngoài ra, quy định giao dịch mua lô của một số sàn chứng khoán hiện nay bắt buộc mua – bán số lượng lô cổ phiếu theo lô chẵn (tối thiểu 100 cổ phiếu).
Mọi người chỉ có thể mua những cổ phiếu giá thấp tầm trung với số lượng ít. Và khi nắm giữ lượng cổ phiếu thấp, lợi nhuận kiếm được sẽ không cao. Điều này gây ra sự thất vọng, thiếu kiên nhẫn và lựa chọn từ bỏ tham gia.

Khó khăn khi lựa chọn mã cổ phiếu để đầu tư
Với số vốn ít ỏi, họ chỉ có thể tiếp cận đến những cổ phiếu có mức giá thấp từ vài nghìn đến vài chục nghìn. Những cổ phiếu này có thể phát hành bởi các doanh nghiệp mới lên sàn, phát hành lần đầu,… nên việc lựa chọn đầu tư tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Thị trường chứng khoán có hàng trăm, hàng nghìn mã cổ phiếu. Có những cổ phiếu được cho là “rác” vì nó không có giá trị thực tế, nếu mua vào sẽ tiền mất tật mang. Rất nhiều nhà đầu tư “tay mơ” bị thị trường “dập” tơi tả một phần do mua phải những cổ phiếu này.
Bởi vì có quá nhiều sự lựa chọn, mọi người không biết nên mua loại nào cho đúng, tâm lý mua đại với hy vọng giá sẽ tăng,…
Một hiện thực khác chính là tình trạng “lùa gà” xảy ra tràn lan trên các mạng xã hội hay thực tế ngoài đời. Đó là những cá nhân, tổ chức, cộng đồng chuyên mồi chài, kêu gọi các nhà đầu tư mới, mua một số cổ phiếu nào đó và cam kết về kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai, đồng thời vạch ra một viễn cảnh tươi đẹp cho mọi người cảm thấy hứng thú và tin tưởng mua theo.
Nhưng cuối cùng, sau khi đổ vốn vào đó, những người đứng đầu tổ chức bỗng dưng biến mất, nắm số cổ phiếu trong tay mọi người lúc này muốn bán cũng không ai thèm mua vì nhà đầu tư có kinh nghiệm họ biết được đâu là cổ phiếu rác. Khi đó tiền mất tật mang, chỉ còn lại sự hối hận và những bài học đáng giá cho một lần ngây thơ, trót dại vì cả tin, không tìm hiểu kỹ.

Thiếu kiến thức đối với thị trường chứng khoán
Việc thiếu kiến thức đối với thị trường chứng khoán gây ra nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư. Bởi vì với số vốn không nhiều, Gen Z cần có sự lựa chọn đúng đắn mới kiếm được lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.
Nhưng, do thiếu hiểu biết về lĩnh vực này nên cơ sở để đưa ra các quyết định không đúng và đủ. Chúng ta không thể đòi hỏi một người mới tham gia vào đầu tư chứng khoán biết cách phân tích biểu đồ, chỉ số, dữ liệu thị trường, các báo cáo tài chính,…. Đây đều là những kiến thức phải vừa học vừa thực hành trong một khoảng thời gian nhất định mới áp dụng hiệu quả trong quá trình đầu tư.
Bài học về kiểm soát tâm lý
Những người mới tham gia thị trường chứng khoán thường khá e ngại và dè dặt khi ra quyết định đầu tư. Một phần vì vốn ít, một phần vì thiếu kinh nghiệm và kiến thức.
Ai cũng mong muốn một khởi đầu tốt đẹp, rằng tài khoản của mình sẽ tím và xanh chứ đừng đỏ, thế nhưng nhiều người thuộc Gen Z đã mất nhiều chỉ trong một hoặc hai lệnh giao dịch. Nếu bạn không vững tâm lý, cảm thấy sợ sệt thì sẽ đi đến quyết định rời khỏi thị trường.
Nhiều người có khi vẫn không thể hiểu được là: Rõ ràng hôm qua thị trường còn rất tốt, thế sao hôm nay lại lao dốc không phanh.
Có một trường hợp tiêu biểu khác, sau khi bạn bán đi một mã cổ phiếu để chốt lỗ – hòa vốn thì giá của chúng lại đột ngột tăng lập một đỉnh mới. Lúc này sẽ xuất hiện tâm lý hụt hẫng, thất vọng và tự trách, giá như mình cầm cự thêm một chút nữa, giá như không bán sớm hơn.

Một số trường hợp quen thuộc hay xảy ra làm nhiều nhà đầu tư điêu đứng như: Chọn mua một cổ phiếu về cơ bản được đánh giá khá tốt, nhưng hôm sau tự nhiên nhiều người tranh nhau bán dẫn đến giá giảm mạnh. Rồi sở hữu cổ phiếu nhưng muốn bán ra thì không có ai mua, cả việc tự nhiên nổ ra một drama nào đó của ông lớn doanh nghiệp làm giá cổ phiếu đột ngột giảm,…
Nếu bạn là người có kinh nghiệm sẽ nhanh chóng điều chỉnh tâm lý, đưa ra phương án xử lý kịp thời. Còn người mới gần như bị “đông cứng” trước những tình huống như vậy. Việc lời – lỗ là hiện tượng rất quen thuộc trên thị trường chứng khoán, nhưng sau tất cả mọi người sẽ rút ra được bài học, kinh nghiệm để tự tin đưa ra quyết định trong lần sau.
Bên cạnh việc rèn luyện, trau dồi và nâng cao kỹ năng kiến thức về chứng khoán, Gen Z nên học các kiểm soát tâm lý hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng của đám đông, không nên vội vàng khi ra quyết định. Từ đó sẽ mang lại kết quả đầu tư tốt hơn trong tương lai.
Đọc thêm những bài viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân tại đây.
Có thể bạn cũng thích