Điểm Tin Thời Trang
Chuyện hậu trường thú vị từ những BST thời trang bền vững của sinh viên
Vất vả nhất phải kể đến quá trình tự nhuộm vải bằng nguyên liệu thiên nhiên và quá trình tỉ mỉ cắt ghép những tấm vải thừa.
Vài năm gần đây, xu hướng thời trang bền vững (eco fashion, sustainable fashion) đang được quan tâm. Thời trang bền vững được thể hiện qua nhiều cách như sử dụng vải an toàn, tự nhiên, hạn chế vải thừa, hạn chế rác thải, bền vững với con người, môi trường, mua sắm có chọn lọc…
Cùng tìm hiểu những điều thú vị trong quá trình thiết kế thời trang bền vững của sinh viên Học viện Thiết kế và Thời trang London nhé!
Khâu tay hàng nghìn mảnh vải nhỏ, trung bình gần 500 giờ/sản phẩm
Trong BST lấy cảm hứng từ sự đối lập giàu nghèo, NTK Đào Thu Trang sử dụng vải denim cũ mua từ hàng thùng và xin từ người quen, sau đó cắt chúng thành hàng nghìn mảnh nhỏ ghép lại, khâu đột bằng tay. Trung bình mỗi sản phẩm cô mất 500 giờ thực hiện. NTK tiết lộ hai ngón tay cô đã rộp nước và chai lại vì khâu quá nhiều.
Không chỉ tận dụng vải cũ, BST của Thu Trang còn được thiết kế đa chức năng, dễ phối cho nhiều phong cách nhằm kéo dài tuổi thọ sản phẩm.
Từ 1 thành 2, biến đồ second hand thành BST mới
Vốn là một tín đồ thời trang second hand, NTK Trần Quỳnh Nhi đã tạo nên một BST đậm chất hiện đại từ những món đồ “Si” trong tủ đồ. NTK đã cắt một chiếc áo phao dài khoét nách thành một chiếc ghile phao ngắn hơn, phần thân áo còn lại được may thành hai tay áo rời. Với những món đồ cũ khác, cô đã cắt hai tay áo để may thành một chiếc quần short buộc nơ và dùng vải áo phao may thành mũ…
6 giờ đun gỗ, đặt vải công nghệ mới từ nước ngoài
NTK Bùi Thanh Lam nói về BST của mình: “Vải đều được dệt từ sợi tự nhiên như lãnh, 100% cotton, len cừu Merino và lụa. Organza được dệt từ sợi polyester tái chế. Mình tự nhuộm vải từ A-Z để nước nhuộm không gây hại cho môi trường. Các màu sắc gồm nâu cam, nâu, đen đều được nhuộm từ chất liệu tự nhiên như gỗ vang, mặc nửa, và nghệ. Riêng công đoạn đun gỗ nhuộm vải đã mất tới 6 giờ đồng hồ”.
Để đảm bảo BST sử dụng những chất liệu thân thiện nhất với môi trường, NTK còn nhập thêm vải da dứa từ Tây Ban Nha. Vải da dứa (Pinatex) làm từ lá dứa có thể tự phân hủy và thay thế cho chất liệu da động vật. Theo ước tính, để tạo ra một m2 vải Pinatex, cần khoảng 480 lá dứa, chi phí sản xuất thấp hơn da động vật.
Hàng chồng quần jeans cũ từ bạn bè… của bố
BST tốt nghiệp của Trung Anh lấy cảm hứng từ nước Nga. NTK đã biến tấu các mảng miếng từ quần bò cũ để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới.
Trung Anh kể lại hành trình thu thập vải: “Mình đã đi tìm vải bò ở chợ và nhờ trường để có thể xin trực tiếp vải bò từ một thương hiệu chuyên đồ denim nhưng đều không đáp ứng được nhu cầu vì chất vải hơi dày và không có nhiều sắc độ như mình muốn. Mình đăng bài kêu gọi góp những đồ bò cũ nhưng không được nhiều. May mắn là nhờ bố mẹ kêu gọi bạn bè, cuối cùng mình đã có một số lượng đồ bò cũ khá nhiều. Điều thú vị là trong số đó, có 30 chiếc quần jeans được góp từ một vài người bạn hồi du học Nga của bố. Câu chuyện du học Nga, thanh xuân tươi đẹp của bố cũng chính là concept cho bộ sưu tập của mình.
Hỏng sản phẩm vì dùng màu tự nhiên
BST của NTK Quỳnh Anh có 80% vải được nhuộm màu tự nhiên từ lá chàm và củ nâu giảm thiểu các chất hoá học từ màu hoá học ra môi trường. NTK còn hạn chế vải thừa bắc cách tận dụng vải vụn, vải cắt còn dư để trang trí.
Quỳnh Anh nói về BST cảm hứng từ thời bao cấp: “Màu chính trong BST của mình là màu nâu thể hiện sự cổ xưa và màu xanh dương là từ áo đại cán dành cho lãnh đạo thời bao cấp. Thế nên hầu hết chỉ cần tới các màu nhuộm tự nhiên. Ngoài ra, mình cũng dùng vải dư để làm chi tiết trang trí cho trang phục.
“Vì dùng vải tự nhiên nên mình thường phải đặt trước 1-2 tuần, ít khi có sẵn vải lắm. Có những loại vải phải đợi đến 3-4 tuần để được nhuộm đúng màu mình thích. Dùng màu tự nhiên có bất lợi là rất dễ bay màu và bị loang, giặt không cẩn thận thì có thể bị hỏng hết ạ. BST của mình có một bộ đã bị loang màu ở quần” – Quỳnh Anh tiết lộ.
Đọc thêm bài viết cùng chủ đề #LCDFFashion.
Có thể bạn cũng thích