Phong Cách Sống
Frequency Illusion: Từ cảm giác “bị theo dõi” thành chìa khoá marketing đầy tiềm năng
Bạn có bao giờ chú ý đến một hiện tượng rồi cảm thấy chúng xuất hiện khắp nơi quanh mình chưa?
Frequency Illusion (tạm dịch: Ảo ảnh tần xuất) hay hiện tượng Baader-Meinhof là một loại thiên kiến nhận thức (cognitive bias) mô tả xu hướng con người sau lần đầu tiên chú ý đến một sự vật, hiện tượng sẽ cảm thấy chúng xuất hiện khắp mọi nơi quanh mình. Trên thực tế, ấn tượng tràn ngập này xuất hiện chỉ bởi ta bắt đầu chú ý đến chúng nhiều hơn trước.
Những sự bắt gặp tình cờ này không nhất thiết đến từ chủ đề nóng trong xã hội mà có thể là những điều mà người tiếp nhận ít gặp hoặc thậm chí không mong muốn nhìn thấy chúng.
Ví dụ đơn giản cho hiện tượng frequency illusion là khi bạn chú ý đến một bản nhạc cũ, rồi sau đó lại bắt gặp ca khúc được giới thiệu hoặc trở thành nhạc nền trong rất nhiều video Facebook. Hay tương tự như hôm nay, bạn đọc bài viết về Frequency Illusion trên Chaubui.net, thì biết đâu bạn sẽ lại thấy tin về hiện tượng này đâu đó quanh đây.
Khi tất cả bắt nguồn từ tổ chức khủng bố
Khi mới phát hiện, ảo ảnh tần suất chưa mang tên chuyên ngành “Frequency Illusion” mà được gọi là Hiện tượng Baader-Meinhof – đặt theo tên của một nhóm khủng bố người Đức.
Ghi nhận sớm nhất của con người về ảo ảnh tần số là trường hợp của Terry Mullen năm 1994. Trong thời điểm này, Terry Mullen đã đăng tải một bình luận trên diễn đàn báo chí St. Paul Pioneer Press đề cập về việc anh liên tục thấy nhóm khủng bố Baader-Meinhof khét tiếng một thời của Tây Đức những năm 70 sau khi anh biết đến lực lượng này. Lạ lẫm hơn nữa, một người bạn còn từng chia sẻ với Terry một tờ báo đề cập đến Baader-Meinhof – một điều hiếm có thể xảy ra bởi đội quân này đã không còn lý do nào để thu hút truyền thông sau hai thập kỷ.
Chia sẻ của Terry đã nhận về nhiều đồng cảm từ phía các độc giả khác khi họ đều chia sẻ đã từng gặp trải nghiệm lạ lùng giống như anh, chỉ là chưa biết phải gọi tên chúng thế nào. Sau đó, anh đã lấy luôn cái tên của nhóm khủng bố cánh tả để đặt cho hiện tượng con người bắt gặp một thứ ở khắp mọi nơi sau khi biết về chúng.
Đến năm 2016, hiện tượng Baader-Meinhof mới được đặt tên chuyên ngành chính thức là “Frequency Illusion” bởi giáo sư Arnold Zwicky của chuyên ngành ngôn ngữ học Đại học Stanford.
Điều tình cờ đến từ trò chơi của trí óc
Theo giáo sư Arnold Zwicky, ảo ảnh tần suất là một dạng thiên kiến nhận thức gây ra bởi hai quá trình tâm lý là Confirmation Bias (thiên kiến xác nhận) và Selective Attention (chú ý có chọn lọc).
