Chăm Sóc Da
Tìm hiểu về Clean Beauty – Xu hướng làm đẹp “sạch”
Thế nào là một sản phầm làm đẹp sạch và bạn nên bắt đầu thay đổi thói quen làm đẹp ra sao để tốt hơn cho sức khoẻ và môi trường? Cùng Châu tìm hiểu nhé!
Xã hội ngày càng phát triển, con người ta ngày càng quan tâm đến những sản phẩm mình đang sử dụng hàng ngày và ảnh hưởng của chúng đến môi trường tự nhiên. Sau eat clean thì clean beauty – xu hướng làm đẹp “sạch” đang trở thành từ khoá được tìm kiếm hàng đầu. Vậy thế nào là một sản phầm làm đẹp sạch và bạn nên bắt đầu thay đổi thói quen làm đẹp ra sao để tốt hơn cho sức khoẻ và môi trường? Cùng Châu tìm hiểu nhé!
Thế nào là một sản phẩm làm đẹp sạch?
Ảnh: Birchbox
Một sản phẩm làm đẹp sạch được định nghĩa là sản phẩm an toàn cho con người cũng như môi trường. Những sản phẩm sạch không được phép sử dụng những hoá chất độc hại, và thường chủ yếu làm từ các thành phần tự nhiên. Cũng như khi eat clean, bạn ít sử dụng thức ăn chế biến sẵn và dùng nhiều nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, thì với clean beauty cũng vậy. Những sản phẩm làm đẹp sạch sẽ giúp làn da bạn khoẻ lên một cách tự nhiên và bền vững.
Hiện nay, các hãng mỹ phẩm còn chia nhỏ nhóm những sản phẩm làm đẹp sạch ra thành các dòng khác nhau, như vegan (sản phẩm không chứa thành phần xuất xứ động vật,) organic (sản phầm chứa 95% thành phần hữu cơ, không biến đổi gene), cruelty-free (sản phẩm không thí nghiệm lên động vật), sustainable (sản phẩm có thành phần và đóng gói thân thiện môi trường), non-toxic (sản phẩm không chứa thành phần gây độc hại đến con người và môi trường)… Trước khi quyết định sử dụng, bạn nên đọc kỹ bao bì và thành phần của sản phẩm để nhận biết giữa cách dòng này.
Làm sao để phân biệt được sản phẩm làm đẹp sạch?
Cơ bản nhất, bạn nên đọc bao bì thành phần sản phẩm để tránh mua những sản phầm làm đẹp có chứa chất độc hại, ví dụ như parabens, nhóm chất Ethoxylate, dầu petroleum, hydroquinoe, talc, triclosan, silica và oxybenzone. Đây là những chất hoá học đã được chứng minh là gây hại cho sức khoẻ con người, nhẹ thì gây kích ứng da, nặng thì sẽ ảnh hưởng lâu dài đến nội tạng và hormone người dùng.
Tuy nhiên, khi đọc bao bì, bạn cũng nên nhớ không phải tất cả thành phần nhân tạo đều không tốt, và không phải cứ tự nhiên 100% là tốt đâu nhé! Ví dụ, một số essential oil (tinh chất dầu) có nồng độ quá đậm đặc có thể gây dị ứng da hoặc bào mòn lớp ngoài cùng của da. Một số loại tinh chất như hoa oải hương và chi tràm (tea-tree) vẫn chứa chất hoá học nhân tạo trong quá trình sản xuất. Hoặc dầu cọ là loại dầu được chế biến hoàn toàn tự nhiên và được dùng phổ biến trong son môi và dầu gội đầu, nhưng để xây dựng những trang trại trồng cọ thì tốc độ phá rừng cũng tăng gấp nhiều lần.
Đáng tiếc là hiện nay chưa có 1 tổ chức duy nhất nào có thể quản lý được cả chất lượng, thành phần cũng như quy trình sản xuất của những sản phẩm làm đẹp được coi là “sạch”, nên người tiêu dùng luôn phải hết sức cẩn thận trong quá trình tìm hiểu và sử dụng.
Phải bắt đầu từ đâu để sử dụng sản phẩm làm đẹp sạch?
Theo Châu thì chúng ta có thể bắt đầu từ những sản phẩm sử dụng thường xuyên và trực tiếp trên da nhất, ví dụ như kem dưỡng ẩm cho mặt hay cơ thể. Châu rất vui là gần đây đã có nhiều thương hiệu Việt Nam ra mắt những sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc tự nhiên, được sản xuất trong nước, có tác dụng tốt để làm sạch và thải độc cho da. Vì vậy, Châu đang tìm hiểu để dần dần sử dụng xà phòng, dầu gội đầu, sữa tắm, sữa rửa mặt, tẩy trang, sau đó là đến đồ trang điểm theo xu hướng xanh và sạch hơn cho môi trường. Châu cũng cố gắng mua những sản phẩm có thể refill được để giảm thiểu rác thải nhựa khi sử dụng xong mỗi sản phẩm.
Tất nhiên, trước khi sử dụng bất cứ sản phẩm làm đẹp và trang điểm nào, bạn sẽ cần lắng nghe và tìm hiểu chính làn da của mình xem cái gì là phù hợp nhất nhé. Ngoài ra, vì những sản phẩm làm đẹp sạch cũng có thể có giá tiền cao hơn, nên đây cũng là yếu tố cần cân nhắc, sao cho phù hợp với lối sống của mỗi người.
*Ảnh bìa: Cosmetic Design
Có thể bạn cũng thích