Yêu Bản Thân
Em và Trịnh: Bài hát về cuộc tình của chính mình
Liệu phim đã thành công trong việc tái hiện cuộc đời và tình yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?
Là một trong hai tác phẩm thuộc dự án phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Em và Trịnh” trở thành dự án điện ảnh nhận được đông đảo sự quan tâm từ khán giả và giới mộ điệu vào giai đoạn giữa năm 2022.
Câu chuyện của phim
Chuyện phim bắt đầu với cuộc gặp gỡ giữa Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii, cô sinh viên người Nhật, tại Paris hoa lệ những năm cuối thập niên 80. Mối lương duyên với âm nhạc dần kéo hai con người lại với nhau, khởi đầu cho những dòng hồi tưởng được bóc mở, tái hiện lại dòng sự kiện, cùng những con người đi qua cuộc đời vị nhạc sĩ giai đoạn 1950-1990.
Trải nghiệm mãn nhãn về mặt nghe và nhìn
Sự đầu tư và chăm chút trong khâu hình ảnh xứng đáng là điểm cộng sáng giá của phim. Dù bối cảnh được trải dài trên nhiều địa điểm khác nhau, đội ngũ sản xuất vẫn mang đến sự mãn nhãn cho yếu tố nhìn của phim khi từng Huế, Đà Lạt và Sài Gòn thời kỳ đó hiện lên sống động và hoài niệm đến thổn thức.
Không phải ai cũng đủ mạnh dạn sử dụng nhạc Trịnh làm chất liệu chắp cánh cho những tác phẩm của mình, bởi chỉ cần một sai sót trong việc truyền tải, giá trị vượt thời đại trong những giai điệu đó khi đến tai khán giả sẽ bị sai lệch hay thậm chí góp phần biến cả bộ phim một trải nghiệm nghe hời hợt. Nhận thức được những thách thức đó, đoàn làm phim đã giao trọng trách yếu tố nghe trong “Em và Trịnh” cho một đội ngũ chất lượng xử lý. Từng ca khúc Trịnh được chọn lọc và phối khí lại mang đến một màu sắc tươi mới nhưng vẫn đảm bảo tính vẹn nguyên của giá trị trong từng giai điệu.
Nếu “Nắng Thuỷ Tinh” của danh ca Khánh Ly mang màu sắc của những hoài niệm về một thời đã xa, bản phối mới được thể hiện bởi một lớp nghệ sĩ trẻ sau này như khoác lên màu áo mới tươi trẻ hơn nhưng vẫn giữ trọn vẹn tinh thần nguyên bản của cố nhạc sĩ. Một “Tình Nhớ” vốn đã da diết cảm xúc nay được thể hiện lại bởi Phan Mạnh Quỳnh càng khiến cho cảm xúc người nghe như hoà vào dòng chảy của từng giai điệu vang lên.
Diễn xuất nổi bật từ những gương mặt mới
Thành công lớn nhất của “Em và Trịnh” đến từ việc đoàn làm phim đã tìm được những gương mặt mới nhưng phù hợp hơn cả cho tác phẩm, bao gồm Hoàng Hà và Bùi Lan Hương. Một Dao Ánh trong trẻo pha chút e ấp, ngại ngùng thể hiện qua từng cử chỉ, ánh mắt và nụ cười. Một Lệ Mai – danh ca Khánh Ly khép kín, hiện rõ nét từng trải của một người đã đi qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời. Những gương mặt mới này đã góp phần tạo nên các mảng màu tương phản, nhưng không hề tương chọi cho bộ phim.
Sự bối rối trong việc diễn giải những mối tình
Xuyên suốt những cô gái từng đi qua đời Trịnh Công Sơn, Michiko là người tiến xa nhất trong mối quan hệ với vị nhạc sĩ, trái ngược thay thông tin về cô lại không được phổ biến rộng rãi như những nhân vật khác. So với Dao Ánh hay Khánh Ly, những khoảng trống về Michiko là một chất liệu lý tưởng khi cần tìm nguồn tài nguyên khai thác truyền tải lên phim. Quyết định sau cùng của đội ngũ sản xuất phần nào chưa thỏa mãn được một bộ phận khán giả yêu mến cố nhạc sĩ khi đưa câu chuyện tình yêu này về theo một mô típ nằm phần nhiều trong vùng an toàn nhất định.
Kì vọng lớn từ người ra rạp
Công chiếu sau hơn một năm tạm hoãn vì dịch, ánh nhìn đổ dồn vào tác phẩm mang cả những kì vọng nhất định, phần nhiều đổ dồn vào nhân vật Trịnh Công Sơn. Màn thể hiện của Avin Lu và Trần Lực không hề dưới sức, nhưng việc chỉ dừng lại ở ngưỡng tròn vai là chưa đủ để thỏa hết những kì vọng từ người yêu nhạc Trịnh. Bên cạnh đó, việc đặt nhân vật Trịnh Công Sơn vào những tình thế không cần thiết phần nào ảnh hưởng đến hướng đi cho diễn biến cảm xúc của nhân vật này không tìm được điểm kết ở cuối phim.
Sự mơ hồ trong việc phân bổ tuyến truyện
Trải dài trên nhiều mốc thời gian lịch sử, việc phân bổ một tuyến truyện khoa học sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khán giả xuyên suốt bộ phim. Mỗi tuyến truyện của phim ứng với từng giai đoạn trong cuộc đời vị nhạc sĩ, trong số ấy còn có giai đoạn sở hữu những yếu tố lý tưởng để khai thác sâu, nhưng quyết định sau cùng của đội ngũ sản xuất không thực sự đem đến kết quả như mong đợi. Tuy sở hữu một “sân chơi” đủ rộng, với thời lượng 136 phút, với việc phân bổ tuyến truyện thiếu đi sự khoa học và quyết đoán, điều này góp phần tạo cho khán giả cảm giác mơ hồ xuyên suốt và ngay cả khi bộ phim đã đi qua.
Sau cùng, việc mang đến thiện cảm trong trải nghiệm nghe nhìn đã tạo cho “Em và Trịnh” một ấn tượng đầu mỹ mãn ngay khi trình làng. Tuy vẫn còn những điểm chưa đúng như kì vọng của khán giả và giới mộ điệu, trải nghiệm mà phim đem lại phần nào vẫn có thể chấp nhận được. Nhìn ở góc độ tích cực, dự án về vị nhạc sĩ nói chung, cũng như “Em và Trịnh” nói riêng đã góp phần vào gìn giữ những giá trị được Trịnh Công Sơn gửi gắm vào những giai điệu vượt thời gian mãi đến những thế hệ trẻ sau này.
Có thể bạn cũng thích