Confirmation bias – sự thiên vị của não bộ
Thiên kiến xác nhận là hiện tượng chúng ta có xu hướng tìm kiếm và tin tưởng vào những thông tin hay sự việc phù hợp với niềm tin vốn có của chúng ta và bỏ qua các bằng chứng không phù hợp đức tin ấy. Ví dụ như khi bạn có quan điểm chính trị mạnh mẽ, bạn sẽ tự nhiên tìm kiếm thông tin ủng hộ quan điểm của mình và diễn giải các câu chuyện tin tức theo cách có trọng lượng hơn giúp củng cố những quan điểm ấy. Tương tự như vậy, bạn có xu hướng nhớ về những bài viết có chi tiết ủng hộ quan điểm của mình hơn là những luồng tin bất lợi.
Selective attention – sự hạn chế tiếp nhận thông tin
Sự chú ý có chọn lọc đóng vai trò là chiếc màng lọc giúp con người trải nghiệm mọi thứ mà không sợ bị quá tải thông tin. Trong một ngày, chúng ta phải tiếp nhận hàng loạt dữ liệu nhưng không có cách nào thu nạp hết chúng, vì vậy, não bộ đã phát triển khả năng tập trung sự chú ý vào yếu tố nhất định và lược bỏ các thông tin quan trọng khỏi trí nhớ của chúng ta.
Như vậy, sự kết hợp của thiên kiến xác nhận và sự chú ý có chọn lọc khiến con người chỉ thấy được điều bộ não muốn. Đồng thời, chúng củng cố niềm tin cho người tiếp nhận rằng tất cả mọi thứ là sự xuất hiện tình cờ đầy trớ trêu, khiến họ không thể biết rằng chính não bộ đang dối lừa chúng ta với những sự ưu tiên, chọn lọc có chủ đích của chúng.
Frequency Illusion – tốt hay xấu?
Là “mối nguy” trong công việc…
Ảo ảnh tần suất thường vô hại trong đời thường nhưng hoàn toàn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng trong nghiên cứu chuyên ngành:
Với cộng đồng khoa học, một hiện tượng phổ biến nhất mà nhóm học giả này có thể “nhiễm” phải là sự kết luận tức cho một nghiên cứu bất kỳ sau khi chứng kiến kết quả mẫu, các quan sát có phần “tương tự” với nghiên cứu thực hiện trước đó. Sự thiên vị đó có thể khiến các học giả bỏ lỡ mất các minh chứng nhỏ song có thể tạo ra ảnh hưởng lớn cho khoa học.
Ảo ảnh tần suất cũng có thể gây ra lỗi sai trong hệ thống pháp luật. Ví dụ như lời khai của nhân chứng thường mang tính chủ quan, thành kiến xác nhận và sự chọn lọc có chủ đích có thể tác động đến hồi ức của người điều tra, khiến họ nhìn nhận vụ án tương tự với các sự vụ cũ và khiến việc phá án đi sai hướng.
Trong y tế, bạn cũng có thể đã từng bị chẩn đoán sai bệnh từ bác sĩ – hậu quả của Frequency illusion. Để bắt kịp với thực hành y học, các bác sĩ nghiền ngẫm các sách y khoa để hiểu triệu chứng các loại bệnh. Đó cũng chính là lý do một số chẩn đoán sơ bộ không thể là kết luận về bệnh của bạn, khi trò chơi của não bộ đã khiến một bác sĩ đầy kinh nghiệm bỏ lỡ các chẩn đoán tiềm năng khác.
…hay công cụ tuyệt vời trong học tập
Tuy nhiên, Frequency Illusion cũng đem lại lợi tích cho con người. Hiện tượng này được nhìn nhận như chất xúc tác cho quá trình học chủ động (active learning) của chúng ta. Học chủ động là tiếp nhận thông tin và áp dụng chúng vào các trường hợp cụ thể, việc trau dồi thường xuyên giúp kiến thức được lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn.
Não bộ của chúng ta yêu thích tìm kiếm và nhận dạng khuôn mẫu (pattern recognition), chẳng hạn như khi nghe nhạc, bộ não sẽ tìm cách tái tạo “khuôn mẫu” (pattern) của các giai điệu và đoán xem các giai điệu tiếp theo là gì. Đây chính là lý do giúp bạn học thuộc một bản nhạc rất nhanh bởi trí não dường như đã làm thân với giai điệu đó. Như vậy, trí não luôn sẵn sàng giúp bạn trở nên tốt hơn, điều quan trọng là chúng ta cần chủ động quan sát để kiến thức tìm đến mình dễ dàng hơn.
