
Phong Cách Sống
Emergency Declaration: Hy vọng leo lắt như ngọn đèn trước gió
Emergency Declaration – “Train to Busan” phiên bản trên không liệu có đạt được kỳ vọng?
Một loại virus nguy hiểm được phát tán ngay trên chuyến bay đe dọa mạng sống của 150 hành khách cùng phi hành đoàn. Đâu sẽ là kết cục cho những hàng khách trên chuyến bay đó? Liệu khi bị đặt vào bước đường cùng, lý trí con người có bị khuất phục trước ham muốn sinh tồn? Cùng Chaubuinet giải đáp những câu hỏi trên qua tác phẩm điện ảnh mới nhất Emergency Declaration đến từ xứ sở Kim Chi này nhé!
1. Khi hung thủ không phải kẻ thủ ác sau cùng
Không giống với đại đa số tác phẩm thông thường, hung thủ trên phim lộ diện và nêu rõ mục đích của mình ngay khi chỉ vừa bắt đầu. Điều này đã hé mở rằng thứ những con người trên phim phải đối mặt sẽ không đơn thuần chỉ là một vụ bắt cóc con tin. Đúng như dự đoán, tên khủng bố do Im Si-wan thủ vai đóng vai trò như người khơi mào cho một sàn diễn, nơi hỗn loạn và bản ngã con người mới là kẻ thủ ác sau cùng.

Trên không trung, trong khi từng hành khách dẫm đạp lên nhau nhằm tìm kiếm cơ hội tiếp tục được sống trong vô vọng, ở mặt đất là cuộc chiến tư tưởng khi không một quốc gia nào sẵn lòng cho chuyến bay kia hạ cánh trước những hiểm họa tiềm tàng mà nó đem lại. Từ đây, sự ngờ vực trong suy nghĩ người xem sẽ dần hình thành, liệu đâu mới là định nghĩa đúng đắn về đạo đức và nhân tính trong cách hành xử của mỗi con người trước một thời cuộc hỗn loạn.
2. Lòng nhân ái và hi sinh thắp sáng thời khắc đen tối
Giữa tình thế ngàn cân treo sợi tóc, hướng thiện của mỗi con người ở mỗi chiến tuyến dần đồng lòng lại với nhau. Những hành khách trên chuyến bay bỏ qua khát vọng được sống mà từ chối hạ cánh vì không muốn virus làm hại đến người thân của mình, hay một nữ bộ trưởng đấu tranh đến cùng cho sự sống của những con người vô tội.

Sau cùng, không tồn tại những siêu anh hùng với áo choàng cùng năng lực phi thường đến giải cứu chúng ta, chỉ có những con người nhỏ bé ở đó, với lòng nhân ái và sự hi sinh cùng đoàn kết, dìu dắt nhau đi qua những thời khắc tăm tối nhất.
Mang đến một câu chuyện kịch tính bao hàm những thông điệp sâu sắc, Emergency Declaration vẫn có những vấn đề nhất định khiến cảm nhận về phim chia thành nhiều luồng ý kiến trong khán giả đại chúng và cả giới phê bình.
3. Rượu cũ trong bình mới, liệu có còn hấp dẫn?
Dòng phim lấy chủ đề thảm họa từ lâu luôn là một trong những sân chơi chủ chốt của điện ảnh Hàn Quốc, minh chứng bằng sự thành công của những tác phẩm như The Host (2006), The Flu (2013) hay cơn sốt Train to Busan (2016) một thời. Theo thời gian, khi một mảng đề tài đã trở nên quá quen thuộc, thách thức cho các nhà làm phim sẽ ngày một lớn dần lên khi các ý tưởng dần trở nên bão hòa, khó tìm ra hướng khai thác mới hơn.

Chính bởi lí do đó, Emergency Declaration của đạo diễn Han Jae Rim, với cách triển khai dài dòng và thiếu nhất quán, trở nên kém thuyết phục trong mắt khán giả đại chúng khi họ không tìm được sự khác biệt của phim so với những tác phẩm tiền nhiệm cùng chủ đề.
4. Lãng phí dàn diễn viên tiềm năng
Song Kang Ho, Lee Byung Hun hay Jeon Do Yeon chắc chắn là những cái tên bảo chứng cho chất lượng cũng như thu hút người xem ra rạp cho bộ phim sau những thành công mà họ đạt được ở thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trước một kịch bản thiếu đột phá, ngay cả những gương mặt kể trên cũng khó lòng vực dậy bộ phim được.

Bên cạnh đó, tuy sở hữu nhiều minh tinh trong cùng một dự án, phim lại tạo rất ít cơ hội để họ phối hợp, tung hứng với nhau trong cùng một cảnh quay. Ngoài ra, dàn nhân vật phụ tuy cũng là những gương mặt nổi bật nhưng màn trình diễn tròn vai là chưa đủ so với những kì vọng mà khán giả và giới phê bình đặt ra cho tổng thể bộ phim
Sau cùng, tuy sở hữu một chủ đề không quá mới mẻ, Emergency Declaration vẫn là một trải nghiệm đáng xem khi mang đến sự kịch tính nhất định trong từng phân cảnh, đồng thời là giá trị sâu sắc về hiện thực những vấn đề trong xã hội hiện thời.


Có thể bạn cũng thích