Một trong những chiến lược marketing quan trọng
Frequency Illusion thuộc top 10 hiệu ứng tâm lý học ứng dụng nhiều nhất trong marketing bởi khả năng thu hút sự quan tâm của khách hàng đến với sản phẩm, thương hiệu.
Thúc đẩy sự nhận thức về thương hiệu
Bạn cần phải nhìn thấy một thương hiệu đủ 3 lần để có thể chú ý đến nó. Sự hiện diện của ảo ảnh tần suất nhắc nhở cho bạn rằng một thương hiệu phải xuất hiện thường xuyên trước công chúng thì mới có thể mong công chúng ấn tượng về mình.
Bởi vậy, cách tốt nhất để thu hút khách hàng là một thông điệp thương hiệu nhất quán. Những gì thương hiệu đại diện phải thể hiện đồng đều trong mọi khía cạnh kinh doanh, từ bài đăng trên mạng xã hội, ấn phẩm truyền thông, tương tác với công chúng, cho đến các chiến dịch lớn. Và ngược lại, việc thay đổi phong cách hay thiết kế cũng không được khuyến khích khi chúng có thể khiến dữ liệu thương hiệu không còn được lưu giữ trong tâm trí khách hàng nữa.
Chiến dịch truyền thông mang USP sản phẩm
Không phải ngẫu nhiên USP (Unique Selling Point), slogan, thông điệp của sản phẩm được các nhà truyền thông quan tâm đến thế. Chế độ “selective attention” chỉ ưu tiên những thông tin cực quan trọng, hoặc cực ấn tượng vào trí nhớ người tiếp nhận. Bởi một TVC quảng cáo đặc biệt cũng giúp sản phẩm có một vé vào tâm trí khách hàng.
Chuyên gia quảng cáo Claude Hopkins đã biến Schlitz Brewing Company trở thành thương hiệu bia số một của Mỹ bằng chiến dịch truyền thông cho các công đoạn sản xuất bia và làm nổi bật độ tinh khiết của thức uống đó. Trong thực tế, thực hiện theo quy trình sản xuất là điều mọi nhà máy bia đều làm, song Schlitz là công ty đầu tiên khai thác được công đoạn này. Sự khác biệt khiến công chúng sớm liên kết bia của Schlitz là tinh khiết nhất thay vì các loại bia khác.
Vận dụng sự công nhận của xã hội
Khi chúng ta không chắc chắn về suy luận của mình, ta thường tìm đến sự trợ giúp của mọi người xung quanh (như một phần của tâm lý đám đông). Tương tự, trong thế giới marketing, bạn nghe người khác nói nhiều, kể hay về một sản phẩm, bạn bắt đầu tin rằng đó là sản phẩm tốt nhất để sử dụng.
Từ hiệu ứng đó, các chiến dịch truyền thông không chỉ đơn thuần vận dụng quảng cáo tự nói tốt về mình, mà còn ưa thích PR (quan hệ công chúng) để vận dụng tình huống “người khác nói tốt về thương hiệu”. Một trường hợp điển hình nhất là Tiktok, bạn có thể dễ dàng nhận thấy một món đồ trở nên “viral” khi có quá nhiều người nói về nó.
Với cách thức hoạt động của não bộ, Frequency Illusion không nên bị coi là tiêu cực. Ngược lại, chúng ta cần nhìn nhận hiện tượng này như là một biện pháp khuyến khích ta chủ động khám phá những điều mới mẻ và học cách áp dụng chúng trong công việc của mình.
Bài viết được thực hiện bởi bạn Phương Linh trong chương trình “Sáng tạo content cùng Chaubuinet”!
Có thể bạn cũng thích